VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2008 |
Ngày 07 tháng 01 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về đào tạo theo nhu cầu xã hội và thực hiện cho vay để học đại học, cao đẳng và học nghề. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Dạy nghề và Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội và ý kiến của các Phó Thủ tướng và của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực là một trong những trọng tâm chỉ đạo của Chính phủ. Sau hơn 20 năm đổi mới, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề có những bước phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Vì vậy cần phải đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế quản lý, tăng đầu tư của Nhà nước đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, hướng mạnh đào tạo nghề (cả đại học và cao đẳng) theo nhu cầu của xã hội. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo theo nhu cầu xã hội trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Về đào tạo theo nhu cầu xã hội:
- Năm 2008 phải là năm có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo bước đột phá về việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, tập trung vào 2 yêu cầu chủ yếu: nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh đào tạo nghề, nhằm nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 50% vào năm 2010.
- Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phải thực hiện đồng bộ các giải pháp ở các cấp học, bậc học, các loại hình đào tạo từ giáo dục phổ thông tới dạy nghề, cao đẳng và đại học.
Chất lượng giáo dục phổ thông là nền tảng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học khác, kể cả giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề. Do đó, cùng với việc tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải hợp lý, cơ bản, hệ thống, hiện đại, thiết thực, cần đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học nhằm nâng cao óc sáng tạo, khả năng thực hành, sử dụng ngoại ngữ, tin học cho học sinh, tăng cường giáo dục đạo đức, thể chất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đẩy mạnh đào tạo nghề, tập trung nâng cao chất lượng đi liền với đảm bảo số lượng, phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề phù hợp với cơ cấu vùng, miền. Nâng cao chất lượng đào tạo là một đòi hỏi bức thiết, song là một quá trình, phải triển khai có hệ thống với các bước đi thích hợp. Cùng với việc tập trung xây dựng các trường có chất lượng quốc tế, khu vực, đạt chất lượng cao của quốc gia, cần xây dựng các trường đào tạo chủ yếu đáp ứng nguồn nhân lực cho vùng, miền, địa phương. Mở thêm các trường đại học, cao đẳng để tăng số lượng người học đạt 200 sinh viên trên một vạn dân vào năm 2010. Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới việc học các môn học Mác-Lênin, giáo dục quốc phòng... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, nhằm gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, với sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Đặc biệt chú trọng phát triển dạy nghề, tạo được sự phát triển mạnh trong những năm tới. Thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề ở mọi trình độ, trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phổ biến kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức về đào tạo nghề, học nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa, xác định rõ trách nhiệm của người học, trách nhiệm hỗ trợ trở lại của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục - đào tạo, thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư cho giáo dục - đào tạo tương tự như cho công nghệ cao; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa theo tinh thần kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị sơ kết Nghị quyết 05/CP trong các ngày 17, 18, 19 tháng 12 năm 2007 và tại Hội nghị triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2008 của Chính phủ với lãnh đạo các địa phương trong các ngày 25, 26 tháng 12 năm 2007; khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực với các hình thức khác nhau, khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các Tập đoàn mở các trường đào tạo nguồn nhân lực cho bản thân doanh nghiệp và cho xã hội.
2. Về chương trình cho vay để học đại học, cao đẳng và học nghề:
Chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên học đại học, cao đẳng và học nghề là một chính sách lớn, vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa chính trị xã hội, tạo cơ hội cho các học sinh, sinh viên là con gia đình nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn học đại học, cao đẳng và học nghề; đồng thời tạo Điều kiện để các cơ sở đào tạo đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đây là giải pháp tích cực để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động ở nông thôn, song cần xác định đúng đối tượng vay, quy định rõ trách nhiệm của người học - gia đình, của Nhà nước, của Nhà trường, của người sử dụng lao động để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích và hoàn trả đúng hạn. Khuyến khích việc trả vốn vay sớm; tạo Điều kiện cho các gia đình đông con đi học có thể vay được, trả được.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn vốn cho vay thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của xã hội, trước hết là cho các doanh nghiệp; rà soát lại quy hoạch và công khai quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng làm cơ sở để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài; thành lập Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực ở các địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, sớm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo; xây dựng đề án học phí trình Chính phủ; chỉ đạo xây dựng đề án thành lập bốn trường đại học chất lượng cao. Trước mắt, tập trung xây dựng đề án thành lập trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tại Hà Nội, trường Đại học Việt-Đức tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh đổi mới và tăng cường công tác quản lý, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án đã phê duyệt.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn chỉnh đề án đổi mới và phát triển hệ thống dạy nghề, xây dựng chương trình đào tạo nghề với quy mô lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2008; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia; rà soát các cơ sở dạy nghề trong toàn quốc, đánh giá năng lực đào tạo, xây dựng chuẩn đào tạo nghề; xác định các ngành nghề được ưu tiên đào tạo... trên cơ sở đó xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách cần thiết thúc đẩy mạnh mẽ đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về các cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa chính sách đầu tư, tài chính, tín dụng, thuế, đất đai, cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự, về tài chính, lương...) trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, trình Chính phủ trong quý I năm 2008.
- Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên để học đại học, cao đẳng và học nghề; trong quá trình thực hiện cần kịp thời kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo toàn và phát triển Quỹ cho vay; giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục cho vay, thu hồi vốn, hạn chế tối đa thất thoát; Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Chính sách Xã hội xem xét kỹ chi phí cho hoạt động của Quỹ phù hợp với tính chất không kinh doanh của chương trình cho vay này.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các địa phương biết và thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.