BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:01/2004/TT-BKH |
Hà Nội,ngày02 tháng02 năm2004 |
CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 01/2004/TT-BKHĐT NGÀY 02 THÁNG 02 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 66/2003/NĐ-CP NGÀY 12/6/2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ ĐẤU THẦU
Căn cứ Điều 4 Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 66/CP) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 88/CP và 14/CP), căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/CP (Văn bản số 1336/CP-CN ngày 02 tháng 10 năm 2003), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/CP như sau:
PHẦN 1
NĂNG
LỰC PHÁP LUẬT CỦA NHÀ THẦU, SỰ ĐỘC LẬP
VỀ TÀI CHÍNH CỦA NHÀ THẦU
(Quy định tại điểm 10 khoản 2 Điều 1 Nghị định số 66/CP)
I. NĂNG LỰC PHÁP LUẬT DÂN SỰ
VÀ NĂNG LỰC
HÀNH
VI DÂN SỰ CỦA NHÀ THẦU
Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự đối với nhà thầu trong nước được căn cứ theo quy định của Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn đối với nhà thầu nước ngoài được căn cứ theo pháp luật của nước nơi nhà thầu mang quốc tịch, cụ thể phải đáp ứng được các điều kiện sau:
1. Đối với nhà thầu là tổ chức trong nước
a. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh và thực hiện đúng theo đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b. Hoặc có quyết định thành lập (đối với các đơn vị không có đăng ký kinh doanh) do cơ quan có thẩm quyền cấp và thực hiện đúng theo quyết định thành lập.
2. Đối với nhà thầu là tổ chức nước ngoài
Có đăng ký hoạt động hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi nhà thầu mang quốc tịch cấp.
3. Đối với nhà thầu là cá nhân
a. Người từ đủ 18 tuổi trở lên;
b. Có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc hộ chiếu hợp pháp (đối với cá nhân là người nước ngoài);
c. Có đăng ký hoạt động hợp pháp hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp do cơ quan có thẩm quyền cấp và thực hiện đúng theo đăng ký hoạt động hoặc chứng chỉ chuyên môn;
d. Không ở trong tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời gian chờ chấp hành các hình phạt của tòa án các cấp.
II. SỰ ĐỘC LẬP VỀ TÀI CHÍNH CỦA NHÀ THẦU
Nhà thầu được coi là độc lập về tài chính nếu đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
1. Là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập;
2. Không có cùng lợi ích kinh tế với các tổ chức và cá nhân liên quan:
Đại diện hợp pháp của nhà thầu không có thân nhân là vợ, chồng, cha, mẹ, con hoặc anh, chị, em ruột tham gia bên mời thầu, tổ chuyên gia, tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả đấu thầu của gói thầu mà mình tham dự.
ĐÁNH GIÁ VỀ MẶT KỸ
THUẬT THEO TIÊU CHÍ “ĐẠT”,
“KHÔNG ĐẠT” ĐỐI VỚI MUA SẮM HÀNG HÓA VÀ XÂY LẮP
(Quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 66/CP)
Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với mua sắm hàng hóa và xây lắp được thực hiện theo quy định tại Điều 30 và Điều 41 Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/CP và được hướng dẫn tại Chương II và Chương III Phần thứ tư Thông tư số 04/2000/TT-BKH ngày 26/5/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi tắt là Thông tư số 04).
Việc áp dụng phương pháp đánh giá về mặt kỹ thuật theo tiêu chí “đạt”, “không đạt” phải nêu rõ trong hồ sơ mời thầu và được áp dụng trong các trường hợp sau:
1. Các gói thầu quy mô nhỏ;
2. Các gói thầu có các yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật được xác định rõ và chính xác.
II. XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VỀ MẶT KỸ THUẬT
Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật cần căn cứ theo quy định tại điểm 2 khoản 12 và điểm 2 khoản 15 Điều 1 Nghị định số 66/CP bao gồm các nội dung sau:
1. Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá tổng quát:
Việc xác định danh mục các tiêu chuẩn đánh giá tổng quát cần căn cứ vào tính chất của gói thầu trên cơ sở quy định tại điểm 2 khoản 12 Điều 1 Nghị định số 66/CP (đối với gói thầu mua sắm hàng hóa) và quy định tại điểm 2 khoản 15 Điều 1 Nghị định số 66/CP (đối với gói thầu xây lắp).
Đối với tiêu chuẩn đánh giá tổng quát chỉ sử dụng tiêu chí “đạt” hoặc “không đạt”.
2. Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chi tiết:
Để có căn cứ đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng tiêu chuẩn đánh giá tổng quát, cần xây dựng tiêu chuẩn chi tiết cho từng tiêu chuẩn đánh giá tổng quát.
Đối với tiêu chuẩn đánh giá chi tiết tùy theo đặc thù của gói thầu, ngoài tiêu chí “đạt” hoặc “không đạt” quy định cho các yêu cầu cơ bản của hồ sơ mời thầu thì được phép áp dụng thêm tiêu chí “chấp nhận được” cho các yêu cầu không cơ bản, song không được vượt quá 30% tổng số tiêu chuẩn đánh giá chi tiết cho một tiêu chuẩn đánh giá tổng quát.
3. Quy định mức độ đáp ứng:
a. Đối với tiêu chuẩn đánh giá tổng quát:
- Một tiêu chuẩn đánh giá tổng quát được coi là “đạt” khi:
* Các tiêu chuẩn đánh giá chi tiết đều được đánh giá là “đạt” hoặc;
* Tiêu chuẩn đánh giá chi tiết cho yêu cầu cơ bản phải được đánh giá là “đạt”, còn tiêu chuẩn đánh giá chi tiết đối với các yêu cầu không cơ bản có thể được đánh giá là “đạt” hoặc “chấp nhận được” tùy theo từng gói thầu.
- Bất kỳ một yêu cầu nào dù là yêu cầu cơ bản hay không cơ bản thuộc tiêu chuẩn đánh giá chi tiết được đánh giá là “không đạt” thì tiêu chuẩn đánh giá tổng quát tương ứng được coi là “không đạt”.
b. Đối với đánh giá sự đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật:
- Một hồ sơ dự thầu được đánh giá theo các tiêu chuẩn đánh giá tổng quát đều “đạt” thì được coi là đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật (đáp ứng cơ bản yêu cầu của hồ sơ mời thầu). Khi có một tiêu chuẩn đánh giá tổng quát được đánh giá là “không đạt” thì hồ sơ dự thầu này được coi là không đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật.
- Những tiêu chuẩn đánh giá chi tiết được quy định áp dụng tiêu chí “chấp nhận được” phải được làm rõ khi thương thảo hoàn thiện hợp đồng để đảm bảo tính khả thi so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
III. THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ THEO TIÊU CHÍ “ĐẠT”, “KHÔNG ĐẠT”
Việc thực hiện đánh giá theo tiêu chí “đạt”, “không đạt” phải căn cứ theo các tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu và không được bỏ bớt, bổ sung hoặc thay đổi bất kỳ nội dung nào thuộc tiêu chuẩn đánh giá. Đồng thời phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Chỉ đánh giá các hồ sơ dự thầu đã vượt qua đánh giá sơ bộ theo hướng dẫn tại mục I Chương II (đối với gói thầu mua sắm hàng hóa) và mục I Chương III (đối với gói thầu xây lắp) Phần thứ tư Thông tư số 04.
2. Việc đánh giá về tài chính, thương mại chỉ thực hiện đối với danh sách ngắn là các nhà thầu đã được đánh giá đáp ứng về mặt kỹ thuật (theo tiêu chí “đạt”, “không đạt”) và thực hiện theo quy định tại khoản 2 mục II Chương II (đối với gói thầu mua sắm hàng hóa) và khoản 2 mục II Chương III (đối với gói thầu xây lắp) Phần thứ tư Thông tư số 04.
Ví dụ minh họa về việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá và thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu về mặt kỹ thuật theo tiêu chí “đạt”, “không đạt” được trình bày tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
TRÌNH TỰ TỔ CHỨC ĐẤU THẦU GÓI THẦU EPC
(Quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 66/CP)
Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC có thể được thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp được quy định tại Điều 4 Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/CP nhưng phải được xác định trong kế hoạch đấu thầu do người có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở cho triển khai thực hiện.
Đối với trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế để lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu EPC, trình tự thực hiện phải tuân thủ quy định tại Điều 20, Điều 22 và Điều 33 của Nghị định số 88/CP và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 66/CP, theo phương thức đấu thầu hai giai đoạn quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 88/CP. Theo đó, trình tự tổ chức đấu thầu gói thầu EPC thực hiện như sau:
Việc sơ tuyển phải được tiến hành đối với các gói thầu EPC có giá gói thầu từ 300 tỷ đồng trở lên. Quy trình sơ tuyển được thực hiện theo quy định tại Điều 23 và Điều 34 Nghị định số 88/CP và Chương II Phần thứ nhất Thông tư số 04 với một số lưu ý sau:
a. Hồ sơ mời sơ tuyển phải được chủ dự án phê duyệt.
b. Tiêu chuẩn đánh giá sơ tuyển phải bao hàm trong hồ sơ mời sơ tuyển và phải đảm bảo đồng thời các yêu cầu sau:
- Quy định mức điểm tối thiểu đạt sơ tuyển là từ 70% tổng số điểm trở lên;
- Quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu đối với từng tiêu chí: kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính từ 50% số điểm của tiêu chí đó trở lên đối với từng lĩnh vực thiết kế (E), cung cấp thiết bị, vật tư (P) và xây lắp (C).
c. Thông báo mời sơ tuyển phải được đăng tải theo quy định tại khoản 2 mục I Phần 4 của Thông tư này với các nội dung chính sau:
- Tên và địa chỉ của bên mời thầu;
- Giới thiệu khái quát về gói thầu;
- Chỉ dẫn việc tìm hiểu hồ sơ mời sơ tuyển;
- Chỉ dẫn về thời gian và địa điểm nhận hồ sơ mời sơ tuyển.
2.1. Hồ sơ mời thầu được chuẩn bị trên cơ sở các căn cứ sau:
a. Quyết định đầu tư kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt (trong trường hợp gói thầu EPC là toàn bộ dự án);
b. Quyết định đầu tư kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi và các yêu cầu kỹ thuật cơ bản được duyệt (trong trường hợp gói thầu EPC là một phần của dự án);
c. Kế hoạch đấu thầu được duyệt.
2.2. Hồ sơ mời thầu cho hai giai đoạn 1 và 2 bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a. Thư mời thầu;
b. Chỉ dẫn đối với nhà thầu:
b.1. Chỉ dẫn chung;
b.2. Bảng dữ liệu đấu thầu;
b.3. Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu:
Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện trên cơ sở quy định tại khoản 5, khoản 12 và khoản 15 Điều 1 Nghị định số 66/CP, tham khảo các hướng dẫn tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 3 mục I Chương II Phần thứ ba Thông tư số 04, cụ thể bao gồm những nội dung sau:
b.3.1. Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu (đối với các gói thầu không có sơ tuyển):
Thực hiện theo quy định tại điểm 1 khoản 12 và điểm 1 khoản 15 Điều 1 Nghị định số 66/CP.
b.3.2. Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật:
Tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật đối với gói thầu EPC phải tuân thủ quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 66/CP, cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn đánh giá phải bao gồm đầy đủ cả 3 nội dung thiết kế (E), cung cấp thiết bị, vật tư (P) và xây lắp (C), trong đó phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật đối với từng nội dung.
