BỘ XÂY DỰNG |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2015/TT-BXD |
Hà Nội, ngày tháng năm 2015. |
(DỰ THẢO) |
|
HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ DỊCH VỤ CÔNG ÍCH ĐÔ THỊ
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/9/2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị;
Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh;
Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng và Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí thực hiện dịch vụ công ích đô thị.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn xác định và quản lý chi phí để thực hiện các dịch vụ công ích đô thị sau:
- Thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị;
- Nạo vét, duy trì hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị;
- Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị;
- Duy trì phát triển hệ thống cây xanh đô thị;
- Duy trì nghĩa trang đô thị.
2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dịch vụ công ích đô thị quy định tại Thông tư này. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước áp dụng các qui định của Thông tư này trong quá trình xác định và quản lý chi phí các dịch vụ công ích đô thị.
3. Đối với các dịch vụ công ích đô thị thực hiện theo cơ chế định giá sản phẩm dịch vụ công ích đô thị, chi phí thực hiện dịch vụ được xác định và quản lý theo cơ chế định giá dịch vụ sản phẩm công ích đô thị.
Điều 2. Nguyên tắc xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị
1. Chi phí để thực hiện các dịch vụ công ích đô thị được xác định phải đảm bảo tính đúng, tính đủ, phù hợp với quy trình kỹ thuật, điều kiện thực tế thực hiện, phù hợp với thị trường.
2. Chi phí thực hiện các dịch vụ công ích đô thị được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương xác định dự toán chi phí; xem xét, quyết định giá dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đấu thầu, đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cung ứng các dịch vụ công ích đô thị và là căn cứ để thương thảo, ký kết hợp đồng, thanh toán và quyết toán hợp đồng thực hiện các dịch vụ này.
3. Việc quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị phải tuân thủ các quy định liên quan đến sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích đô thị và phù hợp với điều kiện ngân sách của địa phương, khả năng chi trả của người thụ hưởng dịch vụ.
XÁC ĐỊNH CHI PHÍ DỊCH VỤ CÔNG ÍCH ĐÔ THỊ
Điều 3. Nội dung dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị
Dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị bao gồm các khoản: chi phí trực tiếp (chi phí vật liệu; chi phí nhân công; chi phí sử dụng xe máy, thiết bị), chi phí quản lý chung, lợi nhuận định mức và thuế giá trị gia tăng.
Điều 4. Xác định dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị
1. Dự toán chi phí thực hiện dịch vụ công ích đô thị được xác định theo công thức:
Dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị |
= |
Chi phí trực tiếp |
+ |
Chi phí quản lý chung |
+ |
Lợi nhuận định mức |
+ |
Thuế giá trị gia tăng |
2. Các yếu tố của dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị được xác định như sau:
2.1 Chi phí trực tiếp: gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sử dụng xe máy, thiết bị.
Chi phí trực tiếp |
= ∑ |
Khối lượng của từng loại công tác dịch vụ công ích đô thị |
x |
Đơn giá của từng loại công tác dịch vụ công ích đô thị |
a) Khối lượng của từng loại công tác dịch vụ công ích đô thị được xác định trên cơ sở kế hoạch theo định kỳ hoặc nhiệm vụ đột xuất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
b) Đơn giá của từng loại công tác dịch vụ công ích đô thị bao gồm các thành phần đơn giá về vật liệu, nhân công và sử dụng xe máy, thiết bị.
- Đơn giá vật liệu là chi phí của các vật liệu được sử dụng trong quá trình thực hiện một đơn vị khối lượng công việc dịch vụ công ích đô thị, được xác định theo công thức:
Đơn giá vật liệu cho một đơn vị khối lượng công việc dịch vụ công ích đô thị |
= ∑ |
Định mức hao phí từng loại vật liệu để thực hiện một đơn vị khối lượng công việc dịch vụ công ích đô thị |
x |
Giá của từng loại vật liệu tương ứng |
+ Định mức hao phí từng loại vật liệu để thực hiện một đơn vị khối lượng công tác dịch vụ công ích đô thị theo định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
+ Giá của từng loại vật liệu là giá hợp lý và phải phù hợp với mặt bằng giá trên thị trường, đảm bảo tính cạnh tranh và được xác định trên cơ sở giá do địa phương công bố, báo giá của các nhà sản xuất hoặc giá đã được áp dụng cho các công việc tương tự có cùng tiêu chuẩn (giá vật liệu cấu thành trong đơn giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
- Đơn giá nhân công là toàn bộ chi phí nhân công trực tiếp thực hiện một đơn vị khối lượng công tác dịch vụ công ích đô thị được xác định theo công thức:
Đơn giá nhân công cho một đơn vị khối lượng công việc dịch vụ công ích đô thị |
= ∑ |
Định mức hao phí ngày công cấp bậc để thực hiện một đơn vị khối lượng công tác dịch vụ công ích đô thị |
x |
Tiền lương ngày công cấp bậc của nhân công trực tiếp tương ứng |
+ Định mức hao phí ngày công cấp bậc để thực hiện một đơn vị khối lượng công tác dịch vụ công ích đô thị theo định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
+ Tiền lương ngày công cấp bậc của nhân công trực tiếp xác định theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (hiện nay là quy định tại Thông tư số 26/2015/BLĐTBXH ngày 14/7/2015 của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).
