TỔNG
CỤC HẢI QUAN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/1998/TT-TCHQ |
Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1998 |
CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 09/1998/TT-TCHQ NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 28/1998/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG THỰC HIỆN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
Căn cứ Luật thuế Giá trị gia
tăng số 02/1997/QH9 ngày 10/05/1997.
Căn cứ Điều 22 Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/05/1998 quy định chi tiết
thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng.
Tổng cục Hải quan hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng đối với hàng
nhập khẩu như sau:
1/ Đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu:
Thuế Giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, người tiêu dùng chịu thuế, Thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, đến tiêu dùng.
Đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam trừ các đối tượng không chịu thuế nêu tại Điều 4 Chương I Nghị định 28/1998/NĐ-CP .
Đối với hàng hóa nhập khẩu, đối tượng chịu thuế Giá trị gia tăng là hàng hóa nhập khẩu dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam được phép nhập khẩu qua biên giới Việt Nam hoặc từ khu chế xuất nhập khẩu vào thị trường nội địa, trừ các đối tượng quy định tại Điều 4 Chương I Nghị định 28/1998/NĐ-CP được nêu dưới đây.
2/ Đối tượng không thuộc diện chịu thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở khâu nhập khẩu gồm:
2.1. Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại bao gồm: Hàng viện trợ của các tổ chức Quốc tế, Nhà nước, Chính phủ, Hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài viện trợ cho Chính phủ Việt Nam hoặc cho các tổ chức đoàn thể hiệp hội của Việt Nam.
a. Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại phải có đầy đủ các giấy tờ để xuất trình với Hải quan như sau:
+ Giấy xác nhận hàng viện trợ của cơ quan có thẩm quyền, ghi rõ cơ quan, tổ chức viện trợ là hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.
+ Các giấy tờ khác có liên quan đến việc tiếp nhận lô hàng như quy định đối với hàng hóa nhập khẩu.
b. Quà tặng cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
Cơ quan tổ chức nhận hàng quà tặng thuộc diện không chịu thuế Giá trị gia tăng phải có công văn đề nghị không thu thuế Giá trị gia tăng (kèm theo các giấy tờ, thủ tục liên quan và cơ quan có thẩm quyền xác nhận hàng hóa nhập khẩu là quà tặng), ghi rõ nguồn gốc số lượng chủng loại hàng hóa nhập khẩu.
c. Đồ dùng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao, hàng mang theo người theo tiêu chuẩn hành lí miễn thuế, hàng là đồ dùng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về nước mang theo.
Số lượng, chủng loại mặt hàng nhập khẩu trong các trường hợp ghi tại điểm b, điểm c trên đây được xác định theo chế độ Nhà nước quy định.
2.2. Hàng chuyển khâu quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam, hàng tạm nhập khẩu tái xuất khẩu hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu.
2.3. Các loại nguyên liệu nhập khẩu để:
- Sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
- Gia công hàng xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất gia công với nước ngoài.
2.4. Hàng hóa dịch vụ cung ứng cho các đối tượng và trường hợp sau không chịu thuế Giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu cung ứng trực tiếp cho tàu biển, máy bay, tàu hỏa, phương tiện vận tải khác từ Việt Nam đi nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến (qua) Việt Nam để đi tiếp nước ngoài như cung ứng Xăng, Dầu, nước và các loại thực phẩm, bao gồm cả suất ăn phục vụ hành khách, cung ứng các dịch vụ sửa chữa, làm vệ sinh phương tiện vận tải quốc tế hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lí từ Việt Nam đi nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam.
2.5. Các loại hàng hóa nhập khẩu để bán miễn thuế tại các cửa hàng miễn thuế, tại các sân bay, bến cảng, nhà ga quốc tế và các cửa khẩu biên giới.
2.6. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa chế tác thành sản phẩm, mỹ nghệ đồ trang sức hay sản phẩm khác.
Vàng dạng thỏi, miếng và các loại vàng chưa chế tác được xác định phù hợp với các quy định quốc tế.
2.7. Các loại Thiết bị máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được mà cơ sở có dự án đầu tư nhập khẩu để làm tài sản cố định theo dự án đó.
