BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 150/1999/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 1999 |
Thi hành Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập, sử dụng và quản lý Quỹ hỗ trợ xuất khẩu, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu được thành lập nhằm thực hiện việc hỗ trợ về tài chính và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển kinh doanh xuất khẩu, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam xuất khẩu.
2. Căn cứ vào chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế từng thời kỳ theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ; tình hình biến động cụ thể trong nước, ngoài nước về thị trường, giá cả, hàng hoá xuất khẩu, tình hình kinh doanh và kết quả tài chính của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện việc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư này sau khi trao đổi với Bộ Thương mại, Ban vật giá Chính phủ, cơ quan quản lý ngành hàng theo nội dung, tính chất liên quan của khoản hỗ trợ.
3. Các doanh nghiệp được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm: Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu (chủ yếu là hàng nông sản), doanh nghiệp sản xuất hàng hoá trực tiếp xuất khẩu và doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
4. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước. Số dư còn lại đến ngày 12/10/1999 của Quỹ bình ổn giá và nguồn phụ thu đối với những mặt hàng đang thực hiện phụ thu vào Quỹ bình ổn giá theo Quyết định số 151/TTg ngày 12/4/1993, Quỹ thưởng xuất khẩu theo Quyết định số 764/QĐ-TTg ngày 24/8/1998 của Thủ tướng Chính phủ được chuyển vào tài khoản của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.
I. CÁC KHOẢN THU VỀ QUỸ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU:
1. Khoản thu chênh lệch giá hàng nhập khẩu, xuất khẩu:
1.1. Nguyên tắc tính chênh lệch giá:
a) Đối với hàng nhập khẩu là chênh lệch giữa giá bán trong nước được thị trường chấp nhận với giá vốn hàng nhập khẩu, bao gồm giá nhập khẩu có tính đủ chi phí vận tải, phí bảo hiểm đến cảng nhập khẩu, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác theo Luật định.
Đối với các hàng hoá có chịu thuế nhập khẩu thì giá vốn hàng nhập khẩu nói trên được xác định bằng giá tính thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác theo Luật định.
b) Đối với hàng xuất khẩu là chênh lệch giữa giá xuất khẩu thực tế (giá FOB) với giá vốn hàng xuất khẩu, bao gồm giá nua thực tế, thuế xuất khẩu theo Luật định và phí lưu thông trong nước.
Đối với các hàng hoá có chịu thuế xuất khẩu thì giá vốn hàng xuất khẩu nói trên được xác định bằng giá tính thuế xuất khẩu và thuế xuất khẩu.
c) Lượng hàng hoá để thu chênh lệch giá là lượng hàng hoá thực xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong vận đơn phù hợp tờ khai hải quan.
d) Thời gian áp dụng thu khoản chênh lệch giá: theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ vào thời điểm đăng ký tờ khai hải quan doanh nghiệp thực hiện việc nộp khoản chênh lệch này theo quy định.
e) Phần chênh lệch giá phải nộp xác định không vượt quá 60% tổng số chênh lệch giá thực tế phát sinh kể cả đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu. Khoản nộp này được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) đối với từng mặt hàng:
- Đối với hàng nhập khẩu, là tỷ lệ (%) giữa phần chênh lệch giá phải nộp với giá nhập khẩu thực tế, bao gồm cả phí vận chuyển ngoài nước, phí bảo hiểm về đến cảng nhập khẩu.
- Đối với hàng nhập khẩu, là tỷ lệ (%) giữa phần chênh lệch giá phải nộp với giá xuất khẩu thực tế tại cảng xuất khẩu, không tính chi phí nước ngoài.
1.2. Các mặt hàng không phải nộp chênh lệch giá bao gồm: hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu vào khu chế xuất; thiết bị vật tư hàng hoá nhập khẩu theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; hàng xuất khẩu, nhập khẩu để làm hàng mẫu, quảng cáo, dự hội chợ triển lãm; hàng viện trợ hoàn lại và không hoàn lại; hàng là quà biếu; hàng hoá và hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh.
1.3. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ban Vật giá Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, các cơ quan quản lý ngành hàng và Uỷ Ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi diễn biến giá cả trong cả trong và ngoài nước, phát hiện chênh lệch giá hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu, đề xuất danh mục hàng hoá, tỷ lệ, thời gian, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thu chênh lệch giá.