- Đơn giá sử dụng xe máy, thiết bị là chi phí sử dụng xe máy, thiết bị trực tiếp thực hiện một đơn vị khối lượng công việc dịch vụ công ích đô thị được xác định theo công thức sau:
Đơn giá sử dụng xe máy, thiết bị cho một đơn vị khối lượng công việc dịch vụ công ích đô thị |
= ∑ |
Định mức hao phí ca xe máy, thiết bị của từng loại xe máy, thiết bị để thực hiện một đơn vị khối lượng công việc dịch vụ công ích đô thị |
x |
Giá ca xe máy, thiết bị tương ứng |
+ Định mức hao phí ca xe máy, thiết bị của từng loại xe máy, thiết bị để thực hiện một đơn vị khối lượng công việc dịch vụ công ích đô thị theo định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
+ Giá ca xe máy, thiết bị được xác định trên cơ sở vận dụng theo phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng công trình do Bộ Xây dựng hướng dẫn hoặc theo giá ca xe máy, thiết bị do địa phương quy định. Tiền lương thợ điều khiển máy trong giá ca xe máy được xác định như cách xác định tiền lương cấp bậc của nhân công trực tiếp theo hướng dẫn tại mục 2 Điều này.
2.2. Chi phí quản lý chung: bao gồm chi phí quản lý của doanh nghiệp và chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định.
a) Chi phí quản lý của doanh nghiệp: bao gồm các chi phí có tính chất chung chi cho bộ máy quản lý và điều hành doanh nghiệp, các chi phí gián tiếp phục vụ cho công tác quản lý, chi phí phục vụ công nhân (bao gồm cả công cụ lao động), chi trả lãi vay vốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, các khoản chi phí xã hội mà người sử dụng lao động phải nộp cho nhà nước (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp...), các khoản phí, lệ phí, chi phí thuê tài sản, thuê mặt bằng nhà xưởng (nếu có), chi phí thuê kiểm toán và các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động chung của doanh nghiệp.
Chi phí quản lý của doanh nghiệp trong dự toán chi phí dịch vụ công ích do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định với tỷ lệ không quá định mức cho từng loại hình dịch vụ công ích đô thị quy định cụ thể dưới đây:
- Chi phí quản lý của doanh nghiệp so với chi phí nhân công trực tiếp:
Đơn vị tính: tỷ lệ %
TT |
Loại hình dịch vụ công ích |
Định mức |
|
|
|||
1 |
Thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị; Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị |
< 60% |
|
2 |
Nạo vét, duy trì hệ thống thoát nước đô thị và xử lý nước thải đô thị; Duy trì phát triển hệ thống cây xanh đô thị; Duy trì nghĩa trang đô thị |
< 65% |
|
- Chi phí quản lý của doanh nghiệp so với chi phí sử dụng xe máy, thiết bị
Đối với khối lượng công tác dịch vụ công ích đô thị có chi phí sử dụng xe máy, thiết bị > 60% chi phí trực tiếp thì chi phí quản lý của doanh nghiệp được tính tỷ lệ không quá 5% chi phí trực tiếp.
Trường hợp dịch vụ công ích đô thị của địa phương có đặc thù riêng, chi phí quản lý của doanh nghiệp xác định theo mức tỷ lệ trên không đủ chi phí thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
b) Chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định: Chi phí khấu hao, sửa chữa tài sản cố định thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
2.3. Lợi nhuận định mức được tính với tỷ lệ không quá 5% trên chi phí trực tiếp và chi phí quản lý chung trong dự toán chi phí thực hiện dịch vụ công ích đô thị.
