BỘ
LAO ĐỘNG |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 10-LĐ/TT |
Hà Nội, ngày 17 tháng 07 năm 1972 |
Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, ngày 13-6-1972, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 117-CP ban hành Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến. Sau khi bàn bạc thống nhất với Tổng Công đoàn Việt Nam và các cơ quan có liên quan, Bộ Lao động ra thông tư giải thích và hướng dẫn thi hành như sau.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, mọi người công dân trong tuổi lao động và có sức lao động đều phải tham gia lao động có ích cho xã hội, để nuôi sống mình và xây dựng đất nước. Do đó, Hiến pháp nước ta đã quy định “Lao động là nghĩa vụ và vinh dự của người công dân”.
Trong tình hình cả nước có chiến tranh, hơn lúc nào hết mọi người công dân phải nêu cao lòng yêu nước, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng hưởng ứng và nghiêm chỉnh thực hiện mọi yêu cầu động viên lao động thời chiến của Nhà nước, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến, nhằm động viên mọi người công dân đem hết sức mình để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, bảo đảm phòng và chống địch họa, thiên tai trong mọi tình huống, thực hiện tốt hơn nữa chính sách huy động, sử dụng sức lao động dồi dào của nhân dân ta một cách công bằng, hợp lý, đạt hiệu quả thiết thực, đồng thời tiếp tục tăng cường quản lý lao động trong thời chiến, đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và cán bộ quản lý trong việc thực hiện chính sách huy động, sử dụng và bồi dưỡng sức lao động.
Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng. Trên cơ sở tiếp tục phát huy lòng yêu nước và truyền thống lao động cần cù, dũng cảm của nhân dân ta, kết hợp với việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong việc thực hiện nghĩa vụ lao động thời chiến đối với mọi người công dân, đáp ứng yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, và nhiệm vụ chuyển hướng kinh tế thời chiến, tăng cường chi viện cho tiền tuyến, đẩy mạnh sản xuất, duy trì đời sống. Thông qua để bồi dưỡng ý thức làm chủ tập thể, quan điểm lao động mới, xây dựng con người mới tạo nên khí thế mới, lao động có tổ chức, có kỷ luật, đạt năng suất lao động và hiệu suất công tác cao.
Điều lệnh đã quy định nghĩa vụ lao động của mỗi công dân; trách nhiệm của mọi cơ quan Nhà nước và cán bộ quản lý; chỉ rõ những điều cần nghiêm cấm, đồng thời quy định chế độ thưởng, phạt, đảm bảo cho việc chấp hành được chặt chẽ và nghiêm chỉnh.
Dưới đây là những nội dung chính cần nhận thức thống nhất để vận dụng đúng đắn.
A. NGHĨA VỤ LAO ĐỘNG TRONG THỜI CHIẾN CỦA CÔNG DÂN
Tất cả mọi công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nam từ 18 đến 60 tuổi, nữ từ 18 đến 55 tuổi, có sức lao động, đều phải được động viên làm nghĩa vụ lao động trong thời chiến để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Cụ thể là mọi công dân phải đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, làm tròn nghĩa vụ lao động, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải nghiêm chỉnh tuân theo lệnh động viên thời chiến của Nhà nước, phải đem hết sức mình thực hiện tốt mọi nhiệm vụ phục vụ chiến đấu sản xuất và công tác.
Như vậy trong tình hình hiện nay, mọi người công dân không phải chỉ làm việc được giao với chế độ lao động, kỷ luật lao động và đi phục vụ cho Nhà nước theo các chế độ huy động lao động hiện hành một cách bình thường mà phải cao hơn nhiều. Mọi người phải làm việc hết sức mình với tinh thần khẩn trương của thời chiến, nỗ lực phấn đấu đạt năng suất lao động và hiệu suất công tác cao, đi phục vụ bất cứ khi nào và bất cứ công việc nào của Nhà nước giao cho, đặc biệt là những công việc khẩn cấp như phòng và chống địch họa, thiên tai.