- Nhà thầu được coi là đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật là nhà thầu có số điểm được đánh giá không thấp hơn 90% tổng số điểm về mặt kỹ thuật.
Căn cứ nguyên tắc nêu trên, việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật đối với gói thầu EPC được thực hiện theo một trong hai cách sau:
Cách 1:
Quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật đối với từng nội dung (E, P và C) là 90% tổng số điểm về mặt kỹ thuật. Cách này được áp dụng khi từng nội dung (E, P và C) của gói thầu EPC đều có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật.
Cách 2:
Quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về mặt kỹ thuật đối với từng nội dung (E, P và C) không nhất thiết đều là 90% tổng số điểm về mặt kỹ thuật, nhưng phải đảm bảo theo các quy định về mức điểm yêu cầu tối thiểu như đối với các gói thầu thuần túy là thiết kế (E), thuần túy là cung cấp thiết bị, vật tư (P) và thuần túy là xây lắp (C). Theo đó, trong trường hợp bình thường mức điểm yêu cầu tối thiểu cho một nội dung (E hoặc P hoặc C) không được quy định dưới 70%, còn trong trường hợp có yêu cầu cao về mặt kỹ thuật thì phải quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu là 90% tổng số điểm về mặt kỹ thuật.
Đồng thời quy định tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật tổng hợp cho cả 3 nội dung E, P và C. Hệ số tương quan giữa các nội dung E, P và C (ví dụ E chiếm tỷ trọng 30%, P chiếm tỷ trọng 50% và C chiếm tỷ trọng 20% tổng số điểm kỹ thuật tổng hợp) được xác định tùy theo đặc thù của gói thầu cụ thể nhưng phải quy định mức yêu cầu tối thiểu đối với điểm kỹ thuật tổng hợp là 90%.
Cách này áp dụng khi đối với từng nội dung E, P và C không phải đều có yêu cầu cao về kỹ thuật.
Nội dung tiêu chuẩn đánh giá chi tiết đối với từng nội dung E, P và C cần căn cứ vào các quy định tương ứng trong Nghị định số 88/CP và Thông tư số 04.
b.3.3. Tiêu chuẩn đánh giá về tài chính, thương mại:
Sử dụng phương pháp giá đánh giá đối với các hồ sơ dự thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật để so sánh xếp hạng nhà thầu. Trường hợp quy định tiêu chuẩn đánh giá theo cách 1 thì nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với gói thầu EPC là nhà thầu có hồ sơ dự thầu được đánh giá theo từng nội dung E, P và C đạt từ 90% tổng số điểm về mặt kỹ thuật trở lên đối với từng nội dung. Trường hợp tiêu chuẩn đánh giá theo cách 2 thì nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với gói thầu EPC là nhà thầu có hồ sơ dự thầu đạt từ 90% tổng số điểm kỹ thuật tổng hợp trở lên.
Việc xây dựng tiêu chuẩn đưa về một mặt bằng để xác định giá đánh giá căn cứ theo quy định tại điểm 3 khoản 12 (đối với gói thầu mua sắm hàng hóa) và điểm 3 khoản 15 (đối với gói thầu xây lắp) Điều 1 Nghị định số 66/CP.
c. Phạm vi cung cấp, yêu cầu kỹ thuật:
- Điều khoản tham chiếu đối với tư vấn thiết kế, quản lý, vận hành, chuyển giao;
- Các yêu cầu về công suất, hiệu suất, công nghệ và yêu cầu làm rõ nguồn gốc hàng hóa và công nghệ;
- Các yêu cầu về chất lượng, tiến độ công trình, bảo hành, bảo trì;
- Các yêu cầu về môi trường;
- Các yêu cầu khác (nếu có).
d. Dự thảo hợp đồng: Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 66/CP, nội dung dự thảo hợp đồng EPC thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
đ. Các biểu mẫu:
- Mẫu đơn dự thầu;
- Mẫu biểu giá dự thầu;
- Mẫu bảo lãnh dự thầu;
- Mẫu bảo lãnh thực hiện hợp đồng;
- Mẫu bảo lãnh tạm ứng;
- Mẫu kê khai liên danh, thầu phụ;
- Mẫu báo cáo tình hình tài chính;
- Mẫu ủy quyền của nhà sản xuất;
- Các biểu mẫu khác (nếu có).
Mời thầu thực hiện thông qua thông báo mời thầu đối với gói thầu thực hiện đấu thầu rộng rãi không qua sơ tuyển hoặc gửi thư mời thầu tới các nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế, gửi thư mời thầu tới các nhà thầu đã đạt bước sơ tuyển (trong trường hợp có thực hiện sơ tuyển). Thông báo mời thầu thực hiện theo quy định tại khoản 3 mục I Phần 4 của Thông tư này. Việc gửi thư mời thầu phải thực hiện tối thiểu 7 ngày trước khi phát hành hồ sơ mời thầu.
II. TỔ CHỨC ĐẤU THẦU, XÉT THẦU
1. Giai đoạn 1:
a. Phát hành hồ sơ mời thầu
Bên mời thầu phát hành hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 dưới hình thức bán hoặc cung cấp miễn phí cho các nhà thầu tham dự đấu thầu hoặc các nhà thầu đã qua sơ tuyển.
b. Làm rõ hồ sơ mời thầu
Sau khi đã phát hành, bên mời thầu có trách nhiệm làm rõ nội dung của hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 theo đề nghị của các nhà thầu hoặc thông qua hội nghị tiền đấu thầu do bên mời thầu thực hiện. Việc làm rõ hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 có thể được tiến hành qua trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải ghi lại thành văn bản và phải được gửi tới tất cả các nhà thầu tham gia đấu thầu.
c. Chuẩn bị hồ sơ dự thầu giai đoạn 1
Sau khi nhận được hồ sơ mời thầu giai đoạn 1, các nhà thầu chuẩn bị hồ sơ dự thầu (chưa có giá dự thầu) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 và nộp hồ sơ dự thầu theo đúng nội dung, hình thức, thời gian quy định trong hồ sơ mời thầu giai đoạn 1.
d. Nhận và quản lý hồ sơ dự thầu giai đoạn 1
Bên mời thầu tiếp nhận các hồ sơ dự thầu nộp theo đúng quy định trong hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 và quản lý theo quy định của pháp luật về bảo mật.
đ. Mở thầu
Ngay sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu phải tiến hành tổ chức mở thầu công khai theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 66/CP và mục VI Chương III Phần thứ nhất Thông tư số 04.
e. Trao đổi về hồ sơ dự thầu giai đoạn 1
Căn cứ các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu giai đoạn 1, bên mời thầu tiến hành trao đổi với các nhà thầu nhằm thống nhất về yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật để bên mời thầu chuẩn bị hồ sơ mời thầu giai đoạn 2.
2. Giai đoạn 2:
2.1. Các bước từ phát hành hồ sơ mời thầu đến mở thầu trong giai đoạn 2 được thực hiện theo quy định từ bước a) đến bước đ) của giai đoạn 1. Trong đó hồ sơ mời thầu giai đoạn 2 cần được chuẩn xác yêu cầu về mặt kỹ thuật, yêu cầu về mặt tài chính, thương mại để các nhà thầu tham gia giai đoạn 1 chuẩn bị hồ sơ dự thầu chính thức.
2.2. Đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn 2
Căn cứ tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu giai đoạn 2, bên mời thầu tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu theo trình tự và nguyên tắc sau: chỉ xem xét, đánh giá hồ sơ dự thầu ở bước tiếp theo sau khi đã được đánh giá là đạt yêu cầu ở bước trước. Trình tự đánh giá hồ sơ dự thầu như sau:
a. Đánh giá sơ bộ:
Kiểm tra tính hợp lệ về hành chính pháp lý, kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu, sự đáp ứng về các điều kiện tiên quyết nêu trong hồ sơ mời thầu. Nội dung đánh giá sơ bộ thực hiện tương tự như quy định tại mục I Chương II Phần thứ tư của Thông tư số 04.
b. Đánh giá chi tiết:
Bước 1: Đánh giá về mặt kỹ thuật để chọn nhà thầu đáp ứng cơ bản yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Việc đánh giá về mặt kỹ thuật thực hiện theo hệ thống thang điểm. Trong quá trình đánh giá, bên mời thầu có quyền yêu cầu nhà thầu giải thích về những nội dung còn chưa rõ, chưa hợp lý trong hồ sơ dự thầu như số lượng, đơn giá và những nội dung khác nhưng phải lập thành văn bản có chữ ký xác nhận của hai bên. Danh sách ngắn các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật phải được chủ dự án xem xét phê duyệt bằng văn bản chính thức.
Bước 2: Đánh giá về tài chính, thương mại để xác định giá đánh giá. Việc đánh giá về tài chính, thương mại thực hiện theo quy định tại khoản 2 mục II Chương II và khoản 2 mục II Chương III Phần thứ tư của Thông tư số 04 với một số lưu ý như sau:
- Khi đánh giá cần phân tích các đơn giá dự thầu chi tiết của từng phần công việc: thiết kế, thiết bị, vật tư và xây lắp để xác định tính hợp lý của giá dự thầu.
- Các đơn giá (hoặc chi phí) bất hợp lý tạo nên giá dự thầu quá thấp so với giá gói thầu được duyệt phải được nhà thầu giải thích rõ và có căn cứ xác đáng.
- Tiêu chuẩn đưa về một mặt bằng để xác định giá đánh giá cần bao gồm những nội dung chính sau:
+ Thời gian sử dụng;
+ Công suất thiết kế;
+ Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm;
+ Chất lượng thiết bị, vật tư sử dụng để thi công, lắp đặt;
+ Chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng;
+ Nguồn gốc thiết bị, vật tư;
+ Các điều kiện tài chính thương mại;
+ Các điều kiện hợp đồng;
+ Một số nội dung khác.
Việc lựa chọn số lượng nội dung để đưa về một mặt bằng là tùy thuộc vào từng gói thầu.
III. TRÌNH DUYỆT, THẨM ĐỊNH,
PHÊ DUYỆT, CÔNG BỐ KẾT QUẢ
ĐẤU
THẦU, THƯƠNG THẢO HOÀN THIỆN HỢP ĐỒNG
Việc trình duyệt, thẩm định, phê duyệt, công bố kết quả đấu thầu, thương thảo hoàn thiện hợp đồng thực hiện theo các quy định tại Phần thứ năm của Thông tư số 04.
Nhà thầu trúng thầu có trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng đã ký bao gồm cả việc sử dụng thầu phụ như đã nêu trong hồ sơ dự thầu. Trường hợp vì lý do khách quan phải thay đổi thầu phụ thì phải được sự chấp thuận của chủ dự án.
TỜ THÔNG TIN VỀ ĐẤU THẦU VÀ TRANG WEB VỀ ĐẤU THẦU
(Quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 66/CP)
Phần này hướng dẫn thực hiện việc đăng tải thông tin về đấu thầu trên Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước. Ngoài phạm vi và đối tượng quy định ở Phần này, các Bộ ngành và địa phương tùy theo điều kiện cụ thể, quyết định về việc đăng tải và nội dung đăng tải đối với Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Bộ ngành và địa phương mình.
