VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 275/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2008 |
Ngày 28 và ngày 29 tháng 7 năm 2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các Thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội và đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của 10 tỉnh, thành phố trọng điểm về HIV/AIDS và ma túy.
Tham dự Hội nghị còn có các giáo sư trong nước và quốc tế, các đại diện Tổ chức quốc tế có nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại Việt Nam.
Sau khi nghe các báo cáo về chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV của Bộ Y tế, báo cáo tổng quan về công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy ở Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bài thuyết trình của các giáo sư trong nước và quốc tế cũng như ý kiến tham luận của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:
I. NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÃ TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN QUA VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA:
1. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 21 - CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06 - CT/TW ngày 30 tháng 11 năm 1996 về "Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy". Điều này thể hiện sự cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống ma túy. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các Bộ, ngành đoàn thể, tổ chức cần quán triệt sâu sắc và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai Chỉ thị có hiệu quả tới tận các cơ sở.
2. Quốc hội Khóa XII, Kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy (trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện Luật Phòng, chống ma túy ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2000 và tổng kết 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội về tổ chức, quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy). Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương soạn thảo và trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật theo đúng thời hạn quy định.
3. Trong 6 tháng đầu năm 2008, theo báo cáo của các cơ quan chức năng số người nghiện ma túy giảm khoảng hơn 9.000 người so với cùng kỳ năm 2007; số người nhiễm HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS cũng có xu hướng giảm. Đó là những chuyển biến tích cực bước đầu song chưa vững chắc; ở nhiều tỉnh, thành phố số lượng người nghiện ma túy và số người bị nhiễm HIV vẫn tiếp tục tăng lên, đòi hỏi sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.
Hiện nay có nhiều mô hình cai nghiện tốt: mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ở Nam Định; mô hình cai nghiện 3 giai đoạn tại tỉnh Tuyên Quang, mô hình thí điểm tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh đã cho kết quả, tỷ lệ tái nghiện thấp; những mô hình này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đánh giá toàn diện, sâu sắc để rút ra những kinh nghiệm cần thiết, phổ biến cho các nơi vận dụng, học tập.
Muốn tổ chức cai nghiện ma túy thành công phải đồng thời tác động đến cả ba yếu tố quan trọng là: điều trị, giáo dục thay đổi hành vi và giảm thiểu các yếu tố tác động lôi cuốn nghiện hút của môi trường xã hội.
Đây là công việc khó khăn, lâu dài và là thách thức lớn đòi hỏi giải quyết phải vừa có cơ sở khoa học, vừa có cơ sở thực tiễn, do đó trong quá trình thực hiện phải vừa làm vừa tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện; Chính phủ đang đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Y tế trong việc chỉ đạo triển khai công tác can thiệp giảm tác hại, trong đó có chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; Bộ Y tế đang cùng một số địa phương thực hiện thí điểm chương trình này.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Để tạo điều kiện cho việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, góp phần phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy có hiệu quả cao hơn cần tập trung thực hiện các công việc sau đây:
1. Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy là công việc lâu dài và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy ngày càng tăng, vì vậy phải tiến hành triển khai rộng khắp các nội dung chuyên môn cụ thể của chương trình can thiệp giảm tác hại; đặc biệt chú trọng giáo dục, tuyên truyền rộng rãi trong thanh, thiếu niên, trong các trường học để ngăn chặn kịp thời nguy cơ tiếp cận và sử dụng ma túy trong lứa tuổi trẻ. Phát hiện sớm các trường hợp nghiện mới để chủ động kết hợp tư vấn với điều trị sẽ mang lại kết quả cao hơn.
2. Tiến hành đồng bộ các giải pháp can thiệp giảm tác hại bao gồm chương trình bơm kim tiêm sạch, chương trình phát bao cao su và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và các thuốc khác, đồng thời phối hợp với các biện pháp xã hội khác.
3. Bộ Y tế chủ động chỉ đạo việc triển khai Đề án thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại thành phố Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội; tiến hành đánh giá kết quả bước đầu triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12 năm 2008.
Cần nghiên cứu, đề xuất ý kiến về việc triển khai điều trị dự phòng lây nhiễm HIV trong các trại giam.
Cần quan tâm đúng mức nghiên cứu việc sử dụng các thuốc sản xuất trong nước đã được công nhận và cấp phép lưu hành để điều trị như thuốc Bông Sen, Cidemex..., Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá và tổng kết việc sử dụng các loại thuốc cai nghiện đã và đang sử dụng tại Việt Nam, kết luận cụ thể về tác dụng, hiệu quả và có hướng dẫn sử dụng rộng rãi; nghiên cứu, đề xuất việc sản xuất thuốc Mathadone trong nước để giảm chi phí và chủ động trong điều trị.
Bộ Y tế chủ trì cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và các địa phương củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện ma túy, chữa trị HIV/AIDS; ban hành cơ chế chỉ đạo, quản lý rõ ràng, có hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2008.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu tổng kết các mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, kết hợp giữa cai nghiện tập trung với cai nghiện tại cộng đồng để nâng cao hiệu quả của công tác cai nghiện. Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể để công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đạt được kết quả tốt hơn.
Chủ động phối hợp với Bộ Y tế trong việc củng cố, hoàn thiện tổ chức cơ chế quản lý hoạt động chuyên môn của các đơn vị y tế trong các trung tâm cơ sở cai nghiện ma túy, chữa trị HIV.
5. Công tác can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV và công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm không thể tách rời mà phải tiến hành song song, đồng bộ, do vậy Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhất là các địa phương phải quan tâm hơn nữa trong việc lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các hoạt động phòng, chống ma túy, mại dâm để hạn chế tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, phát triển kinh tế.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cần tổ chức các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, phòng, chống mại dâm như thế nào đảm bảo sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2008.
7. Các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm đẩy mạnh việc chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma túy, mại dâm trong đó có các hoạt động can thiệp giảm tác hại, chương trình phân phát bơm kim tiêm sạch và bao cao su để khống chế lây nhiễm HIV. Nghiêm khắc phê bình các tỉnh không quan tâm đúng mức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
9. Từ những báo cáo khoa học, những tài liệu, những kinh nghiệm thực tiễn của thế giới và trong nước được nêu tại Hội nghị này, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu, tổ chức phổ biến, vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể để nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, các Thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.