1. Nghĩa vụ lao động của công nhân, viên chức.
Công nhân, viên chức là lực lượng quan trọng của nền sản xuất xã hội và là những người trực tiếp làm việc trong hệ thống các cơ quan Nhà nước. Do đó, chẳng những phải nghiêm chỉnh thực hiện 5 điều kỷ luật lao động, hoàn thành tốt chức trách được giao, đạt năng suất lao động và hiệu suất công tác cao, mà còn phải chấp hành nghiêm túc những điều sau đây:
a) Tuyệt đối phục tùng lệnh điều động công tác của cấp trên, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất và công tác của Nhà nước. Tuyệt đối phục tùng nghĩa và khi được lệnh điều động thì điều trước tiên của công nhân, viên chức là phải nhanh chóng thu xếp để sẵn sàng nhận công tác. Về phía lãnh đạo mỗi khi điều động công nhân, viên chức, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng và bàn bạc với công đoàn cơ sở để việc điều động được hợp lý. Công nhân, viên chức cũng có quyền đề đạt nguyện vọng của mình với thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, nhưng nếu vì lợi ích chung vẫn phải điều động, thì công nhân, viên chức phải nghiêm chỉnh chấp hành, đừng vì việc trình bày nguyện vọng mà chậm trễ công việc chung.
Để bảo đảm kỷ luật lao động thời chiến, công nhân, viên chức phải giữ vững vị trí, nhiệm vụ sản xuất, công tác được giao không được tự ý bỏ việc hoặc thôi việc.
Nếu công nhân, viên chức không chấp hành lệnh điều động, tự ý bỏ việc hoặc thôi việc thì cần phải đưa ra hội đồng kỷ luật của cơ quan, xí nghiệp xử lý nghiêm khắc. Trường hợp hành động sai trái có tính chất nghiêm trọng, sẽ bị truy tố trước tòa án.
b) Sẵn sàng làm thêm giờ khi cần thiết là để đảm bảo duy trì sản xuất và công tác trong những lúc khẩn trương. Trước khi động viên công nhân, viên chức làm thêm giờ, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải có biện pháp tích cực tận dụng ngày công, giờ công theo chế độ Nhà nước đã quy định. Tránh tình trạng một số người không có việc làm lại huy động những người khác làm thêm giờ.
Ngoài chế độ làm thêm giờ đã được quy định tại thông tư số 05 ngày 09-3-1955 của Bộ Lao động, trong những trường hợp cơ quan, xí nghiệp có những việc cấp thiết phòng, chống và giải quyết hậu quả của địch họa và thiên tai, nhằm duy trì hoặc khôi phục tại sản xuất và công tác hoặc phải tranh thủ hoàn thành nhiệm vụ đột xuất trong thời chiến, thì thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp có quyền động viên công nhân, viên chức làm việc không kể giờ giấc. Tuy vậy thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải có biện pháp tổ chức hợp lý công việc, để rút ngắn, hạ thấp dần thì giờ làm thêm và cố gắng tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật tại chỗ để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, viên chức. Không được lạm dụng, động viên công nhân, viên chức làm thêm giờ quá mức cần thiết hoặc liên miên. Động viên công nhân, viên chức làm thêm giờ trong những trường hợp trên không được quá 5 ngày liền mỗi đợt, nếu công việc chưa hoàn thành cần động viên công nhân, viên chức làm thêm, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải báo cáo và được sự chấp thuận của Ủy ban hành chính tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương (thông qua cơ quan lao động), đồng thời báo cáo ngay lên Bộ, ngành chủ quản biết để nếu cần thì điều động công nhân, viên chức ở nơi khác tới hỗ trợ.
Mỗi khi cần động viên công nhân, viên chức làm thêm giờ, thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp phải bàn bạc với công đoàn cơ sở về mức độ, thời gian, đối tượng động viên và cùng công đoàn làm tốt công tác tư tưởng động viên công nhân, viên chức chấp hành.
Sau mỗi đợt làm thêm giờ, cơ quan, xí nghiệp cần sắp xếp công việc hợp lý, giảm bớt hội họp, tạo điều kiện cho công nhân viên chức nghỉ ngơi, để khôi phục lại sức khỏe.
