BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2012/TT-BCT |
Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2012 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU TỰ ĐỘNG ĐỐI VỚI MỘT SỐ SẢN PHẨM THÉP
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 189/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cấp phép nhập khẩu hàng hóa;
Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép như sau:
1. Thông tư này quy định việc áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với việc nhập khẩu sản phẩm thép quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này.
2. Sản phẩm thép nhập khẩu trong các trường hợp sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này và được thực hiện theo các quy định quản lý hiện hành:
a) Hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh;
b) Hàng nhập khẩu phi mậu dịch;
c) Hàng nhập khẩu để trực tiếp phục vụ sản xuất, gia công (kể cả hàng nhập khẩu để lắp ráp, sửa chữa, bảo hành).
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
CẤP VÀ NỘP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU TỰ ĐỘNG
Điều 3. Cấp giấy phép nhập khẩu tự động
1. Giấy phép nhập khẩu tự động do Bộ Công Thương cấp cho thương nhân dưới hình thức xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng.
2. Giấy phép nhập khẩu tự động có giá trị thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương xác nhận.
Điều 4. Cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu tự động
1.Cơ quan cấp Giấy phép nhập khẩu tự động (sau đây gọi là Cơ quan cấp Giấy phép) là các Phòng quản lý xuất nhập khẩu Khu vực trực thuộc Bộ Công Thương, bao gồm:
- Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Khu vực Thành phố Hà Nội: 25 Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; và
- Phòng Quản lý xuất nhập khẩu Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh: 08 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội và Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh ký xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu tự động và sử dụng con dấu của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực.
Điều 5. Trách nhiệm của người đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động
Người đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động có trách nhiệm:
1. Đăng ký hồ sơ thương nhân với Cơ quan cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 7;
2. Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động cho Cơ quan cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 8 theo đường bưu điện theo địa chỉ tại Điều 4;
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với những khai báo liên quan đến việc đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động.
Điều 6. Trách nhiệm của Cơ quan cấp Giấy phép nhập khẩu tự động
Cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn người đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động nếu được yêu cầu;
2. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động;
3. Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đúng thời hạn theo quy định tại Điều 10.
Điều 7. Đăng ký hồ sơ thương nhân
1. Người đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động phải đăng ký hồ sơ thương nhân với Cơ quan cấp Giấy phép khi đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động lần đầu tiên và chỉ được xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu tự động khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân. Hồ sơ thương nhân bao gồm:
a) Đăng ký mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký hoặc được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động và con dấu của thương nhân (Phụ lục số 02);
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh: 01 bản sao (có dấu sao y bản chính của thương nhân);
c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế: 01 bản sao (có dấu sao y bản chính của thương nhân).
2. Mọi thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được thông báo cho Cơ quan cấp Giấy phép bằng văn bản.
Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động bao gồm:
a) Đơn đăng ký nhập khẩu tự động: 02 bản theo mẫu quy định tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Hợp đồng nhập khẩu: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
c) Hoá đơn thương mại: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
d) L/C hoặc chứng từ thanh toán hoặc Giấy xác nhận thanh toán qua ngân hàng (có kèm Giấy đề nghị xác nhận thanh toán qua ngân hàng) theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04 (A) và 04 (B): 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
đ) Vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải của lô hàng: 01 bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
2. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ, nhập khẩu từ các khu phi thuế quan, thương nhân không phải nộp vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải nhưng phải nộp báo cáo tình hình thực hiện nhập khẩu của đơn đăng ký nhập khẩu đã được xác nhận lần trước theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05.
Điều 9. Cấp Giấy phép nhập khẩu tự động
1. Giấy phép nhập khẩu tự động được cấp trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày Cơ quan cấp Giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân theo quy định tại Điều 8.
2. Trường hợp thương nhân có đăng ký hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động qua hệ thống mạng Internet theo quy định tại Điều 11, Giấy phép nhập khẩu tự động được cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan cấp Giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của thương nhân theo quy định tại Điều 8.