1.4. Các doanh nghiệp có mặt hàng thuộc diện phải nộp chênh lệch giá thực hiện việc nộp vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu tại Kho bạc Nhà nước.
2. Các khoản thu lệ phí tính từ ngày 12/10/1999, gồm:
- Lệ phí đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu, xuất khẩu.
- Lệ phí cấp hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.
- Lệ phí cấp giấy phép đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, mở chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam.
- Lệ phí cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá.
Các cơ quan có chức năng thực hiện việc thu các loại lệ phí nói trên được hưởng một khoản thù lao tối đa 10% (mười phần trăm) số lệ phí thực thu được trước khi nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, để chi phí cho việc thu lệ phí theo quy định tại Thông tư số 54/1999/TT/BTC ngày 10/5/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/1/1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước. Số còn lại nộp vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu tại Kho bạc Nhà nước.
3. Khoản thu về đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu đối với mặt hàng có chênh lệch giá hàng xuất nhập khẩu nhưng chưa áp dụng chế độ thu chênh lệch giá sẽ do Bộ Tài chính, Bộ Thương mại phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ căn cứ vào tình hình giá cả thị trường của từng mặt hàng từng thời ddiểm để xác định phần chênh lệch giá, mức đóng góp để thông báo cho doanh nghiệp thực hiện.
4. Các khoản thu từ các nguồn khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các khoản thu nêu trên, khi phát sinh được nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước qua tài khoản của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu tại Kho bạc Nhà nước.
5. Ngoài các khoản thu trên, căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch thu chi Quỹ hỗ trợ xuất khẩu, số dư chuyển sang năm sau của Quỹ, sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch trình Chính phủ mức bổ sung cho Quỹ hỗ trợ xuất khẩu trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm.
II. NỘI DUNG SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU:
1. Nội dung sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu:
a) Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu mua hàng nông sản xuất khẩu theo giá sàn hoặc giá đảm bảo kinh doanh cho người sản xuất được Thủ tướng Chính phủ quy định.
b) Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ phần chênh lệch lãi suất giữa lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng thương mại và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu mua hàng nông sản chờ xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
c) Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi suất vay ngân hàng cho các doanh nghiệp làm nhiệm vụ dự trữ lưu thông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
d) Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chênh lệch lãi suất giữa lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng thương mại và lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp thu mua, chế biến và trực tiếp xuất khẩu đối với hàng nông sản xuất khẩu theo thời vụ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
e) Hỗ trợ một phần tài chính có thời hạn đối với một số mặt hàng xuất khẩu bị lỗ do thiếu sức cạnh tranh, hoặc gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan gây ra làm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị lỗ tạm thời hoặc gặp khó khăn về tài chính trong các trường hợp:
+ Hàng hoá lần đầu tiên xuất khẩu
+ Hàng hoá xuất khẩu đối với thị trường mới tìm kiếm và chưa ổn định
+ Hàng hoá đã thu mua nhưng chưa xuất khẩu được do giá thế giới giảm đột biến.
+ Hàng hoá xuất khẩu trực tiếp sản xuất bị lỗ tạm thời vì thiếu sức cạnh tranh do huy động đầu tư mới.
g) Hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã đóng góp vào Quỹ hỗ trợ xuất khẩu (nộp chênh lệch giá hàng xuất khẩu nhập khẩu như quy định tại điểm 1 mục I trong Thông tư này) nay gặp khó khăn về tài chính do giá cả thị trường biến động.
h) Thưởng về tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, mặt hàng mới sản xuất lần đầu tiên tham gia xuất khẩu; xuất khẩu sản phẩm đạt chất lượng cao được tổ chức quốc tế công nhận bằng văn bằng; xuất khẩu sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, lao động trong nước; đạt kim ngạch xuất khẩu lớn và hiệu quả cao.
i) Hỗ trợ khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Nguyên tắc, thủ tục xem xét hỗ trợ:
a) Đối với các trường hợp được Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính thực hiện việc chi hỗ trợ cho doanh nghiệp.
