VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 98/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2020 |
Ngày 13 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Ngoại giao. Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, các Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19), lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo:
Dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục bùng phát, lây lan tại nhiều nước trên thế giới. Tổ chức y tế thế giới công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu: Hoa Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Công tác phòng, chống dịch tại nước ta đã bước vào giai đoạn mới. Các cấp, các ngành đều phải ý thực được đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phòng, chống dịch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phải nỗ lực hơn nữa, càng khó khăn càng phải quyết tâm, cố gắng. Trước hết cần rà soát, nâng tầm kịch bản phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, dự liệu các tình huống và tập trung, khẩn trương chuẩn bị tốt nhất lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng, bảo đảm phản ứng nhanh, kịp thời, hành động đúng, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm phương châm sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, quyết tâm kiểm soát, phòng chống dịch, bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của nhân dân, thực hiện thành công "mục tiêu kép" phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
a) Hạn chế người nhập cảnh từ các nước có dịch: hạn chế tối đa các chuyến bay từ các vùng có dịch đến Việt Nam để giảm tối đa nguồn lây nhiễm từ bên ngoài: thực hiện chặt chẽ thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt kiểm tra chi tiết, nghiêm túc tờ khai y tế: nêu khuyến cáo, yêu cầu hành khách khai báo y tế điện tử trước khi đến Việt Nam.
Hạn chế các chuyến bay của Việt Nam, đặc biệt là của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam bay đến các vùng có dịch.
b) Tập trung rà soát, phát hiện nhanh các nguồn lây, nguy cơ lây bệnh, trước hết là đối với các trường hợp nhập cảnh: ứng dụng công nghệ thông tin để truy tìm các trường hợp có nguy cơ lây bệnh trong số người đã nhập cảnh: thực hiện khoanh vùng nhanh, kiên quyết cách ly các địa bàn có dịch.
c) Tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung đối với các trường hợp đến từ, đi qua vùng có dịch nhập cảnh Việt Nam: đồng thời sàng lọc, áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát y tế phù hợp đối với từng loại trường hợp, bảo đảm chặt chẽ. Đối với người nhập cảnh là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, công nhân tay nghề cao... khi nhập cảnh phải qua kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại doanh nghiệp, cơ sở lưu trú theo đúng quy định. Chính quyền và ngành y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp này.
d) Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các thành phố lớn tập trung chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tổ chức diễn tập, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch xảy ra trên diện rộng, bảo đảm 4 tại chỗ: giám sát chặt chẽ việc cách ly tại gia đình, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh: chú trọng vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, tổ dân phố, thôn bản và từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các địa phương thực hiện.
d) Bộ Y tế rà soát, kiểm tra phương án huy động lực lượng y tế, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện cho công tác điều trị, hạn chế tối đa trường hợp tử vong có thể xảy ra.
Giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo việc mua sắm một số trang thiết bị cần thiết phục vụ cho điều trị, phòng, chống dịch: trước mắt đồng ý mua hoặc có đơn vị tài trợ để có ngay 2.000 bộ KIT thử nhanh để cấp cho các cơ quan, địa phương đang có nhu cầu xét nghiệm cao.
e) Từ ngày 16 tháng 3 năm 2020, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng...).
Các Bộ: Công Thương, Y tế chỉ đạo bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không, các hàng hàng không phát miễn phí khẩu trang cho hành khách trong trường hợp hành khách chưa có khẩu trang, kể cả hành khách người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và khi vào nhà ga.
g) Bộ Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch, hướng dẫn đầy đủ về các trường hợp cách ly, giám sát y tế, bảo đảm thực hiện thống nhất tại các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch, bảo đảm đúng mức, kịp thời, minh bạch và khoa học để người dân tin tưởng, không hoang mang; kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường các hình thức thông tin, hướng dẫn phòng chống dịch đến từng cộng đồng dân cư, từng người dân (kể cả phát tờ rơi) để hiểu và thực hiện đúng các giải pháp ứng phó dịch bệnh của từng cá nhân và cộng đồng.
h) Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công, giao dịch điện tử, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phai bảo đảm chất lượng học tập, xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định.
3. Về các kiến nghị của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
a) Đồng ý Bộ Y tế thực hiện việc khai báo y tế tự nguyện, trước hết là tại các vùng có dịch, đặc biệt là tại các đô thị lớn, quản lý thông tin khai báo chặt chẽ, hiệu quả theo quy định.
Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện và nâng cao hiệu quả việc khai báo y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh.
b) Đồng ý kiến nghị của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ngân sách nhà nước chi trả chi phí điều trị đối với người mắc bệnh không tham gia bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với người mắc bệnh tham gia bảo hiểm y tế.
Đồng ý chủ trương thu phí điều trị đối với người nước ngoài như đề xuất của Ban chỉ đạo, giao cơ quan chức năng đề xuất cụ thể theo quy định của pháp luật.
c) Về việc lập Quỹ phòng chống dịch COVID-19:
- Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Chính phủ Hàn Quốc đã ủng hộ 500.000 đô la Mỹ, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam... đã ủng hộ và đề nghị các nước, tổ chức, doanh nghiệp cá nhân tiếp tục đóng góp, hỗ trợ nguồn lực cho phòng, chống dịch.
- Đồng ý giao Bộ Y tế tiếp nhận, trực tiếp quản lý các khoản hỗ trợ của các nước, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân cho phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý, sử dụng các khoản hỗ trợ này đúng mục đích, công khai minh bạch, chặt chẽ, hiệu quả và sớm hoàn thành thủ tục pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ theo đúng quy định của pháp luật.
d) Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát quy định, cân nhắc toàn diện về vấn đề công bố dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Y tế:
- Tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với khách du lịch, thăm thân, du học, việc riêng là người nước ngoài đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam; tạm dừng cấp thị thực tại cửa khẩu. Việc tạm dừng này có hiệu lực 30 ngày kể từ 12 giờ 00 ngày 15 tháng 3 năm 2020 và không áp dụng với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ. Các trường hợp người nước ngoài là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao khi nhập cảnh phải qua kiểm tra y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại doanh nghiệp, cơ sở lưu trú theo đúng quy định.
- Xem xét, quyết định cụ thể việc tạm dừng visa du lịch đối với người nhập cảnh từ từng bang của Hoa Kỳ căn cứ theo diễn biến dịch bệnh ở Hoa Kỳ.
- Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khuyến cáo học sinh, sinh viên, người Việt Nam ở nước ngoài không về Việt Nam trong thời gian có dịch, trường hợp thật sự cần thiết phải nhập cảnh Việt Nam, phải được cách ly theo quy định.
e) Về quản lý biên giới trên bộ:
Các Bộ: Quốc phòng, Công an và các cơ quan liên quan kiểm soát người nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không, trên bộ, hàng hải: lưu ý kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh qua đường mòn, lối mở và các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới trên bộ bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch: thực hiện kiểm dịch, khai báo y tế chặt chẽ, ngăn ngừa hiệu quả việc người từ vùng có dịch quá cảnh Lào. Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam. Chú ý thúc đẩy giao thương hàng hóa với các nước.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.