VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 101/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2007 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Ngày 11 tháng 4 năm 2007, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với tập thể lãnh đạo Bộ và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự buổi làm việc với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Công nghiệp, Nội vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội,Văn phòng Chính phủ, Hội khuyến học Việt Nam và Hội Cựu Giáo chức Việt Nam.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo đánh giá công tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2001-2006, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giai đoạn 2006-2010 và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Những năm qua, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, kinh tế còn kém phát triển, song với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của toàn dân, sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục-đào tạo, sự nghiệp giáo dục nước ta tuy còn nhiều yếu kém, bất cập, nhưng đã có bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hệ thống giáo dục quốc dân đã được xây dựng thống nhất, tương đối hoàn chỉnh, bao gồm các cấp học, bậc học, loại hình nhà trường. Quy mô giáo dục và đào tạo tăng, có sự điều chỉnh về cơ cấu, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu học tập của nhân dân; giáo dục cho đồng bào dân tộc, cho vùng sâu, vùng xa được quan tâm tốt hơn; hoàn thành việc xoá nạn mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, tiến tới phổ cập trung học cơ sở. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ngày càng tăng. Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục; triển khai có kết quả Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập được cải thiện. Ngành giáo dục đã triển khai một số giải pháp từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tuyệt đại đa số đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nêu cao đạo đức người thầy, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục; phong trào xây dựng một xã hội học tập được đẩy mạnh.
Công tác xã hội hoá giáo dục đã thu được nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý giáo dục đã có những bước đổi mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tập trung chỉ đạo triển khai các nghị quyết, quyết định, cơ chế, chính sách lớn Chính phủ đã ban hành để phát triển giáo dục, như: Chiến lược phát triển giáo dục đến 2010; Quyết định về chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị quyết về đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa phổ thông; Đề án về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Nghị quyết về đổi mới giáo dục đại học; các chính sách ưu tiên, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa cho các đối tượng chính sách và người nghèo... Ngành giáo dục cũng đã có nhiều cố gắng đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, cải tiến công tác thi cử, công tác thi đua, đổi mới phương pháp dạy và học. Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục" đã nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội và bước đầu đã thu được một số kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền giáo dục nước ta vẫn còn những mặt bất cập, yếu kém cần khắc phục: cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa đồng bộ, trong giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng chưa được xác định thật rõ, còn mang nặng tính hàn lâm;chất lượng giáo dục chưa cao, nhất là giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, sau đại học. Nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục chậm được đổi mới.Hiệu quả giáo dục còn hạn chế; chưa chú trọng đúng mức gắn đào tạo với việc đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tỷ lệ thu hút học sinh vào học nghề còn thấp, cơ cấu đào tạo mất cân đối. Chưa xây dựng được chiến lược bồi dưỡng và phát triển nhân tài; giáo dục ở các cùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn nhiều bất cập.
Công tác quản lý giáo dục đổi mới chậm, chưa bắt kịp với sự phát triển kinh tế-xã hội, chậm thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; việc phân cấp quản lý giáo dục còn nhiều bất cập; việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành còn chậm và chưa quyết liệt, chưa kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng còn yếu, những tiêu cực trong giáo dục chậm được khắc phục.
3. Những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo:
Trong năm 2007 và giai đoạn đến năm 2010, để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong báo cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:
a) Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế thành công của đất nước ta. Bộ và ngành giáo dục-đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hiệu quả hơn nữa sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn mới.
b) Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định quan trọng về phát triển giáo dục đến năm 2010, định hướng đến 2015, 2020 (như trên đã nêu về phát triển giáo dục mần non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học; về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, quy hoạch mạng lưới...), Bộ và ngành giáo dục-đào tạo cần bám sát nội dung, yêu cầu, tập trung cụ thể hoá, lựa chọn các khâu then chốt, có bước đi thích hợp, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện quyết liệt, chặt chẽ và có hệ thống, định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.
c) Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, thực hiện đồng bộ đổi mới nội dung, chương trình đào tạo với xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đổi mới phương pháp dạy và học.
Tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy: tổ chức rà soát kỹ nội dung chương trình giáo dục, đào tạo đang thực hiện, nhất là các chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới; nghiên cứu, tiếp thu các chương trình giảng dạy tiên tiến của các nước, đặc biệt là các chương trình đào tạo về khoa học công nghệ thích hợp trong từng lĩnh vực.
Đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học, trong đó tập trung đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo của hai Đại học quốc gia, của một số trường, khoa, ngành trọng điểm sớm tiếp cận trình độ quốc tế; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học; tăng cường công tác kiểm định, đánh giá khách quan chất lượng giáo dục; khẩn trương rà soát, chấn chỉnh các chương trình, hình thức đào tạo trái quy định, không bảo đảm chất lượng; xử lý nghiêm các vi phạm.
Chăm lo thích đáng đến phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chỉ đạo triển khai nghiêm túc, có hiệu quả đề án xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng chuẩn giáo viên và thực hiện chuẩn hoá giáo viên từ bậc mầm non tới đại học, bồi dưỡng năng lực quản lý cho tất cả các Hiệu trưởng các trường trong cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển sau 2010.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm trình đề án nâng lương cho giáo viên, đảm bảo cuộc sống cho các thầy cô giáo và phù hợp với đề án cải cách tiền lương của Chính phủ.
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học một cách khoa học, hệ thống và phù hợp với điều kiện Việt Nam, chú ý sử dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin trong dạy học.Việc đổi mới phương pháp dạy và học cần phải được chú trọng thực hiện ngay từ bậc tiểu học; phải coi trọng phát huy năng lực sáng tạo của người học, đồng thời với việc đề cao tính cộng đồng, tập thể và sự hợp tác trong học tập; thực hiện hiệu quả hơn phương châm "học đi đôi với hành", "học tập kết hợp với lao động sản xuất".
Cần đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội. Ngành giáo dục cần nghiên cứu kỹ nhu cầu nhân lực của đất nước trong quá trình phát triển, với sự phân tầng về trình độ, sự đa dạng về ngành nghề và nội dung giáo dục-đào tạo, để định hướng cơ cấu đào tạo cho các trường, các cơ sở đào tạo và các cơ chế phù hợp để mở rộng quy mô đào tạo theo nhu cầu xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Phấn đấu đến năm 2010 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50%. Đây chính là một yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nâng dần sức cạnh tranh của kinh tế Việt Nam thông qua lợi thế về nhân lực Việt Nam.
Việc xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo cần phải có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các địa phương.
d) Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính và tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục. Nhà nước sẽ tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục-đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống trường lớp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế đầu tư, sử dụng hợp lý để nâng cao hiệu quả; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, miễn, giảm học phí đối với các đối tượng chính sách, dân tộc, học sinh, sinh viên nghèo, các vùng khó khăn, nông thôn... và chính sách khuyến khích đối với các học sinh giỏi.
Nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh chính sách học phí trên cơ sở xác định rõ chi phí đào tạo, quy định rõ cơ chế chia sẻ chi phí giữa nhà nước, nhà trường và người học, gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội, chế độ ưu đãi, khuyến khích học tập, hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn, trình Chính phủ trong thời gian tới.
Đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá trong giáo dục, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phát triển các loại hình cơ sở giáo dục ngoài công lập; xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động các thành phần tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường, lớp học, ký túc xá cho học sinh, sinh viên...
đ) Rà soát, đánh giá việc thực hiện giai đoạn I Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010. Trên cơ sở tổng kết, phân tích đánh giá khách quan, nghiêm túc những việc đã làm được, chưa được, những bài học cần thiết của giai đoạn I để đề xuất bổ sung, điều chỉnh Chiến lược phát triển giáo dục cho giai đoạn II và định hướng đến 2020, bảo đảm gắn kết giữa 3 mục tiêu về dân trí, nhân lực và nhân tài, đặc biệt chú trọng mục tiêu nhân lực và nhân tài.