Trường hợp cơ sở nhập khẩu dây chuyền thiết bị máy móc đồng bộ thuộc diện không chịu thuế Giá trị gia tăng nhưng trong dây chuyền đồng bộ đó có cả loại thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được thì cũng không tính thuế Giá trị gia tăng cho cả dây chuyền thiết bị máy móc đó.
Hồ sơ xác định loại thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng mà cơ sở kinh doanh nhập khẩu không phải nộp thuế Giá trị gia tăng khâu nhập khẩu gồm các loại:
+ Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư (đối với các dự án đầu tư).
+ Hợp đồng hoặc phương án nhập khẩu xác định rõ nguồn gốc nơi nhập khẩu, loại thiết bị máy móc phương tiện vận tải chuyên dùng nhập khẩu làm tải sản cố định theo dự án đầu tư.
+ Xác nhận của Bộ, Cơ quan chủ quản chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp Tỉnh về loại thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng cơ sở nhập khẩu để làm tài sản cố định thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.
Cơ sở nhập khẩu phải lập và gửi các hồ sơ trên cho cơ quan Hải quan khi khai báo Hải quan để làm căn cứ xác định mặt hàng nhập khẩu không chịu thuế Giá trị gia tăng. Cơ quan Hải quan căn cứ vào mặt hàng nhập khẩu thực tế và các hồ sơ của cơ sở kinh doanh để xác định cụ thể mặt hàng nhập khẩu không phải nộp thuế Giá trị gia tăng.
2.8. Vũ khí, khí tài chuyên dùng nhập khẩu phục vụ quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác định cụ thể danh mục và trao đổi, thống nhất với Bộ Tài chính và được Bộ Tài chính xác nhận bằng văn bản.
2.9. Chuyển giao công nghệ được xác định theo quy định tại chương III "Chuyển giao công nghệ" của Bộ Luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với những hợp đồng chuyển giao công nghệ có kèm theo máy móc thiết bị thì việc không thu thuế chỉ thực hiện đối với phần giá trị công nghệ được chuyển giao.
2.10. Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt ở khâu nhập khẩu thì không phải chịu thuế Giá trị gia tăng.
2.11. Sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác cụ thể dưới đây:
- Dầu thô, than đá, đá phiến, cát, đất hiếm, đá quí.
- Quặng man-gan, quặng thiếc, quặng sắt, quặng crommit, quặng emenhit, quặng apatit.
3/ Đối tượng nộp thuế Giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu.
Đối tượng nộp thuế Giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 3 Luật thuế Giá trị gia tăng là các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh nhập khẩu hàng hóa dịch vụ chịu thuế ở Việt Nam không phân biệt ngành nghề, hình thức tổ chức kinh doanh và các tổ chức cá nhân khác có nhập khẩu hàng hóa chịu thuế (gọi chung là người nhập khẩu).
II/ CĂN CỨ TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU.
Căn cứ tính thuế Giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất.
1/ Giá tính thuế Giá trị gia tăng hàng nhập khẩu:
Giá tính thuế Giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu là giá nhập khẩu tại cửa khẩu cộng (+) Thuế nhập khẩu.
Giá nhập khẩu tại cửa khẩu làm căn cứ tính thuế Giá trị gia tăng được xác định theo các quy định về giá tính thế hàng hóa nhập khẩu.
Ví dụ: Nhập khẩu một chiếc ti vi nguyên chiếc, giá tính thuế nhập khẩu là 2.000.000 VNĐ/chiếc.
- Thuế suất thuế nhập khẩu là 30%
- Thuế suất thuế Giá trị gia tăng là 10%
- Thuế nhập khẩu phải nộp: 2.000.000 x 30% = 600.000 VNĐ
Giá tính thuế Giá trị gia tăng là:
2.000.000 + 600.000 = 2.600.000 VNĐ
Thuế giá trị gia tăng phải nộp: 2.600.000 VNĐ x 10% = 260.000 VNĐ
- Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu hoàn toàn thì giá tính thuế Giá trị gia tăng hàng nhập khẩu là giá xác định để tính thuế nhập khẩu.
- Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn một phần thuế nhập khẩu thì giá tính thuế Giá trị gia tăng là giá tính thuế được xác định như đã xác định giá tính thuế nhập khẩu và cộng với phần thuế nhập khẩu phải nộp (Sau khi đã trừ phần được giảm thuế nhập khẩu).
