BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/1999/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 1999 |
Căn cứ Nghị định số 87/CP
ngày 5/8/1997 của Chính phủ ban hành Qui chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ
phát triển chính thức (ODA) và Nghị định số 90/1998/NĐ-CP ngày 7/11/1998 của
Chính phủ ban hành Qui chế Quản lý vay và trả nợ nước ngoài và các văn bản hướng
dẫn có liên quan,
Căn cứ Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản
lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 92/CP ngày 23/8/1997 của Chính phủ về việc
sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và các văn
bản hướng dẫn có liên quan,
Căn cứ Quyết định số 172/TTg ngày 24/3/1997 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
chương trình phát triển 40 000 ha cà phê chè Arabica đến năm 2001,
Căn cứ Thoả ước mở tín dụng số CVN 1025 01 C ngày 4/11/1998 (sau đây gọi là
"Thoả ước") cho Chương trình phát triển cà phê chè (sau đây gọi là
"Chương trình") ký giữa Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Pháp (dưới
đây viết tắt là "AFD"),
Căn cứ Công văn số 1258/CP-NN ngày 24/10/1998 của Chính phủ phê duyệt Thoả ước
mở tín dụng và cơ chế cho vay lại vốn vay AFD áp dụng cho Chương trình,
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính đối với Chương trình vay vốn AFD
phát triển cà phê chè do Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (dưới đây viết tắt là
"VINACAFE") làm chủ đầu tư như sau:
1. Nguồn vốn vay AFD cho Chương trình là khoản vay nợ nước ngoài của Chính phủ. Vì vậy, toàn bộ tiền vay được hạch toán vào Ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ cho phía nước ngoài khi đến hạn.
2. VINACAFE là chủ đầu tư và là cơ quan tổ chức thực hiện Chương trình, có trách nhiệm sử dụng vốn vay AFD đầu tư phát triển theo qui hoạch và có hiệu quả, phù hợp với các điều kiện qui định trong Thoả ước đã ký với AFD và hoàn trả Ngân sách nhà nước theo qui định tại hợp đồng cho vay lại ký với Tổng cục Đầu tư Phát triển và các quy định tại Thông tư này.
3. Tổng cục đầu tư Phát triển chịu trách nhiệm thực hiện việc cho vay lại khoản vay AFD, Quản lý và thu hồi nợ vay đối với chủ đầu tư và được hưởng phí cho vay lại nguồn vốn tín dụng nhà nước theo qui định.
1. Về tổ chức điều hành và thực hiện chương trình:
VINACAFE có trách nhiệm đứng ra tổ chức và điều hành thực hiện toàn bộ chương trình:
- Thành lập ban quản lý chương trình với thành phần bao gồm VINACAFE và đại diện các cơ quan của các địa phương có dự án. VINACAFE cần xây dựng quy chế Ban quản lý chương trình ở các cấp, trong đó xác định rõ trách nhiệm từng khâu như xây dựng kế hoạch (đầu tư, giải ngân vốn vay, vốn đối ứng), tổ chức sản xuất, tổ chức tài vụ và hạch toán kế toán..., đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện Chương trình.
- Tổ chức việc thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần thuộc Chương trình với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng cũng như phù hợp với quy hoạch đầu tư đưọc duyệt.
- VINACAFE phải chịu hoàn toàn rủi ro tín dụng đối với toàn bộ Chương trình và rủi ro hối đoái đối với các hợp phần vay lại bằng ngoại tệ.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chỉ định là ngân hàng phục vụ trong các giao dịch rút vốn cho Chương trình, đồng thời chịu trách nhiệm trước VINACAFE (nếu được uỷ thác) về việc cho vay lại, quản lý và thu hồi nợ vay đối với người sử dụng vốn (hộ nông dân, công ty tỉnh và các nông trường...), được hưởng phí dịch vụ theo Hợp đồng nhận uỷ thác ký với VINACAFE.
2. Cơ chế cho vay lại đối với Chương trình:
Chính phủ thông qua Bộ Tài chính cho VINACAFE vay lại toàn bộ số vốn 212 triệu phrăng Pháp vay của AFD. Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện việc rút vốn vay AFD và cho VINACAFE vay lại và thu hồi nợ vay thông qua hệ thống Tổng cục Đầu tư Phát triển.
Điều kiện cho vay lại được qui định theo các hợp phần vay như sau:
a) Đối với các hợp phần vay cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn, máy xay sát nhỏ, trạm sơ chế và cơ sở kiểm tra chất lượng (với tổng giá trị vay là 160,645 triệu phrăng Pháp).