I. NỘI DUNG THÔNG TIN ĐƯỢC ĐĂNG TẢI:
Nội dung đăng tải nêu tại mục này áp dụng cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án thuộc nhóm A và B theo Quy chế Quản lý Đầu tư và Xây dựng, các dự án liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 88/CP) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư, bao gồm:
1. Kế hoạch đấu thầu: Việc đăng ký thông báo kế hoạch đấu thầu được thực hiện theo Mẫu 1 Phụ lục II của Thông tư này.
2. Mời sơ tuyển và Kết quả sơ tuyển: Việc đăng ký thông báo mời sơ tuyển và kết quả sơ tuyển được thực hiện theo Mẫu 2 Phụ lục II và Mẫu 4 Phụ lục II của Thông tư này.
Việc đăng tải thông báo mời sơ tuyển được áp dụng cho các gói thầu có sơ tuyển thuộc các dự án nêu tại mục I Phần này.
3. Mời thầu: Việc đăng ký thông báo mời thầu được thực hiện theo Mẫu 3 Phụ lục II của Thông tư này;
4. Danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế: Việc đăng ký thông báo danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế được thực hiện theo Mẫu 4 Phụ lục II của Thông tư này;
5. Danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu tư vấn: Việc đăng ký thông báo danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu tư vấn được thực hiện theo theo Mẫu 4 Phụ lục II của Thông tư này.
6. Kết quả lựa chọn nhà thầu: Thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu bao gồm: kết quả đấu thầu, kết quả chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp và tự thực hiện: được thực hiện theo Mẫu 5 Phụ lục II của Thông tư này.
Riêng đối với các thông tin thuộc các khoản 3, 4, 5 và 6 mục I Phần này, bước đầu chỉ thực hiện đăng tải đối với những gói thầu tư vấn có giá gói thầu từ 5 tỷ đồng trở lên và đối với những gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp có giá gói thầu từ 20 tỷ đồng trở lên thuộc các dự án nêu tại khoản 1 mục I Phần này.
7. Thông tin về cá nhân, tổ chức thuộc chủ dự án, bên mời thầu, nhà thầu, cơ quan quản lý hoặc đối tượng khác vi phạm Quy chế Đấu thầu; thông tin về nhà thầu bị cấm tham dự thầu và thông tin về xử lý vi phạm Quy chế Đấu thầu (không phân biệt dự án): được thực hiện theo Mẫu 6 Phụ lục II của Thông tư này.
8. Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đang có hiệu lực thi hành, mới được ban hành hoặc đang được dự thảo bao gồm:
a. Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
b. Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu của các Bộ ngành, địa phương.
9. Báo cáo tổng kết công tác đấu thầu trên phạm vi toàn quốc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: được thực hiện theo Mẫu 7 và 8 Phụ lục II của Thông tư này.
10. Báo cáo tổng kết công tác đấu thầu của các Bộ ngành và địa phương: được thực hiện theo Mẫu 7 và 8 Phụ lục II của Thông tư này.
11. Hoạt động đấu thầu của cơ sở bao gồm hoạt động đấu thầu của các Bộ ngành, địa phương với các thông tin chính sau:
a. Thông tin về phổ biến, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu;
b. Thông tin về các tình huống trong đấu thầu và cách xử lý, trao đổi kinh nghiệm về đấu thầu, hỏi đáp về đấu thầu;
c. Các thông tin liên quan khác.
12. Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu bao gồm: danh sách nhà thầu và các thông tin chủ yếu của các nhà thầu đã đăng ký, thay đổi và bổ sung vào Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu.
13. Các nội dung có liên quan khác.
II. KỲ HẠN ĐĂNG TẢI THÔNG TIN VỀ ĐẤU THẦU
1. Tờ thông tin về đấu thầu
a. Các nội dung đăng tải 3 kỳ liên tục:
- Thông báo mời sơ tuyển;
- Thông báo mời thầu.
b. Các nội dung đăng tải 2 kỳ liên tục:
- Danh sách cá nhân, tổ chức vi phạm Quy chế Đấu thầu;
- Danh sách nhà thầu bị cấm tham dự thầu;
- Thông tin về xử lý vi phạm Quy chế Đấu thầu.
c. Các nội dung đăng tải trong 1 kỳ:
- Kế hoạch đấu thầu;
- Kết quả sơ tuyển;
- Danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế;
- Danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu tư vấn;
- Kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu mới được ban hành;
- Báo cáo tổng kết công tác đấu thầu;
- Hoạt động đấu thầu của cơ sở;
- Thông tin về nhà thầu mới được đăng ký trong Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu.
d. Các nội dung đăng tải đột xuất:
Trong trường hợp cần thiết, một số thông tin về đấu thầu có thể được đăng tải trong 1 kỳ hoặc nhiều kỳ.
2. Trang Web về đấu thầu
a. Các nội dung đăng tải tối thiểu trong 5 ngày liên tục:
- Thông báo mời sơ tuyển;
- Thông báo mời thầu.
b. Các nội dung đăng tải tối thiểu trong 7 ngày liên tục:
- Kế hoạch đấu thầu;
- Kết quả sơ tuyển;
- Danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế;
- Danh sách ngắn nhà thầu tham gia đấu thầu tư vấn;
- Kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Thông tin về xử lý vi phạm Quy chế Đấu thầu;
- Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu đang soạn thảo;
- Báo cáo tổng kết công tác đấu thầu.
c. Các nội dung đăng tải liên tục:
- Danh sách cá nhân, tổ chức vi phạm Quy chế Đấu thầu;
- Danh sách các nhà thầu bị cấm tham dự thầu;
- Văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu hiện hành;
- Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu;
- Các nội dung khác (nếu cần thiết).
d. Các nội dung đăng tải đột xuất:
Trong trường hợp cần thiết, một số thông tin về đấu thầu có thể được đăng tải trong một số ngày hoặc liên tục.
III. CƠ QUAN CUNG CẤP THÔNG TIN
Cơ quan cung cấp thông tin cho Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước phải đảm bảo thời gian theo quy định tại mục V Phần này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực và chính xác của các số liệu do mình cung cấp.
Trường hợp cơ quan cung cấp thông tin không thực hiện theo đúng quy định dưới đây, tổ chức và cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 26 Điều 1 Nghị định số 66/CP.
Các cơ quan cung cấp thông tin bao gồm:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Thông tin do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp cho Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước bao gồm các nội dung quy định tại điểm a khoản 8, khoản 9 và khoản 13 mục I của Phần này.
2. Các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ ngành và địa phương):
Thông tin do các Bộ ngành và địa phương cung cấp cho Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước bao gồm các nội dung quy định tại khoản 7, điểm b khoản 8, khoản 10 và khoản 11 mục I của Phần này.
3. Chủ dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc các nhóm A và B theo Quy chế Quản lý Đầu tư và Xây dựng, Hội đồng quản trị của công ty liên doanh, đại diện hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi chung là chủ dự án):
Thông tin do chủ dự án cung cấp cho Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước bao gồm các nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 mục I của Phần này.
4. Nhà thầu:
Nhà thầu cung cấp thông tin thông qua việc đăng ký được thực hiện theo quy định tại Phần 5 “Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu” của Thông tư này.
IV. HÌNH THỨC CUNG CẤP THÔNG TIN
Việc cung cấp thông tin về đấu thầu cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải trên Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước được thực hiện như sau:
1. Hình thức bắt buộc: Gửi bản chính theo cách trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư (số 2 Hoàng Văn Thụ, Hà Nội).
2. Các hình thức khác (được sử dụng tạm thời để chuẩn bị đăng tải):
a. Gửi bằng fax: 84-4-8230452 (số máy fax của Vụ Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
b. Gửi bằng thư điện tử (nếu có) tới địa chỉ sau: dauthau@mpi.gov.vn (địa chỉ thư điện tử của Vụ Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) hoặc theo mục nhận tin trong trang Web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là http://www.mpi.gov.vn (chuyên mục đấu thầu).
Cơ quan tiếp nhận thông tin không chịu trách nhiệm về việc ách tắc, thất thoát hoặc lý do nào khác trong quá trình chuyển tải thông tin. Cơ quan tiếp nhận sẽ đăng tải thông tin theo quy định.
V. THỜI HẠN CUNG CẤP THÔNG TIN
1. Đối với thông báo mời sơ tuyển và thông báo mời thầu: Tối thiểu 15 ngày trước khi phát hành hồ sơ mời sơ tuyển hoặc hồ sơ mời thầu.
2. Đối với các thông tin khác: Tối đa 7 ngày kể từ khi có quyết định của người hoặc cấp có thẩm quyền.
1. Phát hành Tờ thông tin:
Tờ thông tin về đấu thầu của Nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý được phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn quốc theo quy định của pháp luật. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều có thể mua tại các điểm phát hành báo chí của ngành bưu điện hoặc qua đăng ký mua trực tiếp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Truy cập thông tin trên trang Web về đấu thầu:
Mọi tổ chức và cá nhân đều có thể tìm kiếm, truy cập thông tin trên trang Web về đấu thầu của Nhà nước (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý) nhằm phục vụ công tác chuyên môn. Việc truy cập thông tin trên trang Web về đấu thầu của Nhà nước được thực hiện theo địa chỉ trang Web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: http://www.mpi.gov.vn (chuyên mục đấu thầu).
3. Chi phí đăng tải thông tin:
Thông tin về đấu thầu quy định tại mục I Phần này được đăng tải miễn phí trên Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước.
Chi phí chuẩn bị thông tin, xử lý thông tin, đăng tải và phát hành thông tin, lưu trữ và quản lý thông tin và các chi phí khác được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp và quản lý hành chính thuộc kinh phí ngân sách chung của cơ quan quản lý Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước. Việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động cho Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.
HỆ THỐNG DỮ LIỆU THÔNG TIN VỀ NHÀ THẦU
(Quy định tại khoản 7, khoản 18 và khoản 22 Điều 1 của Nghị định số 66/CP)
I. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN ĐỐI VỚI HỆ THỐNG DỮ LIỆU THÔNG TIN VỀ NHÀ THẦU
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đăng tải và quản lý Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu chung trên toàn quốc, tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký của các nhà thầu do các Bộ ngành quản lý, quyết định thành lập, cấp giấy phép đầu tư hoặc giấy phép hoạt động và các nhà thầu nước ngoài có nguyện vọng tham gia hoạt động đấu thầu tại Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống mạng thông tin diện rộng, soạn thảo phần mềm ứng dụng, hướng dẫn về mặt kỹ thuật để đảm bảo vận hành của Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký của các nhà thầu do cơ quan có thẩm quyền của địa phương quyết định thành lập, cấp giấy phép đầu tư hoặc giấy phép hoạt động, tiếp đó chuyển những thông tin hợp lệ vào Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Nhà thầu
Nhà thầu khi tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu phải có tên trong Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý (theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 66/CP). Trong trường hợp nhà thầu bị cấm tham dự thầu vĩnh viễn (theo quy định tại điểm 2h khoản 26 Điều 1 Nghị định số 66/CP) thì sẽ bị xóa tên khỏi Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu.
II. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀO HỆ
THỐNG DỮ LIỆU
THÔNG
TIN VỀ NHÀ THẦU
a. Đối với nhà thầu trong nước là tổ chức:
- Phiếu đăng ký thông tin cho Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu (theo Mẫu 1a, Phụ lục III của Thông tư này);
- Bản sao có công chứng quyết định thành lập (đối với đơn vị không có đăng ký kinh doanh), giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc văn bản pháp lý khác có giá trị tương đương.
b. Đối với nhà thầu nước ngoài là tổ chức:
- Phiếu đăng ký thông tin cho Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu (theo Mẫu 2a Phụ lục III của Thông tư này);
- Bản sao có công chứng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hợp pháp của nhà thầu do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi nhà thầu mang quốc tịch cấp.
