BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/TC-TCT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 2 năm 1994 |
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 08/TC-TCT NGÀY 5-2-1994 HƯỚNG DẪN VỀ THUẾ ĐỐI VỚI THU NHẬP TỪ TIỀN BẢN QUYỀN
Thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ngày 26-3-1991; Pháp lệnh chuyển giao công nghệ ngày 5-12-1988; Điều lệ mua bán lixăng ban hành kèm theo Nghị định số 201/HĐBT ngày 28-12-1988 và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các Pháp lệnh nói trên; Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện về thuế đối với thu nhập tiền bản quyền (Royalty) như sau:
Theo hướng dẫn tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Từ "tiền bản quyền" là các khoản tiền thanh toán ở bất kỳ dạng nào được trả cho các hình thức chuyển giao công nghiệp và mua bán lixăng đã được quy định tại Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài ngày 5-11-1988 và Nghị định 201/HĐBT ngày 28-12-1988 và Điều lệ mua bán lixăng; từ tiền bản quyền chủ yếu bao gồm các khoản tiền trả cho các nội dung sau đây:
a. Chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng sở hữu cộng nghiệp như: bằng sáng chế bằng phát minh, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp nhãn hiệu thương mại (có kèm theo việc chuyển giao các quyền sở hữu công nghiệp khác)...
b. Chuyển giao thông qua việc mua bán, cung cấp các đối tượng sau (có thể có hoặc không có các thiết bị đi kèm) như: bí quyết kỹ thuật; phương án công nghệ quy trình công nghệ: thiết kế hoặc mẫu thiết kế (sơ bộ và kỹ thuật); công thức bản vẽ, sơ đồ đề án hoặc quy trình bí mật; thông số kỹ thuật hoặc kiến thức kỹ thuật chuyên môn khác.
c. Thực hiện các hình thức dịch vụ hỗ trợ và tư vấn sau:
- Hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền công nghệ.
- Nghiên cứu, phân tích, đánh giá, nghiên cứu cơ học, nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án đầu tư và đổi mới công nghệ.
- Tư vấn về quản lý công nghệ, tổ chức và vận hành các quá trình công nghệ và sản xuất.
- Đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý của các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân (không bao gồm các hình thức đào tạo chuyên ngành).
- Thực hiện dịch vụ về thu nhập, xử lý và cung cấp thông tin về thi trường, công nghệ, pháp lý, tài nguyên và môi trường.
d. Chuyển giao việc sử dụng hoặc quyền sử dụng các thiết bị công nghiệp, thương nghiệp hoặc khoa học (không bao gồm các hoạt động thuần tuý nhập khẩu máy móc, thiết bị vật tư...).
e. Bản quyền tác giả của một tác phẩm văn học, nghệ thuật hay khoa học, kể cả phim điện ảnh hoặc các loại phim khác, các loại băng dùng trong phát thanh, truyền hình.
2. Từ "Bên bán" là các pháp nhân hoặc cá nhân (không phân biệt Việt Nam hay nước ngoài) là người thực hưởng tiền bản quyền do bên mua trả.
3. Từ "Bên mua" là các pháp nhân hoặc cá nhân là người thanh toán tiền bản quyền cho bên bán.
4. Từ "Pháp nhân" là chỉ các tổ chức kinh tế, hiệp hội, cơ quan...
5. Từ " Cá nhân" là chỉ một người mang tính chất tự nhiên.
6. Từ "Hợp đồng chuyển giao"là các hợp đồng mua bán li-xăng và hợp đồng chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 201/HĐBT ngày 28-12-1988 và Điều 5, Điều 6 Pháp lệnh chuyển giao công nghệ ngày 5-12-1988.
7. Từ "Bản quyền phát sinh tại Việt Nam" là chỉ các bên mua là pháp nhân hoặc cá nhân Việt Nam.
8. Từ "Bản quyền phát sinh tại nước ngoài" là chỉ các bên mua là pháp nhân hoặc cá nhân nước ngoài.
II. ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ - ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ
1. Đối tượng chịu thuế và thu nhập chịu thuế
- Tất cả các khoản tiền bản quyền đã được định nghĩa tại điểm 1 mục 1 thông tư này đều là đối tượng chịu thuế thu nhập tiền bản quyền.
