BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 623/SĐH |
Hà Nội, ngày 22 tháng 1 năm 2002 |
Tiếp tục triển khai thực hiện đề án "Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước" (theo Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 19-4-2000 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tuyển sinh đào tạo sau đại học năm 2002 như sau:
1- Số lượng tuyển sinh sau đại học năm 2002:
Năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tuyển chọn 300 người gửi đi đào tạo tiến sĩ, 150 người gửi đi đào tạo thạc sĩ và 90 người gửi đi thực tập sinh khoa học ở nước ngoài.
2- Đối tượng tuyển sinh sau đại học:
Các giảng viên, cán bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý khoa học - kỹ thuật, đang công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các trung tâm công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước.
Đối với những người đang làm nghiên cứu sinh trong nước và thuộc đối tượng nêu trên, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn nêu trong thông báo, được cơ sở đào tạo và người hướng dẫn đồng ý, có thể dự tuyển đi thực tập. Học viên cao học và nghiên cứu sinh trong nước không thuộc diện dự tuyển đi học thạc sĩ và tiến sĩ theo đề án này.
3- Các ngành đào tạo sau đại học:
Nhà nước gửi cán bộ đi đào tạo sau đại học ở những nhóm ngành sau đây:
- Nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ.
- Nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn.
- Nhóm ngành khoa học tự nhiên.
- Nhóm ngành nông, lâm, thuỷ sản.
- Nhóm ngành kinh tế - quản lý.
- Nhóm ngành y - dược.
- Nhóm ngành nghệ thuật.
(Danh mục ngành đào tạo cụ thể xem phụ lục kèm theo).
4- Điều kiện và tiêu chuẩn của người xin dự tuyển:
Người dự tuyển đi học sau đại học ở nước ngoài phải thoả mãn các điều kiện và tiêu chuẩn sau:
4.1- Điều kiện chung: Có phẩm chất đạo đức tốt; trình độ chuyên môn giỏi; đủ sức khoẻ để học tập; cam kết sau khi kết thúc quá trình đào tạo ở nước ngoài trở về phục vụ tại cơ sở đã cử đi học hoặc làm việc theo yêu cầu của Nhà nước. Cam kết phải được bảo lãnh của cơ quan cử đi đào tạo.
4.2- Điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể đối với các trình độ đào tạo:
4.2.1- Đào tạo tiến sĩ:
- Tuyển những người đang làm việc trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tạm tuyển tại các cơ quan hay doanh nghiệp Nhà nước nêu ở mục 2.
- Có ít nhất 24 tháng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành đăng ký dự thi sau khi tốt nghiệp đại học tính đến ngày nộp hồ sơ dự thi (không kể thời gian đi học dài hạn từ một năm trở lên).
- Có ít nhất một bài báo đăng trên Tạp chí khoa học, hoặc báo cáo tại một hội nghị khoa học được đăng trong kỷ yếu hội nghị; hoặc tham gia đề tài nghiên cứu cấp cơ sở trở lên mà đề tài đó đã được nghiệm thu.
- Tuổi dưới 40 (sinh năm 1963 trở lại đây).
- Đã có bằng thạc sĩ đúng với chuyên ngành đăng ký đào tạo tiến sĩ.
- Có ngoại ngữ để sử dụng trong học tập tại nước đăng ký đến học ít nhất đạt trình độ B.
- Có đề cương nghiên cứu chi tiết.
- Được cơ quan đồng ý và có công văn cử đi dự thi.
4.2.2- Đào tạo thạc sĩ:
- Tuyển những người đang làm việc trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn tạm tuyển tại các cơ quan hay doanh nghiệp Nhà nước nêu ở mục 2.
- Có ít nhất 12 tháng kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên ngành đăng ký dự thi sau khi tốt nghiệp đại học tính đến ngày nộp hồ sơ dự thi (không kể thời gian đi học dài hạn từ một năm trở lên).
- Tuổi dưới 35 (sinh năm 1968 trở lại đây).
- Có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp với ngành đăng ký đào tạo thạc sĩ.
- Có ngoại ngữ để sử dụng trong học tập tại nước đăng ký đến học ít nhất đạt trình độ B.
- Được cơ quan đồng ý và có công văn cử đi dự thi.
4.2.3- Thực tập sinh khoa học (TTS):
- Tuyển cán bộ đang làm việc trong biên chế ở các cơ quan hay doanh nghiệp Nhà nước nêu ở mục 2.
- Tuổi dưới 50 (sinh năm 1953 trở lại đây).
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
- Thông thạo ngoại ngữ sẽ sử dụng trong thực tập tại nước đăng ký đến học.
- Có đề cương thực tập chi tiết.
- Được cơ quan và cơ sở đào tạo sau đại học (nếu đang là nghiên cứu sinh trong nước) đồng ý và có công văn cử đi dự tuyển.
5.1- Người dự tuyển đào tạo tiến sĩ: thi môn chuyên ngành và bảo vệ đề cương nghiên cứu.
