NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2000/TT-NHNN14 |
Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2000 |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 15/2000/NQ-CP ngày 6/10/2000 của Chính phủ về một số giải pháp tiếp tục khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân, xử lý kịp thời những vấn đề mới nảy sinh nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững về kinh tế- xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một số nội dung sau:
1. XỬ LÝ NỢ VAY NGÂN HÀNG BỊ THIỆT HẠI DO LŨ, LỤT.
Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc tại đồng bằng sông Cửu Long rà soát lại toàn bộ nợ vay ngân hàng của các hộ dân có liên quan đến thiệt hại do lũ lụt gây nên, xem xét để có biện pháp xử lý thích hợp; cụ thể:
1.1. Về xử lý gia hạn nợ (giãn nợ):
- Đối với các hộ dân còn nợ vay của tổ chức tín dụng bị thiệt hại do lũ lụt, chưa có khả năng trả nợ theo hợp đồng tín dụng, có đơn đề nghị gia hạn nợ thì các tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ theo quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Trường hợp hộ dân vay vốn đã được gia hạn nợ trước khi bị thiệt hại do lũ lụt, nếu đến hạn nhưng chưa có khả năng trả nợ, các tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ thêm một chu kỳ sản xuất kinh doanh đối với cho vay ngắn hạn hoặc thêm 1/2 thời hạn đối với cho vay trung, dài hạn.
1.2. Lập hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ:
- Đối với các khoản nợ vay của các hộ dân tại các tổ chức tín dụng bị thiệt hại do lũ lụt có mức thiệt hại từ 30% trở lên, người vay thực sự khó khăn trong việc trả nợ thì các tổ chức tín dụng lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ, thời hạn đề nghị khoanh nợ tối đa không quá 05 năm.
- Hồ sơ đề nghị khoanh nợ gồm:
+ Đơn đề nghị khoanh nợ của hộ vay vốn.
+ Sao kê khế ước hoặc giấy nhận nợ vay vốn ngân hàng. Đối với Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển thì do chi nhánh Ngân hàng trực thuộc lập.
+ Biên bản xác định thiệt hại do lũ lụt đối với đối tượng vay vốn, ghi rõ mức độ và số vốn bị thiệt hại, có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã và Ngân hàng cho vay vào thời điểm xẩy ra thiệt hại.
+ Phương án trả nợ sau thời gian được khoanh nợ.
- Trên cơ sở Biểu chi tiết nợ bị thiệt hại do lũ lụt năm 2000 đề nghị khoanh nợ của các chi nhánh đã có đầy đủ xác nhận, các tổ chức tín dụng cho vay lập Biểu tổng hợp nợ bị thiệt hại do lũ lụt năm 2000 đề nghị khoanh nợ ( theo các mẫu biểu số 1 và 2 kèm theo Thông tư này).
- Các Ngân hàng cho vay tập hợp toàn bộ hồ sơ đề nghị khoanh nợ theo từng hệ thống và gửi Biểu tổng hợp nợ bị thiệt hại do lũ lụt năm 2000 đề nghị khoanh nợ về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng) trước ngày 31/12/2000 để Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Riêng các Quỹ tín dụng nhân dân, các Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn tại địa bàn thì các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổng hợp và báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Trong thời gian lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ, các tổ chức tín dụng tạm thời chưa thu lãi.
2. CHO VAY MUA LÚA, GẠO TRÁNH LŨ:
2.1. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh huy động đủ vốn để cho Tổng công ty lương thực miền Nam vay mua lúa, gạo tránh lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng lương thực mà Tổng công ty lương thực miền Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mua là 400 ngàn tấn (quy lúa), bao gồm: Long An 100 ngàn tấn, Đồng Tháp 100 ngàn tấn, An Giang 100 ngàn tấn, các tỉnh khác 100 ngàn tấn; Thời gian thực hiện mua từ 25/9/2000 đến 31/12/ 2000. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh thực hiện cho vay theo lãi suất hiện hành để mua hết số lương thực trên.
2.2. Các ngân hàng cho vay tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty lương thực miền Nam vay vốn, trong trường hợp cần thiết thì có sự phối hợp cùng cho vay theo đề nghị của doanh nghiệp.
3. CHO VAY MỚI ĐỐI VỚI CÁC HỘ DÂN.
3.1. Để giúp các hộ dân có vốn kịp thời sản xuất vụ đông xuân, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo huy động đủ nguồn vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các hộ dân bị thiệt hại do lũ lụt để khôi phục sản xuất. Các tổ chức tín dụng cho vay theo quy định hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
3.2. Các đối tượng cần chú trọng cho vay là: giống, phân bón, thuốc trừ sâu, các chi phí khác... để phục vụ trực tiếp cho sản xuất.
3.3.Trường hợp các tổ chức tín dụng nhà nước thực hiện nhiệm vụ cho vay các nhu cầu tại điểm 2 và 3 Thông tư này có khó khăn về nguồn vốn, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để được xem xét xử lý.
4.1. Đối với Ngân hàng Nhà nước:
- Các Vụ, Cục chức năng của Ngân hàng Nhà nước, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh mà các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đề nghị.
- Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, phối hợp chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Hàng tháng tổ chức họp giao ban với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để nắm tình hình và có biện pháp chỉ đạo, xử lý vướng mắc thuộc phạm vi chức năng của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, tổng hợp báo cáo vào ngày 5 hàng tháng kết quả triển khai nhiệm vụ của các tổ chức tín dụng tại địa bàn về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (theo các mẫu biểu số 3 và 4 kèm theo Thông tư này).
4.2. Đối với các tổ chức tín dụng:
- Căn cứ các quy định tại Thông tư này, các tổ chức tín dụng hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện sớm.
- Định kỳ vào ngày 5 hàng tháng, các tổ chức tín dụng tổng hợp gửi báo cáo kết quả cho vay mua lúa, gạo tránh lũ và cho vay khôi phục sản xuất ở vùng bị lũ lụt tháng trước về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) theo các mẫu biểu số 3 và 4 kèm theo Thông tư này .
4.3. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
|
Nguyễn Văn Giàu (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.