VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 452/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HƯNG YÊN
Ngày 11 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ Kỷ niệm 185 năm thành lập Tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ, 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên và làm việc với lãnh đạo Tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng. Sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh báo cáo và ý kiến của các bộ, cơ quan dự họp, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Hưng Yên là vùng đất Địa linh - Nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, cần cù, hiếu học; quê hương của nhiều bậc danh nhân, chiến sĩ cộng sản trung kiên, cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; là nơi có truyền thống phát triển thương mại, dịch vụ lâu đời, nổi danh “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”; là địa phương đóng góp nhiều sức người, sức của trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới, nhất là sau 20 năm tái lập tỉnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một tỉnh thuần nông, có diện tích không lớn, mật độ dân số cao, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã đoàn kết nhất trí, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực vươn lên, đổi mới trên nhiều lĩnh vực và thu được thành tựu khá toàn diện.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên. Trong 20 năm qua, kinh tế tăng trưởng bình quân 10,85%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm từ gần 52% xuống còn trên 13%; có nhiều khu công nghiệp lớn, hiện đại; tổng thu ngân sách tăng gấp hơn 100 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần so với thời điểm tái lập tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ, nhất là hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi. Diện mạo đô thị và nông thôn chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ dưới 13% lên trên 32% và có 60 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm trên 41%).
Năm 2016, Tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,1%; tổng thu ngân sách đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng, từ năm 2017 Hưng Yên trở thành địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương; thu hút thêm 194 dự án đầu tư, đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn lên 1.097 dự án trong nước và 365 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 98 nghìn tỷ đồng và 3,5 tỷ USD; hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa ruộng đất nông nghiệp, chuyển đổi gần 1,4 nghìn ha diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi, phát triển trang trại, giá trị bình quân đạt gần 170 triệu đồng/ha.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, nhất là thực hiện các chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo. Tạo việc làm mới cho hơn 18,5 nghìn lao động và xuất khẩu trên 3,3 nghìn lao động. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm hơn 1,8%, xuống còn 5%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh kết quả đạt được, Hưng Yên còn một số tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô kinh tế, tỷ lệ đô thị hóa của Tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là vị trí tiếp giáp thủ đô Hà Nội, trung tâm Đồng bằng sông Hồng, trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Tái cơ cấu kinh tế nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm; việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chế biến chưa nhiều, chậm xây dựng thương hiệu. Việc thu hút, xúc tiến các dự án FDI, các dự án lớn mang tính đột phá còn hạn chế. Nhiều khu, cụm công nghiệp cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nên còn khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Tỷ lệ số người dân/doanh nghiệp còn thấp so với bình quân cả nước. Thu hút khách du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, dịch vụ du lịch kém năng động. Công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến chậm chuyển biến, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn thấp. Môi trường các làng nghề, cụm công nghiệp còn ô nhiễm, chậm khắc phục; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn; tiến độ thi công một số dự án, công trình chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, khiếu nại, khiếu kiện đông người ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp...
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI
Trong thời gian còn lại của năm 2016 và ngay từ đầu năm 2017, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hưng Yên cần phát huy truyền thống tốt đẹp, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để xây dựng Tỉnh phát triển nhanh, sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, toàn diện, là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ; trong đó tập trung thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:
1. Quán triệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội đảng bộ Tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020. Chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch năm 2016 đã đề ra; chuẩn bị ngay các điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch năm 2017 và những năm tiếp theo.
2. Làm tốt công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quản lý tốt quy hoạch ở cả đô thị và nông thôn; bảo đảm sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả.
3. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, gia trại, các loại hình kinh tế hợp tác, hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, khép kín; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; quan tâm xây dựng thương hiệu hàng hóa nông nghiệp. Phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chiều dọc và ngang để có mối liên kết bền vững trong Vùng để trở thành nơi cung cấp chính nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho Thủ đô Hà Nội và hướng tới xuất khẩu. Nhân rộng và phấn đấu có ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, đạt mức thu nhập trên 500 triệu đồng/ha.
4. Quyết tâm chính trị cao trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ. Thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, chế biến sâu nông sản; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Phấn đấu đạt 16 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020, tăng gấp đôi so với hiện nay.
5. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung đánh giá kỹ, làm rõ nguyên nhân, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời đối với việc trong 3 năm 2013 - 2015 chỉ số PCI của Tỉnh trong nhóm thấp nhất cả nước. Yêu cầu bộ máy lãnh đạo các cấp, từ tỉnh đến huyện, xã đề cao trách nhiệm, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, tận tụy hơn nữa để xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành bộ máy hành chính, hình thành mối quan hệ tương tác hiệu quả với doanh nghiệp để thu hút đầu tư; có cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh và lãnh đạo cấp trên. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí.
6. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch, dịch vụ. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh, gắn du lịch tâm linh, du lịch sinh thái với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng cường quảng bá sản phẩm dịch vụ, thực hiện các giải pháp tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, tạo sự liên kết trong Vùng và các Trung tâm du lịch lớn của cả nước; phấn đấu đến năm 2020 thu hút được 1,5-2 triệu lượt khách du lịch.
7. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là tại các làng nghề, khu dân cư tập trung ở nông thôn; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; chủ động phòng chống thiên tai, sạt lở; không để tiếp diễn tình trạng khai thác cát trái phép.
8. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; không để xảy ra tình trạng tội phạm, cờ bạc, nhất là trong những dịp cuối năm, lễ, Tết.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về lập và triển khai quy hoạch khu đô thị, công nghiệp cạnh đường nối giữa 2 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình (diện tích khoảng 3.000 ha, thuộc các huyện: Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động): Đồng ý về chủ trương; Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên thực hiện việc lập, phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng dọc 2 bên đường nối 2 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình theo thẩm quyền. Về nhu cầu phát triển công nghiệp, Tỉnh thực hiện việc lập, trình phê duyệt các dự án Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Giao Bộ Xây dựng hướng dẫn Tỉnh trong quá trình lập, phê duyệt Đồ án Quy hoạch nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
2. Về cơ chế sử dụng quỹ đất của các trường Đại học được sau khi di dời từ nội thành Hà Nội về Khu đại học Phố Hiến và tỉnh Hưng Yên; cho phép các trường Đại học Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa và Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam đầu tư xây dựng tại tỉnh Hưng Yên: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương đề xuất cơ chế để tạo vốn đầu tư hạ tầng phù hợp, hỗ trợ các cơ sở đào tạo di dời từ nội thành Hà Nội đến các Khu đô thị đại học ngoại thành đã được quy hoạch, trong đó có Khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về hỗ trợ (hoặc cho Tỉnh vay) 800 tỷ đồng kinh phí để giải phóng mặt bằng để xây dựng các trường Đại học; đường dẫn cầu Hưng Hà và đường nối 2 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về thành lập Khu chuyển giao khoa học công nghệ cao và khởi nghiệp tại tỉnh Hưng Yên: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về các Dự án sử dụng vốn vay ưu đãi, gồm Dự án nâng cấp Quốc lộ 39 (đoạn từ nút giao Lý Thường Kiệt, cao tốc Hà Nội Hải Phòng với đường trục Bắc Nam - Bắc Ninh) vốn vay từ Quỹ OPEC về phát triển quốc tế (Quỹ OFID) và Dự án phát triển tổng hợp chuỗi đô thị Hưng Yên từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB): Đồng ý việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các Dự án trên theo nguyên tắc Tỉnh cam kết cân đối để hoàn trả vốn vay và bảo đảm không vượt quá tỷ lệ bội chi ngân sách địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng xem xét, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về bố trí vốn thực hiện Dự án đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình: Giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ các quy định của pháp luật, đề xuất phương án để thi công nhanh, hoàn thành đồng bộ Dự án trên, phát huy hiệu quả toàn tuyến, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 01 năm 2017.
6. Về việc Tỉnh chủ động đảm bảo nguồn để làm lương và sử dụng nguồn vượt thu xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 - 2017: Tỉnh căn cứ kết quả thực tế vượt thu ngân sách địa phương hàng năm, nhu cầu sử dụng cho các mục tiêu cụ thể, có báo cáo chính thức, trong đó có cam kết bảo đảm nguồn làm lương, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Về hỗ trợ Tỉnh xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại cụm công nghiệp thuộc các xã Minh Khai, Tân Quang, huyện Văn Lâm: Đồng ý về chủ trương; Tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể, căn cơ để bảo đảm điều kiện sống an toàn cho nhân dân, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.