- Bộ Tài chính cho VINACFE vay lại và thu hồi nợ vay bằng đồng Việt Nam, rủi do về hối đoái do Ngân sách nhà nước chịu. Tỷ giá quy đổi vào ngày rút vốn để VINACAFE nhận nợ với Bộ Tài chính bằng đồng Việt Nam áp dụng theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ - đồng Việt Nam do Bộ Tài chính quy định hàng tháng.
- Lãi suất cho vay lại là 0,41%/tháng (tức 4,92 % năm), trong đó đã bao gồm phí cho vay lại của Tổng cục Đầu tư Phát triển là 0,01 %/tháng (tức 0,12%/năm) tính trên số dư nợ gốc cho vay lại. VINACAFE chịu toàn bộ rủi do về tín dụng.
- Thời gian cho vay lại là 10 năm, trong đó có 3 năm ân hạn tính từ các ngày 15/4 và 15/10 hàng năm cho các khoản rút vốn trong từng thời kỳ 6 tháng, cụ thể như sau:
+ Đối với các khoản rút vốn thực hiện trong thời gian từ ngày 16/10 năm trước đến ngày 15/4 năm sau thì thời gian ân hạn cho các khoản rút vốn này là 3 năm tính từ ngày 15/4 năm sau.
+ Đối với các khoản rút vốn thực hiện trong thời gian từ ngày 16/4 đến ngày 15/10 thì thời gian ân hạn cho các khoản rút vốn này là 3 năm tính từ ngày 15/10.
- VINACAFE có thể trực tiếp hoặc thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay bằng đồng Việt Nam đối với người sử dụng vốn (hộ nông dân, công ty cà phê tỉnh, các nông trường thuộc VINACAFE) theo lãi suất thống nhất là 0,81 %/ tháng (tức 9,72%/năm).
Chênh lệch 0,4%/tháng (tức 4,8%/năm) giữa lãi suất Bộ Tài chính cho vay lại vốn vay của Chính phủ là 0,41%/tháng và lãi suất VINACAFE cho vay đến người sử dụng vốn là 0,81%/tháng được để lại cho VINACAFE sử dụng để tổ chức tiếp việc cho vay lại, quản lý vốn vay và lập quỹ bù đắp rủi ro về tín dụng, đồng thời bổ sung nguồn trả nợ đối với hợp phần vay cho chi phí nghiên cứu, đào tạo, chi phí quản lý và dự phòng (phần (b) dưới đây). Mức phí trả cho đơn vị được VINACAFE uỷ thác thực hiện cho vay lại do VINACAFE và đơn vị được uỷ thác tự thoả thuận phù hợp với chế độ quy định của Nhà nước.
- Lãi phạt chậm trả sẽ do Tổng cục Đầu tư và Phát triển qui định cụ thể trong Hợp đồng cho vay lại ký với Chủ đầu tư, nhưng không thấp hơn mức lãi phạt chậm trả quy định trong Thoả ước.
Đối với việc trả lãi vay của hộ nông dân trồng cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cây cà phê, VINACAFE trực tiếp bàn với các tỉnh có biện pháp xử lý cụ thể.
b) Đối với các hợp phần vay đầu tư cho các nhà máy chế biến và chi phí nghiên cứu, đào tạo, chi phí quản lý và dự phòng (với tổng trị giá vay là 50,676 triệu phrăng Pháp)
- Bộ Tài chính sẽ cho VINACAFE vay lại và thu hồi nợ vay bằng đồng phrăng Pháp.
- Lãi suất cho vay lại là 4,5%/năm, trong đó đã bao gồm phí cho vay lại của Tổng cục Đầu tư Phát triển là 0,2%/năm tính trên số dư nợ gốc cho vay lại.
- Thời gian cho vay lại là 10 năm, trong đó có 3 năm ân hạn tính từ các ngày 15/4 và 15/10 hàng năm cho các khoản rút vốn trong từng thời kỳ 6 tháng, cụ thể như sau:
+ Đối với các khoản rút vốn thực hiện trong thời gian từ ngày 16/10 năm trước đến ngày 15/4 năm sau thì thời gian ân hạn cho các khoản rút vốn này là 3 năm tính từ ngày 15/4 năm sau.
+ Đối với các khoản rút vốn thực hiện trong thời gian từ ngày 16/4 đến ngày 15/10 thì thời gian ân hạn cho các khoản rút vốn này là 3 năm tính từ ngày 15/10.
- VINACAFE có trách nhiệm tính toán, cân đối ngoại tệ trả nợ vốn vay và tự chịu toàn bộ rủi ro hối đoái và rủi ro tín dụng đối với các hợp phần này.
