VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 431/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ QUẢN LÝ, PHƯƠNG THỨC, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU
Ngày 19 tháng 10 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Y tế và đại diện các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Quốc phòng, Công Thương, Giao thông vận tải, Tư pháp.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Tài chính, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận như sau:
1. Thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị định và khung dự thảo Nghị định nhằm cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thông quan hàng hóa, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế và định hướng về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Dự thảo Nghị định điều chỉnh đối với hoạt động thông quan hàng hóa, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hàng hóa được nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn. Thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trên môi trường điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trên cơ sở phân tích, xử lý dữ liệu, đánh giá việc hàng hóa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện nhập khẩu để quyết định cho thông quan. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào quy trình, thủ tục thông quan hàng hóa; chỉ thực hiện kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm sau thông quan. Nghị định quy định cụ thể các hàng hóa có độ rủi ro cao cần được kiểm soát chặt và trường hợp cần thiết phải kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Phải có biện pháp kiểm soát rủi ro, như hậu kiểm, tăng cường chế tài xử lý vi phạm của cá nhân, tổ chức...
4. Rà soát bảo đảm phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.
5. Bộ Tài chính gửi dự thảo Nghị định để lấy thêm ý kiến của các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Giao thông vận tải. Đề nghị các Bộ rà soát kỹ và sửa trực tiếp vào dự thảo Nghị định; đối chiếu với quy định của các Luật hiện hành và dự án Luật đang sửa đổi, bổ sung (như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật…) để bảo đảm tuân thủ chặt chẽ định hướng cải cách kiểm tra chuyên ngành tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ giữa dự thảo Nghị định với nội dung dự kiến sửa đổi trong các Luật; chỉ rõ những Điều, Khoản, Điểm vướng Luật và những giải pháp để hạn chế rủi ro (như các mặt hàng cần kiểm soát chặt) sau khi Nghị định được ban hành. Ý kiến tham gia của các Bộ gửi về Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 11 năm 2023 để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị định.
6. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 25 tháng 11 năm 2023.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.