BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 583/TB-BYT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2024 |
KẾT LUẬN HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN LIÊN NGÀNH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN TỪ ĐỘNG VẬT SANG NGƯỜI NĂM 2024
Ngày 27/3/2024, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến liên ngành về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 tại trụ sở Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng sự tham dự của Lãnh đạo các Vụ, Cục, Trung tâm thuộc Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và các Vụ, Cục, cơ quan liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện các Bộ, ngành. Về phía địa phương, có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan.
Sau khi nghe đại diện hai Bộ báo cáo về tình hình dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, những khó khăn, thách thức và các hoạt động trọng tâm trong thời gian tới cũng như ý kiến trao đổi, thảo luận của đại biểu dự họp; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã thống nhất với đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số ý kiến kết luận chỉ đạo như sau:
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai quyết liệt hiệu quả các biện pháp để kiểm soát tình hình dịch bệnh truyền lây giữa người và động vật. Về cơ bản tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước, tuy nhiên cả 2 ngành đều nhận định nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới và nhận diện một số khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa người và động vật, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị, địa phương
- Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại.
- Tổ chức, thực hiện đầy đủ và hiệu quả các Chương trình và Đề án phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 theo Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
- Giao Giám đốc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt Nghị quyết bố trí và phân bổ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt ưu tiên cung cấp kinh phí mua vắc xin dại cho các đối tượng ưu tiên theo quy định của Nhà nước.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp nghiêm túc thực hiện công tác quản lý chó, mèo, thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan y tế và thú y thực hiện giám sát bệnh Cúm gia cầm, bệnh Dại và các dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch, kịp thời khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
- Bố trí đủ lực lượng, trang thiết bị, vắc xin sinh phẩm, hóa chất; rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vắc xin Cúm gia cầm, Dại, các bệnh lây truyền giữa người và động vật để phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đàn chó mèo bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi, chó mèo mới phát sinh và chưa được tiêm phòng vắc xin.
- Mở rộng và tăng cường các điểm tiêm phòng dại, đặc biệt tại các địa phương có địa bàn rộng và địa hình khó khăn như vùng sâu, vùng xa; tận dụng mạng lưới y tế cơ sở nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vắc xin của người dân; đảm bảo đầy đủ vắc xin phòng, chống dại, huyết thanh kháng dại;
- Đẩy mạnh truyền thông đến người dân về các biện pháp phòng, chống cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại, bệnh Cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người khác; tăng cường công tác truyền thông về tại trường học cho trẻ em; đa dạng hóa các kênh truyền thông để nhiều người dân có thể tiếp cận.
- Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng đoàn phối hợp với các đơn vị chuyên môn như y tế, thú y đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm, Dại và các bệnh lây truyền từ động vật sang người khác tại các địa phương có nguy cơ cao.
- Tăng cường sự phối hợp giữa ngành y tế, ngành nông nghiệp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt tại các tuyến cơ sở theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tăng cường phối hợp với các ngành liên quan như tài chính, thông tin truyền thông, giáo dục và đào tạo... để kiểm soát triệt để dịch bệnh.
- Kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030 để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.
2. Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc
- Cục Y tế dự phòng tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch, theo dõi các biến chủng của vi rút cúm gia cầm để đánh giá nguy cơ và tham mưu Bộ Y tế, Chính phủ về các biện pháp dự phòng và kiểm soát dịch bệnh kịp thời; rà soát, cập nhật và bổ sung các hướng dẫn giám sát và phòng, chống các chủng vi rút Cúm gia cầm trên người.
- Cục Quản lý Dược rà soát việc cung cấp vắc xin và kháng huyết thanh dại, ưu tiên đẩy nhanh các thủ tục cấp phép cho vắc xin và kháng huyết thanh Dại.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc
Giao Cục Thú y tổ chức giám sát chủ động, gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm quốc tế, tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm dịch tễ, vi rút, nghiên cứu sản xuất vắc xin và kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cung ứng vắc xin để đánh giá hiệu lực các loại vắc xin đã được phép lưu hành tại Việt Nam, các loại vắc xin mới đăng ký kiểm nghiệm, khảo nghiệm, lưu hành theo quy định; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Văn phòng Bộ Y tế trân trọng thông báo để các Đơn vị biết và thực hiện./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.