Hồ sơ đăng ký của nhà thầu nước ngoài được lập thành hai bản, một bản tiếng Việt và một bản tiếng Anh, có giá trị pháp lý ngang nhau.
c. Đối với nhà thầu là cá nhân:
- Phiếu đăng ký thông tin cho Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu (theo Mẫu 3a Phụ lục III của Thông tư này);
- Bản sao có công chứng đăng ký hoạt động hoặc chứng chỉ chuyên môn của nhà thầu.
Đối với nhà thầu là cá nhân nước ngoài, hồ sơ đăng ký được làm thành hai bản, một bản tiếng Việt, một bản tiếng Anh, có giá trị pháp lý ngang nhau.
2. Hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung
- Phiếu đăng ký thay đổi, bổ sung thông tin cho Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu (lựa chọn sử dụng Mẫu 1b, Mẫu 2b hoặc Mẫu 3b Phụ lục III của Thông tư này cho phù hợp);
- Văn bản pháp lý chứng minh những thông tin thay đổi, bổ sung tương ứng của nhà thầu.
3. Các hình thức thực hiện đăng ký
Việc đăng ký vào Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu được thực hiện theo các hình thức sau:
a. Hình thức bắt buộc:
- Nộp hồ sơ:
+ Gửi theo đường bưu điện bản chính hồ sơ đăng ký tới cơ quan tiếp nhận được quy định tại khoản 1 và khoản 2 mục I Phần 5 của Thông tư này, hoặc
+ Nộp trực tiếp bản chính hồ sơ đăng ký tại cơ quan tiếp nhận được quy định tại khoản 1 và khoản 2 mục I Phần 5 của Thông tư này.
- Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ:
+ Địa chỉ tiếp nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: số 2 Hoàng Văn Thụ, Hà Nội.
+ Địa chỉ tiếp nhận của các Sở Kế hoạch và Đầu tư: theo quy định cụ thể của từng Sở Kế hoạch và Đầu tư.
b. Hình thức tạm thời: (trong trường hợp chưa thể sử dụng hình thức bắt buộc thì có thể sử dụng các hình thức này)
- Nộp hồ sơ:
+ Gửi bằng fax, hoặc
+ Gửi bằng thư điện tử, hoặc
+ Gửi vào mục nhận tin trên trang Web về đấu thầu.
- Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ:
+ Địa chỉ tiếp nhận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
* Số máy fax: 84 - 4 8230452 (số máy fax của Vụ Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
* Địa chỉ thư điện tử: dauthau@mpi.gov.vn (địa chỉ thư điện tử của Vụ Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
* Mục nhận tin trong trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
http://www.mpi.gov.vn (chuyên mục đấu thầu).
+ Địa chỉ tiếp nhận của các Sở Kế hoạch và Đầu tư: theo quy định cụ thể của từng Sở Kế hoạch và Đầu tư.
4. Trình tự đăng ký vào Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu
a. Nhà thầu lập và nộp hồ sơ, theo các hình thức đăng ký như quy định tại khoản 1 và khoản 3 mục II Phần 5 của Thông tư này.
b. Trường hợp hồ sơ nộp theo hình thức bắt buộc và được xác định là hợp lệ thì trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (trừ ngày nghỉ theo quy định của pháp luật), cơ quan tiếp nhận lập giấy chứng nhận đăng ký dữ liệu thông tin về nhà thầu (lựa chọn sử dụng Mẫu 1c, Mẫu 2c hoặc Mẫu 3c, Phụ lục III của Thông tư này cho phù hợp) và gửi theo đường bưu điện cho nhà thầu theo địa chỉ mà nhà thầu đã đăng ký, đồng thời chuyển những thông tin nhà thầu đăng ký hợp lệ để đăng tải vào Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhà thầu có tên được đăng tải chính thức trên Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý thì có đủ điều kiện (theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 1 Nghị định số 66/CP) để tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu thuộc lĩnh vực tham dự thầu mà nhà thầu đó đã đăng ký trên phạm vi toàn quốc.
c. Trường hợp hồ sơ nộp theo hình thức bắt buộc nhưng nội dung không hợp lệ (nghĩa là không đáp ứng đủ giấy tờ như quy định tại khoản 1 mục II Phần 5 của Thông tư này, hoặc có nội dung khai không đủ, không thống nhất giữa các thông tin trong hồ sơ), trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ (trừ ngày nghỉ theo quy định của pháp luật), cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo về yêu cầu chuẩn xác, bổ sung hồ sơ (theo Mẫu 4 Phụ lục III của Thông tư này) và gửi cho nhà thầu qua đường bưu điện theo địa chỉ mà nhà thầu đăng ký.
d. Trường hợp hồ sơ nộp theo hình thức tạm thời, trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ (trừ ngày nghỉ theo quy định của pháp luật), cơ quan tiếp nhận hồ sơ chuyển những thông tin nhà thầu đăng ký vào Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng tải trên vùng thông tin tạm thời thuộc Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu.
Thông tin của nhà thầu được đăng tải trên vùng thông tin tạm thời thuộc Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu trong 10 ngày và là cơ sở pháp lý để nhà thầu tham dự thầu đến trước thời điểm đóng thầu. Trường hợp đến thời điểm đóng thầu mà nhà thầu chưa có tên được đăng tải chính thức trên Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý thì nhà thầu này chưa đủ điều kiện (theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 1 Nghị định số 66/CP) để tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng dẫn riêng về quy trình phối hợp để xử lý và đăng tải thông tin về nhà thầu giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Sở Kế hoạch và Đầu tư.
5. Thay đổi, bổ sung dữ liệu thông tin về nhà thầu đã đăng ký
Khi cần thay đổi, bổ sung dữ liệu thông tin đã đăng ký, nhà thầu cần lập và nộp hồ sơ đăng ký theo các hình thức và trình tự đăng ký như quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 mục II Phần 5 của Thông tư này.
Trong thời hạn 2 ngày, cơ quan tiếp nhận lập giấy chứng nhận đăng ký thay đổi, bổ sung dữ liệu thông tin về nhà thầu đã đăng ký (lựa chọn và chuẩn bị theo các Mẫu 1d, Mẫu 2d hoặc Mẫu 3d, Phụ lục III của Thông tư này cho phù hợp) và gửi theo đường bưu điện cho nhà thầu theo địa chỉ nhà thầu đã đăng ký, đồng thời chuyển những thông tin thay đổi, bổ sung về nhà thầu vào Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nếu hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung được gửi theo hình thức bắt buộc và được xác định là hợp lệ).
Những thông tin thay đổi, bổ sung về nhà thầu sau khi được đăng tải trên Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý sẽ là các thông tin pháp lý mới đối với nhà thầu.
III. CHI PHÍ ĐĂNG TẢI
THÔNG TIN TRÊN HỆ THỐNG
DỮ
LIỆU THÔNG TIN VỀ NHÀ THẦU
Mọi thông tin về nhà thầu được đăng tải miễn phí trên Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý.
Chi phí xử lý thông tin, chuyển tải thông tin, đăng tải thông tin, lưu trữ và quản lý thông tin về nhà thầu được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp, quản lý hành chính và được tổng hợp trong dự trù kinh phí ngân sách chung của cơ quan tiếp nhận, quản lý Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu. Việc quản lý và sử dụng kinh phí họat động cho Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.
KIỂM TRA THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
(quy định tại khoản 24 Điều 1 Nghị định số 66/CP)
Kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu được tiến hành đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan tới quá trình lựa chọn nhà thầu của các gói thầu thuộc các dự án là đối tượng áp dụng Quy chế Đấu thầu (sau đây gọi tắt là đối tượng chịu sự kiểm tra).
I. PHÂN CẤP KIỂM TRA THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a. Kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi toàn quốc theo chức năng;
b. Kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu của các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và các dự án nhóm A được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, các dự án liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 88/CP) do mình cấp giấy phép đầu tư;
c. Kiểm tra những sự việc cụ thể khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
2. Các Bộ (ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp (sau đây gọi tắt là Bộ ngành và địa phương):
a. Quyết định và tổ chức kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình và các dự án do mình quyết định thực hiện (kể cả các dự án phân cấp và uỷ quyền cho cấp dưới), các dự án liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 88/CP) do mình cấp giấy phép đầu tư và do các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất được uỷ quyền cấp giấy phép đầu tư, các dự án thuộc công ty cổ phần (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 88/CP) thuộc phạm vi quản lý của mình;
b. Kiểm tra những sự việc cụ thể khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
II. HÌNH THỨC KIỂM TRA THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
Việc kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu được tiến hành theo 2 hình thức sau:
1. Kiểm tra định kỳ:
Kiểm tra định kỳ là việc kiểm tra theo kế hoạch do người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra quyết định trên cơ sở các mốc thời gian: quý, 6 tháng hoặc một năm đối với các hoạt động về đấu thầu của đối tượng thuộc phạm vi kiểm tra.
Để chủ động trong công tác kiểm tra, cơ quan kiểm tra cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ cả năm, bao gồm các nội dung sau:
a. Danh sách đối tượng, phạm vi cần tiến hành kiểm tra trong năm;
b. Thời gian tiến hành;
c. Nội dung kiểm tra.
2. Kiểm tra đột xuất:
Kiểm tra đột xuất là việc kiểm tra theo từng sự việc khi gói thầu có các vướng mắc (khi có các khiếu nại, tố cáo, các dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc các vướng mắc khác) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu của người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra.
III. NỘI DUNG KIỂM TRA THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
1. Đối với kiểm tra định kỳ:
a. Kiểm tra việc nghiên cứu các quy định về đấu thầu như: tình hình phổ biến hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu;
b. Kiểm tra việc xây dựng kế hoạch đấu thầu và quá trình lựa chọn nhà thầu (bao gồm: kế hoạch đấu thầu được duyệt, trình tự thực hiện đấu thầu, các căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện, lý do không áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, kết quả trúng thầu, giá trị ký hợp đồng, tình hình thực hiện hợp đồng và các nội dung liên quan khác);
c. Kiểm tra về tình hình đội ngũ cán bộ, chuyên gia tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu;
d. Xem xét những tồn tại trong công tác đấu thầu.
2. Đối với kiểm tra đột xuất:
Tùy thuộc vào tình hình cụ thể mà việc kiểm tra đột xuất công tác đấu thầu tập trung vào một số nội dung sau:
a. Về pháp lý:
- Các căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu: các văn bản pháp lý như quyết định đầu tư (hoặc giấy phép đầu tư), quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, phê duyệt thiết kế - tổng dự toán, dự toán (đối với đấu thầu xây lắp), phê duyệt danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế và các nội dung liên quan khác;
- Tư cách hợp lệ của bên mời thầu, tổ chuyên gia, tư vấn đấu thầu: quyết định thành lập, chức năng, nhiệm vụ;
- Tư cách hợp lệ của nhà thầu: đăng ký tên trong Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu, năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của nhà thầu.
b. Về trình tự thực hiện các công việc lựa chọn nhà thầu theo quy định.
c. Về kết quả lựa chọn nhà thầu so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu:
- Kinh nghiệm và năng lực nhà thầu được lựa chọn (đặc biệt là đối với gói thầu có giá trúng thầu quá thấp so với giá gói thầu, các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu);
- Sự đáp ứng về mặt kỹ thuật của hồ sơ dự thầu được lựa chọn;
- Về giá trúng thầu (đặc biệt đối với giá trúng thầu quá thấp so với giá gói thầu), giá ký hợp đồng, loại hợp đồng và các nội dung liên quan khác.