b) Đối với các trường hợp được Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương hỗ trợ, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Thương mại (tuỳ theo nội dung chi như trên) và các ngành liên quan xem xét xác định mức hỗ trợ cụ thể theo chỉ đạo hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
c) Đối với các trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điều 4 Quyết định 195/1999/QĐ-TTg và điểm 1 mục II trong Thông tư này: Căn cứ đề nghị của doanh nghiệp, ý kiến của cơ quan quản lý ngành hàng (Bộ, UBND tỉnh, thành phố), Bộ Tài chính chủ trì cùng Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Thương mại (tuỳ theo nội dung chi) xác định mặt hàng cần hỗ trợ, phương thức, mức và thời gian hỗ trợ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thương mại, Ban Vật giá Chính phủ (tuỳ theo nội dung chi) tiến hành thầm định hồ sơ, số liệu để xem xét hỗ trợ. Căn cứ kết quả thầm định (biên bản làm việc chuyên viên Liên Bộ) và ý kiến của Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Thương mại (tuỳ theo nội dung chi) Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc chi hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.
d) Thủ tục hồ sơ xem xét:
Đối với các trường hợp hỗ trợ quy định tại khoản a, b, c, d điểm 1 mục II
- Bảng kê nhập xuất tồn kho mặt hàng cần hỗ trợ trong thời gian được hỗ trợ.
- Bảng kê khế ước vay vốn, chứng từ thu lãi của Ngân hàng, bảng kê số dư nợ ngân hàng theo từng thời điểm có xác nhận của Ngân hàng để mua, tạm trữ hoặc dự trữ theo thời vụ của mặt hàng được hỗ trợ.
Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu trên, Bộ Tài chính chủ trì (Cục Tài chính doanh nghiệp) cùng các Bộ, ngành có liên quan tiến hành tổ chức thầm định để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét và quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp.
Đối với các trường hợp hỗ trợ quy định tại khoản e và g điểm 1 mục II:
- Báo cáo tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu đến thời điểm đề nghị hỗ trợ và đánh giá tình hình thực hiện của doanh nghiệp.
Báo cáo và chứng từ khác liên quan đến nội dung, tính chất từng khoản hỗ trợ.
Đối với các trường hợp thưởng xuất khẩu quy định tại khoản h điểm 1 mục II.
Bộ trưởng Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức việc xét thưởng và ra Quyết định khen thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đạt tiêu chuẩn theo quy định tại khoản h điểm 1 mục II trong Thông tư này.
e) Thủ tục chi Quỹ hỗ trợ xuất khẩu: Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hỗ trợ cho đơn vị, quyết định của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc khen thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đạt tiêu chuẩn theo quy định, Bộ Tài chính làm các thủ tục chi Quỹ hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp.
III. QUYẾT TOÁN VIỆC SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU:
Hàng năm, Bộ Thương mại có trách nhiệm tổng hợp phần chi thưởng xuất khẩu, Bộ Tài chính tổng hợp và có trách nhiệm quyết toán thu chi Quỹ hỗ trợ xuất khẩu để làm căn cứ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động của Quỹ. Trường hợp trong năm Quỹ Hỗ trợ xuất khẩu không sử dụng hết thì số dư của Quỹ sẽ được chuyển sang năm sau.
Căn cứ vào các quy định tại Điều 5 Quyết định 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo việc thực hiện đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngoài các quy định tại Thông tư này, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện các quy định hướng dẫn của các Bộ, ngành sau đây:
1. Bộ Thương mại quyết định việc khen thưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đạt tiêu chuẩn theo quy định tại khoản h điểm 1 mục II trong Thông tư này.
2. Hướng dẫn của Ban Vật giá Chính phủ về việc thu chênh lệch giá, danh mục hàng hoá, tỷ lệ, thời gian thu... đối với hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu; hướng dẫn việc miễn giảm thu chênh lệch giá đối với mặt hàng ngoài danh mục mặt hàng không phải nộp khoản chênh lệch giá quy định tại Điều 3 Quyết định 195/1999/QĐ-TTg.
3. Hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành hàng, của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng chiến lược xuất khẩu đối với từng mặt hàng cụ thể, khả năng, điều kiện xuất khẩu theo từng thời kỳ đảm bảo đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo việc xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đồng thời hạn chế mức thấp nhất những rủi ro trong quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định 195/1999/QĐ-TTg ngày 27/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực. Mọi quy định trước đây trái với các quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, doanh nghiệp cần phản ánh kịp thời với Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm sử dụng và quản lý Quỹ hỗ trợ xuất khẩu có hiệu quả, đúng mục đích.
|
Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.