BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ
HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2024/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày tháng năm 2024 |
DỰ THẢO |
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về đào tạo thường xuyên.
QUY ĐỊNH CHUNG
Thông tư này quy định về tổ chức và quản lý đào tạo thường xuyên đối với các chương trình: Đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của người học; chương trình bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề; chương trình đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề; chương trình chuyển giao công nghệ và các chương trình đào tạo khác có thời gian đào tạo dưới 03 tháng.
1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, lớp đào tạo nghề do tổ chức, cá nhân thành lập để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo quy định tại Điều 1 của Thông tư này.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Mục tiêu của các chương trình đào tạo thường xuyên
1. Chương trình đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của người học: Nhằm trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng để người học có năng lực thực hiện được công việc đơn giản của một nghề theo vị trí việc làm mong muốn. Người học được lựa chọn nội dung, thời gian, địa điểm đào tạo.
2. Chương trình bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp: nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng giúp người học đáp ứng yêu cầu về năng lực để thực hiện được vị trí công việc, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả của công việc hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp khi tham gia thị trường lao động.
3. Chương trình đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người học của nghệ nhân, thợ giỏi thông qua quá trình cùng làm việc.
4. Chương trình đào tạo theo hình thức tập nghề: nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người học để thực hành công việc và tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc
5. Chương trình chuyển giao công nghệ: nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học để vận hành dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị được chuyển giao từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.
6. Chương trình đào tạo khác có thời gian đào tạo dưới 03 tháng (sau đây gọi chung là chương trình đào tạo dưới 03 tháng): Nhằm trang bị cho học viên năng lực thực hành một nghề đơn giản hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề hoặc năng lực thực hành theo yêu cầu của vị trí làm việc có thời gian đào tạo dưới 300 giờ và thời gian khóa học (từ khi khai giảng đến khi bế giảng) dưới 03 tháng,
TỔ CHỨC ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN
Điều 4. Chương trình đào tạo thường xuyên
1. Chương trình đào tạo thường xuyên phải bảo đảm tính thiết thực, giúp người học có năng lực thực hiện được các công việc của nghề học, nâng cao khả năng lao động, tăng năng suất lao động hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
2. Nội dung chương trình đào tạo thường xuyên bao gồm:
- Nội dung kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết.
- Nội dung về các kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử;
- Mức độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
3. Khối lượng học tập tối thiểu: Chương trình đào tạo thường xuyên đảm bảo số tín chỉ tối đa là 05 tín chỉ; thời gian trong chương trình đào tạo dưới 300 giờ; thời gian thực học linh hoạt theo thời gian thực tế của người học.
4. Cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo thường xuyên phải bao gồm các yếu tố:
a) Tên chương trình đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
b) Mục tiêu chương trình đào tạo;
c) Đối tượng tuyển sinh;
d) Khối lượng kiến thức, kỹ năng nghề, các kỹ năng cần thiết khác và yêu cầu năng lực thực hiện nghề của người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo;
đ) Thời gian đào tạo: Bao gồm tổng thời gian thực hiện và thời gian cho các hoạt động (giảng dạy, thực hành, thực tập, kiểm tra);
e) Quy trình đào tạo, điều kiện hoàn thành khóa học;
g) Phương pháp và thang điểm đánh giá.
5. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo để tổ chức đào tạo thường xuyên tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng hoặc tổ chức lựa chọn chương trình đào tạo để phê duyệt và đưa vào tổ chức đào tạo.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo để tổ chức đào tạo thường xuyên phải công khai các chương trình đào tạo thường xuyên của cơ sở mình tại cơ sở đào tạo, địa điểm đào tạo và trong thông báo tuyển sinh hoặc trên Website của cơ sở đào tạo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nội dung công khai, gồm: tên chương trình đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được, đối tượng tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, mục tiêu và nội dung đào tạo, thời gian đào tạo, địa điểm đào tạo, chứng chỉ đào tạo, mức học phí phải nộp, các chính sách hỗ trợ (nếu có).
Điều 5. Người dạy chương trình đào tạo thường xuyên
1. Người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên: là nhà giáo; nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi và có chứng chỉ kỹ năng dạy học hoặc chứng chỉ sư phạm.
2. Nhà giáo dạy chương trình đào tạo thường xuyên là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
3. Nhà khoa học: là người được cấp có thẩm quyền công nhận là nhà khoa học/nhà khoa học chuyên ngành theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.
4. Kỹ sư: Là người được đào tạo và cấp bằng kỹ sư theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
5. Cán bộ kỹ thuật: Là người đã được đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ, có kinh nghiệm làm trực tiếp đối với nghề được đào tạo từ 05 năm trở lên.