- Những vướng mắc cụ thể, thắc mắc của cá nhân, tập thể bên mời thầu, của nhà thầu (nếu có) và biện pháp xử lý;
d. Những nội dung liên quan khác.
IV. TRÌNH TỰ KIỂM TRA THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
Cơ quan tổ chức kiểm tra tiến hành thực hiện theo trình tự sau:
1. Chuẩn bị kiểm tra:
a. Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra;
b. Phê duyệt kế hoạch kiểm tra chi tiết do Đoàn kiểm tra xây dựng;
c. Gửi quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, kế hoạch kiểm tra chi tiết cho đối tượng chịu sự kiểm tra trong thời gian tối thiểu 5 ngày trước khi tiến hành công tác kiểm tra.
2. Tiến hành kiểm tra:
Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra trong thời gian tối đa là 30 ngày trên cơ sở kế hoạch kiểm tra chi tiết được duyệt. Khi tiến hành kiểm tra, Đoàn kiểm tra thực hiện việc thu thập, nghiên cứu tài liệu, trao đổi với đối tượng chịu sự kiểm tra để lập Báo cáo kết quả kiểm tra.
Trước khi trình Báo cáo kết quả kiểm tra để cơ quan kiểm tra xem xét, Đoàn kiểm tra cần tham khảo ý kiến của đối tượng chịu sự kiểm tra.
3. Xử lý kết quả kiểm tra:
Người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra cần có kết luận về Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra và gửi cho đối tượng chịu sự kiểm tra, quyết định các biện pháp thích hợp để xử lý như tổ chức thanh tra, chuyển hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết. Trường hợp có yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan kiểm tra cần chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc khắc phục các tồn tại đã nêu trong kết luận Báo cáo kết quả kiểm tra.
V. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN TỔ CHỨC KIỂM TRA
1. Tổ chức kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu theo quy định ở mục III và mục IV Phần này;
2. Theo dõi và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất đối với những sự việc cụ thể do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Đối với các Bộ ngành và địa phương khi trình Thủ tướng Chính phủ các báo cáo kiểm tra, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp.
3. Xem xét, quyết định các hình thức xử lý vi phạm theo thẩm quyền trên cơ sở ý kiến đề xuất của Đoàn kiểm tra hoặc chuyển sang cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
VI. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA ĐOÀN KIỂM TRA
1. Thực hiện việc kiểm tra theo các nội dung của kế hoạch chi tiết đã được phê duyệt và theo khoản 2 mục IV Phần này;
2. Lập và trình duyệt Báo cáo kết quả kiểm tra;
3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến của mình nêu trong Báo cáo kết quả kiểm tra;
4. Cá nhân của Đoàn kiểm tra có quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình trong Báo cáo kết quả kiểm tra.
VII. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN
HẠN CỦA ĐỐI TƯỢNG
CHỊU
SỰ KIỂM TRA
1. Thực hiện các yêu cầu theo nội dung của kế hoạch kiểm tra chi tiết như chuẩn bị báo cáo, cung cấp tài liệu, bố trí làm việc với Đoàn kiểm tra.
2. Tham gia góp ý các nội dung có liên quan trong dự thảo Báo cáo của Đoàn kiểm tra;
3. Có quyền bảo lưu ý kiến của mình bằng văn bản và phải gửi tới Đoàn kiểm tra và cơ quan kiểm tra.
1. Về thời gian báo cáo
- Đoàn kiểm tra hoàn thành Báo cáo kết quả kiểm tra ngay sau khi kết thúc công việc kiểm tra nhưng tối đa không quá 10 ngày để trình cơ quan quyết định kiểm tra xem xét, quyết định.
- Các Bộ ngành và địa phương trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả kiểm tra đột xuất trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ khi kết thúc công việc kiểm tra (đối với những trường hợp do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu).
- Các Bộ ngành và các địa phương lập báo cáo tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ (đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư) theo định kỳ 6 tháng (chậm nhất là cuối tháng 7 cùng năm) và cả năm (chậm nhất là cuối tháng 1 năm sau) về tình hình thực hiện công tác kiểm tra;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ hàng năm (chậm nhất là cuối tháng 02 năm sau) về tình hình thực hiện công tác kiểm tra.
2. Chi phí kiểm tra
a. Nội dung chi phí kiểm tra:
Chi phí hoạt động kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu bao gồm các chi phí cần thiết phục vụ công tác kiểm tra như:
- Chi phí đi lại, công tác phí của các thành viên Đoàn kiểm tra;
- Chi phí in ấn tài liệu;
- Chi phí khác (chuyên gia, hội nghị và các hoạt động khác).
b. Nguồn kinh phí kiểm tra:
Chi phí kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp và quản lý hành chính, được tổng hợp trong dự trù kinh phí ngân sách chung của các cơ quan kiểm tra thực hiện công tác đấu thầu có liên quan.
Việc quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động kiểm tra thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.
XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẤU THẦU
(quy định tại Điều 60 Nghị định số 88/CP và khoản 26 Điều 1 Nghị định số 66/CP)
Việc tổ chức xử lý đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu được thực hiện như sau:
1. Người có thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu có thẩm quyền và chịu trách nhiệm ra văn bản xử lý vi phạm, trong đó nêu rõ: tên tổ chức và cá nhân vi phạm, nội dung vi phạm, các hình thức và mức độ xử lý vi phạm (trừ trường hợp có yếu tố cấu thành tội phạm, do cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật). Văn bản xử lý vi phạm được gửi cho đương sự, cơ quan quản lý cấp trên của đương sự, bên mời thầu, chủ dự án, cơ quan cấp trên của chủ dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan quản lý Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước), và các cơ quan hành chính và pháp luật có liên quan khác.
2. Trường hợp nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu, bị đăng trên Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước nhiều lần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào quy định tại điểm 2h khoản 26 Điều 1 Nghị định số 66/CP sẽ ra thông báo trên Tờ thông tin về đấu thầu hoặc trang Web về đấu thầu về việc cấm nhà thầu không được tham dự thầu trong phạm vi 1 năm, 2 năm, 3 năm hoặc vĩnh viễn.
3. Số tiền bảo lãnh dự thầu do nhà thầu vi phạm Quy chế Đấu thầu không được nhận lại sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
II. ĐỐI VỚI BÊN MỜI THẦU,
CÁC TỔ CHỨC
VÀ
CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN
Người có thẩm quyền có trách nhiệm ra văn bản xử lý vi phạm, trong đó nêu rõ: tên tổ chức và cá nhân vi phạm, nội dung vi phạm, các hình thức và mức độ xử lý vi phạm. Văn bản xử lý vi phạm được gửi cho đương sự, cơ quan quản lý cấp trên của đương sự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan quản lý Tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của Nhà nước), và các cơ quan hành chính và pháp luật có liên quan khác.
Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1336/CP-CN ngày 02/10/2003, đối với một số nội dung của công tác đấu thầu được thực hiện như sau:
I. THỰC HIỆN HÌNH THỨC CHỈ ĐỊNH THẦU
Quy trình chỉ định thầu được thực hiện tương tự theo quy trình đấu thầu cho một gói thầu. Đây là một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu. Gói thầu thực hiện chỉ định thầu phải được người có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu. Khi thực hiện chỉ định, chủ dự án phải đưa ra các yêu cầu đối với gói thầu (tương tự như hồ sơ mời thầu), đơn vị được đề nghị chỉ định thầu căn cứ yêu cầu của chủ dự án chuẩn bị các giải pháp thực hiện, các đề xuất về tài chính, thương mại (tương tự như hồ sơ dự thầu) để chủ dự án đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá. Nếu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu thì người có thẩm quyền xem xét, quyết định kết quả chỉ định thầu các gói thầu có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên (đối với mua sắm hàng hóa và xây lắp), từ 500 triệu đồng trở lên (đối với tư vấn), chủ dự án quyết định kết quả chỉ định thầu đối với các gói thầu còn lại thuộc tất cả các dự án. Tiếp đó, chủ dự án tiến hành thương thảo để ký hợp đồng với nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu.
Theo quy định tại điểm 5 khoản 19 Điều 1 Nghị định số 66/CP, việc thoả thuận các nội dung có liên quan trong đấu thầu đối với các dự án liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, dự án cổ phần theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định số 88/CP là thuộc trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, do chưa có văn bản quy định rõ người đại diện chủ sở hữu thì cơ quan có trách nhiệm thoả thuận các nội dung theo quy định tại điểm 5 khoản 19 Điều 1 Nghị định số 66/CP là Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước hoặc chủ doanh nghiệp nhà nước tham gia liên doanh hoặc cổ phần, phù hợp với việc phân cấp trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1336/CP-CN ngày 02/10/2003.
Thời gian thoả thuận kế hoạch đấu thầu và thoả thuận kết quả lựa chọn nhà thầu không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
III. CÔNG KHAI HÓA TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ
1. Theo quy định tại khoản 12 và khoản 15 Điều 1 Nghị định số 66/CP, tiêu chuẩn đánh giá đối với gói thầu mua sắm hàng hóa hoặc xây lắp phải được nêu trong hồ sơ mời thầu. Quy định này cũng được áp dụng đối với các gói thầu tuyển chọn tư vấn. Hồ sơ mời sơ tuyển (bao gồm tiêu chuẩn đánh giá sơ tuyển) do chủ dự án xây dựng và phê duyệt.
2. Hồ sơ mời sơ tuyển (bao gồm tiêu chuẩn đánh giá sơ tuyển) do chủ dự án xây dựng và phê duyệt.
Việc phê duyệt hợp đồng là trách nhiệm của chủ dự án theo quy định tại điểm 2 khoản 10 Điều 1 Nghị định số 66/CP. Nội dung hợp đồng được phê duyệt phải phù hợp với kết quả lựa chọn nhà thầu đã được người hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nội dung hồ sơ dự thầu và các giải thích làm rõ của nhà thầu trúng thầu.
Theo quy định tại điểm 3c khoản 19 Điều 1 Nghị định số 66/CP, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt hoặc uỷ quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tất cả các gói thầu của dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của mình. Để đảm bảo tính thống nhất với điểm 2b khoản 20 Điều 1 Nghị định số 66/CP, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thẩm định giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc thẩm quyền của mình. Riêng đối với hồ sơ mời thầu, cơ quan thẩm định có thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc một đơn vị chuyên ngành của địa phương. Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cấp huyện và cấp xã thì người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu trên cơ sở thẩm định của bộ phận giúp việc có liên quan.
Đối với việc thẩm định kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc các Bộ ngành thì đơn vị thẩm định có thể là Vụ Kế hoạch và Đầu tư hoặc một đơn vị được giao thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
VI. MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC
NGHỊ ĐỊNH VÀ THÔNG TƯ
NÀY
VỚI THÔNG TƯ SỐ 04
Trong trường hợp có sự mâu thuẫn về nội dung giữa các Nghị định số 88/CP, 14/CP và 66/CP thì lấy nội dung của Nghị định số 66/CP làm cơ sở.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp Thông tư số 04 có những mâu thuẫn với các nội dung của Nghị định số 66/CP và Thông tư này thì thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 66/CP và Thông tư này.
Việc đăng tải thông báo mời thầu và đăng ký dữ liệu thông tin về nhà thầu trên Tờ thông tin về đấu thầu, trang Web về đấu thầu và Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý để làm căn cứ cho việc đấu thầu chỉ có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thông báo chính thức sau này. Trước thời điểm này, việc thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu cũng như quy định về điều kiện tham dự thầu được thực hiện như hiện tại đang làm.