Công nhân, viên chức làm thêm giờ, làm đêm được hưởng chế độ phụ cấp hoặc chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định tại Chỉ thị số 75-TTg ngày 30-6-1965 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 08-LĐ-TT ngày 23-7-1965 hướng dẫn thi hành của Bộ Lao động.
c) Công nhân, viên chức đã về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động, nếu còn có khả năng phục vụ, thì khi cần thiết có thể được Nhà nước gọi trở lại làm việc.
Công nhân viên chức đã về hưu được gọi trở lại làm việc phải là những người có trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật giỏi, còn tương đối đủ sức khỏe. Đây là động viên anh chị em tiếp tục phục vụ cho Tổ quốc trong lúc có chiến tranh, chứ không phải trở lại biên chế Nhà nước. Trong thời gian làm việc vẫn hưởng nguyên các chế độ hưu trí và tùy theo khả năng cống hiến mà đơn vị sử dụng trả thêm khoản tiền bồi dưỡng, cộng chung lại không quá mức lương và các khoản phụ cấp (nếu có) trước khi về hưu. Nếu có những thành tích xuất sắc, làm việc vượt mức năng suất được hưởng chế độ khen thưởng hiện hành. Thời gian trở lại làm việc được tính vào thời gian công tác liên tục để hưởng thêm chế độ hưu trí.
Công nhân, viên chức, nghỉ việc vì mất sức lao động được gọi trở lại làm việc (kể cả những người nghỉ vì mất sức hưởng chế độ hưu trí) trước hết cũng phải là những người có trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật khá, không nhất thiết đã nghỉ đủ 2 năm và chỉ đặt ra đối với những đơn vị còn chỉ tiêu biên chế. Trước khi gọi trở lại làm việc phải khám lại sức khỏe và phải được chứng nhận có đủ điều kiện sức khỏe tiếp tục làm việc. Khi trở lại làm việc sẽ thôi không hưởng các chế độ phụ cấp mất sức lao động hoặc chế độ hưu trí, mà được xếp lương theo công việc được giao và được hưởng các quyền lợi khác như công nhân, viên chức cùng làm ngành, nghề.
Quyền quyết định gọi công nhân, viên chức đã về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động trở lại làm việc là Bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (nếu thuộc trung ương), hoặc Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (nếu thuộc địa phương).
Việc gọi trở lại những công nhân, viên chức đã về hưu hoặc nghỉ việc vì mất sức lao động phải rất chặt chẽ, tránh tràn làn, phải là những người có các điều kiện nói trên, để phục vụ những công tác quan trọng như: giao thông vận tải, thủy lợi…
2. Huy động công dân làm nghĩa vụ lao động.
Trong điều 5 của Điều lệnh, Chính phủ quy định: “mọi công dân có sức lao động đều phải nghiêm chỉnh chấp hành lệnh huy động và lệnh trưng tập của Nhà nước đi phục vụ bất cứ công việc nào của Nhà nước giao cho, đặc biệt là những việc khẩn cấp như phòng và chống địch họa thiên tai”.
Việc huy động công dân trong thời chiến vẫn áp dụng theo các chính sách hiện hành:
a) Huy động theo chế độ nghĩa vụ dân công phải theo đúng những quy định của Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công thời chiến ban hành kèm theo nghị định số 77-CP ngày 26-4-1966 của Hội đồng Chính phủ. Trường hợp ở những tỉnh và thành phố đã huy động hết số ngày công nghĩa vụ đóng góp hàng năm của nhân dân trong địa phương, mà cần huy động thêm để làm những công việc như đảm bảo giao thông vận tải, sửa chữa đê điều, khôi phục lại sản xuất… thì Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương phải báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép. Trường hợp quá gấp thì được huy động, nhưng phải báo cáo ngay lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Lao động.