2.4. Thuế giá trị gia tăng (nếu có): Thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp và khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
QUẢN LÝ CHI PHÍ DỊCH VỤ CÔNG ÍCH ĐÔ THỊ
Điều 5. Quản lý định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị
1. Định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị do Bộ Xây dựng công bố là cơ sở để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vận dụng áp dụng trong quá trình lập và quản lý chi phí thực hiện dịch vụ công ích đô thị. Trường hợp điều kiện thực tế thực hiện của địa phương có sự khác biệt so với điều kiện quy định trong hệ thống định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
2. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ phương pháp xây dựng định mức dự toán hiện hành để tổ chức xây dựng, điều chỉnh và quy định áp dụng cho các định mức dự toán công tác dịch vụ công ích đô thị của địa phương chưa có trong hệ thống định mức dự toán dịch vụ công ích đô thị do Bộ Xây dựng công bố. Định kỳ hàng năm, gửi những định mức đã điều chỉnh hoặc xây dựng bổ sung về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.
Điều 6. Quản lý hợp đồng thực hiện dịch vụ công ích đô thị
1. Hợp đồng dịch vụ công ích đô thị là hợp đồng dân sự (sau đây gọi tắt là hợp đồng), việc thực hiện dịch vụ công ích đô thị thông qua hợp đồng giữa cơ quan quản lý của địa phương với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đô thị. Hợp đồng dịch vụ công ích đô thị là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên để thực hiện một, một số hay toàn bộ công việc dịch vụ công ích đô thị. Hợp đồng là văn bản pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ các bên tham gia hợp đồng. Các tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký kết có hiệu lực pháp luật. Các tranh chấp chưa được thỏa thuận trong hợp đồng thì giải quyết trên cơ sở qui định của pháp luật có liên quan.
2. Giá hợp đồng dịch vụ công ích đô thị là khoản kinh phí bên giao thầu cam kết trả cho bên nhận thầu để thực hiện khối lượng công việc theo yêu cầu về chất lượng, tiến độ và các yêu cầu khác qui định trong hợp đồng. Trong hợp đồng các bên phải ghi rõ nội dung của giá hợp đồng, trong đó cần thể hiện các khoản thuế, phí, trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí có liên quan. Các bên căn cứ hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, dự toán chi phí, đơn đặt hàng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và kết quả đàm phán hợp đồng để xác định giá hợp đồng. Giá hợp đồng có các hình thức sau:
a) Giá hợp đồng trọn gói là giá hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với các công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết. Giá hợp đồng trọn gói áp dụng cho các công tác hoặc gói thầu đã xác định rõ về khối lượng, chất lượng, thời gian thực hiện hoặc trong một số trường hợp không xác định được khối lượng và bên nhận thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài liệu để tính toán, xác định giá trọn gói và các bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro liên quan đến việc xác định giá trọn gói.
b) Giá hợp đồng theo đơn giá cố định là giá hợp đồng được xác định trên cơ sở khối lượng công việc tạm tính và đơn giá từng công việc trong hợp đồng là cố định. Đơn giá trong hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Giá hợp đồng theo đơn giá cố định áp dụng cho các công tác hoặc gói thầu không đủ điều kiện xác định chính xác về khối lượng nhưng đủ điều kiện xác định về các đơn giá thực hiện công việc và bên nhận thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, tài liệu để tính toán, xác định đơn giá và các bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro liên quan đến việc xác định đơn giá.
c) Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh là giá hợp đồng mà khối lượng công việc và đơn giá từng công việc trong hợp đồng được phép điều chỉnh trong các trường hợp được quy định tại hợp đồng. Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh áp dụng cho các công tác hoặc gói thầu mà ở thời điểm ký kết hợp đồng không đủ điều kiện xác định chính xác về khối lượng công việc cần thực hiện hoặc các yếu tố chi phí để xác định đơn giá thực hiện các công việc.
Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh (tại thời điểm ký kết giá hợp đồng chỉ là tạm tính) sẽ được điều chỉnh thay đổi khi có đủ điều kiện xác định khối lượng, đơn giá thực hiện theo quy định trong hợp đồng. Các bên phải thỏa thuận về các trường hợp, nội dung được điều chỉnh trong hợp đồng.
d) Giá hợp đồng kết hợp là giá hợp đồng được xác định kết hợp 2 hoặc cả 3 hình thức được quy định tại điểm a, b, c nêu trên.
Điều 7. Quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị
1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn và quy định áp dụng đơn giá; phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt đơn giá, dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị, dự toán các chi phí phục vụ quản lý dịch vụ công ích làm cơ sở để quản lý.
2. Việc thanh toán, quyết toán chi phí dịch vụ công ích đô thị căn cứ trên cơ sở quy định của Nhà nước, nội dung của hợp đồng đã ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương với tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công ích đô thị và các quy định khác có liên quan.
