BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 300/TB-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2009 |
Thực hiện chỉ thị số 47/2008/CT ngày 13/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2008-2009, trong các ngày 20 và 21/4/2009, tại Lâm Đồng, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đánh giá hiệu quả dạy học môn Giáo dục công dân”
Hội thảo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở GDĐT, lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học, Hiệu trưởng và giáo viên một số trường THCS, THPT của 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ GDĐT, Vụ Giáo dục trung học phối hợp với Dự án phát triển giáo dục THPT và một số cơ quan thuộc Bộ GDĐT chuẩn bị nội dung Hội thảo.
Hội thảo nhằm mục đích:
- Đánh giá sâu môn Giáo dục công dân (GDCD) cấp THCS, THPT về các mặt chương trình, sách, tài liệu, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, công tác quản lý chỉ đạo.
- Xác định trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc dạy và học môn Giáo dục công dân trong thời gian tới cho phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, trường học.
- Định hướng cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, tăng cường hiệu quả dạy học môn GDCD.
- Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về giải pháp thực hiện.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã kết luận như sau:
- Về chương trình: chương trình môn GDCD đảm bảo được sự cân đối, hài hoà giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng và phát triển thái độ tích cực cho học sinh. Những lĩnh vực kiến thức trong chương trình là cần thiết đối với học sinh THCS và THPT. Vị trí, vai trò của môn GDCD được xác định trong chương trình về cơ bản là đúng đắn. Tuy nhiên chương trình cả ở cấp THCS và THPT có một số phần còn khó, chưa cụ thể làm cho sách giáo khoa nhất là ở cấp THPT viết dài và khó.
- Về sách, tài liệu và thiết bị dạy học:
Sách giáo khoa ở cả cấp THCS và THPT có một số bài (thường là thuộc về các chủ đề kiến thức về thế giới quan và phương pháp luận, nhà nước và pháp luật) kiến thức nặng so với trình độ nhận thức của học sinh, một số bài viết dài, một số bài về đạo đức trình bày quá cụ thể về kế hoạch dạy học trên lớp làm cho giáo viên khó thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học.
Sách và tài liệu tham khảo cho giáo viên môn giáo dục công dân còn ít về chủng loại, nghèo về nội dung, chưa đáp ứng được nhu cầu của giáo viên. Danh mục thiết bị dạy học Bộ ban hành là danh mục tối thiểu, nhiều nơi chỉ chủ yếu sử dụng các thiết bị tối thiểu đó, chưa quan tâm đến việc tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học môn GDCD đang được bước đầu thực hiện nhưng còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
- Về đội ngũ giáo viên: môn GDCD hiện nay còn nhiều giáo viên dạy chéo môn. Tuy giáo viên đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học nhưng thực trạng trên đang là khó khăn, cản trở cho việc nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Việc thực hiện công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đối với giáo viên GDCD chưa được quan tâm đúng mức.
- Về phương pháp dạy học: giáo viên GDCD đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên hiện tượng dạy học lệ thuộc vào sách giáo khoa và sách giáo viên còn phổ biến. Việc rèn luyện kỹ năng và giáo dục thái độ và hành vi của học sinh trong dạy học trong môn GDCD thực hiện chưa đạt được yêu cầu đề ra của chương trình.
- Về kiểm tra đánh giá: còn có hiện tượng kiểm tra nặng về yêu cầu tái hiện kiến thức, chưa chú ý đến yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề, tình huống thực tế. Việc kết hợp câu hỏi tự luận và trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá ở nhiều nơi là chưa hợp lý.
- Về quản lý chỉ đạo: nhiều cấp quản lý chưa thực sự quan tâm đến môn GDCD, vẫn còn coi đó là môn phụ nên chưa tạo điều kiện về bố trí giáo viên và các điều kiện cần thiết khác để giáo viên GDCD nâng cao chất lượng dạy học.