Việc huy động theo chế độ lao động nghĩa vụ quy định tại Nghị định số 135-CP ngày 05-8-1969 của Hội đồng Chính phủ phải căn cứ vào chỉ tiêu do Bộ Lao động phân bổ cho các ngành và địa phương. Cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện, củng cố chế độ quản lý để đạt được mục đích của chính sách, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho quần chúng, giảm bớt đóng góp của nhân dân và hợp tác xã.
b) Huy động theo chế độ khẩn cấp: Trường hợp thật khẩn cấp có tính chất cứu nguy, phải huy động toàn dân để kịp thời đối phó với địch họa, thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước, thì áp dụng chế độ huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực ở địa phương theo quy định của nghị định số 232-CP ngày 24-11-1965 của Hội đồng Chính phủ. Khi huy động khẩn cấp phải theo đúng nguyên tắc, thủ tục đã quy định, không được lạm dụng.
c) Huy động theo chế độ trưng tập: Trong thời chiến có những công việc cấp thiết, Nhà nước cần động viên nhân dân phục vụ có thời hạn hoặc không có thời hạn thì áp dụng chế độ trưng tập quy định tại Sắc lệnh số 68-SL ngày 30-11-1945 và Sắc lệnh số 100-SL ngày 30-5-1950 của Chủ tịch nước.
Đối tượng trưng tập là những công dân trong tuổi lao động và có sức lao động không làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.
Việc trưng tập phải được thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục quy định tại thông tư số 22-TTg ngày 07-6-1950 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian phục vụ cho Nhà nước, người được trưng tập được hưởng tiền công theo công việc được giao và các chế độ khác như cung cấp lương thực, thực phẩm, phúc lợi tập thể, bảo hộ lao động, thuốc men bồi dưỡng khi ốm đau… như những người làm hợp đồng tạm thời cho Nhà nước cùng ngành nghề.
Việc động viên nhân dân làm nghĩa vụ lao động thời chiến có quan hệ rất lớn đến sự đoàn kết trong nhân dân và đời sống của quần chúng. vì vậy, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm ra lệnh huy động phải thật chặt chẽ, nghiêm túc, công bằng, hợp lý, đúng chính sách và pháp luật, đồng thời phải coi trọng công tác giáo dục nâng cao lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng của quần chúng để mọi người tự giác, phấn khởi chấp hành.
1. Trong điều 6 của Điều lệnh, Chính phủ quy định: “Những người có sức lao động mà không có nghề làm ăn chính đáng, không chịu lao động và không chấp hành lệnh huy động của Nhà nước, thì Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra lệnh buộc người ấy lao động có ích cho xã hội, theo chế độ lao động bắt buộc từ 6 tháng đến 2 năm.
Quy định này nhằm buộc những người không chịu lao động phải thực sự lao động để trở thành người lao động có ích cho xã hội và góp phần giữ gìn trật tự xã hội.
2. Theo quy định trên, những người không có nghề làm ăn chính đáng là những người mà nguồn sống chính dựa vào những việc làm không đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước, như: buôn bán gian lận, hoặc làm những việc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng chưa đến mức xử lý theo pháp luật; những người không chịu lao động là những người có điều kiện tham gia lao động và đã được chính quyền cơ sở sắp xếp công việc, nhưng vẫn cố tình không chịu làm, sống bám vào sức lao động của người khác. Kể từ ngày Điều lệnh được ban hành, nếu những đối tượng trên đã được chính quyền và các đoàn thể giáo dục, giúp đỡ sắp xếp công việc làm mà vẫn không chịu tham gia lao động và không tuân theo lệnh huy động của chính quyền địa phương, thì Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét ra lệnh bắt buộc họ lao động.
3. Việc ấn định thời gian lao động bắt buộc từ 6 tháng đến 2 năm là căn cứ vào mức độ phạm lỗi của từng người, và có thể rút ngắn nếu có tiến bộ thực sự trong quá trình tham gia lao động. Trường hợp không có tiến bộ thì có thể bị kéo dài thêm, nhưng cộng chung lại không quá 2 năm. Sau 2 năm lao động bắt buộc mà vẫn không có tiến bộ thì xử lý theo pháp luật.