Việc thanh tra đấu thầu được thực hiện theo khoản 25 Điều 1 Nghị định số 66/CP. Thanh tra đấu thầu là một bộ phận của công tác thanh tra thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng được quy định trong Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Công tác thanh tra đấu thầu sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện trong Thông tư riêng.
Mẫu hồ sơ mời thầu quy định tại Điều 4 Nghị định số 66/CP sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại văn bản riêng. Trong thời gian chưa có văn bản ban hành, mẫu hồ sơ mời thầu được sử dụng là các mẫu hướng dẫn nêu tại các Phụ lục I, II, III trong Thông tư số 04/2000/TT-BKH ngày 26/5/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời xem xét, bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp.
|
Võ Hồng Phúc (Đã ký) |
ÁP DỤNG TIÊU CHÍ “ĐẠT”, “KHÔNG ĐẠT” ĐỐI VỚI GÓI THẦU KHÔI PHỤC 30 KM ĐƯỜNG GIAO THÔNG
Ban quản lý dự án P tổ chức đấu thầu gói thầu khôi phục 30 km đường quốc lộ (đoạn km 15+400- km 45+400 ) theo tiêu chuẩn đường cấp III với mặt cắt ngang nền đường rộng 12 m. Bố trí phần cơ giới rộng 7m (2 làn đường) + phần xe thô sơ rộng 4m (2 làn xe) + 1m (2 lề đường). Hồ sơ mời thầu quy định thời gian thực hiện hợp đồng là 18 tháng và phải có tối thiểu 3 mũi thi công. Có 3 nhà thầu A, B, C nộp hồ sơ dự thầu. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá và đánh giá hồ sơ dự thầu về mặt kỹ thuật được thực hiện như sau:
I. XÂY DỰNG TIÊU
CHUẨN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU
VỀ MẶT KỸ THUẬT
Việc đánh giá về mặt kỹ thuật chỉ được tiến hành đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá sơ bộ và thực hiện theo 4 tiêu chuẩn đánh giá tổng quát sau:
1. Biện pháp thi công
Tiêu chuẩn đánh giá tổng quát này gồm 4 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết, được nêu tại Bảng 1 dưới đây:
Bảng 1
Nội dung yêu cầu |
Mức độ đáp ứng |
|
1. Bảo đảm giao thông: - Xây dựng 2 đoạn tránh, 1 cầu tạm |
Có đề xuất xây dựng 2 đoạn tránh, 1 cầu tạm |
Đạt |
Không đề xuất hoặc đề xuất thiếu |
Không đạt |
|
2. Thi công nền và mặt đường: - Bố trí 3 mũi thi công, mô tả biện pháp, công nghệ thi công các hạng mục chính (đào đất, đắp đất, cấp phối...) theo đúng trình tự và yêu cầu kỹ thuật |
Bố trí đủ 3 mũi thi công. Có đề xuất về biện pháp, công nghệ thi công. |
Đạt |
Không bố trí đủ 3 mũi thi công, hoặc đề xuất không đầy đủ về biện pháp, công nghệ thi công |
Không đạt |
|
3. Chuẩn bị hiện trường xây dựng: - Bố trí phòng thí nghiệm, thiết bị, nhân lực thi công, mỏ vật liệu đắp nền, xây dựng lán trại phục vụ thi công |
Có đề xuất việc bố trí phòng thí nghiệm, thiết bị, nhân lực, mỏ vật liệu đắp nền, xây dựng lán trại |
Đạt |
Chỉ đề xuất việc bố trí phòng thí nghiệm, thiết bị, nhân lực thi công, mỏ vật liệu đắp nền. Không nêu việc xây dựng lán trại. |
Chấp nhận được |
|
Đề xuất không đủ 4 nội dung: phòng thí nghiệm, thiết bị, nhân lực, mỏ vật liệu đắp nền trong chuẩn bị hiện trường xây dựng |
Không đạt |
|
4. Biện pháp giám sát và quản lý chất lượng trong thi công nền đường, mặt đường: a) Bố trí lực lượng giám sát cho 3 mũi thi công b) Các biện pháp kiểm tra và quản lý chất lượng |
Đề xuất đủ đối với cả 2 nội dung a và b |
Đạt |
Không đề xuất đủ 2 nội dung trên a và b |
Không đạt |
|
Kết luận |
Các tiêu chuẩn chi tiết 1, 2, 4 được xác định là đạt, tiêu chuẩn chi tiết 3 được xác định là đạt hoặc chấp nhận được |
Đạt |
Không thuộc các trường hợp nêu trên |
Không đạt |
2. Tiến độ thi công
Tiêu chuẩn đánh giá tổng quát này bao gồm 2 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết, được nêu tại Bảng 2 dưới đây:
Bảng 2
Nội dung yêu cầu |
Mức độ đáp ứng |
|
1. Thời gian thi công: - Đảm bảo thời gian thi công không quá 18 tháng có tính đến điều kiện thời tiết |
Đề xuất thời gian thi công không vượt quá 18 tháng có tính đến điều kiện thời tiết |
Đạt |
Đề xuất về thời gian thi công vượt quá 18 tháng, hoặc không tính đến điều kiện thời tiết |
Không đạt |
|
2. Tính phù hợp: a) Giữa huy động thiết bị và tiến độ thi công b) Giữa bố trí nhân lực và tiến độ thi công |
Đề xuất đầy đủ, hợp lý, khả thi cho cả 2 nội dung a và b |
Đạt |
Đề xuất không đủ 2 nội dung a và b |
Không đạt |
|
Kết luận |
Cả 2 tiêu chuẩn chi tiết đều được xác định là đạt |
Đạt |
Có 1 tiêu chuẩn chi tiết xác định là không đạt |
Không đạt |
3. Danh mục thiết bị chủ yếu
Tiêu chuẩn đánh giá tổng quát này bao gồm 5 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết, được nêu tại Bảng 3 dưới đây:
Bảng 3
Nội dung yêu cầu |
Mức độ đáp ứng |
|
1. Trạm trộn hỗn hợp átphan: - Tổng công suất tối thiểu là 120 tấn/giờ |
Bố trí trạm trộn tại hiện trường thi công với công suất tối thiểu 120 tấn /giờ |
Đạt |
Sử dụng trạm trộn ở nơi khác, công suất đảm bảo 120 tấn/giờ |
Chấp nhận được |
|
Không đáp ứng công suất tối thiểu |
Không đạt |
|
2. Lu trống thép: - 3 máy; mỗi máy có công suất 6 – 9 tấn |
Đáp ứng cả về công suất và số lượng máy |
Đạt |
Không đảm bảo công suất và/hoặc số lượng máy |
Không đạt |
|
3. Lu bánh lốp: - 3 máy; mỗi máy có công suất 8 – 10 tấn |
Đề xuất đủ về công suất và số máy |
Đạt |
Đề xuất không đủ về công suất và/hoặc số máy |
Không đạt |
|
4. Máy san: - 3 máy; mỗi máy có công suất tối thiểu là 100 mã lực |
Đáp ứng cả về công suất và số lượng máy
|
Đạt |
Không đáp ứng công suất và/hoặc số lượng máy |
Không đạt |
|
5. Máy đào: - 3 máy; mỗi máy có công suất tối thiểu 140 mã lực |
Đáp ứng cả về công suất và số lượng máy |
Đạt |
Không đáp ứng về công suất và/hoặc số lượng máy |
Không đạt |
|
Kết luận |
Các tiêu chuẩn chi tiết 2, 3, 4, 5 được xác định là đạt, tiêu chuẩn chi tiết 1 được xác định là đạt hoặc chấp nhận được |
Đạt |
Không thuộc các trường hợp nêu trên |
Không đạt |
4. Nhân sự chủ chốt
Tiêu chuẩn đánh giá tổng quát này bao gồm 5 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết, được nêu tại Bảng 4 dưới đây:
Bảng 4
Nội dung yêu cầu |
Mức độ đáp ứng |
|
Giám đốc điều hành: Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 12 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 5 năm |
Bố trí nhân sự phù hợp đồng thời với cả 2 nội dung a và b |
Đạt |
Đề xuất không đáp ứng đủ nội dung a và b |
Không đạt |
|
2. Kỹ sư cầu đường: Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 6 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 3 năm |
Bố trí nhân sự phù hợp đồng thời với cả 2 nội dung a và b |
Đạt |
Đề xuất không đáp ứng đủ nội dung a và b |
Không đạt |
|
3. Kỹ sư vật liệu: Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 5 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 3 năm |
Bố trí nhân sự đáp ứng cả 2 nội dung a và b |
Đạt |
Bố trí nhân sự chỉ đáp ứng nội dung b |
Chấp nhận được |
|
Bố trí nhân sự không đáp ứng nội dung b |
Không đạt |
|
4. Giám sát viên chất lượng: Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 5 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 3 năm |
Bố trí nhân sự phù hợp đồng thời với cả 2 nội dung a và b |
Đạt |
Đề xuất không đáp ứng đủ nội dung a và b |
Không đạt |
|
5. Kỹ sư phụ trách thiết bị: a) Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 5 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 3 năm |
Bố trí nhân sự phù hợp đồng thời với cả 2 nội dung a và b |
Đạt |
Bố trí nhân sự không đáp ứng đủ nội dung a và b |
Không đạt |
|
Kết luận |
Các tiêu chuẩn chi tiết 1, 2, 4, 5 được xác định là đạt, tiêu chuẩn chi tiết 3 được xác định là đạt hoặc chấp nhận được |
Đạt |
Không thuộc các trường hợp nêu trên |
Không đạt |
Tổng hợp kết quả đánh giá chung về mặt kỹ thuật
Hồ sơ dự thầu của nhà thầu được coi là đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật để được đưa vào đánh giá về mặt tài chính, thương mại khi được xác định là đạt cả 4 tiêu chuẩn đánh giá tổng quát trên.
II. THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU VỀ MẶT KỸ THUẬT
Do nhà thầu C bị loại ở bước đánh giá sơ bộ nên chỉ còn 2 nhà thầu A và B được đánh giá tiếp về mặt kỹ thuật.
