VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 428/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2012 |
Ngày 16 tháng 12 năm 2012, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (số 12 Lê Lai, Hà Nội), đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới tại thành phố Hà Nội. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân và các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội. Sau khi nghe báo cáo về tình hình, kết quả 02 năm thực hiện Chỉ thị; ý kiến của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
Hà Nội là Thủ đô văn hiến, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; dân số tăng nhanh, là đầu mối giao thông trong nước và quốc tế, dễ là trung tâm trọng điểm của tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức; nhiều vấn đề phức tạp dồn về Thủ đô như: khiếu kiện, biểu tình…
Đồng ý với báo cáo của Thành ủy Hà Nội về tình hình và kết quả 02 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW. Trong 2 năm qua dưới sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Công an thành phố, an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố được giữ vững, góp phần tích cực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Cụ thể là:
Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW, tập trung vào 02 nhiệm vụ trọng tâm là huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng đối với công tác phòng, chống tội phạm. Công an thành phố đã phát huy tốt vai trò nòng cốt tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai các kế hoạch, phương án phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; mở nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm. Đã điều tra khám phá các vụ án hình sự đạt tỷ lệ cao, cụ thể: làm rõ 7.663 vụ phạm pháp hình sự, bắt 12.155 đối tượng (đạt tỷ lệ 74,6%); khám phá 532 vụ trọng án, bắt 1.121 đối tượng (đạt tỷ lệ 90%); các vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội được xử lý nhanh, dứt điểm; bắt, vận động đầu thú và thanh loại 2.239 đối tượng truy nã và thu hồi nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Do vậy, đã kiểm soát được tình hình tội phạm, an ninh, trật tự cơ bản ổn định, tạo niềm tin cho nhân dân trên địa bàn thành phố.
Các cấp, các ngành, đoàn thể quần chúng đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm, điển hình đã vận động trên 1.000.000 hộ ký cam kết không tham gia tội phạm và chứa chấp tội phạm; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động thường xuyên và đã xây dựng được nhiều mô hình có hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm như: “Hộ tự phòng, số nhà tự quản”, “Tổ liên gia phòng, chống tội phạm trộm, cướp”, "Cựu quân nhân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự"; "Tổ dân phố vững mạnh về an ninh, trật tự"...
Việc thực hiện thí điểm công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự tại một số quận, xã, phường, thị trấn, bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực, tội phạm, tệ nạn xã hội được kiềm chế và có chiều hướng giảm. Điển hình như phường Phương Mai, quận Đống Đa, qua 01 năm triển khai thực hiện, các loại tội phạm trên địa bàn phường đều giảm, cơ bản xóa được các tụ điểm phức tạp về an ninh, trật tự.
Về một số tồn tại, hạn chế:
Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của thành phố còn một số hạn chế, bất cập, chưa theo kịp quy mô, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; lực lượng Công an cơ sở có lúc, có nơi chưa nắm chắc tình hình, đối tượng, địa bàn.
Một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự chưa đồng đều, còn mang tính hình thức và coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Công an và các lực lượng chuyên trách nên chất lượng chưa cao.
Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia diễn biến phức tạp, tội phạm hình sự nguy hiểm và gây án nghiêm trọng vẫn chiếm trên 20% số vụ phạm pháp hình sự; tính chất tội phạm manh động, táo tợn, ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh đó, sự di chuyển của các loại tội phạm từ địa phương khác về Hà Nội ngày càng nhiều.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Năm 2013, tình hình chính trị - kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị; tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố cần đặc biệt quan tâm, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến của tình hình tội phạm.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chị thị số 48-CT/TW, đề nghị Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 138 của thành phố Hà Nội cần tập trung thực hiện có hiệu quả những công tác lớn sau:
1. Thành lập và kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban; 01 Phó Chủ tịch và Giám đốc Công an thành phố làm Phó Trưởng ban; thành viên gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để hoạt động thống nhất, hiệu quả.
2. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48-CT/TW và các chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề khác về bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm. Cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố phải xác định công tác phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện; gắn việc thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW với Chương trình 05 của Thành ủy về tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và các mục tiêu kinh tế - xã hội khác của thành phố.
3. Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài, quản lý xuất nhập cảnh; quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; tổ chức thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; công tác phòng, chống cháy, nổ, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
4. Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, nhất là với người dân nhập cư, vãng lai; huy động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm; tổ chức quản lý, cảm hóa người vi phạm pháp luật tại cơ sở; giúp đỡ người phạm tội hoàn lương. Nghiên cứu đổi mới và nhân rộng các mô hình tiên tiến trong phong trào phòng, chống tội phạm; coi trọng phương châm “phòng ngừa tội phạm là chính”. Đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp hành động giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, lực lượng Công an, Quân đội, Hải quan, Hàng không trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
5. Tăng cường nhân lực, nguồn lực xuống địa bàn cơ sở xã, phường, thị trấn; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng Công an các cấp đối với công tác phòng, chống tội phạm ở địa phương. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên Công an bao che, dung túng tội phạm hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.
6. Lực lượng Công an thành phố phải nắm chắc pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, kiên quyết không bao che, dung túng tội phạm; phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Mở chiến dịch tập trung trấn áp quyết liệt tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân trước, trong và sau tết Nguyên đán Qúy Tỵ. Tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình 141, 142, điều tra khám phá, triệt xóa tận gốc các băng, nhóm tội phạm.
7. Tổ chức sơ kết việc thực hiện thí điểm công tác đấu tranh chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự trở thành địa bàn không có tội phạm để rút kinh nghiệm về phương pháp tổ chức, biện pháp, giải pháp chỉ đạo, trên cơ sở đó có kế hoạch triển khai nhân rộng công tác này trên phạm vi địa bàn thành phố.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo Thành ủy, Ủy ban nhân nhân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan biết, phối hợp thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.