VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 490/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI HỘI NGHỊ THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 16 tháng 10 năm 2024, tại Trụ sở Công an thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; đại diện các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu các dự án giao thông trọng điểm phía Nam. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc; vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo đã họp 14 phiên; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 400 văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc triển khai các dự án cao tốc. Riêng đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp 06 lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong vùng; nhiều lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, thăm bà con Nhân dân khu vực các dự án, kiểm tra công tác tái định cư, ổn định đời sống Nhân dân; sau thời gian 3 năm, từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhiều cuộc họp đã được tổ chức, ban hành nhiều văn bản… kết quả bước đầu đến nay cho thấy, chúng ta đã "biến không thành có", "biến khó thành dễ"; từ ý tưởng đến hình thành các dự án cụ thể, nhiều đoạn tuyến, cây cầu đã hoàn thành… các tuyến cao tốc hiện đại đang được định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương và quyết tâm của các địa phương, vùng đồng bằng sông Cửu Long từ nơi được coi là "vùng trũng" cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển biến rất tích cực, toàn vùng có 120 km đường bộ cao tốc đã đưa vào khai thác, có 428 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và phấn đấu để cơ bản hoàn thành năm 2025; ngoài ra có 215 km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư[1], đáp ứng mong mỏi của Nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc sớm hình thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và cả nước; đồng thời mở ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, mang lại lợi ích cho các địa phương.
Quá trình triển khai các dự án trong thời gian qua cho thấy các địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công đã trưởng thành hơn, lớn mạnh hơn, bước đầu làm chủ và triển khai được các dự án quy mô lớn; đã tháo gỡ được khó khăn, giải quyết được vướng mắc, cơ bản bố trí được nguồn vật liệu san lấp cho các dự án khu vực phía Nam với khoảng 65 triệu m3; công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đạt tiến độ với trên 90% mặt bằng được bàn giao, nhiều dự án đã hoàn thành 100%; công tác hỗ trợ tái định cư và chăm lo đời sống Nhân dân được các địa phương chú trọng, thực hiện tốt; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực dự án được bảo đảm.
Có được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của Nhân dân, doanh nghiệp; cùng với đó là việc xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là pháp lý, thủ tục đầu tư, nguồn vốn…; các nhà thầu, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động quyết tâm cao với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "không thua bão gió", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", thi công "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật"; sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng tình của người dân đã nhường đất, nơi sinh sống, sản xuất để phục vụ thi công các dự án.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã làm việc tích cực, quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần làm thay đổi diện mạo hệ thống cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long; biểu dương các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng đã khẩn trương làm việc với các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án để giải quyết thủ tục cấp phép khai thác mỏ, điều phối, cung ứng đủ vật liệu san lấp, đắp nền đường; biểu dương các địa phương có nguồn đá dăm (Kiên Giang, An Giang, và các tỉnh Đông Nam Bộ) đã tích cực triển khai các thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức: (i) Công tác quản lý ở một số địa phương khi lần đầu được giao chủ quản dự án lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, nhất là giải phóng mặt bằng, bảo đảm vật liệu san lấp, đắp nền… vì vậy phải nỗ lực hơn nữa; (ii) Thời gian từ tháng 7 năm 2024 trở về trước, chưa bảo đảm đủ vật liệu san lấp (thiếu trên 27 triệu m3 cát san lấp); hiện nay đã cơ bản bảo đảm nguồn, nhưng có dự án còn chưa bảo đảm tiến độ cung cấp vật liệu; việc thí điểm sử dụng cát biển vẫn còn một số lúng túng; (iii) Công tác giải phóng mặt bằng một vài dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ[2]; tất cả các dự án vẫn còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, mặc dù tỷ lệ không lớn; chưa hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật điện, công trình ngầm (còn 15 vị trí đường điện cao thế chưa di dời); một số dự án khai thác cát lòng sông chưa nhận được đồng thuận cao của người dân.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là do một số địa phương chưa chủ động ở thời gian đầu triển khai, chậm triển khai các thủ tục về cấp phép và giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường; một số cơ quan quản lý ở địa phương chưa nghiên cứu sâu, tham mưu chưa đúng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; một số địa phương chưa chủ động thông tin tuyên truyền đầy đủ, khách quan để người dân đồng tình, ủng hộ…
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trên cả nước (trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu có khoảng 600 km) để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; và quan trọng nhất là góp phần tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, khu dịch vụ mới, giá trị gia tăng mới của đất, tạo công ăn, việc làm, thu nhập và sinh kế tốt hơn cho người dân trên địa bàn nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung.
2. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Với khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án còn rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các dự án; hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc". Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030 có khoảng 1.200 km. Việc triển khai các dự án cần phải tăng tốc, bứt phá hơn, mạnh mẽ hơn, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm khoa học, hiệu quả hơn; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt: (i) Giao thông vận tải phải thông suốt, đi trước mở đường; (ii) "Chỉ bàn làm, không bàn lùi", bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí; (iii) "Bàn để quyết chứ không bàn để đấy", "đã bàn, đã quyết là phải làm", làm phải có sản phẩm, kết quả cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, phát huy, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, không được để thiếu nguyên vật liệu, nếu có vướng mắc phải tháo gỡ ngay, không để lãng phí kéo dài; phát huy tính tự lực tự cường của doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, công việc đề ra (trong đó có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 335/TB-VPCP ngày 19 tháng 7 năm 2024), bảo đảm chất lượng, hiệu quả và thời hạn quy định; trong đó tập trung một số nội dung sau:
a) Về giải phóng mặt bằng
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hệ thống điện cao thế để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho các dự án cao tốc trong tháng 10 năm 2024.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu tập trung giải quyết các dứt điểm khó khăn vướng mắc, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để cơ bản hoàn thành và bàn giao cho Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận trong tháng 10 năm 2024.
- Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nút giao Lộ Tẻ để bàn giao cho Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ trong tháng 10 năm 2024.
- Bộ Giao thông vận tải cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm việc đền bù, hỗ trợ tái định cư đối với khoảng 40 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên địa bàn[3], không để xảy ra khiếu kiện làm mất an ninh trật tự trên địa bàn; thực hiện xong trong tháng 10 năm 2024.
- Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ di dời đường điện cao thế để bàn giao mặt bằng cho các dự án trong tháng 10 năm 2024.
b) Về vật liệu xây dựng
- Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguồn vật liệu đá (An Giang, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…) tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt hỗ trợ, phối hợp với các chủ đầu tư (khi có đề nghị) để ưu tiên cấp đá cho các dự án trọng điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu cát, sỏi, vật liệu thông thường, nguồn cấp phối đá dăm.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang) áp dụng mọi cơ chế, chính sách đặc thù và cơ chế thuận lợi nhất để giải quyết đủ nguồn vật liệu theo chỉ tiêu được giao, cũng như đã cam kết (về trữ lượng, công suất khai thác), bảo đảm hoàn thành các thủ tục cấp phép để thực hiện khai thác toàn bộ các mỏ trong tháng 10 năm 2024[4].
- Các địa phương kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá khi nhu cầu vật liệu san lấp tăng cao.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: (i) Sớm hướng dẫn các địa phương về thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày đối với khai thác cát, sỏi lòng sông[5]; (ii) Chủ động hướng dẫn tỉnh An Giang đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác mỏ đá Antraco, hoàn thành cấp phép trong tháng 12 năm 2024; (iii) Sớm giao khu vực biển cho các nhà thầu dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng); đồng thời tiếp tục cùng với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Ủy ban nhân dân các địa phương và các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp cho một số dự án hạ tầng giao thông theo chủ trương của Đảng, Quốc hội.
- Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát bám sát công việc, chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các địa phương, các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc cung ứng vật liệu san lấp đắp nền đường.
c) Về công tác thi công
- Các cơ quan chủ quản (Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan) quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ, bảo đảm nguồn vật liệu cát, đá, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công; xây dựng phương án tập kết vật liệu đá về công trường gửi các địa phương để chủ động trong việc điều tiết, cung ứng; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu căn cứ kế hoạch hoàn thành dự án, xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ” phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, diễn biến thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công theo kế hoạch, đặc biệt các Dự án có kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2025.
- Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị, bổ sung các mũi thi công, bố trí đủ tài chính, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" để bù lại tiến độ ngay khi được cấp mỏ vật liệu; tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, kỹ - mỹ thuật; đẩy nhanh các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, thất thoát tài sản và tiền vốn của Nhà nước; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ; hoàn thành công tác giải ngân các dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
d) Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang thường xuyên cập nhập tiến độ giải quyết các thủ tục cung ứng vật liệu cho các dự án, triển khai ngay các hoạt động khai thác thực địa đưa về công trường để hỗ trợ gia tải xử lý lún và chủ động nguồn vật liệu cấp phối đá dăm.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sớm giải quyết kiến nghị của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) về bổ sung nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án cầu Rạch Miễu 2; đồng thời rà soát, cân đối bố trí đủ vốn theo tiến độ các dự án.
e) Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thay thế Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ, trình Chính phủ trước ngày 30 tháng 10 năm 2024.
3. Đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương trong Vùng, các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tích cực, chủ động trong triển khai các dự án, huy động cả hệ thống chính trị, các nhà thầu, doanh nghiệp của địa phương vào cuộc cho nhanh và bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, làm việc hết mình, hết sức, tránh đùn đẩy, né tránh, hoàn thành và xử lý dứt điểm các công việc đã bàn, đã thống nhất, tất cả vì sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
4. Đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương trong Vùng thường xuyên thăm hỏi, động viên, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
[1] Dự án Đức Hòa - Mỹ An (74 km), Mỹ An - Cao Lãnh (26 km), Hà Tiên - Rạch Giá (100 km), cầu Cần Thơ 2 (15 km)
[2] Phải hoàn thành trong tháng 9/2024
[3] Ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tại Hội nghị
[4] - UBND tỉnh Tiền Giang, Bến Tre tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm và hoàn thành toàn bộ các thủ tục cấp phép khai thác mỏ để cung ứng vật liệu cho các dự án, bảo đảm đủ khối lượng, công suất đáp ứng tiến độ các dự án theo chỉ tiêu được giao, ưu tiên cho các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
- UBND tỉnh Vĩnh Long khẩn trương rà soát nguồn cung ứng 1,2 triệu m3 còn lại cho Dự án Cần Thơ - Cà Mau.
- UBND tỉnh Đồng Tháp: (i) Rà soát, hoàn thành các thủ tục để tăng trữ lượng khai thác mỏ Thường Thới Tiền (0,35 triệu m3) và bổ sung nguồn 0,12 triệu m3 như đề nghị của Bộ GTVT, bảo đảm cung ứng đủ cho dự án Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ tiêu được TTgCP giao; (ii) Hoàn thiện thủ tục cấp phép để cung ứng 0,53 triệu m3 cho Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ.
- UBND tỉnh An Giang khẩn trương rà soát, hoàn thành thủ tục cho phép tiếp tục triển khai dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao (bỏ quy định công suất khai thác theo năm) để sử dụng khoáng sản thu hồi, cung ứng đủ khối lượng cho dự án Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ tiêu đã được giao (còn thiếu 0,63 triệu m3); sớm đánh giá trữ lượng các mỏ trên địa bàn và triển khai thủ tục để cung ứng đủ 3,4 triệu m3 cho DATP1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đẩy nhanh các thủ tục để sớm đưa vào khai thác mỏ đá Antraco.
- UBND tỉnh Sóc Trăng quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ cát sông bảo đảm công suất để cung ứng đủ khối lượng cho DATP4 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, bảo đảm tiến độ thi công.
[5] Khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện, báo cáo TTgCP dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 23/2020/NĐ-CP để ban hành trước ngày 31/10/2024
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.