- Thu nhập chịu thuế là toàn bộ số tiền bản quyền phát sinh do bên mua thanh toán cho bên bán.
- Trường hợp tiền bản quyền được thanh toán bằng hiện vật thì thu nhập chịu thuế được xác định trên cơ sở quy đổi từ hiện vật ra tiền theo giá thi trường của hiện vật đó tại thời điểm thanh toán.
Trường hợp tiền mua bản quyền phát sinh thông qua một cơ quan uỷ thác thì thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bản quyền phát sinh trừ đi chi phí uỷ thác theo hợp đồng.
2. Đối tượng chịu thuế
Bên mua có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế phải nộp trước khi thanh toán tiền bản quyền cho bên bán để nộp vào Ngân sách Nhà nước.
III. THUẾ SUẤT - CÁCH TÍNH THUẾ - MIỄN GIẢM THUẾ
1. Thuế suất
Theo quy định tại Điều 2 - Pháp lệnh thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao, Điều 23 Nghị định số 201/HĐBT ngày 28-12-1988 và Điều 23 Nghị định số 45/HĐBT ngày 4-3-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì thuế suất thu nhập tiền bản quyền được áp dụng đối với từng trường hợp như sau:
a. Thuế suất 5% áp dụng đối với các trường hợp bên bán là cá nhân (không phân biệt người Việt Nam hay người nước ngoài) thu nhập trên 1.800.000 đồng.
b. Trường hợp bên bán là một pháp nhân (không phân biệt pháp nhân Việt Nam hay pháp nhân người nước ngoài) thì mức thuế xuất thu nhập tiền bản quyền được áp dụng như sau:
- Thuế suất 10% áp dụng đối với các hợp đồng chuyển giao có thời hạn hiệu lực dưới 5 năm không phân biệt thể thực thanh toán gọi một lần hay thanh toán nhiều kỳ.
- Thuế suất 15% đối với các hợp đồng chuyển giao có thời hạn hiệu lực từ 5 năm trở lên, không phân biệt thể thức thanh toán.
2. Cách tính thuế:
Thuế thu nhập tiền bản quyền được xác định: bằng (=) thu nhập chịu thuế nhân (x) thuế suất.
3. Kỳ hạn nộp thuế:
Tiền thuế thu nhập từ tiền bản quyền được nộp cùng với kỳ hạn thanh toán giữa bên bán và bên mua.
4. Miễn giảm thuế:
Tiền bản quyền phát sinh từ hoạt động chuyển giao công nghệ của các bên nước ngoài được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư duyệt cho góp vốn vào vốn pháp định (một phần hoặc toàn bộ) để thành lập các xí nghiệp liên doanh hoặc góp vào vốn hợp doanh (một phần hoặc toàn bộ) trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh với bên Việt Nam theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được miễn thuế thu nhập tiền bản quyền.
IV. CHẾ ĐỘ ĐĂNG KÝ KÊ KHAI NỘP THUẾ VÀ THU THUẾ
1. Đăng ký kê khai nộp thuế:
Chậm nhất là sau 30 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển giao có hiệu lực pháp lý, bên mua sẽ phải làm thủ tục đăng ký kê khai nộp thuế với Cục thuế các tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở thường trú. Hồ sơ đăng ký kê khai gồm:
- Bản kê khai đăng ký nộp thuế (theo mẫu số 1 ban hành theo Thông tư này).
- Hợp đồng chuyển giao đã có hiệu lực pháp lý (bản gốc hoặc bản sao đã được công chứng viết bằng tiếng Việt Nam hoặc bằng tiếng nước ngoài).
- Các hồ sơ khác liên quan đến hợp đồng chuyển giao.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, mỗi khi có sự sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ hợp đồng, bên mua đều phải thực hiện việc kê khai đăng ký lại với cơ quan thuế theo nội dung như trên nhưng chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày những văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ hợp đồng có hiệu lực pháp lý.
2. Chế độ thu nộp thuế:
Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kê khai nộp thuế của bên mua. Cục thuế tỉnh, thành phố có trách nhiệm phát hành thông báo thuế cho bên mua. Trong thông báo ghi rõ thu nhập chịu thuế mức thuế suất, số thuế phải nộp, thời gian nộp thuế phù hợp với thể thức và thời hạn thanh toán tiền bản quyền ghi trong hợp đồng chuyển giao.