Ví dụ: Một lô hàng nhập khẩu trị giá tính thuế nhập khẩu là: 20.000.000 đ, vì lý do khách quan được giảm thuế nhập khẩu 50% số thuế phải nộp, biết rằng thuế suất thuế nhập khẩu là 40%, thuế suất thuế Giá trị gia tăng là 10%.
Thuế nhập khẩu phải nộp:
200.000.000 x 40% = 80.000.000 đ
Thuế nhập khẩu được miễn 20%, còn phải nộp:
80.000.000 x 80% = 64.000.000 đ
Thuế Giá trị gia tăng phải nộp:
(200.000.000 + 64.000.000) x 10% = 26.000.000 đ
+ Hàng hóa thuộc đối tượng bị truy thu thuế nhập khẩu, đồng thời cũng bị truy thu thuế Giá trị gia tăng (Đã nêu tại mục VI Thông tư 72A TC/TCT hướng dẫn thực hiện NĐ 54/CP về thuế XNK).
+ Hàng hóa là quà biếu quà tặng vượt quá quy định miễn thuế bị xử lý thu thuế nhập khẩu phần vượt quy định thì thuế Giá trị gia tăng phải xác định giá tính thuế theo công thức nêu ở trên.
2. Thuế suất thuế Giá trị gia tăng.
Theo quy định tại Điều 8 Luật thuế Giá trị gia tăng và Điều 7 NĐ 28/1998 NĐ-CP và được cụ thể trong Biểu hướng dẫn về thuế suất Giá trị gia tăng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành sau khi đã có sự thống nhất với Bộ Tài chính.
III. PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG HÀNG HÓA NHẬP KHẨU
Quy định chung về phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng:
1) Phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu:
Công thức chung:
Thuế GTGT phải nộp = (Trị giá tính thuế hàng NK chịu thuế GTGT + Thuế NK) x Thuế suất thuế GTGT
Trị giá tính thế hàng hóa nhập khẩu để tính thuế nhập khẩu đồng thời được sử dụng để tính thuế Giá trị gia tăng. Trong lô hàng có trường hợp các mặt hàng có thuế suất GTGT khác nhau phải tính thuế Giá trị gia tăng riêng cho từng mặt hàng, sau đó tổng hợp lại tổng số thuế Giá trị gia tăng của cả lô hàng.
- Trình tự tính thuế Giá trị gia tăng:
Bước 1: Xác định những mặt hàng nhập khẩu chịu thuế Giá trị gia tăng để tính thuế nhập khẩu trước làm căn cứ tính thuế Giá trị gia tăng. Cụ thể các trường hợp:
+ Cả lô hàng nhập khẩu vừa chịu thuế nhập khẩu vừa chịu thuế Giá trị gia tăng: tính thuế nhập khẩu trước sau đó có căn cứ tính thuế Giá trị gia tăng theo công thức trên.
+ Lô hàng nhập khẩu chỉ có một số mặt hàng chịu thuế Giá trị gia tăng: Tính thuế nhập khẩu cho cả lô hàng, sau đó tính Trị giá tính Thuế Giá trị gia tăng những mặt hàng chịu thuế Giá trị gia tăng và tính thuế Giá trị gia tăng của những mặt hàng đó.
+ Cả lô hàng nhập khẩu có những mặt hàng được miễn giảm thuế nhập khẩu nhưng thuế Giá trị gia tăng không được miễn giảm thì xác định giá tính thuế như đã nêu ở điểm 1 Mục II: Căn cứ tính thuế của Thông tư này.
+ Những mặt hàng nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì không phải chịu thuế Giá trị gia tăng.
Bước 2: Tính thuế Giá trị gia tăng:
- Xác định trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu chịu thuế Giá trị gia tăng.
- Xác định chính xác số thuế nhập khẩu phải nộp của hàng hóa chịu thuế Giá trị gia tăng.
- Xác định thuế suất thuế Giá trị gia tăng áp dụng cho mặt hàng đó.
- Tính thuế Giá trị gia tăng theo công thức.
Bước 3: Thông báo thuế và thời gian tính thuế.
Thời gian tính thuế Giá trị gia tăng và Thông báo thuế như quy định đối với thuế XNK.
Trong thông báo thuế phải ghi rõ số tiền thuế phải nộp của từng loại thuế và thời hạn nộp thuế.