- Lãi phạt chậm trả sẽ do Tổng cục Đầu tư Phát triển qui định cụ thể trong hợp đồng cho vay lại ký với Chủ đầu tư, nhưng không thấp hơn mức lãi phạt chậm trả qui định trong thoả ước.
- Ngoài ra, đối với toàn bộ khoản vay, VINACAFE chịu mọi khoản phí ngoài nước (nếu có) phải trả cho AFD. Các khoản phí này sẽ do Tổng cục Đầu tư Phát triển thông báo và thu trực tiếp từ VINACAFE.
3. Hướng dẫn đối với việc rút vốn:
Vốn đối ứng:
Theo Quyết định số 172/TTg ngày 24/3/1997 của Thủ tướng Chính phủ thì vốn trong nước là 331 tỉ đồng được bố trí từ các nguồn chương trình khuyến nông, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, định canh định cư, 327, 773..., vốn tự có của VINACAFE, của các doanh nghiệp cà phê và của dân tự đầu tư.
Sau khi các địa phương có dự án đã tính toán cân đối nhu cầu vốn đối ứng từ các nguồn theo các chương trình nói trên, nếu vẫn chưa đủ vốn đối ứng theo Quyết định số 172/TTg ngày 24/3/1997 của Thủ tướng Chính phủ thì VINACAFE có trách nhiệm phối hợp với các địa phương để tính toán xây dựng kế hoạch vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để bổ sung cho đủ vốn đối ứng hàng năm theo tiến độ của Chương trình. Kế hoạch vốn đối ứng phải được lập cùng với kế hoạch giải ngân vốn vay AFD. Nhu cầu vốn đối ứng bổ sung từ nguồn tín dụng đầu tư nói trên được VINACAFE tổng hợp và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư Phát triển) để xác định và phân bổ kế hoạch vốn đối ứng cho từng địa phương, đơn vị cụ thể theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-BKH-BTC ngày 14/8/1998 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý vốn đối ứng cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Việc ký kết và triển khai hợp đồng tín dụng đầu tư theo kế hoạch phân bổ vốn nói trên sẽ do VINACAFE và các địa phương thực hiện Chương trình thoả thuận cụ thể với cơ quan cho vay tín dụng ưu đãi.
Rút vốn vay AFD:
Căn cứ vào Thoả ước và tiến độ thực hiện Chương trình, VINACAFE xây dựng kế hoạch giải ngân vốn vay AFD hàng năm gửi cho Bộ Tài chính, trong đó cần chú ý thực hiện một số quy định tại Thoả ước như sau:
- Trước khi tiến hành rút vốn,VINACAFE cần lập và gửi cho Bộ Tài chính bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, các điều kiện cho vay lại đến người sử dụng vốn cuối cùng, các bản kế hoạch, dự trù giá cả, hợp đồng cung cấp dịch vụ, thiết bị... để Bộ Tài chính cùng AFD xem xét, xác nhận việc phân bổ sử dụng tín dụng.
- Các hàng hoá và dịch vụ được tài trợ bằng vốn vay AFD phải có nguồn gốc từ Pháp hoặc Việt Nam.
- Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định hiện hành về thủ tục xét chọn nhà thầu, các tài liệu mời thầu và kết quả đấu thầu và báo cáo cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại và Tổng cục Đầu tư Phát triển), AFD nếu được yêu cầu.
- Mọi thay đổi trong việc phân bổ chi phí và kế hoạch tài chính của Chương trình khác với quy định tại Phụ lục 2 của Thoả ước phải được Bộ Tài chính và AFD chấp thuận trước.
Tuỳ theo yêu cầu thực tế của Chương trình và theo đề nghị vủa VINACAFE, việc rút vốn vay AFD có thể được thực hiện theo một trong các phương thức sau:
a. Tái tài trợ các chi phí đã được VINACAFE chi trả:
Căn cứ vào đề nghị và các hoá đơn, chứng từ kèm theo đối với các khoản đã chi của VINACAFE, Bộ Tài chính yêu cầu AFD rút vốn hoàn trả vào tài khoản của VINACAFE mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các chứng từ thanh toán có thể dưới dạng bản sao có xác nhận sao y bản chính của VINACAFE và ghi rõ ngày thanh toán. Riêng đối với trường hợp đề nghị rút vốn hoàn trả cho các hoá đơn có trị giá dưới 3000 phrăng Pháp, VINACAFE chỉ cần gửi bản sao kê chi tiêu để Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) làm thủ tục rút vốn với phía Pháp. Ngoài ra, theo yêu cầu của AFD, VINACAFE có thể phải cung cấp các tài liệu cần thiết chứng tỏ các chi phí trên đã được đầu tư có hiệu quả.