6. Nghệ nhân: Nghệ nhân cấp tỉnh, nghệ nhân làng nghề,
7. Người có tay nghề cao: Người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2/5 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6 trở lên
8. Nông dân sản xuất giỏi: Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, người trực tiếp làm nghề liên tục từ 5 năm trở lên.
Điều 6. Cơ sở đào tạo thường xuyên
1. Cơ sở đào tạo thường xuyên gồm: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo nghề để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo thường xuyên.
2. Cơ sở đào tạo thường xuyên được tổ chức đào tạo chương trình đào tạo thường xuyên khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có chương trình, tài liệu đào tạo thường xuyên của từng nghề được xây dựng, phê duyệt theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này;
b) Có người dạy nghề theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
c) Có cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo phù hợp với nghề sẽ tổ chức đào tạo và theo số lượng người học, thời gian đào tạo.
Điều 7. Điều kiện mở lớp đào tạo nghề theo đặt hàng của Nhà nước
1. Có đủ điều kiện thực hiện chương trình đào tạo thường xuyên theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.
2. Được cơ quan đặt hàng đào tạo kiểm tra các điều kiện tổ chức đào tạo theo quy định và có ý kiến bằng văn bản về: Tên nghề đào tạo hoặc kỹ năng nghề đạt được; chương trình đào tạo; quy mô, địa điểm tổ chức đào tạo.
Điều 7. Tuyển sinh đào tạo thường xuyên
1. Đối tượng tuyển sinh: Người từ đủ 15 (mười lăm) tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Đối với các ngành, nghề đặc thù trong danh mục do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được tuyển sinh đối với người dưới 15 (mười lăm) tuổi.
Trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
2. Hình thức tuyển sinh: xét tuyển và được thực hiện nhiều lần trong năm.
3. Hồ sơ, thủ tục tuyển sinh do người đứng đầu cơ sở đào tạo quy định.
Điều 8. Thời gian và phương pháp đào tạo
1. Thời gian đào tạo đối với các chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại Thông tư này được thực hiện theo yêu cầu của từng chương trình, bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng người học.
Thời gian đào tạo chương trình thường xuyên gồm: Thời gian học kiến thức chuyên môn, thời gian học thực hành, thời gian kiểm tra, đánh giá kết thúc khóa học, trong đó thời gian thực học thực hành nghề tối thiểu chiếm 80% tổng thời gian khóa học.
Việc bố trí thời gian thực học được thực hiện linh hoạt trong ngày; trong tuần (ngày làm việc hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ) theo yêu cầu của học viên và được cụ thể trong kế hoạch đào tạo của từng khóa học, lớp học.
Thời gian học mỗi buổi tối đa là 05 (năm) giờ và thời gian học trong một ngày tối đa là 08 (tám) giờ.
2. Phương pháp đào tạo phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học, kinh nghiệm của người học; sử dụng phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin truyền thông để nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học.
Khi bắt đầu khóa học, giáo viên, người dạy nghề thực hiện kiểm tra, đánh giá về kiến thức, kỹ năng mềm và kỹ năng nghề đối với học viên để chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp. Nội dung, phương pháp kiểm tra do giáo viên, người dạy nghề trực tiếp giảng dạy lựa chọn, quyết định.
Tổ chức giảng dạy những kiến thức, kỹ năng và hướng dẫn thực hành nghề theo nội dung chương trình đào tạo mà người học chưa biết, chưa làm được hoặc chưa nắm vững, đầy đủ, chưa làm được thành thạo.
Điều 9. Tổ chức lớp học và địa điểm đào tạo
1. Tổ chức lớp học
a) Lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm tối đa 35 học viên. Lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm dành cho người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật tối đa 20 học viên. Riêng lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm dành cho người mù tối đa 10 học viên.
b) Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp tối đa 18 học viên. Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật, tối đa 10 học viên. Riêng lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người mù tối đa 8 học viên.
c) Mỗi lớp học có ít nhất một giáo viên hoặc người dạy nghề trực tiếp giảng dạy và phụ trách lớp.
2. Địa điểm đào tạo được thực hiện linh hoạt tại cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nơi sản xuất, nhưng phải đảm bảo các điều kiện để dạy và học về mặt bằng, địa điểm học kiến thức nghề; địa điểm học thực hành kỹ năng nghề; phương tiện, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ đào tạo theo yêu cầu của mô - đun, môn học trong chương trình đào tạo.