1. Biện pháp thi công
Bảng 1a
Nội dung yêu cầu
|
Nhà thầu A |
Nhà thầu B |
||
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
|
1. Bảo đảm giao thông: - Xây dựng 2 đoạn tránh, 1 cầu tạm |
Có đề xuất việc xây dựng 2 đoạn tránh, 1 cầu tạm |
Đạt |
Có đề xuất việc xây dựng 2 đoạn tránh, 1 cầu tạm |
Đạt |
2. Thi công nền và mặt đường: - Bố trí 3 mũi thi công, mô tả biện pháp, công nghệ thi công các hạng mục chính (đào đất, đắp đất, cấp phối…) theo đúng trình tự và yêu cầu kỹ thuật |
Trình bày chi tiết, khả thi |
Đạt |
Khả thi. Nêu đầy đủ các nội dung |
Đạt |
3. Chuẩn bị hiện trường xây dựng: - Bố trí phòng thí nghiệm, thiết bị, nhân lực thi công, mỏ vật liệu đắp nền, xây dựng lán trại phục vụ thi công |
Trình bày đầy đủ việc bố trí thiết bị, nhân lực, chỉ ra mỏ đất đắp. Không nêu việc xây dựng lán trại |
Chấp nhận được |
Trình bày đầy đủ, hợp lý, khả thi |
Đạt |
4. Biện pháp giám sát và quản lý chất lượng trong thi công nền, mặt đường: a) Bố trí lực lượng giám sát cho 3 mũi thi công b) Các biện pháp kiểm tra và quản lý chất lượng |
Bố trí đủ lực lượng giám sát cho 3 mũi thi công, đưa ra các biện pháp quản lý chất lượng |
Đạt |
Nhà thầu nêu được các biện pháp quản lý chất lượng, đủ lực lượng giám sát thi công theo 3 mũi |
Đạt |
Kết luận |
|
Đạt |
|
Đạt |
2. Tiến độ thi công
Bảng 2a
Nội dung yêu cầu
|
Nhà thầu A |
Nhà thầu B |
||
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
|
1. Thời gian thi công: - Bảo đảm thời gian thi công không quá 18 tháng có tính đến điều kiện thời tiết |
Đáp ứng về tiến độ 18 tháng. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tiến độ thi công chỉ còn 16 tháng |
Đạt |
Đề xuất phù hợp, có tính khả thi cao |
Đạt |
2. Tính phù hợp: Giữa huy động thiết bị thi công và tiến độ thi công. Giữa bố trí nhân lực với tiến độ thi công |
Các biện pháp huy động thiết bị, bố trí nhân lực được tính toán phù hợp với tiến độ thi công đã đề ra |
Đạt |
Đáp ứng yêu cầu theo 2 nội dung a và b |
Đạt |
Kết luận |
|
Đạt |
|
Đạt |
3. Danh mục thiết bị chủ yếu
Bảng 3a
Nội dung yêu cầu
|
Nhà thầu A |
Nhà thầu B |
||
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
|
1. Trạm trộn hỗn hợp átphan: - Tổng công suất tối thiểu 120 tấn/giờ |
1 trạm với công suất 140 tấn/giờ |
Đạt |
Sử dụng trạm trộn ở bên ngoài, công suất đảm bảo |
Chấp nhận được |
2. Lu trống thép: - 3 máy; mỗi máy có công suất 6 – 9 tấn |
3 máy, mỗi máy có công suất 8 tấn |
Đạt |
3 máy, mỗi máy có công suất 7 tấn |
Đạt |
3. Lu bánh lốp: - 3 máy; mỗi máy có công suất 8 – 10 tấn |
3 máy, mỗi máy có công suất 8 tấn |
Đạt |
3 máy, mỗi máy có công suất 9 tấn |
Đạt |
4. Máy san: - 3 máy; mỗi máy có công suất 100 mã lực |
2 máy, mỗi máy có công suất 100 mã lực và 1 máy có công suất 120 mã lực |
Đạt |
3 máy, mỗi máy có công suất 100 mã lực |
Đạt |
5. Máy đào: - 3 máy; mỗi máy có công suất 140 mã lực |
3 máy, mỗi máy có công suất 140 mã lực |
Đạt |
2 máy, mỗi máy có công suất 150 mã lực và 1 máy có công suất 200 mã lực |
Đạt |
Kết luận |
|
Đạt |
|
Đạt |
4. Nhân sự chủ chốt
Bảng 4a
Nội dung yêu cầu |
Nhà thầu A |
Nhà thầu B |
||
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
|
1. Giám đốc điều hành: a) Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 12 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 5 năm |
12 năm
5 năm |
Đạt |
12 năm
7 năm |
Đạt |
2. Kỹ sư cầu đường: a) Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 6 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 3 năm |
6 năm
3 năm |
Đạt |
7 năm
3 năm |
Đạt |
3. Kỹ sư vật liệu: a) Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 5 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 3 năm |
5 năm
3 năm |
Đạt |
6 năm
4 năm |
Đạt |
4. Giám sát viên chất lượng: a) Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 5 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 3 năm |
5 năm
3 năm |
Đạt |
7 năm
5 năm |
Đạt |
5. Kỹ sư phụ trách thiết bị: a) Số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu đường tối thiểu 5 năm b) Số năm làm việc ở vị trí tương tự tối thiểu 3 năm |
5 năm
3 năm |
Đạt |
6 năm
5 năm |
Đạt |
Kết luận |
|
Đạt |
|
Đạt |
Tổng hợp kết quả đánh giá chung về mặt kỹ thuật
Bảng 5
Nội dung đánh giá |
Kết quả đánh giá |
|
Nhà thầu A |
Nhà thầu B |
|
1. Biện pháp thi công |
Đạt |
Đạt |
2. Tiến độ thi công |
Đạt |
Đạt |
3. Thiết bị chủ yếu |
Đạt |
Đạt |
4. Nhân sự chủ chốt |
Đạt |
Đạt |
Kết luận |
Đạt |
Đạt |
Từ kết quả đánh giá chung nêu trên (Bảng 5), cả 2 nhà thầu A, B đều được đánh giá là đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật nên được đánh giá tiếp về mặt tài chính, thương mại (khoản 2 Mục II Chương III Phần thứ tư của Thông tư số 04).
Phụ lục 1 (tiếp theo)
ÁP DỤNG TIÊU CHÍ
"ĐẠT", "KHÔNG ĐẠT" ĐỐI VỚI
GÓI THẦU "CUNG CẤP TỦ ĐIỆN 24 KV"
Chủ đầu tư là Công ty Điện lực X tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế để thực hiện gói thầu "Cung cấp tủ điện 24 KV" thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện trung thế. Nội dung gói thầu là cung cấp 15 tủ điện sử dụng cho lưới điện 24 KV với yêu cầu thiết bị được cung cấp là thiết bị nguyên chiếc, chế tạo theo tiêu chuẩn IEC 125 hoặc tương đương, có dòng điện định mức là 600 A. Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu là A, B, C. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá và đánh giá hồ sơ dự thầu về mặt kỹ thuật được thực hiện như sau:
I. XÂY DỰNG TIÊU
CHUẨN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU
VỀ MẶT KỸ THUẬT
Việc đánh giá về mặt kỹ thuật chỉ được tiến hành đối với các hồ sơ dự thầu đã vượt qua bước đánh giá sơ bộ và thực hiện theo 2 tiêu chuẩn đánh giá tổng quát sau:
1. Thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn chế tạo
Tiêu chuẩn đánh giá tổng quát này bao gồm 4 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết, được nêu tại Bảng 1 dưới đây:
Bảng 1
|
Nội dung yêu cầu |
Mức độ đáp ứng |
|
1 |
Tiêu chuẩn chế tạo của tủ điện: - Chế tạo theo tiêu chuẩn IEC 125 hoặc tương đương |
- Đáp ứng đúng yêu cầu |
Đạt |
- Chế tạo không theo tiêu chuẩn IEC 125 hoặc tương đương |
Không đạt |
||
2 |
Thông số kỹ thuật đối với Thanh cái: - Thanh cái (1 thanh cho 1 pha) có tiết diện ³ 120mm2 - Vật liệu: Đồng |
- Đáp ứng đúng yêu cầu |
Đạt |
- 2 hoặc 3 thanh (cho 1 pha) có tổng tiết diện ³ 120 mm2 và vật liệu là đồng |
Chấp nhận được |
||
- Không thuộc các trường hợp nêu trên |
Không đạt |
||
3 |
Thông số kỹ thuật đối với Máy cắt đầu vào chính: - Dòng điện cắt ³ 15 KA - Kiểu cơ cấu đóng: Bằng tay |
- Đáp ứng đúng yêu cầu |
Đạt |
- Dòng điện cắt < 15 KA, hoặc - Không sử dụng cơ cấu đóng bằng tay |
Không đạt |
||
4 |
Thông số kỹ thuật đối với Công tắc chuyển mạch tự động: - Dòng điện định mức ³ 600 A - Kiểu của cơ cấu công tắc: Điện từ |
- Đáp ứng đúng yêu cầu |
Đạt |
- Dòng điện định mức < 600 A, hoặc - Không sử dụng kiểu cơ cấu đóng bằng điện từ |
Không đạt |
||
|
Kết luận |
- Các tiêu chuẩn chi tiết 1, 3, 4 được xác định là đạt, tiêu chuẩn chi tiết 2 được xác định là đạt hoặc chấp nhận được. |
Đạt |
- Không thuộc các trường hợp nêu trên. |
Không đạt |
2. Khả năng lắp đặt và năng lực chuyên gia do nhà thầu đề xuất
Tiêu chuẩn đánh giá tổng quát này bao gồm 4 tiêu chuẩn đánh giá chi tiết, được nêu tại Bảng 2 dưới đây:
Bảng 2
|
Nội dung yêu cầu |
Mức độ đáp ứng |
|
1 |
Nhân sự làm việc trong lĩnh vực tự động hóa: - 01 kỹ sư tự động hóa có kinh nghiệm làm việc ³ 5 năm |
- Đáp ứng đúng yêu cầu |
Đạt |
- Kỹ sư không đúng chuyên ngành hoặc không đủ số năm kinh nghiệm |
Không đạt |
||
2 |
Nhân sự làm việc trong lĩnh vực điện: - 02 kỹ sư điện có kinh nghiệm làm việc ³ 7 năm |
- Đáp ứng đúng yêu cầu |
Đạt |
- Không đủ số lượng kỹ sư (đúng chuyên ngành) hoặc không đủ số năm kinh nghiệm |
Không đạt |
||
3 |
Nhân sự làm việc trong lĩnh vực xây dựng: - 01 kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm làm việc ³ 5 năm |
- Đáp ứng đúng yêu cầu |
Đạt |
- Kỹ sư không đúng chuyên ngành hoặc không đủ số năm kinh nghiệm |
Không đạt |
||
4 |
Tài liệu chỉ dẫn lắp đặt: - 05 bộ tài liệu có nội dung đầy đủ, chi tiết |
- Đáp ứng đúng yêu cầu |
Đạt |
- Tài liệu có nội dung đầy đủ nhưng không đủ số lượng 5 bộ. |
Chấp nhận được |
||
- Nội dung tài liệu sơ sài. |
Không đạt |
||
|
Kết luận |
- Các tiêu chuẩn chi tiết 1, 2, 3 được xác định là đạt, tiêu chuẩn chi tiết 4 được xác định là đạt hoặc chấp nhận được. |
Đạt |
- Không thuộc các trường hợp nêu trên. |
Không đạt |
Tổng hợp kết quả đánh giá chung về mặt kỹ thuật
Hồ sơ dự thầu của nhà thầu được coi là đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật để được đưa vào đánh giá về mặt tài chính, thương mại khi được xác định là đạt cả hai tiêu chuẩn tổng quát trên.
II. THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU VỀ MẶT KỸ THUẬT
Việc đánh giá về mặt kỹ thuật hồ sơ dự thầu của nhà thầu phải đảm bảo tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn đánh giá. Hồ sơ dự thầu của nhà thầu chỉ được đánh giá là đạt về mặt kỹ thuật khi đạt cả hai tiêu chuẩn tổng quát nêu trên.