5.2- Người dự tuyển đào tạo thạc sĩ thi hai môn:
- Môn cơ bản của ngành.
- Môn cơ sở của chuyên ngành.
Đối với ngành y, nghệ thuật thi thêm môn chuyên ngành theo yêu cầu của Hội đồng thi (Danh mục môn thi cơ bản, cơ sở, chuyên ngành xem phụ lục kèm theo).
5.3- Thực tập sinh khoa học: bảo vệ đề cương thực tập.
5.4- Người dự tuyển thi các môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành và bảo vệ đề cương tại trường đại học được uỷ nhiệm. Những thí sinh đạt yêu cầu tuyển chọn (nêu tại mục 6.2 dưới đây) sẽ dự kiểm tra ngoại ngữ để phân loại trình độ.
Người dự tuyển đăng ký đi Pháp sẽ do Đại sứ quán Pháp tổ chức kiểm tra và dạy thêm tiếng Pháp. Người dự tuyển đăng ký đi Ôxtrâylia và New Zealand sẽ do VAT Project kiểm tra IELTS và dạy thêm tiếng Anh. Những người còn lại do Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và dạy thêm ngoại ngữ: người đăng ký đi học tại các nước sử dụng tiếng Anh sẽ dự kiểm tra TOEFL; đăng ký đi các nước và khu vực sử dụng tiếng Nga, Pháp, Đức, Trung sẽ dự kiểm tra ngoại ngữ tương ứng trình độ C.
5.5- Những người có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL quốc tế hoặc nội bộ (do Viện giáo dục quốc tế Hoa Kỳ tổ chức) đạt 450 điểm trở lên, IELTS 4.5 trở lên có thể không phải dự kiểm tra tiếng Anh nhưng vẫn được xếp lớp để học thêm.
Những người đạt điểm ngoại ngữ quá thấp (dưới 450 điểm TOEFL, dưới 30/100 điểm các ngoại ngữ trình độ C) sẽ phải tự học thêm ngoại ngữ.
5.6- Những trường hợp sau đây đã đủ điều kiện ngoại ngữ, được miễn kiểm tra ngoại ngữ và được gửi đi học ngay:
- Có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài mà nay đăng ký trở lại nước đó học tập; hoặc ngôn ngữ đã sử dụng trong học tập ở nước ngoài để đạt văn bằng đó phù hợp với ngôn ngữ sẽ sử dụng trong học tập ở nước đăng ký đi học lần này.
- Thí sinh đăng ký đi các nước sử dụng tiếng Anh trong học tập nhưng đã có chứng chỉ TOEFL 550 điểm học IELTS 6.0 trở lên; đi các nước sử dụng tiếng Pháp trong học tập đã có chứng chỉ DELF. Các chứng chỉ còn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày dự thi lấy chứng chỉ đến ngày dự thi tuyển đi học.
5.7- Chứng chỉ TOEFL thí sinh đạt được trong kỳ kiểm tra này chỉ có giá trị nội bộ. Khi đăng ký xin học ở các trường nước ngoài, nếu các trường đại học nước ngoài yêu cầu TOEFL hoặc IELTS quốc tế thì thí sinh phải tự thi lấy chứng chỉ hợp lệ theo yêu cầu của trường bạn.
6- Nguyên tắc đăng ký dự tuyển và tuyển chọn:
Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ nhiệm cho 16 trường đại học tổ chức việc thi tuyển sinh sau đại học ngoài nước cùng với kỳ thi tuyển sinh sau đại học trong nước của các trường này. Chỉ tiêu tuyển chọn đạo tạo ngoài nước sẽ được phân bổ cho từng trường. Danh sách các trường đại học được uỷ nhiệm, các ngành, chuyên ngành có thể đăng ký dự thi và chỉ tiêu tuyển chọn tại mỗi trường xem phụ lục kèm theo.
6.1- Nguyên tắc đăng ký dự tuyển:
- Những người thuộc đối tượng tuyển chọn nêu trong mục 2, thoả mãn các điều kiện và tiêu chuẩn tuyển chọn nêu trong mục 4 của thông báo này đều được đăng ký dự tuyển và nộp hồ sơ cho một trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi tuyển có chuyên ngành tuyển chọn phù hợp và thuận lợi tối ưu về mặt địa lý; không hạn chế số lượng đăng ký.
- Người dự tuyển có thể đăng ký dự tuyển cả ngoài nước (nếu đủ điều kiện) và trong nước với một trường đại học được uỷ nhiệm. Hồ sơ dự tuyển ngoài nước theo mục 7 thông báo này. Hồ sơ dự tuyển trong nước theo thông báo của trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi.
- Người dự tuyển được đăng ký một nguyện vọng về nước muốn đến học hoặc thực tập. Trước khi đăng ký, người dự tuyển cần tìm hiểu về ngành nghề đào tạo của các nước, yêu cầu và khả năng tiếp nhận của bạn... và lựa chọn nước phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình. Việc đăng ký xin học ở các trường nước ngoài chủ yếu do người dự tuyển tự liên hệ.
