VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 242/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2008 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HẢI DƯƠNG
Ngày 30 tháng 8 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Hải Dương. Cùng thăm và làm việc với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2 năm (2006-2007), 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2008; ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các Bộ, cơ quan dự họp; Thủ tướng đã kết luận như sau:
Hải Dương đã cùng cả nước thực hiện được nửa nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2006-2010. Thời gian qua tuy có nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh đã có nhiều cố gắng, đạt được thành tựu khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội: kinh tế tăng trưởng khá cao trong 2 năm (2006-2007) tăng bình quân là 11,5%, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2008 mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến bất lợi, thiên tai dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, đã gây khó khăn, thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân, nhưng Tỉnh đã quán triệt và triển khai nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững, kinh tế vẫn tăng trưởng cao 12,5%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến rõ rệt; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước tiến bộ; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,4%; cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và thu được kết quả bước đầu; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỉnh đã phát huy được những lợi thế, thế mạnh của mình để phát triển kinh tế - xã hội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương sự cố gắng và những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã đạt được.
Tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn yếu kém: cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ lệ nông - lâm - ngư nghiệp còn cao (25,5%) và chưa đồng đều (trồng trọt, chăn nuôi). Kinh tế nông nghiệp tăng trưởng thấp; công nghiệp địa phương quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, làng nghề phát triển phân tán, ô nhiễm môi trường còn cao; công tác quy hoạch đô thị, dân cư, làng nghề, quản lý làng nghề sau cấp phép còn nhiều bất cập, yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, lao động trong nông nghiệp chất lượng thấp còn chiếm tỷ lệ cao (64%); thu hút vốn đầu tư chưa chọn lọc; xóa đói giảm nghèo chưa bền vững; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế, tỷ lệ tăng dân số còn cao, nhất là sinh con thứ 3; dịch vụ, du lịch chưa phát triển, một số điểm thăm quan di tích lịch sử nổi tiếng chưa phát huy hết hiệu quả.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản đồng ý với nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong báo cáo của Tỉnh. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010, trong thời gian tới Tỉnh cần tiến hành sơ kết nửa nhiệm kỳ, đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được để tiếp tục phát huy; chỉ ra những yếu kém, tồn tại, những chỉ tiêu còn đạt thấp, phân tích nguyên nhân, đề ra biện pháp để thực hiện. Nhiệm vụ đặt ra cho những năm còn lại của nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm và những tháng còn lại của năm 2008 là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của Tỉnh phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để khai thác có hiệu quả các tiềm năng của Tỉnh, nhất là về vị trí địa lý, đất đai, tài nguyên, du lịch. Hải Dương có một số trục đường quốc lộ đi qua, Quốc lộ 5, đường sắt, đường cao tốc; cửa ngõ ra vào của cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân; tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, tâm linh, nghỉ dưỡng; phát triển nông nghiệp sạch; Tỉnh cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Đối với nông nghiệp, phải rà soát quy hoạch theo đúng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; trước hết là phải giữ diện tích đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; gắn sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu tập trung với công nghiệp chế biến; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong Tỉnh mà cần tính toán đáp ứng cho một phần của Thủ đô Hà Nội.
Đối với phát triển công nghiệp, phải lựa chọn các dự án công nghệ nguồn, có suất đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng ít đất, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tỷ lệ xuất khẩu lớn, ít gây ô nhiễm môi trường; làm tốt công tác quy hoạch phát triển các vùng, khu, cụm công nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với các vùng nguyên liệu. Gắn phát triển công nghiệp với nông nghiệp, Tỉnh phải quan tâm phát triển đô thị, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung; tiếp tục thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp hiện có; việc phát triển các khu, cụm công nghiệp mới phải có quy hoạch cụ thể, tăng cường sử dụng đất đồi và đất nông nghiệp hiệu quả thấp; hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa. Quan tâm phát triển các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn, cùng với việc làm tốt công tác khuyến công, tập trung phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành nghề truyền thống, chế biến nông lâm, hải sản.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn, Tỉnh cần tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các điểm du lịch, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhất là các loại hình du lịch có thế mạnh như du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với địa danh nổi tiếng trong và ngoài Tỉnh; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch.
Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Tỉnh cần tập trung làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các vùng miền, khu vực; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Song song với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, cần tiếp tục chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm, tiếp tục thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bảo đảm đủ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; tiếp tục thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, cắt giảm đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ để dồn vốn cho những công trình, dự án cấp bách, sớm phát huy hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi thu hút và giải ngân nhanh vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế; quản lý thật tốt thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, lãi suất tín dụng; chống đầu cơ đẩy giá lên cao gây tâm lý hoang mang cho xã hội; quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội, trước hết là thực hiện tốt những chính sách hiện có, trợ giúp thiết thực cho những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, trong điều kiện giá cả tăng cao; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, lụt bão trong thời gian tới.
Tỉnh cần thực hiện tốt Chỉ thị số 723/CT-TTg , ngày 06 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; trong đó, lưu ý nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, đưa về 1 con số vào năm 2010; duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2008; bảo đảm vững chắc hơn kinh tế vĩ mô; quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp, người làm công ăn lương; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; huy động các nguồn kinh phí để phát triển hạ tầng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; dành nhiều hơn vốn �ầu tư từ ngân sách nhà nước để giải quyết các nhiệm vụ an sinh xã hội, y tế, giáo dục, môi trường; đồng thời, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ các nguồn khác cho phát triển kinh tế; điều hành giá cả theo hướng tiếp cận thị trường.
1. Về bố trí vốn để đầu tư công trình chống sạt lở bờ, ổn định lòng dẫn đoạn sông Thái Bình khu vực thành phố Hải Dương: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.
2. Về cải tạo, nâng cấp hệ thống Bắc Hưng Hải: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn chỉnh Dự án để trình duyệt theo quy định.
3. Về Dự án cầu Hàn và đường 2 đầu cầu, thành phố Hải Dương: tiếp tục thực hiện theo Thông báo số 27/TB-VPCP ngày 11 tháng 02 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ (ngân sách trung ương hỗ trợ 50%, địa phương 50%); giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ có liên quan để triển khai thực hiện.
4. Về đầu tư nâng cấp Quốc lộ 37 (từ ngã ba thị trấn Gia Lộc qua thị trấn Ninh Giang nối với quốc lộ 10): giao Bộ Giao thông vận tải xem xét tìm nguồn vốn triển khai thực hiện.
5. Về đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, đường huyện và đường tỉnh: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.
6. Về quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu di tích văn hóa - lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc, huyện Chí Linh: Tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng hoàn thành quy hoạch, trình duyệt theo quy định.
7. Về hệ thống trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn: giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư để hoàn thành các trạm đang triển khai và đầu tư trực tiếp các trạm bơm còn lại.
8. Về bố trí vốn cho Tỉnh từ năm 2009 theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị: đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể.
9. Về quy hoạch sử dụng đất: đồng ý giữ nguyên diện tích đất trồng lúa và diện tích sản xuất công nghiệp theo Qui hoạch sử dụng đất của Tỉnh đến năm 2010 đã được Chính phủ phê duyệt.
10. Về nâng cấp thị trấn Sao Đỏ lên đô thị loại 4; huyện Chí Linh lên Thị xã; giao Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng phối hợp với Tỉnh và các Bộ có liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về xây dựng Nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW tại xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương: giao Bộ Công Thương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
12. Về cảng nội địa (ICD) Hải Dương: đồng ý về nguyên tắc, xây dựng Cảng thành trung tâm Logistics của khu vực đồng bằng Bắc Bộ; giao Bộ Giao thông vận tải xem xét bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng biển, cảng nội địa Việt Nam và hướng dẫn Tỉnh triển khai các bước tiếp theo, theo quy định hiện hành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.