BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
DỰ THẢO LẦN 1 |
Hà Nội, ngày tháng năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC ĐỐI VỚI TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CÔNG LẬP TRONG LĨNH VỰC PHÁP Y
Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20/6/2012;
Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18/6/2012;
Căn Cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Thông tư số 16/1997/TT-LĐTBXH ngày 23 tháng 4 năm 1997 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thời giờ làm việc hàng ngày được rút ngắn đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định chế độ làm việc đối với tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định chế độ làm việc của giám định viên và người giúp việc trong tổ chức giám định tư pháp công lập về lĩnh vực pháp y, bao gồm: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và chế độ trực pháp y.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này áp dụng đối với Giám định viên, người giúp việc trực tiếp giám định, bao gồm: Giám định tử thi, giám định tổn thương cơ thể, giám định độc chất hóa pháp, giám định mô bệnh học, chẩn đoán hình ảnh, giám định gen (ADN), sau đây gọi chung là các loại hình giám định pháp y.
2. Quy định này không áp dụng đối với những người làm công tác giám định trong lực lượng vũ trang và những người làm công tác pháp y kiêm nhiệm.
Chương II
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA GIÁM ĐỊNH VIÊN VÀ NGƯỜI GIÚP VIỆC
Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên
1. Thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu.
2. Từ chối giám định trong trường hợp nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn; đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định hoặc có lý do chính đáng khác. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật.
4. Thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật về hội.
5. Hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật Giám định tư pháp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của người giúp việc
1. Tiếp nhận, hướng dẫn cá nhân, tổ chức gửi/chuyển hồ sơ, đối tượng giám định;
2. Chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ phục vụ cho từng loại hình giám định;
3. Thực hiện một số kỹ thuật cơ bản trong quy trình giám định, phụ giúp giám định viên thực hiện kỹ thuật chuyên sâu khi được giao;
4. Ghi chép các hoạt động giám định theo chỉ đạo của giám định viên;
5. Sử dụng, bảo quản trang thiết bị trong quá trình giám định;
6. Bảo đảm phục vụ giám định kịp thời chính xác, khách quan và trung thực;
7. Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn lao động trong quá trình giám định.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI
Điều 5. Thời giờ làm việc
1. Thời giờ làm việc bình thường của những người trực tiếp giám định pháp y không quá 06 giờ trong một ngày và 36 giờ trong một tuần.
2. Hàng ngày, nếu những người trực tiếp giám định làm việc liên tục trong 6 giờ thì có ít nhất 30 phút được nghỉ khi làm việc vào ban ngày, có ít nhất 45 phút được nghỉ khi làm việc vào ban đêm. Thời gian nghỉ giữa giờ làm việc được coi là thời giờ làm việc được hưởng lương.
3. Ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường nêu trên, những người trực tiếp giám định làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên kể cả số giờ làm thêm thì được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc.
Điều 6. Làm thêm giờ
Trong trường hợp thực hiện giám định ngoài số giờ làm việc quy định thì được hưởng chế độ làm việc thêm giờ theo quy định hiện hành.
Điều 7. Nghỉ hàng năm
1. Thời gian để tính nghỉ hàng năm:
- Những người trực tiếp giám định có thời gian làm việc đủ 12 tháng kể cả thời gian được coi là thời gian làm việc thì được nghỉ hàng năm đủ số ngày quy định.
- Nếu chưa đủ 12 tháng, thì ngày nghỉ hàng năm được tính tương ứng với số tháng làm việc trong năm.
- Trong một năm làm việc, nếu có tổng thời gian nghỉ (cộng dồn) do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quá 6 tháng (144 ngày làm việc); hoặc nghỉ do ốm đau quá 3 tháng (72 ngày làm việc), thì thời gian đó không được tính để hưởng chế độ nghỉ hàng năm của năm ấy.
2. Mức nghỉ hàng năm.
Thời gian nghỉ hàng năm: 16 ngày.
3. Tính ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc.
Thâm niên làm việc để được tính thêm ngày nghỉ hàng năm là tổng số năm thực tế người trực tiếp giám định đã làm việc cho tổ chức tư pháp công lập thuộc Bộ Y tế bao gồm cả thời gian học nghề, tập nghề tại tổ chức đó. Trong trường hợp có gián đoạn, thì thâm niên làm việc bằng tổng số năm thực tế làm việc theo từng giai đoạn trước đây.
a) Cách tính ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc như sau:
Người người trực tiếp giám định cứ có 5 năm làm việc cho một tổ chức tư pháp công lập thuộc Bộ Y tế thì được tính nghỉ thêm 1 ngày làm việc được hưởng nguyên lương, số ngày nghỉ thêm nhiều hay ít phụ thuộc vào số năm thực tế làm việc, cụ thể như sau:
- Có dưới 5 năm làm việc thì nghỉ hàng năm theo Điều 7 văn bản này;
+ Có đủ 5 năm đến dưới 10 năm thì được nghỉ thêm 1 ngày;
+ Có đủ 10 năm đến dưới 15 năm thì được nghỉ thêm 2 ngày;
+ Có đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì được nghỉ thêm 3 ngày;
+ Có đủ 20 năm đến dưới 25 năm thì được nghỉ thêm 4 ngày;
+ Có đủ 25 năm đến dưới 30 năm thì được nghỉ thêm 5 ngày;
+ Có đủ 30 năm đến dưới 35 năm thì được nghỉ thêm 6 ngày;
Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TRỰC PHÁP Y
Điều 8. Trực chuyên môn
1. Chế độ thường trực được thực hiện 24/24 giờ đối với giám định pháp y tử thi và xâm hại tình dục nhằm đảm bảo thực hiện giám định nhanh chóng, kịp thời.
2. Số lượng người trực phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và có lịch trực cụ thể hàng ngày do thủ trưởng cơ quan giám định phân công.
3. Các tổ chức giám định tư pháp công lập về lĩnh vực pháp y phải đảm bảo phòng trực, điều kiện trực cho kíp trực.
4. Những người được phân công trực pháp y được hưởng chế độ phụ cấp thường trực như đối với các cơ sở y tế khám chữa bệnh theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Nghỉ bù trực: Những người trực vào ngày thường thì được nghỉ nửa ngày vào ngày hôm sau; được nghỉ một ngày nếu trực vào ngày Lễ, Tết. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì thủ trưởng đơn vị phải thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động năm 2012.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, các cơ quan có liên quan, theo thẩm quyền được giao có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chế độ làm việc của những tổ chức pháp y công lập tại quy định này; hằng năm báo cáo định kỳ gửi Bộ Y tế.
Điều 10. Trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị
Thủ trưởng Tổ chức giám định tư pháp công lập chịu trách nhiệm tổ chức việc thực hiện chế độ làm việc và tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức thực hiện chế độ làm việc theo Quy định này.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.