VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 487/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2018 |
Ngày 18 tháng 12 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chủ trì cuộc họp bàn về xây dựng Chiến lược 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025. Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về kế hoạch triển khai tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; ý kiến của một số thành viên Tiểu ban, đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
1. Cơ bản nhất trí với dự kiến kế hoạch triển khai tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; lưu ý đến hai mốc thời gian quan trọng: (1) Thời điểm trình Đề cương chi tiết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (tháng 05 năm 2019); (2) Thời điểm trình “Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030” tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (tháng 10 năm 2019).
2. Đề cương chi tiết “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030” phải có cơ cấu hợp lý, thể hiện rõ tinh thần đổi mới và những vấn đề cốt lõi của Chiến lược. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 phải thể hiện được ý chí dân tộc, có quyết tâm cao để làm cơ sở cho các Bộ, ngành và các địa phương chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp với tinh thần vươn lên trong bối cảnh mới và yêu cầu mới.
3. Xác định những vấn đề trọng tâm cần phải tập trung tổ chức nghiên cứu sâu. Làm rõ về bối cảnh, tình hình (các xu hướng lớn trên phạm vi toàn cầu, khu vực...), về tư duy, quan điểm phát triển (làm rõ các mối quan hệ giữa kinh tế - xã hội - môi trường, giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững; giữa phát triển toàn diện với tập trung mũi nhọn; giữa Nhà nước và Thị trường; giữa bảo đảm nền kinh tế tự chủ, tự cường với xu hướng mở cửa nền kinh tế, hội nhập quốc tế...). Xác định rõ các đột phá chiến lược trong giai đoạn tới; mục tiêu chiến lược với các thành tố và định hướng cụ thể về kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường sinh thái, xây dựng nhà nước, quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại và hội nhập quốc tế và các vấn đề cụ thể khác.
4. Về cách làm và tổ chức triển khai:
a) Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung huy động mọi nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để tổ chức, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời huy động các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu làm rõ các vấn đề trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ tới.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tập hợp các tư liệu, dữ liệu liên quan làm cơ sở, căn cứ nghiên cứu xây dựng văn kiện (bao gồm các Nghị quyết của Đại hội lần thứ XI, XII và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị các khóa XI và XII, các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, XIV; các Nghị quyết của Chính phủ, các báo cáo chuyên đề của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016; 2016-2021, các Chỉ thị, Kết luận, bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội, các hội nghị chuyên đề toàn quốc...). Giao Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bộ số liệu chung về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 để bảo đảm độ xác thực, đồng bộ và thống nhất trong việc sử dụng thông tin, số liệu cho việc xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII, trong đó có Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.
c) Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì nghiên cứu tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 trong các lĩnh vực phụ trách của ngành, địa phương mình làm rõ kết quả đạt được, những vấn đề còn hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm; nghiên cứu làm rõ những nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực được phụ trách; xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp đột phá trong thời kỳ chiến lược mới 2021- 2030 với tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo văn bản giao nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ. Kết quả nghiên cứu gửi về Tổ biên tập trước ngày 31 tháng 3 năm 2019.
d) Tổ chức Tổ biên tập theo các nhóm vấn đề chủ yếu theo các Bộ, ngành để đảm bảo phân công rõ, có trách nhiệm đối với những vấn đề của Chiến lược; Bộ phận thường trực Tổ biên tập có trách nhiệm đôn đốc chung và cùng với Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 trình Tiểu ban Kinh tế - xã hội.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực Tiểu ban kinh tế - xã hội nghiên cứu xác định những nội dung, những vấn đề cần tổng kết, nghiên cứu sâu, hình thành hệ thống các chuyên đề nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban quyết định đặt hàng các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học nghiên cứu giải quyết làm cơ sở cho việc biên tập Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 theo nguyên tắc: một vấn đề có thể lựa chọn nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu nhất là kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 và 2021-2025, và ngược lại một cơ quan, tổ chức có thể nghiên cứu nhiều vấn đề phù hợp với năng lực chuyên môn của mình.
e) Bộ Tài chính bố trí kinh phí và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức việc thu xếp kinh phí cho các hoạt động chuẩn bị Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; Có hướng dẫn riêng; đối với các nhiệm vụ đặt hàng theo cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng.
g) Bộ Ngoại giao làm đầu mối phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan làm việc với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế (trong trường hợp cần thiết), mạng lưới chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài nhằm huy động nguồn lực đầu vào về thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia, các nghiên cứu hỗ trợ cho xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
5. Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII yêu cầu các cấp, các ngành và các tổ chức và cá nhân liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, bám sát kế hoạch công tác của Tổ Biên tập để xây dựng Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 với chất lượng cao và hiệu quả, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Thành viên Tiểu ban Kinh tế - xã hội và các Bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.