VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 262/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2009 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH TUYÊN QUANG
Ngày 14 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang. Cùng thăm và làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Văn phòng Chính phủ. Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang; tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 và 7 tháng đầu năm 2009; phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến năm 2010 của Tỉnh; ý kiến của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
Năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2007 đạt 12,81%, năm 2008 đạt 13,8%, năm 2009 ước đạt 14,53% (bình quân giai đoạn 2006-2009 đạt 13,23%). GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt 8,7 triệu đồng, năm 2009 ước đạt 9,9 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng (năm 2009 dự kiến công nghiệp, xây dựng chiếm 24%; các ngành dịch vụ chiếm 36,6%; ngành nông lâm nghiệp chiếm 39,4%). 7 tháng đầu năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 54,9% kế hoạch (tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2008). Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đáng kể (bình quân 5%/năm từ 35,64% năm 2006 xuống còn 18,58% năm 2008); cải cách hành chính và công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; bước đầu đã phát huy được những lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là một tỉnh nghèo; quy mô kinh tế nhỏ, thu hút đầu tư còn hạn chế, thu ngân sách trên địa bàn thấpt; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì vậy, Tỉnh cần đánh giá đúng thực trạng tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2009 và cả thời kỳ theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ, từ đó tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp để phấn đấu thực hiện.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch từ nay cho đến năm 2010 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV, trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của mình, nhất là về vị trí địa lý, đất đai, tài nguyên, du lịch... Tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, duy trì tăng trưởng hợp lý.
Làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục phát huy lợi thế nông, lâm, ngư nghiệp, khoáng sản và phát triển kinh tế; tập trung quyết liệt giải ngân các nguồn vốn đầu tư để sớm đưa công trình vào sử dụng, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo chất lượng của công trình; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phúc lợi công cộng... Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, nhất là dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao năng suất lao động; tăng cường công tác quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về ứng trước vốn kế hoạch năm 2010 để đầu tư xây dựng 10 tuyến đường giao thông thuộc trung tâm thị xã Tuyên Quang: đồng ý cho ứng tiếp khi đã sử dụng hết số vốn đã ứng năm 2009 và phải có kế hoạch trả nợ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể.
2. Về ứng trước kế hoạch năm 2010 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm thị trấn huyện lỵ Yên Sơn tại địa điểm mới: Tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn kế hoạch năm 2010.
3. Về đầu tư xây dựng cầu Kim Xuyên qua sông Lô (nối tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Phú Thọ); cầu Bà Đạo (huyện Nà Hang), cầu Xuân Vân (huyện Yên Sơn) qua sông Gâm và cầu Tình Húc (Thị xã Tuyên Quang) qua sông Lô: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tính toán quy mô, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư và nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về bổ sung 09 dự án xây dựng đường giao thông của Tỉnh vào danh mục dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, bố trí ở giai đoạn 2010-2015.
5. Về xây dựng kè sông Gâm đoạn qua thị trấn Nà Hang (huyện Nà Hang), thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa), kè sông Phó Đáy đoạn qua thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương), kè sông Lô đoạn qua thị trấn Tân Yên (huyện Hàm Yên): giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Tỉnh xác định dự án cấp bách đầu tư trước để bố trí vốn kế hoạch năm 2010 thực hiện.
6. Về rút ngắn thời gian hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Tỉnh: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, ứng trước theo tiến độ thực hiện.
7. Về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thái Nguyên-Tuyên Quang-Yên Bái: giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện trong quy hoạch tổng thể.
8. Về nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn từ Đoan Hùng - Tuyên Quang - Hà Giang: giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý.
9. Về lập dự án bổ sung để tiếp tục đầu tư, ổn định đời sống nhân dân vùng tái định cư thủy điện Nà Hang: Tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện giai đoạn trước, đề xuất cơ chế, chính sách để bổ sung. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ liên quan thống nhất, trình Thủ tướng Chính phủ.
10. Về đưa Khu di tích lịch sử Tân Trào vào hệ thống các Khu du lịch Quốc gia để lập dự án đầu tư xây dựng (bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, hệ thống cảnh quan, môi trường...) thành Khu du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái Quốc gia Tân Trào: đồng ý, giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý theo quy định.
11. Về bổ sung vốn năm 2009 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 148/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung định hướng đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng căn cứ cách mạng tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010: đồng ý cho phép kéo dài dự án đến năm 2015.
12. Về điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện; tách phía Bắc huyện Yên Sơn và phía Bắc huyện Sơn Dương để lập một huyện mới; nâng thị trấn Nà Hang trở thành thị xã Nà Hang và tách Khu B, Khu C của huyện Nà Hang thành 2 huyện mới: giao Bộ Nội vụ căn cứ nhu cầu thực tế và quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
13. Đồng ý về nguyên tắc đưa tỉnh Tuyên Quang vào nhóm các tỉnh thuộc Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Tỉnh làm việc với Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc để báo cáo xin chủ trương của Bộ Chính trị.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.