BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 436/TB-BGTVT |
Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2012 |
Ngày 01 tháng 8 năm 2012, tại Văn phòng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin). Tham dự buổi làm việc có đại diện các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND thành phố Hải Phòng, về phía Bộ Giao thông vận tải có Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam Phạm Chí Dân; đại diện các Vụ: Tổ chức cán bộ, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Vận tải, Văn phòng Bộ, Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và tập thể lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.
Sau khi nghe Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận như sau:
Việt Nam là một quốc gia biển, chúng ta phải mạnh lên về biển và giàu lên từ biển, vừa phát triển kinh tế xã hội đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh. Đảng và Chính phủ quyết tâm phát triển kinh tế hàng hải, phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo là ngành trọng điểm trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngành công nghiệp tàu thủy là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế hàng hải và thực hiện chiến lược biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo, phấn đấu đến năm 2021 kinh tế hàng hải chiếm vị trí số 1 trong nền kinh tế. Kết luận số 81-KL/TW ngày 06/8/2010 của Bộ Chính trị về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến nay đã thực hiện được 2 năm, việc tiếp tục tái cơ cấu để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, từng bước xây dựng một Vinashin mới trong giai đoạn hiện nay là cần thiết theo đúng định hướng, chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Những năm trước đây ngành hàng hải đã có những phát triển rất mạnh, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã có những đóng góp nhất định cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động thành phố Hải Phòng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt lĩnh vực đóng tàu và vận tải biển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hàng loạt những dự báo về kinh tế thế giới, tình hình thị trường trong và ngoài nước đều khác xa với thực tế, hàng loạt doanh nghiệp bị rơi vào khủng hoảng, sản xuất đình đốn, tài chính khó khăn. Chính vì vậy chúng ta phải nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá đúng tình hình thực tế, những khó khăn đang và tiếp tục phải đối đầu để tìm ra giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt, vận dụng tối đa các cơ chế, có chính sách đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty và Tập đoàn Vinashin.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng đánh giá cao sự cố gắng, tình cảm và trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên với truyền thống hơn 40 năm hình thành và phát triển của Tổng công ty, trong bối cảnh khó khăn vẫn tiếp tục gắn bó với Tổng công ty. Để thực hiện Tái cơ cấu Tổng công ty, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Vinashin và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
- Trên cơ sở nhu cầu công việc hiện nay, tổ chức lại lực lượng lao động phù hợp với định mức sản xuất của đơn vị, xây dựng các tiêu chí lựa chọn công khai, minh bạch và khoa học.
- Đối vói nhóm lao động có thể chuyển đổi sang làm việc tại các doanh nghiệp, dự án trên địa bàn thành phố Hải Phòng, phối hợp với các doanh nghiệp này, xác định nhu cầu tuyển dụng để đào tạo, đào tạo lại phù hợp với ngành nghề mới.
- Đối với nhóm lao động còn lại chưa xác định nhu cầu sử dụng thì tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật.
Đề án phải vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, đảm bảo tối đa các quyền lợi của người lao động, tổ chức thực hiện công khai, minh bạch, chủ động giải quyết trong phạm vi nguồn lực của Tổng công ty, Tập đoàn. Trường hợp không đủ kinh phí, lập phương án chi tiết đưa ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ.
Trong bối cảnh hiện nay, Tập đoàn phải tập trung sức mạnh của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo Tập đoàn để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện tái cơ cấu.
Bộ trưởng trân trọng cảm ơn thành phố Hải Phòng và các Bộ, ngành trong thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ Bộ Giao thông vận tải rất nhiều trong đó có Tập đoàn Vinashin. Thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là việc rất khó, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng và các Bộ, ngành tiếp tục quyết liệt tháo gỡ những khó khăn giúp Tập đoàn Vinashin, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vượt qua khó khăn.
Bộ Giao thông vận tải cam kết phối hợp với thành phố Hải phòng và các Bộ, ngành, tìm ra hướng giải quyết tốt nhất có thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tái cơ cấu triệt để Tập đoàn Vinashin, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, để từng bước xây dựng một Tập đoàn Vinashin mới đáp ứng yêu cầu của chiến lược biển Việt Nam theo định hướng của Đảng và Chính phủ.
Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ Giao thông vận tải thông báo tới các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ và Tập đoàn Vinashin để phối hợp, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.