VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 86/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2013 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 05 NĂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 157/2007/QĐ-TTG VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN
Ngày 21 tháng 02 năm 2013, tại Trụ sở Chính phủ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Hội nghị thực hiện theo hình thức trực tuyến thông qua các điểm cầu truyền hình đặt tại Trụ sở Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội; đại diện các tổ chức: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp; đại diện một số đài, báo lớn, ngân hàng thương mại; lãnh đạo một số trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo một số Ủy ban nhân dân huyện, xã; một số hộ gia đình và học sinh, sinh viên vay vốn.
Sau khi nghe lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội trình bày Báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:
Sau 05 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã trở thành một chương trình có ý nghĩa về kinh tế, chính trị và xã hội sâu sắc, phù hợp với nguyện vọng của nhiều gia đình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp và của cộng đồng xã hội.
Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy: sau 05 năm thực hiện, Chương trình đã có sự tăng trưởng về số đối tượng và nguồn vốn. Tổng nguồn vốn dành cho Chương trình đã đạt trên 36.000 tỷ đồng, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đã có hơn 3 triệu lượt học sinh được vay vốn, với doanh số cho vay đạt trên 43.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, có gần 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn để cho trên 2,3 triệu em đi học, với dư nợ đạt gần 36.000 tỷ đồng. Việc cho vay đã đảm bảo đúng đối tượng. Công tác thu hồi nợ bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Nhiều gia đình hết khó khăn đã tự nguyện hoàn trả vốn vay trước hạn. Doanh số thu nợ trong 05 năm qua đạt 7.776 tỷ đồng. Mức cho vay đã được điều chỉnh tăng nhiều lần để đảm bảo hỗ trợ các em đóng học phí và hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt.
Vốn vay từ Chương trình đã giúp nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm đáng kể gánh nặng tài chính, tạo cơ hội cho con em họ có điều kiện để học tập, có nghề, vươn lên, giúp đỡ gia đình, thành đạt, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Chương trình đã thực hiện được mục tiêu là không để học sinh, sinh viên phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí.
Đạt được kết quả đó là do các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách; quá trình tổ chức thực hiện có sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Phương pháp tổ chức thực hiện của Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị-xã hội, các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ các khó khăn, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, cải tiến quy trình thủ tục cho vay như: xây dựng Trang thông tin (Website) đầy đủ về đối tượng vay, quá trình vay, sử dụng và hoàn trả vốn vay; chuyển từ cho vay trực tiếp đối với học sinh, sinh viên sang cho vay thông qua hộ gia đình; giải ngân qua thẻ ATM, việc cho vay được bình xét công khai thông qua trên 203.000 Tổ Tiết kiệm và vay vốn.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, cảm ơn các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, các tập thể, cá nhân và đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội đã đóng góp công sức tạo nên sự thành công của Chương trình.
1. Bộ Tài chính: Chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan liên quan:
a) Dự báo nhu cầu vốn thực hiện Chương trình đến năm 2017 để xây dựng kế hoạch, cơ cấu về nguồn vốn đảm bảo thực hiện đến năm 2015.
b) Nghiên cứu, đề xuất nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên, đảm bảo đủ để các em trang trải học phí và hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt ở mức hợp lý trên cơ sở lộ trình tăng học phí đã được Chính phủ phê duyệt, có sự khác nhau theo học phí của các chương trình đào tạo.
c) Trên cơ sở cân đối khả năng đáp ứng từ ngân sách, rà soát, nghiên cứu, đề xuất chính sách cụ thể về cho vay đối với hộ gia đình gặp khó khăn do có từ 02 con trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo mà hiện nay chưa thuộc đối tượng được vay vốn.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì và hoàn thiện hơn nữa hoạt động của Website vay vốn đi học và quy trình phối hợp, trao đổi thông tin giữa với các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và nhà trường.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các đài truyền hình, đài tiếng nói địa phương thực hiện chuyên đề giới thiệu về kết quả 05 năm thực hiện Chương trình. Trong tháng 6 năm 2013, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về kết quả thực hiện Chương trình tại địa phương và kế hoạch triển khai thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
5. Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Nghiên cứu, gia hạn nợ thêm đối với các trường hợp học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp nhưng gặp khó khăn về việc làm chưa trả được nợ.
b) Chủ trì phối hợp các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh những tồn tại, sai sót; kịp thời có biện pháp xử lý đối với các trường hợp sai phạm.
c) Rà soát nhu cầu về vốn và chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2013 để công bố trong tháng 4 năm 2013 về các điều chỉnh đối với chính sách dự kiến thực hiện từ năm học 2014.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, tổ chức liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
K3T. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.