Riêng đối với việc thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành theo hợp đồng xây lắp, cần có thêm biên bản nghiệm thu và phiếu giá có xác nhận của cơ quan đầu tư phát triển.
b. Thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp:
Phương thức này chủ yếu áp dụng đối với các hợp đồng xây lắp hoặc cung cấp máy móc thiết bị với nhà cung cấp hoặc thanh toán hợp đồng tư vấn với công ty tư vấn. Trên cơ sở các điều kiện qui định tại các hợp đồng đã ký kết và hoá đơn đòi tiền đã được VINACAFE xác nhận và đề nghị thanh toán, Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) làm thủ tục yêu cầu AFD thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp hoặc công ty tư vấn.
Riêng đối với việc thanh toán khối lương xây dựng cơ bản hoàn thành theo hợp đồng xây lắp, cần có thêm biên bản nghiêm thu và phiếu giá có xác nhận của cơ quan đầu tư phát triển gửi Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) để yêu cầu AFD thanh toán trực tiếp cho nhà thầu xây lắp.
c. Rút vốn theo hình thức tạm ứng liên tiếp:
Trên cơ sở kế hoạch trồng cà phê hàng năm do chủ đầu tư lập và được Bộ Tài chính và AFD chấp thuận, Bộ Tài chính có thể yêu cầu AFD rút vốn dưới hình thức tạm ứng liên tiếp hàng năm và chuyển vào một tài khoản đặc biệt do chủ đầu tư mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Từ kỳ rút vốn thứ hai trở đi, trước mỗi lần rút vốn, chủ đầu tư sẽ phải lập và gửi cho Bộ Tài chính để chuyển cho AFD bộ hồ sơ rút vốn bao gồm:
+ Giấy báo tài khoản đặc biệt của kỳ rút vốn trước,
+ Bảng kê sử dụng vốn của kỳ rút vốn trước,
+ Tổng chi phí và chứng nhận xuất xứ của trang thiết bị liên quan,
+ Các thông tin về người sử dụng vốn cuối cùng, khế ước vay nợ và diện tích trồng cà phê tương ứng,
+ Chứng từ xác nhận các khoản chi do VINACAFE thanh toán và những giấy tờ xác nhận của cơ quan đầu tư phát triển về việc thanh toán này.
Ngoài ra, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp cho AFD các hồ sơ, chứng từ gốc và các tài liệu khác có liên quan để kiểm tra, đối chiếu nếu được yêu cầu. Đối với lần rút vốn cuối cùng, bộ hồ sơ nói trên phải được gửi cho Bộ Tài chính và AFD chậm nhất là 6 tháng sau khi lần rút vốn đó được thực hiện.
4. Quản lý việc cho vay lại và trả nợ vốn vay:
Chủ đầu tư có trách nhiệm ký Hợp đồng cho vay lại với Tổng cục Đầu tư phát triển theo các điều kiện cho vay lại nêu ở phần II trên; thực hiện việc trả nợ vốn vay đầy đủ, đúng hạn theo Hợp đồng cho vay lại này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Căn cứ ngày rút vốn thực tế của AFD ghi trong bản kê, và Thông tri duyệt y dự toán về số vốn rút do Vụ Tài chính đối ngoại lập để làm thủ tục ghi thu ghi chi ngân sách, Tổng cục Đầu tư Phát triển có trách nhiệm thông báo cho VINACAFE số vốn thực rút và đề nghị VINACAFE ký khế ước nhận nợ.
Tổng cục đầu tư Phát triển chịu trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng vốn vay và tình hình sử dụng tài sản bằng vốn vay của Chính phủ, thu hồi vốn cho vay lại và báo cáo cho Bộ Tài chính tình hình thu hồi vốn cho vay lại.
5. Chế độ báo cáo:
Định kỳ 6 tháng một lần, VINACAFE có trách nhiệm báo cáo cho Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư Phát triển, Vụ Tài chính đối ngoại), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan chủ quản về tình hình tiếp nhận, sử dụng và hoàn trả vốn vayAFD, vốn đối ứng.
VINACAFE có trách nhiệm cung cấp cho Bộ Tài chính và AFD báo cáo kiểm toán hàng năm và mọi thông tin khác về tình hình tài chính nếu được yêu cầu theo qui định tại Thoả ước.
Chủ đầu tư phải lập và gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại và Tổng cục Đầu tư Phát triển) và AFD báo cáo tổng hợp về tình hình thực hiện và báo cáo quyết toán Chương trình chậm nhất là 3 tháng sau khi kết thúc Chương trình.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Tổng công Ty Cà phê Việt nam, Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong vùng thực hiện Chương trình và các cơ quan có liên quan phản ánh kịp thời với Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
|
Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.