2. Định hướng và yêu cầu với môn GDCD
- Về đổi mới phương pháp dạy học: cần chú ý đến việc rèn luyện kỹ năng và giáo dục thái độ, hành vi của học sinh trong dạy học trong môn GDCD. Dạy học GDCD phải gắn với thực tế cuộc sống, hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức đã học để phân tích, giải quyết các tình huống, các vấn đề trong cuộc sống.
- Về đổi mới kiểm tra đánh giá: cần giảm nhẹ yêu cầu kiểm tra tái hiện kiến thức. Tăng cường yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức theo hướng ra đề “mở” để học sinh liên hệ, phân tích, bình luận biểu đạt chính kiến và định hướng hành vi của mình. Cần xác lập được các quan hệ đánh giá: giữa thày với trò, giữa trò với trò, tự đánh giá của bản thân HS. Kết hợp một cách hợp lý câu hỏi tự luận và trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá môn GDCD.
- Về thiết bị, đồ dùng dạy học: trên cơ sở các thiết bị trong danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ ban hành, khuyến khích việc tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học của giáo viên và học sinh, coi đó cũng là một hoạt động hiệu quả để phát huy sự tham gia tích cực của học sinh vào quả trình dạy học môn GDCD.
- Về áp dụng công nghệ thông tin: khuyến khích việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học môn GDCD. Tuy nhiên cần khai thác đúng chức năng của máy tính là công cụ giúp giáo viên đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học.
3. Trách nhiệm chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ mỗi cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan nghiên cứu và nhà trường cần làm tốt các việc sau:
- Nâng cao nhận thức của các cấp quản lý giáo dục về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của môn GDCD, và mối quan hệ chặt chẽ của môn GDCD với các môn học khác trong việc giáo dục đạo đức và nhận thức của học sinh.
- Xây dựng đội ngũ giáo viên môn GDCD:
+ Ưu tiên bố trí giáo viên dạy môn GDCD; tích cực, từng bước khắc phục hiện tượng dạy chéo môn của giáo viên GDCD.
+ Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán môn GDCD.
+ Tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường đối với môn GDCD.
+ Tổ chức bồi dưỡng giáo viên, chú ý đến các vấn đề địa phương, vấn đề thời sự, đường lối, chính sách, pháp luật và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh . Tổ chức các chuyên đề dạy học môn GDCD.
+ Phát huy việc tự học, tự bồi dưỡng và rèn luyện, phấn đấu thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” của giáo viên GDCD.
- Lập dữ liệu nguồn mở các câu hỏi, bài tập để mọi giáo viên đều có thể tham khảo trong việc xây dựng các đề kiểm tra đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá, phù hợp với đặc điểm, điều kiện dạy học, đặc điểm văn hoá - xã hội của địa phương.
- Các cơ quan nghiên cứu, các cấp quản lý chỉ đạo cần tăng cường biên soạn sách, tài liệu tham khảo phục vụ cho việc tự học, tự bồi dưỡng và nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học môn GDCD.
- Cần sớm nghiên cứu để thực hiện việc lồng ghép, tích hợp kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập môn GDCD với các môn học và hoạt động rèn luyện khác của học sinh.
- Thực hiện kế hoạch đánh giá hiệu quả môn GDCD trong năm học 2008-2009 của Bộ, các Sở GDĐT hoàn thành và gửi báo cáo đánh giá (đặc biệt lưu ý góp ý cụ thể về sách giáo khoa và chương trình của từng lớp) về Bộ trước ngày 5/5/2009. Vụ GDTrH hoàn thành báo cáo đánh giá gửi Lãnh đạo Bộ trước ngày 10/5/2009.
Văn phòng Bộ thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại Hội thảo về “Đánh giá hiệu quả dạy học môn Giáo dục công dân”. Yêu cầu các Sở GDĐT phổ biến kết luận trên đến các Phòng GDĐT, các trường THPT và toàn bộ giáo viên môn GDCD. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở GDĐT cần báo cáo với Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục trung học) để có hướng dẫn cụ thể.
Nơi nhận: |
TL.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.