2) Sử dụng biện lai thu thuế Giá trị gia tăng và cách viết biên lai:
- Sử dụng biên lai thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế Giá trị gia tăng hàng nhập khẩu CTT52, bắt đầu thực hiện từ 01/01/1999 do Bộ Tài chính quy định.
- Biên lai thu thuế phải ghi rõ và tách biệt từng loại thuế: nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, Giá trị gia tăng.
- Cấp biên lai thu huế cho người nộp thuế để họ làm căn cứ quyết toán, khấu trừ, hoàn thuế Giá trị gia tăng ở các khâu sản xuất, tiêu thụ tiếp theo ở trong nước.
IV - KHAI BÁO HẢI QUAN VÀ NỘP THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG HÀNG HÓA NHẬP KHẨU
1 - Quy định khai báo hải quan:
- Cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu hàng hóa chịu thuế Giá trị gia tăng phải kê khai và nộp thuế Giá trị gia tăng theo từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu với cơ quan Hải quan thu thuế nhập khẩu.
- Tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các loại giấy tờ sử dụng khi khai báo Hải quan thực hiện như quy định trong Luật thuế XNK và các quy định của Hải quan.
- Những hàng hóa nhập khẩu không thuộc diện chịu thuế Giá trị gia tăng, người nhập khẩu phải trình nộp các loại giấy tờ chứng minh như thủ tục quy định tại thông tư này và các văn bản quy định khác của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.
- Thời gian nộp thuế Giá trị gia tăng được quy định như thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Luật thuế XNK hiện hành.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đường xuất nhập cảnh, phi mậu dịch, nhập khẩu qua biên giới đất liền không phải diện xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch, hàng nhập khẩu là hàng tiêu dùng phải nộp thuế Giá trị gia tăng ngay khi nhập khẩu.
- Thuế Giá trị gia tăng nộp vào ngân sách Nhà nước bằng đồng Việt Nam. Trường hợp đối tượng thanh toán bằng ngoại tệ, tiền thuế phải qui đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân mua vào do ngân hàng Nhà nước công bố vào thời điểm tính thuế.
- Trường hợp Doanh nghiệp trực tiếp nộp thuế vào ngân sách Nhà nước bằng đồng Việt Nam phải theo đúng Chương, Loại, Khoản, Hạng, Mục của Mục lục Ngân sách Nhà nước. Trường hợp Hải quan trực tiếp thu thuế Giá trị gia tăng phải nộp thuế vào kho bạc Nhà nước bằng đồng Việt Nam, ghi vào tài khoản chuyên thu của cơ quan Hải quan mở tại kho bạc Nhà nước. Thủ tục và thời hạn nộp tiền thuế theo đúng quy định như đối với thuế xuất nhập khẩu.
1 - Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế Giá trị gia tăng bị xử lý như sau:
a - Không thực hiện đúng những quy định về thủ tục đăng ký khai báo Hải quan, tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.
b - Nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo Luật định, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền nộp chậm.
c - Khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ 01 - 05 lần số tiền thuế gian lận, trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn có hành vi tiếp tục vi phạm nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
d - Không nộp thuế, nộp phạt sẽ bị xử lý như sau:
- Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt.
Ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách Nhà nước theo quy định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền trước khi thu nợ.
- Giữ hàng hóa tang vật để đảm bảo thu đủ số tiền thuế tiền phạt.
- Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để đảm bảo thu đủ số tiền thuế tiền phạt còn thiếu.
Việc xử lý các vi phạm về thuế Giá trị gia tăng nói trên được thực hiện theo các thủ tục trình tự quy định tại các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm về thuế.
2 - Thẩm quyền xử lý vi phạm về thuế:
Cơ quan Hải quan khi phát hiện các đối tượng xuất khẩu, nhập khẩu vi phạm luật thuế, phải kiểm tra xác định rõ hành vi vi phạm, mức độ nguyên nhân vi phạm, trách nhiệm của tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm, lập hồ sơ theo quy định.
Căn cứ vào các quy định và mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và theo thẩm quyền ra quyết định xử phạt như quy định tại nghị định 16/CP hướng dẫn thực hiện pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan và nghị định 22/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
VI - KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU THỰC HIỆN:
1 - Quyền và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế:
Theo Điều 23 của Luật thuế Giá trị gia tăng, tổ chức cá nhân có quyền khiếu nại về việc cán bộ Hải quan thi hành không đúng Luật thuế Giá trị gia tăng đối với cơ sở.
