BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2016/TT-BTC |
Hà Nội, ngày tháng năm 2016 |
DỰ THẢO |
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH THU, NỘP PHÍ BẢO ĐẢM HÀNG HẢI VÀ PHÍ SỬ DỤNG VỊ TRÍ NEO ĐẬU TẠI KHU NƯỚC, VÙNG NƯỚC ĐỐI VỚI LUỒNG HÀNG HẢI CHUYÊN DÙNG, KHU NEO ĐẬU, KHU CHUYỂN TẢI DO DOANH NGHIỆP TỰ ĐẦU TƯ, KHAI THÁC
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Luật Phí và Lệ phí ngày ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số /2016/NĐ-CP ngày… tháng … năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Phí và Lệ phí;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu, nộp phí bảo đảm hàng hải và phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước đối với luồng hàng hải chuyên dùng, khu neo đậu do doanh nghiệp đầu tư, khai thác.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định thu, nộp phí bảo đảm hàng hải và phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước thu được tại luồng hàng hải chuyên dùng, khu neo đậu, khu chuyển tải do doanh nghiệp tự đầu tư, khai thác.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Doanh nghiệp đầu tư, khai thác luồng hàng hải thuộc danh mục luồng hàng hải chuyên dùng do Bộ Giao thông vận tải công bố.
2. Doanh nghiệp đầu tư, khai thác khu neo đậu, khu chuyển tải được cơ quan có thẩm quyền công bố đủ điều kiện để đưa vào hoạt động.
3. Các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước có liên quan đến hoạt động hàng hải.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Luồng hàng hải chuyên dùng là luồng hàng hải được đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác phục vụ hoạt động của cảng chuyên dùng.
2. Khu neo đậu là vùng nước được thiết lập và công bố để tàu thuyền neo đậu chờ cập cầu, cập kho chứa nổi, chờ vào khu chuyển tải, chờ đi qua luồng hoặc thực hiện các dịch vụ khác.
3. Khu chuyển tải là vùng nước được thiết lập và công bố để tàu thuyền neo đậu thực hiện chuyển tải hàng hóa, hành khách hoặc thực hiện các dịch vụ khác.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Mức thu phí và tổ chức thu phí
1. Doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này được thu phí bảo đảm hàng hải của các tàu thuyền sử dụng luồng hàng hải chuyên dùng do doanh nghiệp đầu tư, khai thác để vào, rời cầu, bến cảng biển theo quy định. Mức thu phí bảo đảm hàng hải thực hiện theo Thông tư quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Bộ Tài chính ban hành.
2. Doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này được thu phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước đối với tàu thuyền, hàng hóa sang mạn có sử dụng khu neo đậu, khu chuyển tải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác để làm hàng. Mức thu phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước thực hiện theo Thông tư quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Bộ Tài chính ban hành.
3. Doanh nghiệp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này có trách nhiệm tổ chức thực hiện thu phí hoặc có thể ủy quyền cho Cảng vụ hàng hải tại khu vực thu phí thông qua hợp đồng ủy nhiệm thu. Trường hợp ủy quyền cho Cảng vụ hàng hải thu phí, Cảng vụ hàng hải được để lại tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền phí thu được để trang trải cho hoạt động thu phí; trong đó, tỷ lệ được để lại đối với phí bảo đảm hàng hải không thấp hơn tỷ lệ để lại khi Cảng vụ hàng hải thu phí bảo đảm hàng hải của các luồng hàng hải công cộng.
4. Doanh nghiệp tự tổ chức thu phí được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng để cung cấp cho chủ tàu khi thực hiện thu phí. Trường hợp ủy quyền cho Cảng vụ hàng hải thu phí, Cảng vụ hàng hải sử dụng biên lai thu phí theo quy định hiện hành khi thực hiện thu phí.
Điều 5. Trích nộp và sử dụng phí
1. Nguồn thu phí bảo đảm hàng hải thu được hàng năm tại luồng hàng hải chuyên dùng được phân phối, sử dụng như sau:
a) Thực hiện trích nộp 30% tổng số phí thu được để đóng góp vào công tác bảo đảm an toàn hàng hải chung quốc gia;
b) Giữ lại 70% tổng số phí thu được để bù đắp chi phí đầu tư, khai thác và vận hành luồng hàng hải chuyên dùng đảm bảo chuẩn tắc theo quy định.
2. Nguồn thu phí sử dụng vị trí neo đậu thu được hàng năm tại khu neo đậu, khu chuyển tải được phân phối, sử dụng như sau:
a) Thực hiện trích nộp 30% tổng số phí thu được để đóng góp vào công tác quản lý, đảm bảo trật tự, an toàn, an ninh hàng hải tại vùng nước cảng biển;
b) Giữ lại 70% tổng số phí thu được để bù đắp chi phí đầu tư, duy trì và bảo dưỡng đối với khu neo đậu, khu chuyển tải để đảm bảo hoạt động theo quy định.
Điều 6. Thông báo, chuyển số phí phải trích nộp
1. Căn cứ vào danh mục luồng hàng hải chuyên dùng và danh sách, số lượng tàu thuyền được làm thủ tục, cấp phép vào, rời cảng biển, khu neo đậu, chuyển tải của doanh nghiệp, hàng tháng (trong vòng 10 ngày đầu của tháng kế tiếp) Cảng vụ hàng hải xác định số phí phải trích nộp tháng trước theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và thông báo cho các doanh nghiệp. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện chuyển số phí phải trích nộp cho cảng vụ hàng hải khu vực.
2. Đối với số phí bảo đảm hàng hải nhận được từ doanh nghiệp, Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm quản lý và chuyển cho các cơ quan, đơn vị thụ hưởng theo quy định hiện hành.
3. Đối với số phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước nhận được từ doanh nghiệp, Cảng vụ hàng hải được sử dụng và nộp ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Điều 7. Quyết toán thu, trích nộp phí
1. Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quyết toán số thu phí bảo đảm hàng hải, phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước được trích nộp về các cảng vụ hàng hải; số chi phí sử dụng vị trí neo đậu tại khu nước, vùng nước của cảng vụ hàng hải khi thẩm định, xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của cảng vụ theo quy định hiện hành.
2. Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện quyết toán số chi phí bảo đảm hàng hải được trích nộp trong tổng nguồn chi phí bảo đảm hàng hải hàng năm để chi cung ứng dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải và các nhiệm vụ khác theo cơ chế tài chính hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
2. Bãi bỏ Quyết định số 65/2006/QĐ-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành mức trích nộp phí bảo đảm hàng hải đối với luồng hàng hải do doanh nghiệp đầu tư, khai thác.
3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm công bố danh mục luồng hàng hải chuyên dùng trên toàn quốc.
4. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm triển khai tổ chức, thực hiện Thông tư này.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.