Sau khi nhận được thông báo thuế của cơ quan thuế, bên mua có trách nhiệm sao gửi thông báo thuế cho bên bán để theo dõi số thuế đã được bên mua khấu trừ và sử dụng thông báo thuế này như là chứng từ chứng minh số thuế đã nộp để tính vào chi phí khi xác định thuế lợi tức hoặc thuế thu nhập của bên bán.
Trong mỗi thời kỳ thanh toán tiền bản quyền cho bên bán, căn cứ vào mức thuế ghi trong thông báo thuế, bên mua khấu trừ tiền thuế vào số tiền bản quyền phải trả cho bên bán và chậm nhất sau 3 ngày kể từ ngày chuyển tiền cho bên bán, bên mua có trách nhiệm nộp tiền thuế đã khấu trừ của bên bán vào Ngân sách theo quy định của cơ quan thuế.
Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển giao hết hiệu lực thi hành, bên mua có trách nhiệm quyết toán với cơ quan thuế và toàn bộ số thuế phải nộp của hợp đồng, số thuế khấu trừ đã nộp, số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa được thoái trả.
Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc quyết toán thuế với bên mua, cơ quan thuế có trách nhiệm phát hành văn bản xác nhận số liệu quyết toán thuế của hợp đồng, gửi cho bên mua để làm tài liệu cho bên mua và bán khi thanh lý hợp đồng.
Thuế thu nhập tiền bản quyền được nộp vào chương 98, mục 25 loại, khoản hạng thích hợp của mục lục Ngân sách hiện hành.
V. CÁC PHƯƠNG PHÁP TRÁNH ĐÁNH THUẾ HAI LẦN
Thuế thu nhập tiền bản quyền của bên bán nộp theo phương pháp khấu trừ tại nguồn nên tuỳ theo từng trường hợp việc tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như sau:
1. Đối với bên bán là một cá nhân Việt Nam
Khi nhận được tiền bản quyền do bên mua thanh toán, người nhận tiền phải kê khai và nộp thuế thu nhập với cục thuế tỉnh, thành phố nơi thường trú. Nếu xuất trình được thông báo nộp thuế của cơ quan thuế gửi cho bên mua (trường hợp bên mua là pháp nhân, cá nhân Việt Nam) hoặc chứng từ đã nộp thuế khấu trừ tại nguồn của cơ quan thuế nước ngoài (trường hợp bên mua là người cư trú tại nước ngoài) thì sẽ được cơ quan thuế trừ số thuế đã nộp tại nguồn nhưng không lớn hơn số thuế thu nhập mà cá nhân phải nộp.
Ví dụ 1:
Một người Việt Nam có khoản thu nhập tiền bản quyền phát sinh là 20 triệu đồng do bên mua tại Việt Nam thanh toán, trước khi thanh toán, bên mua đã khấu trừ thuế 5% thì việc tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như sau:
Thuế thu nhập tiền bản quyền người đó phải nộp thuế tại nơi thường trú là 1 triệu (20 triệu x 5%), nếu người đó xuất trình thông báo thuế của cơ quan thuế gửi cho bên mua về việc thu thuế khấu trừ tại nguồn thì sẽ được trừ 1 triệu đồng vào số thuế phải nộp. Như vậy, trong trường hợp này người đó sẽ không phải nộp thuế thêm.
Ví dụ 2:
Cũng như ví dụ trên, người bán là người cư trú nước ngoài (và cư trú ở nước ngoài) và thuế thu nhập tiền bản quyền của nước đó là 3% thì việc tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như sau:
Thuế thu nhập tiền bản quyền phải nộp là 1 triệu đồng (20 triệu x 5%) trừ đi thuế đã nộp ở nước ngoài là 600.000 đồng (20 triệu x 3%). Thuế thu nhập tiền bản quyền của người đó còn phải nộp tại Việt Nam là 400.000 đồng (1.000.000 đồng - 600.000 đồng).