Điều 10. Kiểm tra và cấp chứng chỉ đào tạo
1. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên, gồm: kiểm tra đầu khóa học, kiểm tra khi kết thúc mô - đun, môn học.
a) Kiểm tra đầu khóa học thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.
b) Kiểm tra khi kết thúc mô - đun, môn học, chương trình đào tạo thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Nội dung, hình thức và điều kiện kiểm tra khi kết thúc mô - đun, môn học, chương trình đào tạo do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân mở lớp đào tạo nghề quyết định và được quy định trong chương trình đào tạo.
Kết quả kiểm tra được đánh giá theo một trong hai mức: Đạt yêu cầu và Không đạt yêu cầu, có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người đánh giá.
Học viên có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu, thì phải tự ôn tập nội dung kiến thức và thực hành nghề đã học để dự kiểm tra lại. Số lần kiểm tra lại tối đa là 2 lần. Nếu kiểm tra lại lần thứ hai vẫn không đạt yêu cầu, thì phải học lại (nếu học viên có nhu cầu).
3. Chứng chỉ đào tạo do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân mở lớp đào tạo nghề thiết kế, in ấn để cấp cho học viên có 100% các kết quả kiểm tra khi kết thúc mô - đun, môn học trong chương trình đào tạo đạt yêu cầu.
Chứng chỉ đào tạo ghi rõ nội dung, thời gian khóa học bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu định dạng quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 11. Sổ sách, biểu mẫu quản lý đào tạo thường xuyên
Sổ sách, biểu mẫu quản lý đối với chương trình đào tạo thường xuyên gồm:
1. Đơn xin học nghề kèm theo bản photo Thẻ căn cước (theo mẫu định dạng quy định tại phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này)
2. Danh sách người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên kèm theo văn bằng, chứng chỉ (theo mẫu định dạng quy định tại phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này);
5. Kế hoạch đào tạo (theo mẫu định dạng quy định tại phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này);
6. Sổ theo dõi kết quả học tập của học viên (theo mẫu định dạng quy định tại phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
Điều 12. Chế độ báo cáo
1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo thường xuyên gửi báo cáo về hoạt động đào tạo thường xuyên trước khi tuyển sinh, đào tạo (theo mẫu định dạng quy định tại phụ lục số 6 Thông tư này) và gửi báo cáo tổng hợp kết quả đào tạo thường xuyên 6 tháng đầu năm trước ngày 30 tháng 6 và báo cáo năm trước ngày 31 tháng 12 về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (theo mẫu định dạng quy định tại phụ lục số 7 Thông tư này).
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Tổng hợp, gửi thông báo danh sách cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo thường xuyên cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (nơi dự kiến mở lớp đào tạo nghề) để theo dõi, quản lý và phối hợp kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức đào tạo.
- Tổng hợp kết quả thực hiện đào tạo thường xuyên trên địa bàn 6 tháng đầu năm trước ngày 31 tháng 7 và báo cáo năm trước ngày 25 tháng 01 của năm liền kề báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo mẫu định dạng quy định tại phụ lục số 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Ngoài chế độ báo cáo được quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân thành lập lớp đào tạo; Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các hoạt động đào tạo thường xuyên và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Trách nhiệm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp của các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tổ chức lớp đào tạo nghề thực hiện các chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Thông tư này.
2. Kiểm tra, giám sát, tổng hợp báo cáo việc thực hiện quy định về đào tạo thường xuyên theo quy định.
Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, ngành có cơ sở đào tạo thường xuyên trực thuộc và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Các Bộ, ngành có cơ sở đào tạo thường xuyên trực thuộc phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện đào tạo thường xuyên và tổng hợp báo cáo theo quy định.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở đào tạo thường xuyên trên địa bàn, các cơ quan chuyên môn của địa phương tổ chức thực hiện đào tạo thường xuyên và tổng hợp báo cáo theo quy định.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Cập nhật, thông tin công khai các cơ sở đào tạo thường xuyên trên địa bàn.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý về đào tạo thường xuyên quy định tại Thông tư này.
3. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động đào tạo thường xuyên theo quy định tại Thông tư này đối với các cơ sở đào tạo thường xuyên trên địa bàn.
4. Thực hiện chế độ báo cáo theo trách nhiệm quy định tại Khoản 6 và 7 Điều 14 của Thông tư này.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2025.
2. Cơ sở đào tạo trình độ sơ cấp đã tuyển sinh, đào thường xuyên trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì tiếp tục tổ chức đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học theo chương trình, quy định về đào thường xuyên tại Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Bãi bỏ Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp.
4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, có trách nhiệm phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn hoặc bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.