Tiếp tục xây dựng và triển khai chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục; cần phải xác định rõ mục tiêu, đối tượng, lĩnh vực, hình thức, quy mô, lộ trình hợp tác. Phải chủ động với những kế hoạch và giải pháp triển khai rất cụ thể trong từng giai đoạn để đạt được mục tiêu chất lượng và hiệu quả hợp tác quốc tế. Không để xảy ra tình trạng hợp tác, đầu tư chỉ vì mục đích lợi nhuận, chất lượng lại thấp kém.
e) Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Bộ. Tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển, cơ chế quản lý đối với các lĩnh vực giáo dục. Trong năm 2007 phải hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2005; tập trung xây dựng quy hoạch kế hoạch phát triển giáo dục; quy định rõ về các tiêu chí, tiêu chuẩn mở ngành nghề đào tạo, thành lập trường mới, tuyển sinh, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao. Trên cơ sở đó, hướng dẫn thực hiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nghiên cứu kỹ vấn đề phân cấp quản lý giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở giáo dục-đào tạo, đề xuất phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục-đào tạo; xây dựng đề án và chỉ đạo triển khai chặt chẽ việc thí điểm cổ phần hóa một số trường đại học.
Chỉ đạo đổi mới thi cử, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, thiết thực; đẩy mạnh cuộc vận động đấu tranh khắc phục các tiêu cực trong ngành giáo dục; xử lý nghiêm các vi phạm, lập lại kỷ cương trong giảng dạy và học tập, đề cao đạo đức nghề nghiệp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp cùng các Bộ liên quan xây dựng đề án quản lý học sinh, sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về các đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Về việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sỹ, cải cách chế độ tiền lương đối với nhà giáo, triển khai chương trình đào tạo 20.000 tiến sỹ trong giai đoạn 2007-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các đề án cụ thể, bảo đảm tính khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ;
- Đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương để thực hiện công tác bồi dưỡng hè cho học sinh yếu kém năm học 2006-2007 ở các lớp cuối các cấp học, học sinh không đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông trong kỳ thi tốt nghiệp của năm học này. Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án, trình Thủ tướng Chính phủ;
- Về giải pháp thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học, Bộ cần có đề án cụ thể, phân tích kỹ các mặt liên quan, tham khảo nhiều ý kiến, bảo đảm khoa học, thực tiễn, khả thi, có bước đi thích hợp, được xã hội đồng tình;
- Đồng ý việc tổ chức tổng kết, đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục của các trường chuyên, trường năng khiếu, từ đó đề xuất chương trình bồi dưỡng tài năng trẻ;
- Đồng ý việc xây dựng và triển khai nhanh, có hiệu quả chương trình quốc gia 10 năm nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng tiếng Anh. Qua đó rút kinh nghiệm và mở rộng cho các ngoại ngữ thông dụng khác trong các cơ sở giáo dục;
- Về xây dựng Nghị định mới hướng dẫn về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ; nghị định cần thể hiện rõ chủ trương khuyến khích, ưu đãi, đồng thời quy định rõ các điều kiện, cơ chế quản lý để bảo đảm chất lượng đào tạo;
- Đồng ý việc xây dựng nghị định về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, Bộ cần khẩn trương triển khai xây dựng nghị định trình Chính phủ;
- Chính phủ đã có chủ trương cho vay ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất phát triển giáo dục, Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể;
- Về chính sách xây dựng nhà công vụ và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho giáo viên ở miền núi: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các Bộ liên quan xây dựng phương án cụ thể trình Chính phủ phê duyệt.
Đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là một nhiệm vụ quan trọng và rất bức thiết, phải có quyết tâm cao, chỉ đạo thật quyết liệt, nhưng cần nhận rõ giáo dục là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, mang tính hệ thống, tính xã hội rất cao, liên quan đến toàn xã hội, do đó các giải pháp phải được nghiên cứu thấu đáo cả cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, phù hợp với yêu cầu và điều kiện Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, có bước đi thích hợp, tính tới mọi tác động, hệ quả trước mắt và lâu dài, tránh những giải pháp chưa được nghiên cứu kỹ, có sự thay đổi liên tục.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan biết và thực hiện.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.