Đơn khiếu nại phải gửi cơ quan Hải quan phát hành thông báo thuế hoặc quyết định xử lý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được lệnh thu thuế hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ giải quyết, tổ chức cá nhân khiếu nại vẫn phải nộp đủ và đúng hạn số tiền thuế tiền phạt đã thông báo.
Nếu tổ chức cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế giải quyết khiếu nại, hoặc quá thời hạn 30 ngày kể từ gửi đơn chưa nhận được ý kiến giải quyết thì tổ chức cá nhân có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật.
Thủ tục, trình tự khiếu nại hay khởi kiện và việc xem xét, giải quyết phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
Thủ tục, trình tự khiếu nại hay khởi kiện và việc xem xét, giải quyết phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
2 - Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế:
- Điều 24 Luật thuế Giá trị gia tăng quy định: Cơ quan thuế các cấp khi nhận được đơn khiếu nại về thuế của đối tượng nộp thuế phải xem xét giải quyết trong thời hạn15 ngày kể từ ngày nhận đơn. Đối với vụ việc phức tạp, phải điều tra xác minh mất nhiều thời gian thì thông báo cho đương sự được biết và giải quyết chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho đương sự được biết trong thời hạn 10 ngày từ ngày nhận đơn.
- Cơ quan thuế kiểm tra phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn hoặc nhầm lẫn về thuế, xử phạt thì cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu hoặc hoàn trả số thuế, tiền phạt không đúng trong thời hạn 05 năm về trước kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự khai man; trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế.
1 - Hiệu lực thi hành:
Luật thuế Giá trị gia tăng có hiệu lực thi hành từ 01/01/1999
Từ 01/01/1999 ngành Hải quan thực hiện thu thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện chịu thuế Giá trị gia tăng.
2 - Tổ chức thực hiện:
Điều 22 Nghị định 28/CP quy định:
- Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thu thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu.
- Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý thu thuế Giá trị gia tăng trong cả nước.
Kể từ ngày 01/01/1999 Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện tờ khai Hải quan theo mẫu mới trong đó có khai báo tính thuế Giá trị gia tăng. Thời điểm xác định hàng hóa nhập khẩu, kê khai nộp thuế Giá trị gia tăng áp dụng với tất cả các tờ khai nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan từ ngày 01/01/1999 trở đi.
Cơ quan Hải quan có nhiệm vụ hướng dẫn các đối tượng kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu kê khai, nộp thuế Giá trị gia tăng theo đúng quy định Luật thuế Giá trị gia tăng. Tiến hành kiểm tra phân loại hồ sơ đăng ký làm thủ tục Hải quan, xác định đúng hàng hóa chịu thuế Giá trị gia tăng, xác định chính xác các căn cứ tính thuế và tính thuế, ra thông báo thuế cho đối tượng số thuế phải nộp, thời hạn nộp.
Đối với hàng hóa phi mậu dịch, nhập khẩu qua biên giới đất liền (không phải xuất, nhập khẩu chính ngach), nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, cơ quan Hải quan làm thủ tục xuất nhập khẩu, tính thuế và thu thuế xong mới được giải phóng hàng.
Đối với hàng hóa xuất khẩu thuộc diện chịu thuế Giá trị gia tăng tuy có thuế xuất bằng 0% (không phần trăm) nhưng để cơ quan thuế có căn cứ kiểm tra quyết toán thuế Giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu, cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm hóa xác nhận chính xác số hàng hóa thực xuất để phản ánh trên tờ khai xuất khẩu.
Trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu và biên lai thuế, phải tách riêng việc tính thuế Giá trị gia tăng và số thuế Giá trị gia tăng để làm căn cứ cho doanh nghiệp và cơ quan thuế thực hiện khấu trừ thuế Giá trị gia tăng đầu vào.
Cơ quan Hải quan có trách nhiệm quản lý hồ sơ khai báo tính thuế Giá trị gia tăng, kế toán thuế Giá trị gia tăng, thực hiện chế độ báo cáo kế toán thống kê kịp thời phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm luật thuế và phục vụ công tác quản lý thu thuế Giá trị gia tăng trong phạm vi cả nước.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục Hải quan để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.
|
Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.