VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 310/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2008 |
Ngày 12 tháng 10 năm 2008, tại tỉnh Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc - Trương Vĩnh Trọng. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ và đại diện của một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và doanh nghiệp.
Hội nghị đã nghe một số báo cáo chuyên đề về phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc và tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng, lợi thế, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp trong thời gian tới của vùng Tây Bắc, nhằm thúc đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp của toàn Vùng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010. Kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kết luận như sau:
Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, nông nghiệp vùng Tây Bắc đã đạt được thành tựu khá toàn diện, tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm đạt trên 5%, cao hơn tốc độ bình quân chung của cả nước (cả nước đạt 3,7%). Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sản xuất đã từng bước chuyển sang hình thức thâm canh, áp dụng khoa học, công nghệ, đưa giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Sản lượng lương thực cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực trên địa bàn, một số địa phương đã có lương thực hàng hóa. Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây công nghiệp (chè, lạc, đỗ tương), cây nguyên liệu cho công nghiệp gỗ, giấy (keo, bạch đàn, tre, nứa), cây ăn quả (nhãn, vải, cam, bưởi, xoài, hồng...). Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là trâu, bò, dê tại một số địa phương đạt kết quả khá, nhiều huyện đạt tốc độ tăng trưởng đàn bò trên 15%/năm. Công tác bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn, độ che phủ rừng đạt 44% (cả nước đạt 38,2%). Nuôi trồng thủy sản được quan tâm phát triển, nhất là các thủy sản có giá trị kinh tế cao như: ba ba, cá hồi, cá tầm.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Vùng. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững. Cơ cấu và cách thức sản xuất chuyển dịch chậm, phổ biến là sản xuất nhỏ, phương thức canh tác nương rẫy còn khá phổ biến. Tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt thấp, tốc độ tăng trưởng chậm (tốc độ tăng trưởng đàn gia súc mới đạt 4,8%, đàn gia cầm 2%/năm). Năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nhiều loại nông sản còn thấp. Công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và dịch vụ nông nghiệp chưa phát triển. Chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên chưa cao, cơ sở chế biến, cơ sở hạ tầng lâm nghiệp còn nhiều yếu kém, rừng một số nơi vẫn còn bị phá để làm nương rẫy làm cho môi trường, sinh thái ngày càng bị ô nhiễm. Chuyển giao khoa học-công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp tuy được cải thiện, nhưng vẫn là vùng kém phát triển và khó khăn nhất trong cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn còn thấp; tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, nhất là ở vùng cao, vùng sâu. Tình trạng di cư tự do còn diễn biến phức tạp.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẦN TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT TRONG THỜI GIAN TỚI:
1. Các địa phương rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu về nông nghiệp do Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra và mới bổ sung trong nửa nhiệm kỳ qua, trên cơ sở xác định các chỉ tiêu, mục tiêu đã hoàn thành và chưa hoàn thành, còn khó khăn đề ra các giải pháp cụ thể, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
2. Sản xuất lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực trên quan điểm sản xuất hàng hóa, quản lý chặt chẽ đất 2 vụ lúa. Đầu tư thủy lợi để chuyển một phần diệnt tích 1 vụ lúa thành 2 vụ lúa ở những nơi có điều kiện. Tăng cường các biện pháp thâm canh và đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đối với vùng sâu, vùng cao xây dựng ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện phát triển thủy lợi nhỏ, chuyển giao giống mới và kỹ thuật canh tác tiên tiến... nhằm khai thác tối đa diện tích đất có khả năng sản xuất lương thực, chấm dứt tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy.
3. Về phát triển chăn nuôi: các địa phương cần tập trung phát triển thế mạnh chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê) theo hướng sản xuất hàng hóa. Quy hoạch xây dựng đồng cỏ, sử dụng các giống cỏ năng suất cao, giàu chất dinh dưỡng, kết hợp với các loại thức ăn gia súc để chế biến thức ăn thô xanh và bảo đảm dự trữ thức ăn trong mùa Đông. Trước mắt, quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả 30 ngàn ha đất cỏ hiện có dùng cho chăn nuôi; chú ý đầu tư cải tạo giống, có biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt quan tâm hướng dẫn đồng bào làm chuồng trại, che chắn phòng chống rét trong mùa Đông cho đàn gia súc; xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Về nuôi trồng thủy sản: cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết, đồng thời xây dựng và đưa vào áp dụng khung chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa. Tăng đầu tư nâng cấp các trung tâm giống thủy sản, bảo đảm năng lực sản xuất và cung cấp giống tốt cho nhu cầu phát triển trên từng địa bàn.
5. Về phát triển lâm nghiệp: tập trung quản lý, bảo vệ tốt trên 5,3 triệu ha rừng hiện có. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch hàng năm về thực hiện dự án trồng mới rừng trên địa bàn. Trên cở sở phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, phát triển bền vừng theo hướng tiến tới chi trả dịch vụ môi trường (Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ) để sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, hình thành các vùng rừng nguyên liệu tập trung, gắn với công nghiệp chế biến. Thực hiện xã hội hóa nghề rừng, bảo đảm cho người làm nghề rừng có thu nhập ổn định và cuộc sống ngày càng được nâng cao.
6. Về phát triển cây Cao su
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định cây Cao su là cây đa mục đích và định hướng phát triển cây Cao su ở các tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu), cần tập trung hoàn thành các công việc sau:
- Phải xác định rõ: trồng cây Cao su là để kinh doanh có hiệu quả, phải nghiên cứu thí điểm để khẳng định rõ khả năng thích ứng về thổ nhưỡng, khí hậu của cây Cao su trước khi phát triển đại trà;
- Các tỉnh Tây Bắc phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẩn trương khảo sát, điều tra bổ sung để hoàn thành xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển Cao su của địa phương, làm căn cứ để Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lập và phê duyệt các dự án đầu tư phát triển Cao su trước vụ trồng mới năm 2009;
- Để bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần chú ý nghiên cứu, lựa chọn giống cây Cao su phù hợp với khí hậu, thổ những của từng tiểu vùng sinh thái cụ thể; đồng thời, xây dựng quy hoạch nhà máy, hệ thống đường giao thông, đường điện... phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm Cao su sau này;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây Cao su áp dụng cho các tỉnh Tây Bắc, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; trước mắt, các địa phương căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương và cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ phát triển cây Cao su;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Bắc xác định giá trị đất để làm căn cứ cho hộ nông dân góp vốn vào doanh nghiệp trồng Cao su, đảm bảo tỷ lệ hợp lý so với mức đầu tư để người dân không bị thiệt thòi và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
7. Tây Bắc là vùng nghèo, khó khăn nhất của cả nước (cả nước có 61 huyện còn trên 50% hộ nghèo, thì vùng Tây Bắc có tới 40% huyện, chiếm trên 66%), để phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh, nhiệm vụ quan trọng nhất của các tỉnh Tây Bắc là đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường công tác quản lý, thực hiện các chương trình, dự án không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.
8. Cần tập trung giải quyết, hỗ trợ kịp thời kinh phí hỗ trợ khắc phục thiên tại (rét đậm, rét hại, lũ...) gây ra cho các hộ gia đình bị thiệt hại, để đồng bào khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất.
9. Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung giúp Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; phát triển và đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm thực hiện tốt các nội dung nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.
10. Các Bộ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các tỉnh vùng Tây Bắc báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công, gửi Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian chậm nhất, trước ngày 31 tháng 12 năm 2008.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, các cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.