4. Công việc bố trí cho những người bị bắt buộc lao động chủ yếu là lao động chân tay trong ngành xây dựng cơ bản, trồng rừng… theo hình thức tập trung hoặc xen kẽ với lực lượng công nhân của Nhà nước và tùy theo nhu cầu công việc và hoàn cảnh của từng người mà bố trí đi xa hoặc ở gần cho phù hợp.
Ủy ban hành chính địa phương và cơ quan sử dụng cùng có trách nhiệm theo dõi những tiến bộ của người lao động bắt buộc, xét và cấp giấy chứng nhận cho họ khi hết thời hạn.
Trong thời gian lao động, người bị bắt buộc lao động được hưởng chế độ tiền công và các chế độ khác như: khám bệnh, điều trị khi ốm đau, phúc lợi tập thể, bảo hộ lao động, cung cấp lương thực, thực phẩm… như những người làm hợp đồng tạm thời cùng ngành nghề, làm vượt định mức lao động được hưởng chế độ thưởng tăng năng suất lao động. Nếu có những thành tích xuất sắc thì chỉ được biểu dương trong đơn vị.
Ủy ban hành chính địa phương cần sắp xếp công ăn việc làm cho những người đã hết thời hạn lao động bắt buộc, tạo điều kiện cho họ trở hẳn thành người lao động chân chính và ổn định đời sống.
5. Để thực hiện tốt chế độ lao động bắt buộc, Ủy ban hành chính các cấp cần phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác giáo dục cho những người thuộc đối tượng phải bắt buộc lao động, đồng thời phổ biến chủ trương này sâu rộng trong quần chúng, để dựa vào quần chúng giám sát việc thực hiện. Phải kết hợp chặt chẽ giữa việc nhân dân phát hiện, với việc nắm tình hình của cơ quan công an và cơ quan lao động để xác định, phân loại đối tượng những người bị bắt buộc lao động được chính xác.
C. PHẢI THỰC HIỆN ĐÚNG ĐẮN CHỦ TRƯƠNG ĐỘNG VIÊN ĐI ĐÔI VỚI BỒI DƯỠNG SỨC DÂN
Trong điều 7 của Điều lệnh, Chính phủ quy định: “Những người có sức lao động được Nhà nước huy động thì được hưởng các chế độ và chính sách lao động hiện hành về các mặt thù lao, chăm sóc sức khỏe, bảo hộ lao động, nhằm bảo đảm cho người lao động chiến đấu, sản xuất và công tác tốt”.
Quy định này thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người lao động và sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh.
Để đảm bảo thực hiện tốt quy định trên, cần chú ý mấy điểm sau đây:
1. Phải cố gắng đảm bảo chính sách huy động và sử dụng hợp lý mọi lực lượng lao động, đặc biệt đối với lực lượng lao động kỹ thuật, những người làm công tác nghệ thuật, lực lượng học sinh, phụ nữ tạo điều kiện cho họ phục vụ một cách thiết thực, nâng cao được năng suất lao động, hiệu suất công tác.
Mặt khác, trong thời chiến do địch đánh phá nên có lực lượng lao động dôi ra, ngành sử dụng phải kịp thời điều chỉnh, sắp xếp công việc làm cho công nhân viên chức để tạo điều kiện cho ai cũng làm tròn nghĩa vụ lao động và có thu nhập, duy trì đời sống.
2. Đối với những người làm việc ở những nơi nguy hiểm và làm những công việc nặng nhọc, độc hại, cần được hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất, quy phạm an toàn lao động, thao tác làm việc và được trang bị phòng hộ cần thiết, đặc biệt phải tổ chức tốt việc phòng, tránh địch đánh phá để bảo vệ tốt người lao động.
Riêng đối với phụ nữ cần tổ chức tốt nơi giữ trẻ, nơi làm vệ sinh và thực hiện đúng đắn chính sách đối với chịu em đang có thai hoặc nuôi con nhỏ.
