VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 516/TB-VPCP |
Hà Nội ngày 11 tháng 11 năm 2024 |
KẾTLUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ TẠI CUỘC HỌP VỀ TIẾP THU, GIẢI TRÌNH Ý KIẾN THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH THAY THẾ NGHỊ ĐỊNH SỐ 57/2018/NĐ-CP NGÀY 17 THÁNG 4 NĂM 2018 VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Ngày 06 tháng 11 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (viết tắt là Nghị định). Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công an, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:
1. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng đất nước; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Để thể chế hoá, sớm đưa nội dung Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
2. Hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định). Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương nên việc hoàn thiện Nghị định cần nhiều thời gian hơn kế hoạch đã đề ra. Để đảm bảo nội dung Nghị định chặt chẽ, có tính khả thi cao, bám sát chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và điều kiện thực tiễn của các địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ kết luận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện cho tiếng nói của bà con nông dân trên phạm vi cả nước. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm: (i) Rà soát, hệ thống hóa toàn bộ các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, đánh giá sự phù hợp, các khoảng trống pháp lý và sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ; (ii) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hội nghị lấy ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để xác định rõ phạm vi, đối tượng, nhu cầu hỗ trợ và hình thức hỗ trợ, tiêu chí, điều kiện hỗ trợ, đồng thời rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư về các hình thức hỗ trợ đầu tư, đảm bảo Nghị định được ban hành có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp, góp phần đắc lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn;
- Trên cơ sở kết quả thực hiện mục (i), (ii) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP , trong đó lưu ý nội dung Nghị định phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật liên quan, đúng thẩm quyền của Chính phủ, quy định rõ phạm vi, đối tượng, hình thức hỗ trợ, tiêu chí, điều kiện hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ phải đơn giản hóa đến mức tối đa, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, có công cụ theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, mức hỗ trợ phải đủ sức hấp dẫn, tạo cú hích để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư có hiệu quả vào nông nghiệp, nông thôn. Để đảm bảo tính thống nhất, dễ áp dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tham mưu Chính phủ ban hành một Nghị định về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
3. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét thông qua một số dự án luật, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Luật Ngân sách nhà nước…; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ban hành Nghị định. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sau khi các Luật nêu trên được Quốc hội thông qua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc cử Lãnh đạo Bộ tham dự các cuộc họp do lãnh đạo Chính phủ chủ trì, tuân thủ đúng Quy chế làm việc của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.