Điều 10. Cấp lại, sửa đổi và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tự động
1. Trong trường hợp Giấy phép nhập khẩu tự động bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng, thương nhân có văn bản giải trình đề nghị Bộ Công Thương cấp lại Giấy phép, kèm theo đơn đăng ký. Bộ Công Thương xem xét, cấp lại Giấy phép nhập khẩu tự động nếu Giấy phép đã cấp còn thời hạn hiệu lực. Trường hợp Giấy phép đã cấp không còn hiệu lực, thương nhân có văn bản đề nghị Bộ Công Thương hủy bỏ Giấy phép bị mất, thất lạc hoặc hư hỏng và nộp hồ sơ đăng ký cấp lại Giấy phép nhập khẩu tự động mới.
Giấy phép nhập khẩu tự động được cấp lại trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân đề nghị cấp lại Giấy phép nhập khẩu tự động.
2. Trong trường hợp cần điều chỉnh một hoặc một số nội dung của Giấy phép nhập khẩu tự động đã được Bộ Công Thương xác nhận, thương nhân có văn bản giải trình, đề nghị Bộ Công Thương sửa đổi, kèm theo các chứng từ liên quan, đơn đăng ký mới đã được chỉnh sửa và hoàn trả Giấy phép nhập khẩu tự động đã được xác nhận (bản gốc);
Giấy phép nhập khẩu tự động sửa đổi được Bộ Công Thương cấp trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân đề nghị bổ sung, sửa đổi.
3. Trong trường hợp Giấy phép nhập khẩu tự động đã cấp không đúng quy định, Bộ Công Thương sẽ thu hồi Giấy phép và thông báo cho các cơ quan liên quan.
Điều 11. Đăng ký cấp Giấy phép nhập khẩu tự động qua mạng Internet
Thương nhân có thể lựa chọn đăng ký nhập khẩu theo chế độ cấp phép nhập khẩu tự động qua mạng Internet trước khi nộp hồ sơ theo quy trình sau:
1. Thương nhân phải khai báo các thông tin về hồ sơ thương nhân qua mạng Internet theo hệ thống phần mềm do Bộ Công Thương quy định và gửi hồ sơ thương nhân về địa điểm đăng ký cấp phép nhập khẩu tự động khi đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động lần đầu. Hồ sơ thương nhân bao gồm:
a) Đăng ký mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký hoặc được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động và con dấu của thương nhân (Phụ lục số 02);
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép kinh doanh: 01 bản sao (có dấu sao y bản chính của thương nhân);
c) Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế: 01 bản sao (có dấu sao y bản chính của thương nhân).
2. Sau khi được cấp tài khoản truy cập hệ thống phần mềm, thương nhân tiến hành khai báo thông tin về hồ sơ đăng ký nhập khẩu tự động qua hệ thống phần mềm do Bộ Công Thương quy định. Tình trạng xử lý việc cấp phép nhập khẩu tự động sẽ được thể hiện trực tuyến trên hệ thống phần mềm.
3. Bộ Công Thương thẩm định thông tin qua giao diện trên mạng Internet và trong vòng 01 ngày thông báo cho thương nhân kết quả thẩm định qua mạng Internet.
4. Sau khi nhận được thông báo chấp nhận của Bộ Công Thương về việc thông tin hồ sơ khai báo qua mạng Internet đã đầy đủ, hợp lệ, thương nhân nộp bộ hồ sơ tại Cơ quan cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 8.
5. Thương nhân chịu trách nhiệm trang bị máy tính kết nối mạng Internet và các thiết bị ngoại vi theo quy định của Bộ Công Thương trước khi đăng ký theo chế độ cấp phép nhập khẩu tự động qua mạng Internet.
Điều 12. Quy định về nộp Giấy phép nhập khẩu tự động khi làm thủ tục hải quan
Khi làm thủ tục nhập khẩu, thương nhân phải nộp cho cơ quan Hải quan Giấy phép nhập khẩu tự động đã được Bộ Công Thương xác nhận hoặc xuất trình kèm theo phiếu trừ lùi (trường hợp hàng hoá nhập khẩu được xác nhận theo thời gian) cùng với bộ hồ sơ nhập khẩu theo quy định hiện hành và phải tuân thủ các quy định hiện hành về cửa khẩu thông quan hàng hoá, chính sách mặt hàng nhập khẩu, hàng hoá quản lý chuyên ngành và hàng hoá kinh doanh có điều kiện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2012.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu phát sinh vướng mắc, thương nhân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Công Thương bằng văn bản để kịp thời xử lý./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.