BỘ NỘI VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 496/TB-VTLTNN |
Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2013 |
Được sự đồng ý của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lưu trữ và một số văn bản quy phạm pháp luật về văn thư, lưu trữ, đồng thời đánh giá kết quả thưc hiện, những thuận lợi, khó khăn; đề ra phương hướng, biện pháp đẩy mạnh triển khai thi hành Luật lưu trữ và các quy định của Nhà nước về văn thư, lưu trữ đối với các bộ, ngành trung ương. Hội nghị được tổ chức vào ngày 6/6/2013 tại Hội trường Bộ Nội vụ. Tham dự Hội nghị có 190 đại biểu của 81 trong số 88 cơ quan trung ương được triệu tập.
I. THÀNH PHẦN THAM DỰ HỘI NGHỊ
1. Các bộ, ngành trung ương
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lãnh đạo Phòng Văn thư, Lưu trữ và Trung tâm Lưu trữ;
- Cán bộ văn thư, lưu trữ.
2. Khách mời
- Đại diện lãnh đạo: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng; Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Hội Lưu trữ Việt Nam.
3. Bộ Nội vụ
- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu;
- Lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ và đại diện Tạp chí Tổ chức Nhà nước; Trường Đại học Nội vụ; Vụ Tổ chức phi Chính phủ; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ, công chức.
4. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
- Lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước;
- Lãnh đạo và công chức, viên chức chuyên môn các phòng chức năng và các đơn vị sự nghiệp thuộc Cục.
1. Về tình hình triển khai thi hành Luật Lưu trữ
Sau khi nghe Lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trình bày dự thảo Báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật lưu trữ kể từ khi Luật có hiệu lực đến nay, Hội nghị đã nghe 05 tham luận của đại biểu các cơ quan: Vụ Hành chính Văn phòng Chính phủ; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trung tâm Lưu trữ Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và 02 ý kiển phát biểu của các đại biểu đến từ Cục Lưu trữ Văn phòng trung ương Đảng; Văn phòng Bộ Công an.
Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với nhận xét và đánh giá trong dự thảo Báo cáo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước về những kết quả đạt được và hạn chế trong việc triển khai thi hành Luật lưu trữ tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương. Các ý kiến tham luận cũng thể hiện sự nhất trí và quyết tâm của các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức văn thư, lưu trữ trong việc nghiêm chỉnh thực thi Luật lưu trữ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm, trình bày những khó khăn? vướng mắc trong công tác văn thư, lưu trữ tại cơ quan mình và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động lưu trữ trong thời gian tới, tập trung vào những vấn đề sau:
- Đẩy nhanh việc nghiên cứu xây dựng, trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lưu trữ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn thư, lưu trữ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Luật Lưu trữ đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
- Nghiên cứu bổ sung các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ. Tổ chức các đoàn tham quan khảo sát nghiệp vụ ở nước ngoài.
- Tăng cường công tác kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ; duy trì việc kiểm tra chéo và tổng kết công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ.
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trong công tác văn thư, lưu trữ như bố trí đủ kho tàng và mua sắm trang thiết bị bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ; chỉnh lý tài liệu tồn đọng; ứng dụng công nghệ thông tin trong văn thư, lưu trữ...
- Chỉ đạo thực hiện tốt việc lập hồ sơ và hướng dẫn việc lập dự toán cho công tác văn thư, lưu trữ hàng năm.
Tại Hội nghị, được sự ủy quyền của Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã phổ biến Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lưu trữ cho các đại biểu tham dự Hội nghị. Đồng thời, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng đã giải đáp, trao đổi với các đại biểu về một số nội dung của Nghị định số 01/2013/NĐ-CP và các Thông tư: Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan; Thông tư số 08/2012/TT-BNV ngày 26/11/2012 của Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật Lập danh mục tài liệu hạn chế sử dụng của một phông lưu trữ và Phục vụ độc giả tại phòng đọc; Thông tư số 10/2012/TT-BNV ngày 14/12/2012 của Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật xử lý tài liệu hết giá trị và Thông tư số 04/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xây dựng Quy chế công tác văn thư, lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.
3. Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Văn Tất Thu đã biểu dương những thành tích ngành lưu trữ đã đạt được trong thời gian đầu triển khai thi hành Luật lưu trữ, đồng thời chỉ đạo những vấn đề cần tập trung trong thời gian tới như sau:
a) Đối với Bộ Nội vụ và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
- Đẩy mạnh việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lưu trữ như quản lý tài liệu lưu trữ điện tử; chứng chỉ hành nghề lưu trữ.
- Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai thi hành Luật lưu trữ; tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật lưu trữ, đặc biệt là những điểm mới của Luật lưu trữ nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ.
- Duy trì công tác kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ; công tác kiểm tra chéo và tổng kết công tác thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ.
- Ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ quản lý, công chức, viên chức văn thư, lưu trữ. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác văn thư, lưu trữ cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để bảo quản an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ.
- Xây dựng và ban hành chương trình chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức văn thư, lưu trữ. Đồng thời chuẩn hóa chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng về văn thư, lưu trữ.
- Tăng cường công tác sưu tầm, công bố, xuất bản tài liệu về biển, đảo ở các Lưu trữ lịch sử.
b) Đối với các bộ, ngành
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về văn thư, lưu trữ để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của công tác lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ.
- Chủ động rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác văn thư, lưu trữ trong phạm vi quản lý cho phù hợp với Luật Lưu trữ.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức văn thư, lưu trữ; bố trí đủ biên chế, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức văn thư, lưu trữ.
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ văn thư, lưu trữ đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trong công tác văn thư, lưu trữ như bố trí đủ kho tàng và mua sắm trang thiết bị bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ; chỉnh lý tài liệu tồn đọng...
- Chỉ đạo thực hiện tốt việc lập hồ sơ và giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan và Lưu trữ lịch sử; đa dạng hóa các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Hội nghị phổ biến, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 01/2013/NĐ-CP đối với các cơ quan trung ương đã thành công tốt đẹp.
Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước xin thông báo kết quả Hội nghị đến các Bộ, ngành, cơ quan trung ương biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.