6.2- Nguyên tắc tuyển chọn: để được tuyển chọn, người dự tuyển phải đạt các điều kiện sau:
- Các môn thi cơ bản, cơ sở, chuyên ngành, bảo vệ đề cương (tiến sĩ hoặc thực tập sinh) đạt điểm 5 trở lên mỗi môn (theo thang điểm 10).
- Trường hợp số người đạt điều kiện nêu trên nhiều hơn số chỉ tiêu đã phân cho từng ngành hoặc chuyên ngành của mỗi trường được uỷ nhiệm thì lấy từ người có tổng số điểm các môn thi từ cao trở xuống cho đến đủ chỉ tiêu quy định.
- Sau khi có kết quả thi tuyển, các trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi tuyển báo cáo kết quả thi và xét tuyển đi học nước ngoài cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh sách những người trúng tuyển. Kết quả trúng tuyển có giá trị trong vòng 2 năm kể từ ngày ký quyết định đến ngày nhập học theo giấy tiếp nhận của trường bạn.
6.3- Đối với những người chỉ đăng ký dự thi tuyển sau đại học ngoài nước hoặc những người đăng ký dự thi tuyển cả sau đại học ngoài nước và trong nước tại các trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi tuyển được phép đăng ký dự thi tiếp vào một cơ sở đào tạo sau đại học khác trong nước có chuyên ngành phù hợp.
7- Hồ sơ dự tuyển: Hồ sơ dự tuyển đào tạo sau đại học ngoài nước gồm:
1- Phiếu đăng ký dự thi (mẫu kèm theo) có xác nhận của cơ quan chủ quản.
2- 02 ảnh 4x6.
3- Bản sao hợp lệ giấy khai sinh.
4- Bản sao chụp bằng đại học, bằng thạc sĩ, kèm bảng điểm (có công chứng)
5- Công văn cử đi dự thi của cơ quan chủ quản.
6- Bản cam kết (mẫu kèm theo).
7- Đối với người dự thi đào tạo tiến sĩ: Bản kê khai các công trình khoa học đã công bố cùng bản sao các công trình đó (nếu là bài báo hoặc báo cáo khoa học: toàn văn bài báo, trang bìa, trang mục lục của số Tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị đăng bài; nếu là đề tài: bản đăng ký đề tài, báo cáo nghiệm thu, biên bản nghiệm thu).
8- Bản sao tất cả các hợp đồng lao động đã có, các quyết định tuyển dụng biên chế để chứng minh thời gian công tác chuyên môn.
9- Nếu là nghiên cứu sinh trong nước đăng ký dự tuyển đi thực tập: công văn đề nghị của cơ sở đào tạo và văn bản đồng ý của người hướng dẫn.
10- Bản sao chứng chỉ ngoại ngữ IELTS, TOEFL, DELF nếu có.
11- Để cương nghiên cứu hoặc đề cương thực tập.
Mọi giấy tờ, bản sao văn bằng, chứng chỉ (sao chụp nguyên gốc, không dịch), trình bày trên giấy khổ A4, theo chiều dọc trang giấy. Các giấy tờ đựng trong một túi hồ sơ kích thước 25cm x 34 cm, ngoài túi ghi danh mục các loại giấy tờ có trong túi. Những hồ sơ không đủ các giấy tờ nêu trên là hồ sơ không hợp lệ. Những người man khai hồ sơ dự thi sẽ bị xử lý theo pháp luật.
8- Lệ phí thi và thời gian thi:
Lệ phí đăng ký thi và lệ phí thi do các trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi xác định trên nguyên tắc lấy thu bù chi. Hồ sơ dự tuyển sau đại học nộp cùng lệ phí đăng ký dự thi (nộp theo cơ quan hoặc Bộ, ngành chủ quản) về các trường được uỷ nhiệm tổ chức thi tuyển.
Thời hạn nộp hồ sơ: từ 01-4-2002 đến 30-4-2002.
Sau khi xét hồ sơ dự tuyển, các trường đại học sẽ gửi giấy báo cho thí sinh về thời gian và địa điểm thi cụ thể. Đề cương ôn tập các môn thi tuyển nhận tại các trường đại học được uỷ nhiệm tổ chức thi tuyển sinh có chuyên ngành tương ứng.
Thời gian thi các môn chuyên môn dự kiến vào các ngày 10, 11, 12/5/2002. Thời gian kiểm tra ngoại ngữ dự kiến vào giữa tháng 6/2002.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến gửi lưu học sinh đi đào tạo sau đại học ở các nước: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Canađa, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, áo, Bỉ, Ôxtrâylia, New Zealand, Thuỵ Điển. Thí sinh chỉ đăng ký một trong các nước kể trên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường đại học, các Viện nghiên cứu, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố thông báo công khai cho mọi cán bộ biết, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả cán bộ đáp ứng các điều kiện đề ra được đăng ký dự tuyển. Các trường đại học được uỷ nhiệm thi tuyển sẽ có thông báo chi tiết về việc tổ chức thi.
Trần Văn Nhung (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.