VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 48/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2014 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH KON TUM
Ngày 05 và 06 tháng 01 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum; nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng, các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 và nhân dân huyện Sa Thầy. Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Quốc phòng và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh báo cáo kết quả kinh tế - xã hội thời gian qua và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; báo cáo Đề án chia tách huyện Sa Thầy, thành lập huyện mới tại khu vực Nam Sa Thầy và một số kiến nghị của Tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp về xử lý một số nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. VỀ KẾT QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG CÁC NĂM QUA
1. Đánh giá chung
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn và những kết quả đạt được khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum trong những năm qua đã đóng góp vào thành tựu chung của đất nước: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, năm 2011 đạt 14,3%, năm 2012 đạt 13,8%, năm 2013 trong điều kiện khó khăn chung, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 12,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, đến năm 2013, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 38%, công nghiệp và dịch vụ tăng tương ứng lên 25,5% và 36,45%.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, chú trọng và có bước phát triển; đến năm 2013 số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%; quốc phòng an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Kon Tum vẫn còn là tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao (18,27%), nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
2. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
a) Khai thác, phát huy tối đa, tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, khí hậu để phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục bứt phá vươn lên, thu hẹp dần khoảng cách phát triển so với các địa phương trong vùng và cả nước.
b) Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu trong nông nghiệp, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình nông nghiệp đã được triển khai thực hiện hiệu quả như phát triển cao su tiểu điền; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, tái canh cây cà phê, lai tạo giống cao su mới, các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và có giá trị gia tăng cao.
c) Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đã có để thúc đẩy phát triển kinh tế; rà soát, tính toán lại lực lượng lao động, cơ cấu lại lao động, bố trí lại địa bàn trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế hộ gắn với xây dựng chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các doanh nghiệp về địa bàn nông thôn với các hình thức liên kết, liên doanh phù hợp; đồng thời đẩy mạnh dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và có giải pháp thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới.
d) Thực hiện tốt hơn nữa sự nghiệp phát triển y tế, văn hóa, giáo dục; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả và đồng bộ các giải pháp giảm dần hộ nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
đ) Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho nhân dân đón Tết Giáp Ngọ 2014 trong không khí vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.
Việc chia tách huyện có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh, phù hợp với công tác quản lý. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, chuẩn bị Đề án nghiêm túc, bước đầu đã xác định được phương án điều chỉnh địa giới hành chính thành lập huyện mới, các giải pháp về nhân sự, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho huyện mới được thành lập đi vào ổn định. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Tỉnh tiếp thu ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan dự họp và làm rõ các nội dung sau:
1. Sự cần thiết điều chỉnh địa giới hành chính thành lập huyện mới tại khu vực Nam Sa Thầy, lưu ý quy mô diện tích huyện dự kiến thành lập mới lớn (98.013,22 ha đất tự nhiên), trong khi dân số chỉ có 6.567 người và có 3 xã (la Dom, la Đal và la Tơi), đường biên giới dài.
2. Mục tiêu Đề án cần làm rõ: (i) gắn việc sắp xếp, bố trí dân cư (trong đó ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số và dân cư trong huyện, Tỉnh) với khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh (ii) tạo thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền huyện, xã, giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ công (iii) vấn đề đánh giá môi trường chiến lược của Đề án chia tách huyện.
3. Xác định rõ định hướng quy hoạch phát triển, trước hết là quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch cụ thể bố trí đất đai theo cơ cấu diện tích các loại cây trồng (cà phê, cao su, lúa nước, sắn, trồng cỏ chăn nuôi,...), quy hoạch đất ở, quy hoạch sắp xếp, bố trí lại dân cư và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng,...
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum thực hiện có hiệu quả Thông báo kết luận số 411/TB-VPCP ngày 11 tháng 11 năm 2013, các văn bản số 7358/VPCP-KTN ngày 04 tháng 9 năm 2013, số 5284/VPCP-KTN ngày 30 tháng 6 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về chia tách huyện Sa Thầy để thành lập huyện mới tại khu vực Nam Sa Thầy: Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan liên quan làm rõ sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, định hướng quy hoạch phát triển và đánh giá tác động môi trường chiến lược như đã nêu trên. Trên cơ sở đó hoàn chỉnh Đề án và gửi Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
3. Về hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu các xã mới và khu vực Nam Sa Thầy (dự kiến thành lập huyện mới): Tỉnh cần bám sát quy hoạch, rà soát lại quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên và phân kỳ đầu tư theo hướng tập trung vào những dự án, công trình thực sự cấp thiết cần triển khai sớm để ổn định đời sống nhân dân; thực hiện thẩm định nguồn vốn theo quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất phương án vốn để thực hiện sau khi Đề án về thành lập huyện mới và định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Sa Thầy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Về chủ trương khảo sát lập thủ tục đầu tư công trình thủy lợi trên sông Sê San, Sa Thầy cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất khu vực Nam Sa Thầy: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh xem xét để có phương án đầu tư cụ thể.
5. Về việc bố trí vốn cho Dự án cấp điện cho các thôn, làng chưa có điện của Tỉnh giai đoạn 2012 - 2020: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương đề xuất phương án nguồn vốn cho Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về việc bổ sung vốn đầu tư quốc lộ 14C (đoạn qua tỉnh Kon Tum) để phục vụ thành lập huyện mới và phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Sa Thầy; vốn đầu tư quốc lộ 24 để hoàn thành tuyến quốc lộ nối Kon Tum - Quảng Ngãi: Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan ưu tiên đưa Dự án vào danh mục bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Quốc hội theo quy định. Trên cơ sở đó đề xuất ứng trước kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ nếu Dự án được Quốc hội chấp thuận phê duyệt danh mục.
7. Về việc chuyển đổi một phần đất lâm nghiệp và rừng nghèo tại khu vực Nam Sa Thầy: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Tỉnh làm rõ quy hoạch 3 loại rừng; mục đích sử dụng và diện tích đất lâm nghiệp, rừng nghèo cần phải chuyển đổi vào nội dung của Đề án chia tách, thành lập huyện mới, báo cáo Chính phủ theo quy định.
8. Bộ Quốc phòng làm việc với Tỉnh thống nhất phương án triển khai khu kinh tế quốc phòng theo Quy hoạch đã được phê duyệt gắn với xây dựng làng thanh niên lập nghiệp và sắp xếp, ổn định dân cư biên giới khu vực huyện Sa Thầy.
9. Về việc mở cửa khẩu phụ tại khu vực Hồ Đá, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy: Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trao đổi, thống nhất với phía bạn Campuchia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về đầu tư nâng cấp các tuyến đường 672, 673, 676 và đường từ xã Đăk Man đến xã Đăk Blô: Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng ngân sách địa phương và nghiên cứu các hình thức đầu tư phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch hàng năm cho Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Đắk Hà và thành phố Kon Tum): Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 411/TB-VPCP ngày 11 tháng 11 năm 2013.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.