3. Trong khi người lao động làm nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn lao động, bị tai nạn chiến tranh, phải được chăm sóc điều trị lành mạnh và hưởng chế độ phụ cấp thương tật (nếu có). Trường hợp hy sinh vì nhiệm vụ, phải tổ chức chôn cất chu đáo, thực hiện chế độ tử tuất đối với gia đình, kịp thời xét đề nghị công nhận là liệt sĩ theo chính sách của Nhà nước.
4. Ủy ban hành chính địa phương và hợp tác xã có trách nhiệm thực hiện đúng đắn các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với những gia đình có người đi phục vụ cho Nhà nước, chú ý bố trí việc làm đảm bảo thu nhập, phân phối, điều hòa lương thực, chăm sóc khi bị ốm đau, giúp đỡ về vật chất khi đời sống gặp khó khăn.
5. Yêu cầu các ngành thương nghiệp, y tế, lương thực và thực phẩm v.v… theo chức năng Nhà nước đã quy định, tổ chức tốt, bảo đảm việc thực hiện các chế độ của Nhà nước đối với người lao động.
Cần dựa vào các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ để phổ biến các chế độ chính sách cho quần chúng hiểu rõ để chấp hành và giám sát việc thực hiện của cán bộ quản lý.
Đối với cán bộ có trách nhiệm, nếu không chấp hành đầy đủ chế độ, chính sách đối với người lao động hoặc có những hành động xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người lao động, thì phải kịp thời thi hành kỷ luật nghiêm khắc.
D. TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP VÀ CÁC NGÀNH SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
1. Trong điều 8 của Điều lệnh, Chính phủ đã quy định: Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm tổ chức đăng ký, thống kê nắm chắc lực lượng lao động trong địa phương mình để sẵn sàng bảo đảm cung ứng đủ cho các nhu cầu chiến đấu và sản xuất.
a) Phải tổ chức đăng ký, thống kê những công dân trong tuổi lao động và lập danh sách lao động theo mẫu thống nhất của Nhà nước (Bộ lao động và Tổng cục Thống kê sẽ hướng dẫn riêng) và có kế hoạch theo dõi tình hình biến động lao động để nắm chắc được khả năng lao động trong địa phương, phân bố hợp lý cho mọi nhu cầu.
Trước mắt dựa vào sổ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu đã có và tài liệu điều tra lao động mà lên danh sách để nắm chắc một số đối tượng: nam thanh niên, những người có nghề chuyên môn, những người thiếu công ăn việc làm ở các thành phố, thị xã và những người thuộc diện bắt buộc lao động có ích cho xã hội.
b) Đi đôi với việc xác định phương hướng sản xuất đúng đắn, cần có kế hoạch chỉ đạo các hợp tác xã tăng cường quản lý lao động, tiến hành cân đối lao động để tận dụng được mọi lực lượng lao động , vừa bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp… phát triển, vừa chuẩn bị sẵn lực lượng đáp ứng kịp thời cho yêu cầu động viên lao động thời chiến của Nhà nước trong mọi tình huống. Đặc biệt phải có kế hoạch động viên ở những nơi còn nhiều lao động, đưa họ ra phục vụ sản xuất và chiến đấu.
c) Trong việc cung cấp lao động cho các yêu cầu của Nhà nước phải hết sức nghiêm túc và khẩn trương, kiên quyết đảm bảo chỉ tiêu, chính sách và thời gian.
2. Trong điều 10 của Điều lệnh, Chính phủ đã quy định “Thủ trưởng các đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm tính toán đúng yêu cầu, tổ chức và sử dụng tốt sức lao động để đạt hiệu quả thiết thực, không được lãng phí sức lao động, phải chấp hành đúng đắn các chính sách và chế độ của Nhà nước đối với người lao động”.
a) Từng ngành, từng đơn vị căn cứ vào chủ trương chuyển hướng kinh tế và quản lý lao động trong thời chiến của Chính phủ mà đề ra phương án tổ chức sản xuất, tổ chức lao động cho phù hợp, nhất là những cơ sở sản xuất ở những vùng trọng điểm địch thường xuyên đánh phá phải sơ tán, phân tán, nhằm đảm bảo cho mọi người lao động đều có việc làm, tăng cường kỷ luật lao động, giữ vững và tăng năng suất lao động, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất và nhiệm vụ công tác trong mọi tình huống. Trường hợp có lực lượng lao động dôi ra phải có kế hoạch điều chỉnh kịp thời theo đúng chủ trương và chính sách hiện hành, tránh giữ người lại mà thiếu việc làm hoặc bố trí vào những việc không cần thiết gây lãng phí lao động.