Căn cứ tiêu chuẩn đánh giá nêu tại mục I, kết quả đánh giá về mặt kỹ thuật hồ sơ dự thầu của các nhà thầu được tổng hợp như sau:
1. Thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn chế tạo
Bảng 1a
|
Nội dung yêu cầu |
Nhà thầu A |
Nhà thầu B |
Nhà thầu C |
|||
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
||
1 |
Tiêu chuẩn chế tạo của tủ điện: |
IEC 125 |
Đạt |
IEC 125 |
Đạt |
IEC 125 |
Đạt |
|
- Chế tạo theo tiêu chuẩn IEC 125 hoặc tương đương |
||||||
2 |
Thông số kỹ thuật đối với Thanh cái: |
|
|
|
|
|
|
|
- Thanh cái (1 thanh cho 1 pha) có tiết diện ³ 120mm2 (thanh x mm2) |
2 x 80 |
Chấp nhận được |
1 x 120 |
Đạt |
1 x 140 |
Đạt |
|
- Vật liệu: Đồng |
Đồng |
Đồng |
Đồng |
|||
3 |
Thông số kỹ thuật đối với Máy cắt đầu vào chính: |
|
|
|
|
|
|
|
- Dòng điện cắt ³ 15KA |
17 |
Đạt |
15 |
Đạt |
18 |
Đạt |
|
- Kiểu cơ cấu đóng: Bằng tay |
Bằng tay |
Bằng tay |
Bằng tay |
|||
4 |
Thông số kỹ thuật đối với Công tắc chuyển mạch tự động: |
|
|
|
|
|
|
|
- Dòng điện định mức ³ 600 A |
600 |
Đạt |
500 |
Không đạt |
600 |
Đạt |
|
- Kiểu của cơ cấu công tắc: Điện từ |
Điện từ |
Điện từ |
Điện từ |
|||
|
Kết luận |
|
Đạt |
|
Không đạt |
|
Đạt |
2. Khả năng lắp đặt và năng lực chuyên gia do nhà thầu đề xuất
Bảng 2a
|
Nội dung yêu cầu |
Nhà thầu A |
Nhà thầu B |
Nhà thầu C |
|||
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
Đề xuất dự thầu |
Kết quả đánh giá |
||
1 |
Nhân sự làm việc trong lĩnh vực tự động hóa: - 01 kỹ sư tự động hóa có kinh nghiệm ³ 5 năm (người x số năm) |
01 x 10 |
Đạt |
01 x 8 |
Đạt |
01 x 8 |
Đạt |
2 |
Nhân sự làm việc trong lĩnh vực điện: - 02 kỹ sư điện có kinh nghiệm làm việc ³ 7 năm (người x số năm) |
02 x 7 |
Đạt |
02 x 10 |
Đạt |
02 x 7 |
Đạt |
3 |
Nhân sự làm việc trong lĩnh vực xây dựng: - 01 kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm làm việc ³ 5 năm (người x số năm) |
01 x 6 |
Đạt |
01 x 7 |
Đạt |
01 x 6 |
Đạt |
4 |
Tài liệu chỉ dẫn lắp đặt: - 05 bộ tài liệu có nội dung đầy đủ, chi tiết |
05 bộ |
Đạt |
05 bộ |
Đạt |
05 bộ |
Đạt |
|
Kết luận |
|
Đạt |
|
Đạt |
|
Đạt |
Tổng hợp kết quả đánh giá chung về mặt kỹ thuật
Bảng 3
|
Nội dung đánh giá |
Kết quả đánh giá chung |
||
Nhà thầu A |
Nhà thầu B |
Nhà thầu C |
||
1 |
Thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn chế tạo |
Đạt |
Không đạt |
Đạt |
2 |
Khả năng lắp đặt và năng lực chuyên gia do nhà thầu đề xuất |
Đạt |
Đạt |
Đạt |
|
Kết luận |
Đạt |
Không đạt |
Đạt |
Căn cứ kết quả bảng 3 nói trên: Nhà thầu B được đánh giá là không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật nên không được xem xét tiếp; 2 nhà thầu còn lại được đánh giá là đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật nên được tiếp tục xem xét ở bước đánh giá về tài chính và thương mại để xác định nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất. Việc đánh giá về mặt tài chính, thương mại được thực hiện theo khoản 2 Mục II Chương II Phần thứ tư của Thông tư số 04.
Mẫu 1 - Phụ lục II
PHIẾU ĐĂNG KÝ THÔNG BÁO KẾ HOẠCH ĐẤU THẦU
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
A. Thông tin chung:
1. Tên cơ quan/đơn vị đăng ký thông báo:...............................................
- Địachỉ:....................................................................................................
- Điện thoại/Fax/E-mail:...........................................................................
2. Tên dự án (ghi theo quyết định đầu tư/giấy phép đầu tư):....................
Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu (ghi rõ số và ngày quyết định, tên và chức danh của người có thẩm quyền phê duyệt):..............................................
B. Nội dung của kế hoạch đấu thầu:
Số gói thầu |
Tên gói thầu |
Giá gói thầu |
Nguồn tài chính |
Hình thức lựa chọn nhà thầu |
Phương thức đấu thầu |
Thời gian tổ chức đấu thầu |
Loại hợp đồng |
Thời gian thực hiện hợp đồng |
1 |
|
|
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
4 |
|
|
|
|
|
|
|
|
5 |
|
|
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng giá các gói thầu |
...., ngày.... tháng.... năm....
Đại diện hợp pháp của cơ quan/đơn vị đăng ký
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu)
Mẫu 2 - Phụ lục II
PHIẾU ĐĂNG KÝ THÔNG BÁO MỜI SƠ TUYỂN
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
A. Thông tin chung:
1. Tên cơ quan/đơn vị (Chủ dự án/Bên mời thầu/Ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ đăng ký thông báo mời sơ tuyển):..............................................................
- Địa chỉ:............................................................................................................
- Điện thoại/Fax/E-mail:....................................................................................
2. Tên dự án (ghi theo quyết định đầu tư/giấy phép đầu tư):.............................
3. Loại dự án (điền dấu X vào ô phù hợp):
- Dự án quan trọng quốc gia:
- Dự án thuộc nhóm A: - Dự án thuộc nhóm B:
- Dự án liên doanh: - Dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh:
4. Tên chủ dự án:.........................................................................................
5. Tên gói thầu đăng ký thông báo mời sơ tuyển (ghi theo tên gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt):.................................................................................
6. Giá gói thầu (ghi theo giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt):.....
B. Nội dung thông báo mời sơ tuyển (nội dung sẽ đăng tải):
Nội dung chi tiết của thông báo mời sơ tuyển theo Mẫu I Phụ lục III Thông tư 04.
......, ngày.... tháng...... năm....
Đại
diện hợp pháp của cơ quan/đơn vị đăng ký
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu)
Mẫu 3 - Phụ lục II
PHIẾU ĐĂNG KÝ THÔNG BÁO MỜI THẦU
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
A. Thông tin chung:
1. Tên cơ quan/đơn vị (Chủ dự án/Bên mời thầu/Ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ đăng ký thông báo mời thầu):............................................................
- Địa chỉ:...................................................................................................
- Điện thoại/Fax/E-mail:...........................................................................
2. Tên dự án (ghi theo quyết định đầu tư/giấy phép đầu tư):....................
Loại dự án (điền dấu X vào ô phù hợp):
- Dự án quan trọng quốc gia:
- Dự án thuộc nhóm A: - Dự án thuộc nhóm B:
- Dự án liên doanh: - Dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh:
4. Tên chủ dự án:..................................................................................
Tên gói thầu đăng ký thông báo mời thầu (ghi theo tên gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt):....................................................................................
Giá gói thầu (ghi theo giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt):........
. Nội dung thông báo mời thầu (nội dung sẽ đăng tải):
Nội dung chi tiết của thông báo mời thầu theo các mẫu nêu tại các Phụ lục I, II và III của Thông tư số 04.
......, ngày.... tháng...... năm....
Đại
diện hợp pháp của cơ quan/đơn vị đăng ký
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu)
Mẫu 4 - Phụ lục II
PHIẾU ĐĂNG KÝ THÔNG BÁO DANH SÁCH NHÀ THẦU
(trúng sơ tuyển/tham gia đấu thầu hạn chế/tham gia đấu thầu tư vấn)
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
A. Thông tin chung:
1. Tên cơ quan/đơn vị đăng ký thông báo:................................................
- Địa chỉ:...................................................................................................
- Điện thoại/Fax/E-mail:...........................................................................
2. Tên dự án (ghi theo quyết định đầu tư/giấy phép đầu tư):....................
Tên gói thầu (ghi theo tên gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt):......
Quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu trúng sơ tuyển/tham gia đấu thầu hạn chế/tham gia đấu thầu tư vấn (ghi rõ số văn bản, ngày và người phê duyệt):............
B. Danh sách nhà thầu (trúng sơ tuyển/tham gia đấu thầu hạn chế/tham gia đấu thầu tư vấn):
STT |
Tên nhà thầu (*)
|
Quốc tịch (*) |
Mã
số trong Hệ thống Dữ liệu thông tin |
1 |
|
|
|
2 |
|
|
|
3 |
|
|
|
4 |
|
|
|
5 |
|
|
|
6 |
|
|
|
... |
|
|
|
(*) Trường hợp là liên danh phải ghi rõ tên/quốc tịch/mã số đối với đơn vị đứng đầu liên danh và tất cả các thành viên thuộc liên danh.
......, ngày.... tháng...... năm....
Đại
diện hợp pháp của cơ quan/đơn vị đăng ký
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu)
Mẫu 5 - Phụ lục II
PHIẾU ĐĂNG KÝ THÔNG BÁO KẾT QUẢ LỰA CHỌN NHÀ THẦU
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
A. Thông tin chung:
1. Tên cơ quan/đơn vị đăng ký thông báo:...............................................
- Địa chỉ:...................................................................................................
- Điện thoại/Fax/E-mail:...........................................................................
2. Tên dự án (ghi theo quyết định đầu tư/giấy phép đầu tư):....................
B. Nội dung chính về kết quả lựa chọn nhà thầu:
STT |
Tên
gói thầu |
Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu (1) |
Giá
gói thầu |
Giá trúng thầu (2) |
Nhà
thầu trúng thầu |
Quyết định phê duyệt (4) |
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
4 |
|
|
|
|
|
|
5 |
|
|
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
|
|
......, ngày.... tháng...... năm....
Đại diện hợp pháp của cơ quan/đơn vị đăng ký
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu)
Ghi chú:
(1) Ghi theo kế hoạch đấu thầu được duyệt.
(2) Cần nêu rõ nội dung chi tiết như đồng tiền, thuế, dự phòng, trượt giá (nếu có).
(3) Cần nêu rõ mã số của từng nhà thầu trong Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu. Trường hợp là liên danh, cần nêu rõ đơn vị đứng đầu và các thành viên.
(4) Cần ghi rõ số văn bản, ngày và chức danh của người có thẩm quyền phê duyệt.
Mẫu 6 - Phụ lục II
PHIẾU THÔNG TIN VỀ VI PHẠM QUY CHẾ ĐẤU THẦU
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
A. Thông tin chung:
1. Tên cơ quan/đơn vị cung cấp thông tin:...................................................
- Địa chỉ:......................................................................................................
- Điện thoại/Fax/E-mail:..............................................................................
2. Tên dự án (ghi theo quyết định đầu tư/giấy phép đầu tư):
3. Tên gói thầu:............................................................................................
B. Thông tin về vi phạm Quy chế Đấu thầu:
1. Tên, địa chỉ, mã số trong Hệ thống dữ liệu thông tin về nhà thầu (nếu có) của cá nhân/nhà thầu/tổ chức vi phạm:........................................................................
2. Quyết định xử lý vi phạm (ghi rõ số và ngày quyết định, tên và chức danh của người có thẩm quyền phê duyệt):..........................................................................
3. Nội dung chủ yếu của Quyết định xử lý vi phạm:....................................
......, ngày.... tháng...... năm....
Đại
diện hợp pháp của cơ quan/đơn vị đăng ký
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu)
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.