VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 435/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2018 |
Tiếp theo các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương về sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với thiên tai tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị mất nhà do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngày 07 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về khắc phục sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông khu vực miền Trung. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương và Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Tài chính và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận.
Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông ở khu vực miền Trung, Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến bằng văn bản của các Bộ liên quan; ý kiến của địa phương, các Bộ và ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận, chỉ đạo như sau:
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
a) Trước mắt, các địa phương cần tập trung khắc phục khẩn cấp các khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng và nạo vét các khu vực cửa sông bị bồi lấp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thoát lũ và hoạt động của tàu cá của ngư dân nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các di sản văn hóa, cơ sở hạ tầng quan trọng, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông.
b) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục có các Đề án, dự án nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp tổng thể chủ động phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, bồi lấp cửa sông, sạt lở đất ở vùng núi, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng nguồn lực, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và tại địa phương.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để chính quyền và người dân có các biện pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý phòng, chống xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông, các giải pháp cần phù hợp với từng khu vực, đảm bảo bền vững, không gây sạt lở khu vực khác và hạn chế tác động đến môi trường.
d) Các địa phương trong khu vực rà soát công tác lập và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và phát triển hạ tầng, chủ động xác định hành lang an toàn để quản lý phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển phù hợp và bền vững, tránh việc xây dựng công trình hạ tầng, nhất là khu dân cư, khu du lịch sát ven biển khi không đảm bảo an toàn; quản lý chặt chẽ việc khai thác cát ở vùng cửa sông, ven biển, kể cả đối với các dự án nạo vét để tránh gây sạt lở cửa sông, ven biển.
4. Về nguồn lực để xử lý, khắc phục sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông:
a) Đồng ý hỗ trợ 800 tỷ đồng (tám trăm tỷ đồng) từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương khu vực miền Trung (từ Nghệ An đến Bình Thuận) để xử lý các điểm sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hạ tầng thiết yếu và nạo vét khẩn cấp một số cửa sông bị bồi lấp nghiêm trọng để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh khẩn trương rà soát, tổng hợp, đề xuất danh mục dự án cần xử lý cấp bách, mức hỗ trợ từng dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương theo đúng quy định trong tháng 11 năm 2018.
b) Đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng (một nghìn tỷ đồng) từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ địa phương trong vùng có thêm nguồn lực khắc phục các khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm. Trên cơ sở danh mục dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất và báo cáo tại cuộc họp, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, dự kiến đề xuất phân bổ phù hợp, chính xác, đảm bảo hiệu quả đầu tư; đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cấp thẩm quyền theo quy định trong tháng 11 năm 2018.
c) Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định hiện hành, đồng thời chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách trung ương xử lý sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông bảo đảm an toàn, hiệu quả đầu tư; chỉ đạo triển khai thực hiện đúng quy trình thủ tục, quy định của pháp luật theo cơ chế dự án phòng chống thiên tai, đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời. Chỉ đạo nghiên cứu, lựa chọn giải pháp phù hợp đảm bảo kinh tế, kỹ thuật; kết hợp xây dựng công trình bảo vệ, chống sạt lở bờ biển với chủ động di dời dân cư khu vực sạt lở nguy hiểm.
d) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng hướng dẫn và có ý kiến về kỹ thuật của các dự án xử lý sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông để đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư; kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, huy động các nguồn lực của quốc tế, các nguồn vốn ODA và hợp tác công tư (PPP), huy động sự tham gia của người dân và doanh nghiệp hưởng lợi để bổ sung nguồn lực đầu tư phòng, chống sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông; các cửa sông được nạo vét để lưu thông tàu thuyền, nhất là các cửa sông có nhiều tàu thuyền đánh cá qua lại nhằm đảm bảo sản xuất, cuộc sống của người dân. Kết hợp việc nạo vét, khắc phục tình trạng bồi lấp cửa sông với phòng, chống sạt lở bờ biển, giữ đất, lấn biển, mở rộng đất đai tại những khu vực phù hợp, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.
5. Về một số nhiệm vụ cấp bách khác:
a) Theo dự báo, thời gian tới ElNino sẽ tác động đến nước ta, nguy cơ xảy ra hạn hán, nhất là tại khu vực miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các địa phương có phương án điều tiết phù hợp các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để đảm bảo an toàn, đồng thời chủ động trữ nước để phòng, chống hạn, nhất là cuối năm 2018 và đầu năm 2019.
b) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để thực hiện hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị mất nhà do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa khắc phục hậu quả bão số 4 và mưa lũ theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.