VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 435/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI PHIÊN HỌP CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
Ngày 16 tháng 8 năm 2024, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chủ trì phiên họp của Hội đồng. Tham dự cuộc họp có đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Sau khi nghe đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương báo cáo kết quả thực hiện công tác thi đua khen thưởng từ năm 2021 đến nay và báo cáo về Dự thảo Hướng dẫn việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước và tôn vinh, khen thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước cho đến hết năm 2025 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, ý kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương kết luận như sau:
I. Những kết quả đạt được:
1. Đánh giá cao Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương), cơ quan thường trực của Hội đồng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị chu đáo cho phiên họp; các ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.
2. Từ năm 2021 đến nay, Hội đồng và Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương luôn bám sát tình hình thực tế để đổi mới hoạt động, phát huy vai trò, triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động và hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó điển hình là: (1) Đôn đốc các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị hằng năm và nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; (2) Tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; (3) Chỉ đạo triển khai Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI.
3. Thể chế pháp luật về thi đua, khen thưởng được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nổi bật là: (1) Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho chủ trương về khen thưởng thành tích kháng chiến và tiếp tục phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; (2) Trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024) và ban hành hệ thống các văn bản quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng, nhất là 02 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và 10 Nghị định của Chính phủ.
4. Công tác thi đua, khen thưởng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ phát động 04 Phong trào thi đua, đồng thời đẩy mạnh 03 phong trào, tạo hiệu ứng lan tỏa, huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, các ngành, các địa phương và nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cụ thể là: (1) Phong trào “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” góp phần “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”, nhất là kỳ tích “đi sau về trước” trong tiêm vắc-xin và tỷ lệ tử vong rất thấp. (2) Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” góp phần hoàn thành thêm 858 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên khoảng 2.021 km; khánh thành, cải tạo, nâng cấp nhiều cảng hàng không (Điện Biên, Phú Bài, Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành...); chuẩn bị khánh thành đường dây 500 KV mạch 3 vào dịp Quốc Khánh 2/9/2024. (3) Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà. (4) Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân (Đến nay, cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức phát động và triển khai các phong trào thi đua phong phú, sáng tạo, sôi nổi, thiết thực, rộng khắp hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ khó, trọng tâm, cấp bách để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra.
5. Công tác khen thưởng được thực hiện cơ bản đúng quy định, chất lượng khen thưởng được nâng lên, kịp thời phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước; khen thưởng thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh và công tác có thành tích tiêu biểu được thực hiện kịp thời. Từ năm 2021 đến nay, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã khen thưởng cho gần 387 nghìn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
6. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều đổi mới; nhiều điển hình tiên tiến được tôn vinh, khen thưởng tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.
Thay mặt Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng trân trọng gửi lời cảm ơn đến nhân dân, bạn bè quốc tế đã đồng tình ủng hộ; biểu dương và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và đóng góp tích cực của các thành viên Hội đồng; các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã hưởng ứng, phát động, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua; đánh giá cao những kết quả mà phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng đã đạt được thời gian qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
II. Những tồn tại, hạn chế:
1. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn một số hạn chế: (1) Phong trào thi đua của một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa thường xuyên, liên tục, hiệu quả chưa cao; có lúc có nơi triển khai còn hình thức; (2) Còn tồn đọng hơn 4.100 hồ sơ khen thưởng kháng chiến (chủ yếu do không đủ căn cứ để xét khen theo quy định như thiếu lịch sử địa phương, thiếu minh chứng thời gian tham gia kháng chiến, lý lịch đảng viên, lý lịch xuất ngũ...); (3) Khen thưởng cho công nhân, nông dân, doanh nhân, người trực tiếp lao động, công tác chưa đồng đều và tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước còn thấp; (4) Các cơ quan truyền thông chưa dành thời lượng tương xứng để tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến.
2. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do: (1) Tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm của một số cấp ủy đảng, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng chưa cao, nhất là người đứng đầu; (2) Tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách thi đua, khen thưởng không ổn định, có nhiều thay đổi và thiếu thống nhất; năng lực một số công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng còn chưa đáp ứng yêu cầu; (3) Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nhiều quy định mới, còn có nội dung chưa thống nhất trong cách hiểu và áp dụng, cần được nghiên cứu, sửa đổi phù hợp thực tiễn.
III. Bài học kinh nghiệm:
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian vừa qua, chúng ta cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” để huy động được sức mạnh nội sinh của khối đại đoàn kết dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Phong trào thi đua yêu nước gắn với công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hai là, phong trào thi đua yêu nước là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đột xuất; vừa có tính chất trước mắt và vừa có tính chất lâu dài. Vì vậy cần được thường xuyên quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đầu tư nguồn lực; cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ.
Ba là, khi giao nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm để khi đánh giá, khen thưởng dễ dàng, chính xác, khách quan; khen thưởng phải đúng, trúng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát.
Bốn là, công tác thi đua khen thưởng cần phải chính xác kịp thời, dân chủ, khách quan; luôn luôn đổi mới bám sát thực tiễn, thực chất và hiệu quả. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng là tạo phong trào tốt, phát hiện đúng, bồi dưỡng thường xuyên, tổng kết đầy đủ, khen thưởng kịp thời và nhân rộng hiệu quả.
Năm là, quan tâm tới bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức; tập trung cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường công khai, minh bạch.
IV. Phương hướng nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2025:
Từ nay đến hết năm 2025, nước ta diễn ra nhiều sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân; 95 năm ngày thành lập Đảng; 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Cách mạng tháng 8 thành công; 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ XI. Đặc biệt, năm 2025 diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Trước tình hình đó, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng cần phải thực hiện tốt hơn nữa với tinh thần “việc nào làm chưa tốt phải khắc phục bằng được để làm cho tốt; việc nào làm tốt rồi thì quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn”, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Các bộ, ngành, địa phương:
- Cần tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, trọng tâm là Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
- Chủ động phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhất là lao động trực tiếp, các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; những người yếu thế.
- Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm hồ sơ khen thưởng kháng chiến và việc cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng còn tồn đọng.
- Tích cực triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; đồng thời, tiếp tục phát động các phong trào thi đua mới với phương châm: thiết thực, bám sát các nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo đột phá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đảng các cấp đề ra và kế hoạch 05 năm (2021 -2025).
2. Bộ Nội vụ:
- Tham mưu trình Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW và đề xuất Bộ Chính trị ban hành văn bản mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
- Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.
3. Về các hoạt động tôn vinh, khen thưởng nhân các ngày lễ, kỷ niệm lớn trong năm 2024 và năm 2025:
- Bộ Nội vụ tiếp thu, hoàn thiện để Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương ban hành Hướng dẫn về việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, tôn vinh, khen thưởng nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong 02 năm 2024 - 2025.
- Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tôn vinh, khen thưởng, đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
- Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tôn vinh, khen thưởng, đề nghị khen thưởng đối với các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tham mưu tổ chức Buổi “Gặp mặt nhân chứng lịch sử, người có công với nước”.
- Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, giao Ủy ban nhân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tôn vinh, biểu dương “Người tốt, việc tốt” và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”, khen thưởng, đề nghị khen thưởng đối với các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Nhân dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tôn vinh, khen thưởng, đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
- Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để tham mưu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu là tập thể, cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025. Các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực tổ chức Đại hội thi đua các cấp, các ngành, tạo không khí thi đua sôi nổi, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI vào năm 2025.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.