b) Trong thời chiến việc tuyển bổ sung lực lượng công nhân, viên chức làm lâu dài phải đình chỉ, trừ những trường hợp đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Đối với những yêu cầu cấp bách cần huy động nhân dân làm nghĩa vụ cũng phải có kế hoạch, có tính toán chặt chẽ và được cấp có thẩm quyển (theo quy định tại điều 9) ra lệnh huy động.
d) Để đảm bảo sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động, trước khi tập trung lao động phải chuẩn bị tốt các mặt: kế hoạch sản xuất, công cụ làm việc, nơi ăn ở… cho người lao động.
3. Cần nắm vững và thực hiện nghiêm túc các điều Chính phủ nghiêm cấm.
Trong điều 11 của Điều lệnh, Chính phủ đã nghiêm cấm lạm dụng chức quyền, huy động lao động bừa bãi, tuyển người không có chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hoặc không có quyết định của cấp có thẩm quyền, tự ý nâng giá tiền công, cho công nhân, viên chức thôi việc trái với quy định hiện hành…
Những điều nghiêm cấm đó nhằm đề cao trách nhiệm của mọi cơ quan Nhà nước và cán bộ quản lý phải nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, chính sách huy động, sử dụng và bồi dưỡng sức dân, đồng thời ngăn ngừa mọi tổ chức và cá nhân lợi dụng thời chiến nâng giá tiền công làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường và đời sống của nhân dân. Thực hiện nghiêm túc các điều trên sẽ chống được tình trạng buông lỏng quản lý lao động, mà trước hết là quản lý chặt chẽ được việc tuyển và huy động lao động, hạn chế được việc tăng biên chế không cần thiết hoặc tuyển người sai nguyên tắc.
Trong quá trình thực hiện Điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến, những cán bộ, công dân có thành tích xuất sắc sẽ được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước, như tặng danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động và cấp bằng khen, huy chương, huân chương…
Những người vi phạm Điều lệnh, tùy theo lỗi nặng, nhẹ sẽ bị thi hành kỷ luật nghiêm khắc. Trường hợp phạm lỗi nhẹ sẽ bị xử lý theo kỷ luật lao động hoặc kỷ luật hành chính, như đối với công nhân, viên chức Nhà nước thì áp dụng Điều lệ kỷ luật lao động quy định tại Nghị định số 195-CP ngày 31-12-1964, đối với xã viên các hợp tác xã thì áp dụng nội quy và Điều lệ của hợp tác xã hoặc bị thi hành kỷ luật hành chính của Ủy ban hành chính xã, khu phố… đối với người không làm việc trong các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, các hợp tác xã thì bị thi hành kỷ luật hành chính của Ủy ban hành chính xã, khu phố…
Trường hợp phạm lỗi nặng, như công nhân, viên chức không chấp hành lệnh điều động công tác, tự ý bỏ việc hoặc thôi việc, gây tác hại có tính chất nghiêm trọng thì bị truy tố trước tòa án theo quy định của sắc lệnh số 200-SL ngày 08-7-1948, người không chấp hành lệnh huy động dân công, lệnh huy động khẩn cấp, lệnh bắt buộc lao động có ích cho xã hội thì bị truy tố trước tòa án theo quy định của sắc lệnh số 93-SL ngày 25-5-1950, người không chấp hành lệnh trưng tập thì bị truy tố trước tòa án theo quy định của sắc lệnh số 100-SL ngày 30-5-1950, cán bộ, công nhân có những hành động cản trở việc thi hành, làm sai trái các chính sách động viên lao động thời chiến hoặc gây lãng phí lớn sức dân và công quỹ bị truy tố trước tòa án theo quy định của sắc lệnh số 267-SL ngày 15-6-1956…
IV. TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Bản điều lệnh về nghĩa vụ lao động trong thời chiến là một chính sách động viên nhân lực thời chiến, có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt, trong việc thực hiện tuy có những thuận lợi, nhưng cũng có những khó khăn phức tạp. Vì vậy, để đạt mục đích của Điều lệnh, trong tổ chức chỉ đạo thực hiện cần làm tốt những việc sau đây:
1. Phổ biến sâu rộng nhằm quán triệt mục đích, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của Điều lệnh đến tận công nhân, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người ai cũng thấy được trách nhiệm và vinh dự, ai cũng sẵn sàng làm nghĩa vụ lao động thời chiến, tự hào có những đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở đó tạo ra một chuyển biến mới, mọi người đều chủ động, hăng hái phấn khởi nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệnh.
