VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2009 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỚI TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM
Ngày 13 tháng 3 năm 2009 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008, kế hoạch năm 2009 và dự kiến kế hoạch 2010. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu tham dự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
Trong những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát triển thành một tập đoàn kinh tế mạnh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cao su, làm tốt vai trò chủ đạo trong phát triển ngành cao su của cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và bảo đảm an ninh quốc phòng ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2008, mặc dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, giá cao su có nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh (tuy 6 tháng đầu năm giá cao su tăng cao, nhưng những tháng cuối năm giảm mạnh hơn), tác động của thiên tai bão lũ khu vực duyên hải miền Trung, … nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã chủ động đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, nổi bật là năng suất, sản lượng cao su liên tục tăng cao, bảo toàn vốn nhà nước, nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước, thu nhập và đời sống người lao động ngày càng cải thiện; từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành, hỗ trợ, phục vụ ngành sản xuất chính, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến; mở rộng diện tích trồng mới ra các tỉnh vùng Tây Bắc và nước ngoài, tạo hướng phát triển mới cho Tập đoàn.
Tuy đạt được những thành tựu trên đây, nhưng việc triển khai trồng mới cao su còn chậm, nhất là ở địa bàn Tây Nguyên; sản phẩm cao su chủ yếu vẫn ở dạng thô, đơn điệu, chưa tạo được thương hiệu còn phụ thuộc vào một số thị trường; mô hình công ty mẹ công ty con trong Tập đoàn chậm được hình thành.
Cây cao su ở nước ta là một trong những cây công nghiệp dài ngày có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới; đồng thời là cây đa mục đích, nên vừa có giá trị kinh tế vừa có tác dụng bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cải thiện và nâng cao thu nhập đời sống người lao động, xóa đói giảm nghèo. Để phát huy và khai thác hiệu quả lợi thế cây cao su, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh có điều kiện phát triển cây cao su cần rà soát quỹ đất đai, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2010, xây dựng quy hoạch phát triển cây cao su cả nước đến năm 2015 định hướng đến năm 2020. Ưu tiên phát triển diện tích có khả năng trồng cao su ở các vùng có đủ điều kiện và từng bước mở rộng vững chắc hợp tác đầu tư ra nước ngoài.
2. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục phát huy và thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất, chế biến, kinh doanh cao su, phát triển kinh doanh đa ngành để hỗ trợ, phục vụ nhiệm vụ chính là cao su, cụ thể là:
a) Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, tây Thanh Hóa, Nghệ An và duyên hải miền Trung triển khai nhanh vững chắc việc trồng mới cao su ở vùng đất có đủ điều kiện, để đến năm 2010 cả nước đạt mục tiêu 700 ngàn ha theo quy hoạch; đồng thời triển khai chặt chẽ các thủ tục đầu tư, trồng mới của các dự án đầu tư đã được Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia đã chấp thuận. Việc phát triển cao su ở vùng mới phải có dự án đầu tư có hiệu quả, không phát triển theo phong trào.
b) Tập trung phát triển nhanh công nghiệp chế biến theo hướng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm (cao su, sản phẩm chế biến từ mủ cao su, gỗ MDF, …) đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu; có kế hoạch, giải pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm cao su Việt Nam; xâm nhập thị trường cao su thế giới; phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam sớm tổ chức sàn giao dịch cao su.
c) Tiếp tục phát huy và thực hiện tốt vai trò chủ đạo đối với các thành phần kinh tế khác trong trồng, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cao su; trước hết là tạo giống, chuyển giao giống tốt có năng suất cao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tiêu thụ, chế biến sản phẩm.
d) Có kế hoạch giải pháp cụ thể triển khai chủ trương kìm chế lạm phát, suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, trước mắt tập trung rà soát lại các khoản chi phí sản xuất, giảm giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng đề án bảo hiểm sản xuất, xuất khẩu cao su nhằm bảo đảm ngành cao su phát triển ổn định, bền vững.
đ) Tiếp tục hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế, xây dựng đề án tổ chức, cơ chế hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con trong Tập đoàn như đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TẬP ĐOÀN
1. Đồng ý việc chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên đối với các công ty cao su chưa cổ phần hóa được theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Về việc sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ do tập đoàn đang quản lý để đầu tư vào các dự án lớn (sân bay Long Thành, phát triển cao su sang Lào, Campuchia, Tây Bắc và duyên hải miền Trung): đồng ý về nguyên tắc, trên cơ sở nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn vốn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn quyết định, nhưng phải tập trung đầu tư cho các dự án phát triển nhiệm vụ chính của Tập đoàn là cao su.
3. Về việc cấp ngân sách cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để đầu tư các hạng mục như đường, điện, trường học, trạm xá cho phát triển cao su nằm trong vùng dự án ở Tây Bắc, tây Thanh Hóa, Nghệ An: đối với các công trình hạ tầng không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp về nguyên tắc do ngân sách nhà nước đầu tư; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất chủ đầu tư cho phù hợp với quy định về việc cấp ngân sách.
4. Về cấp bảo lãnh Chính phủ cho Tập đoàn và các công ty thành viên đối với khoản vay thương mại của nước ngoài cho các dự án có quy mô lớn như thủy điện, sản xuất xăm lốp ô tô, nhà máy gỗ MDF: Tập đoàn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 272/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp; đối với các dự án điện, Tập đoàn làm việc với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng đưa các dự án này vào quy hoạch phát triển ngành điện và thực hiện theo chủ trương hỗ trợ của Chính phủ; trong đó có việc xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ đối với khoản vay thương mại nước ngoài.
5. Về việc chấp nhận chi phí để sang nhượng quyền sử dụng đất trồng cao su mà Chính phủ Campuchia đã cấp đất cho các chủ đầu tư: Hội đồng quản trị Tập đoàn quyết định theo thẩm quyền và theo quy định trên cơ sở tính toán xây dựng dự án và các chi phí đầu tư, bao gồm cả khoản chi phí này để bảo đảm hiệu quả đầu tư và phù hợp với luật pháp của Campuchia.
6. Về việc vay vốn tín dụng đầu tư nhà nước trồng cao su vùng Tây Bắc, tây Thanh Hóa, Nghệ An, Lào, Campuchia: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 9/9/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư nhà nước.
Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài: thuộc đối tượng vay vốn theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP , yêu cầu tập đoàn làm phương án theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
7. Đối với chương trình phát triển cao su Tây Nguyên: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cao su ở địa bàn theo mục tiêu đề ra.
8. Về việc ưu tiên giao cho Tập đoàn là chủ đầu tư các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cao su sang đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư: đồng ý về nguyên tắc, nhưng phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, đồng thời không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính được giao và Điều lệ của Tập đoàn.
9. Về việc vay khoảng 2.000 tỷ đồng có bù lãi suất để giúp bình ổn giá cao su: đồng ý về nguyên tắc, giao Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
10. Về việc giao Tập đoàn làm đầu mối làm việc với các cơ quan liên quan của nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng Hiệp định với chính phủ Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia về việc phát triển cao su của các doanh nghiệp Việt Nam ở hai nước này, để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và cơ quan có liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.