Ví dụ 3:
Cũng ví dụ 2 nhưng thuế tiền bản quyền của nước đó là 10% thì việc tránh đánh thuế hai lần được thực hiện như sau:
Thuế thu nhập tiền bản quyền phải nộp là 1 triệu (20 triệu x 5%) trừ đi số thuế đã nộp ở nước ngoài là 2 triệu (20 triệu x 10%) nhưng vì trong trường hợp này, thuế đã nộp ở nước ngoài lớn hơn thuế phải nộp ở Việt Nam nên số được trừ vào thuế phải nộp tối đa bằng số thuế đã nộp tối đa bằng số thuế phải nộp ở Việt Nam. Như vậy, người đó không phải nộp thuế thêm ở Việt Nam.
2. Đối với bên bán là pháp nhân Việt Nam.
Nếu bên bán là một pháp nhân Việt Nam nhận được tiền bản quyền do bên mua thanh toán kể cả trường hợp bên mua là pháp nhân, cá nhân nước ngoài thì khoản thu nhập tiền bản quyền đó vẫn phải nộp thuế lợi tức theo quy định của Luật thuế lợi tức. Nhưng khi xác định thuế lợi tức phải nộp nếu xuất trình được thông báo nộp thuế của cơ quan thuế gửi cho bên mua (trường hợp bên mua là pháp nhân, cá nhân Việt Nam) hoặc chứng từ đã nộp thuế của cơ quan thuế nước ngoài (trường hợp bên mua là người cư trú tại nước ngoài) thì toàn bộ số tiền thuế thu nhập tiền bản quyền khấu trừ tại nguồn sẽ được coi như một khoản chi phí xác định lợi tức chịu thuế.
3. Đối với bên bán là người cư trú nước ngoài.
Khi cơ quan thuế thu được thuế thu nhập tiền bản quyền của bên bán là người cư trú nước ngoài do bên mua là cá nhân và pháp nhân Việt Nam khấu trừ nộp, phải cấp biên lai thu thuế cho bên mua để bên mua gửi cho bên bán là người cư trú nước ngoài làm thủ tục giảm trừ vào sổ thuế phải nộp ở nước ngoài. Trong trường hợp giữa Việt Nam và nước mà bên bán là người cư trú đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần thì thực hiện như sau:
- Trường hợp các nước thuế khấu trừ tại nguồn đã nộp theo hướng dẫn tại Thông tư này cao hơn mức thuế tiền bản quyền quy định tại Hiệp định thì bên bán trực tiếp hoặc uỷ quyền cho bên mua gửi công văn đến Bộ Tài chính Việt Nam (Tổng cục thuế) đề nghị thoái trả số thuế chênh lệch, chậm nhất sau 10 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị thoái trả thuế, Bộ Tài chính sẽ thực hiện xong việc thoái trả hoặc có văn bản trả lời (nếu phải bổ sung hồ sơ) hoặc từ chối thoái trả (nếu bên bán không thuộc đối tượng áp dụng của Hiệp định).
- Trường hợp trong Hiệp định có điều khoản quy định khoản thuế đối với thu nhập từ tiền bản quyền và theo hướng dẫn tại Thông tư này bên bán được miễn thuế thu nhập tiền bản quyền thì bên bán có công văn gửi đến Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) đề nghị xác nhận số thuế đáng lẽ phải nộp ở Việt Nam nhưng được miễn thuế theo quy định của Luật pháp Việt Nam để làm cơ sở khấu trừ vào số thuế phải nộp ở nước ngoài. Chậm nhất là 10 ngày, Bộ Tài chính sẽ có văn bản trả lời hoặc từ chối nếu bên bán không thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định.
- Các hành vi vi phạm thuế về thuế thu nhập tiền bản quyền như man khai, trốn thuế, chậm nộp thuế, không kê khai, chậm kê khai nộp thuế... sẽ bị xử phạt theo Pháp lệnh xử phạt hành chính. Nghị định 01-CP ngày 18-10-1992 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Trong tất cả các trường hợp bên mua không kê khai nộp thuế hoặc không khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này thì bên mua phải chịu thuế thay cho bên bán đối với những khoản tiền bản quyền đã thanh toán cho bên bán kể cả trong trường hợp hợp đồng chuyển giao đã hết hiệu lực thi hành.
Thông tư này áp dụng đối với tất cả các khoản thanh toán tiền bản quyền theo các hợp đồng chuyển giao từ ngày 4-3-1994 không phân biệt hợp đồng chuyển giao được ký thời gian nào. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính xem xét và hướng dẫn bổ sung.
|
Phan Văn Dĩnh (Đã Ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.