2. Đi đôi với việc phổ biến quán triệt Điều lệnh, thì vấn đề hết sức quan trọng là từng ngành, từng cấp và từng đơn vị phải có kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, thiết thực và đề ra chương trình thi đua hành động cách mạng có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, nhằm củng cố và tăng cường chế độ quản lý lao động thời chiến, đẩy mạnh sản xuất, công tác và phục vụ chiến đấu. Trước mắt cần tập trung làm tốt việc điều chỉnh và tổ chức lại lao động trong các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, thực hiện tốt công tác tuyển quân và huy động lao động kịp thời phục vụ giao thông vận tải, củng cố đê điều, phòng và chống địch họa, thiên tai, thống kê, đăng ký lao động và tổ chức sẵn lực lượng lao động ở các hợp tác xã để sẵn sàng cung ứng cho các yêu cầu của Nhà nước.
3. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Lao động Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam... tăng cường lãnh đạo các cấp, giáo dục, động viên hội viên, đoàn viên hưởng ứng và gương mẫu thực hiện điều lệnh, đưa nội dung của Điều lệnh vào nội dung các phong trào quần chúng: “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”, “3 quyết tâm”… và gắn với nội dung sinh hoạt thường xuyên của cơ sở, nhằm thúc đẩy việc thực hiện Điều lệnh được liên tục, đồng thời phát huy chức năng giám sát việc chấp hành.
4. Ủy ban hành chính các cấp và thủ trưởng các ngành cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc theo dõi việc thực hiện Điều lệnh ở cơ sở, cần kết hợp việc kiểm điểm thực hiện kế hoạch sản xuất và chương trình công tác với việc kiểm điểm thực hiện Điều lệnh, để kịp thời rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, bổ khuyết những thiếu sót, biểu dương những đơn vị, những người làm tốt, phê phán và thi hành kỷ luật nghiêm minh những đơn vị, những người không nghiêm chỉnh chấp hành.
Cần tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân trong việc khiếu nại, tố giác những tổ chức và cán bộ làm không đúng chính sách và chế độ của Nhà nước. Những đơn khiếu nại và tố giác của nhân dân phải được giải quyết kịp thời theo quy định của Nhà nước.
5. Cơ quan lao động các cấp phải phát huy chức năng của mình, chủ động đề xuất kế hoạch cụ thể giúp sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính và Bộ, ngành chủ quản, đồng thời theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện Điều lệnh trong ngành và địa phương mình.
Ủy ban hành chính các địa phương cần tăng cường tổ chức bộ máy cơ quan lao động cấp tỉnh và huyện, phân công cán bộ chuyên trách ở xã để đủ sức giúp Ủy ban hành chính chỉ đạo việc thực hiện Điều lệnh.
Trong quá trình thực hiện Điều lệnh, nếu có mắc mứu, khó khăn, yêu cầu Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành kịp thời phản ánh, đề xuất và bàn bạc với Bộ Lao động để giải quyết. Trường hợp có những việc không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc có những việc quá cấp thiết đã giải quyết cần thực hiện chế độ báo cáo nhanh lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Lao động, đồng thời giữ đúng chế độ báo cáo thường xuyên.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
LAO ĐỘNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.