3. Bộ Xây dựng định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị theo nội dung của Thông tư này tại các địa phương.
Đối với các hợp đồng thực hiện dịch vụ công ích đô thị đã được ký kết và đang thực hiện hoặc các dự toán chi phí thực hiện dịch vụ công ích đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không bắt buộc áp dụng các quy định của Thông tư này; Trường hợp cần thực hiện theo các quy định tại Thông tư này thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày /01/2016 và thay thế Thông tư số 06/2008/TT-BXD ngày 20/3/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
HỆ SỐ LƯƠNG CẤP BẬC, PHỤ CẤP LƯƠNG ĐỂ
XÁC ĐỊNH TIỀN LƯƠNG TRONG ĐƠN GIÁ NHÂN CÔNG DỊCH VỤ CÔNG ÍCH ĐÔ THỊ
(Ban hành kèm theo Thông tư số
/2015/TT-BXD ngày tháng năm 2015 của
Bộ Xây dựng)
I. HỆ SỐ LƯƠNG CẤP BẬC
1. LAO ĐỘNG TRỰC TIẾP SẢN XUẤT
NHÓM CÔNG VIỆC |
BẬC/HỆ SỐ LƯƠNG |
||||||
I |
II |
III |
IV |
V |
VI |
VII |
|
a) Nhóm I (điều kiện lao động bình thường) |
1,55 |
1,83 |
2,16 |
2,55 |
3,01 |
3,56 |
4,20 |
b) Nhóm II (điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) |
1,67 |
1,96 |
2,31 |
2,71 |
3,19 |
3,74 |
4,40 |
c) Nhóm III (điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) |
1,78 |
2,10 |
2,48 |
2,92 |
3,45 |
4,07 |
4,80 |
2. LÁI XE
NHÓM XE |
BẬC/HỆ SỐ LƯƠNG |
|||
I |
II |
III |
IV |
|
a) Xe con, xe tải, xe cẩu dưới 3,5 tấn … |
2,18 |
2,57 |
3,05 |
3,60 |
b) Xe tải, xe cẩu từ 3,5 tấn đến dưới 7,5 tấn |
2,35 |
2,76 |
3,25 |
3,82 |
c) Xe tải, xe cẩu từ 7,5 tấn đến dưới 16,5 tấn |
2,51 |
2,94 |
3,44 |
4,05 |
d) Xe tải, xe cẩu từ 16,5 tấn đến dưới 25 tấn |
2,66 |
3,11 |
3,64 |
4,20 |
đ) Xe tải, xe cẩu từ 25 tấn đến dưới 40 tấn |
2,99 |
3,50 |
4,11 |
4,82 |
e) Xe tải, xe cẩu từ 40 tấn trở lên |
3,20 |
3,75 |
4,39 |
5,15 |
3. LÁI GHE, TÀU, THUYỀN
3.1 THUYỀN TRƯỞNG, THUYỀN PHÓ
CHỨC DANH THEO LOẠI TÀU |
Loại I |
Loại II |
||
BẬC/HỆ SỐ LƯƠNG |
||||
I |
II |
I |
II |
|
+ Thuyền trưởng |
3,73 |
3,91 |
4,14 |
4,36 |
+ Đại phó, máy trưởng |
3,17 |
3,30 |
3,55 |
3,76 |
+ Thuyền phó 2, máy 2 |
2,66 |
2,81 |
2,93 |
3,10 |
Ghi chú:
Loại I: Phương tiện có trọng tải động cơ có công suất máy chính từ 5 CV đến 15 CV;
Loại II: Phương tiện có tổng công suất máy chính từ trên 15 CV đến 150 CV;
Loại III: Phương tiện có tổng công suất máy chính từ trên 150 CV đến 400 CV;
Loại IV: Phương tiện có tổng công suất máy chính trên 400 CV.
II. PHỤ CẤP LƯƠNG
1. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 áp dụng đối với người lao động làm nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Phụ cấp khu vực gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 áp dụng đối với người lao động làm việc ở địa bàn mà Nhà nước quy định cán bộ, công chức làm việc ở địa bàn này được hưởng phụ cấp khu vực.
3. Phụ cấp trách nhiệm công việc gồm 4 mức: 0,5; 0,3; 0,2 và 0,1 áp dụng đối với người lao động làm một số công việc thuộc công tác quản lý (như tổ trưởng, tổ phó, đội trưởng, đội phó, quản đốc, đốc công, trưởng ca, phó trưởng ca, trưởng kíp, phó trưởng kíp và chức danh tương tự).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.