VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2021 |
Ngày 18 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi tắt là Hội nghị trực tuyến). Tham dự Hội nghị trực tuyến có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang bộ, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; đại diện Lãnh đạo các ban của Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan.
Sau khi nghe phát biểu của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Video Clip tổng kết Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tham luận của các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, báo cáo tóm tắt kết quả công tác thi đua, công bố các Quyết định khen thưởng và trao Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Đánh giá cao, biểu dương Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo đã chủ động, tích cực làm việc hiệu quả, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính trong thời gian qua. Đồng thời, biểu dương, đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương khác đã có nhiều nỗ lực, thành tích trong cải cách hành chính thời gian qua; ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia đồng hành tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức trong công tác cải cách hành chính, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; Tổ công tác của Thủ tướng đã tăng cường tương tác giữa người điều hành với những đối tượng quản lý để phản ánh thực tiễn, đề nghị phát huy hơn nữa để tiếng nói cải cách từ người dân, từ cơ sở được phản ánh tốt hơn.
Thứ nhất là, công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo sát sao, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, thể chế, pháp luật về mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân. Trong giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều văn bản mang tính nền tảng như Hiến pháp, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật điều ước quốc tế, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp…; Chính phủ, Thủ tướng ban hành khoảng 2.050 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương ban hành gần 9.000 văn bản...
Thứ hai là, cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá, Chính phủ và chính quyền các cấp nâng cao trách nhiệm trước Nhân dân, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục duy trì, phát huy kết quả của Đề án 30 để cơ bản hoàn thành việc thực thi 25 Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, với 4.527/4.723 TTHC, đạt tỷ lệ 95,85%. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) đạt kết quả rất tích cực và việc khai trương, đi vào vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu; tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.
Thứ ba là, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được đẩy mạnh, khắc phục về cơ bản những tồn tại, hạn chế giai đoạn trước phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, giảm đầu mối trung gian...Ở Trung ương, đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục; 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. Ở một số địa phương, tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; đã giảm 5 cơ quan chuyên môn, gần 1.000 tổ chức cấp phòng, gần 130 tổ chức cấp chi cục, gần 1.200 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; cấp huyện giảm gần 300 tổ chức; giảm biên chế gần 9% so với năm 2015.
Thứ tư là, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới, đã từng bước đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Tại Bộ phận Một cửa, Trung tâm phục vụ hành chính công, thái độ của cán bộ, công chức đã cởi mở, niềm nở, trách nhiệm hơn, thực hiện đúng hẹn thời gian trả hồ sơ cho công dân, doanh nghiệp.
Thứ năm là, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, đã từng bước góp phần hoàn thiện chính sách về thuế, thu nhập, tiền lương và chính sách an sinh xã hội. Đã có một số chính sách điều chỉnh tiền lương, lạm phát thấp, bảo đảm đời sống cán bộ, nhân viên đã tốt hơn.
Đặc biệt là, công tác hiện đại hóa nền hành chính đột phá về kết quả xây dựng Chính phủ điện tử đã làm thay đổi lề lối, phương thức làm việc theo hướng hiện đại. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được phát triển để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt khoảng 31%, một số bộ, ngành, địa phương đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4, như Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bến Tre, Tây Ninh. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp trên 2.800 dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, giảm tiếp xúc giữa người giải quyết thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian, chi phí, tham nhũng vặt trong các cơ quan hành chính.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Trên cơ sở chương trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cụ thể hoá, các giải pháp, bố trí nguồn lực để triển khai phù hợp với thực tiễn. Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính.
Giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó đề xuất kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cho phù hợp với tổ chức bộ máy mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi Chính phủ xem xét, ban hành.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về tổ chức hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, theo nguyên tắc luật dễ hiểu, dễ vận dụng, một luật cố gắng nhiều nhất có hai nghị định, một nghị định có không quá một thông tư và ban hành một văn bản thì phải thay thế văn bản cũ; đặc biệt, không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành. Ngoài ra, cần hoàn thiện về thể chế kinh doanh và cạnh tranh tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Hệ thống thể chế phải áp dụng tối đa hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước; thể chế phải bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, tạo thuận lợi cho phát triển, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo của mọi người dân Việt Nam, giải phóng sức sản xuất, giải phóng nguồn lực, là những xu hướng rất quan trọng trong chính sách của nhà nước.
Ba là, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp và nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính giảm tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước để tiếp tục chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu và công khai, minh bạch.
Bốn là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm, bổ sung một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm;kịp thời sơ kết, tổng kết và mở rộng dần những mô hình phù hợp, hiệu quả; Giảm hợp lý đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ; giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian; nghiên cứu, xem xét lại mô hình tổng cục hiện nay. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang các công ty cổ phần.
Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức quản lý nhà nước thông qua khoa học công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử đồng bộ, hiện đại.
Năm là, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Sáu là, tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng. Tăng cường các giải pháp để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng, làm rõ các sản phẩm đặt hàng, chế độ thực hiện, tránh sử dụng nguồn ngân sách nhà nước tràn lan, bao cấp.
Bảy là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý từ thủ công truyền thống chuyển sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, khu vực. Trong đó, thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nền kinh tế số có thể tăng thêm 25% GDP, đây sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
Tám là, cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do vậy trong thời gian tới, cần tiếp tục có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các đoàn thể, người dân, xã hội. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của cải cách hành chính đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ đó, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính đối với các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân để tạo ra sự đồng thuận chung trong toàn xã hội về thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xác định những lợi ích thiết thực, hiệu quả mà công cuộc cải cách hành chính đem lại cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.