VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 416/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013 |
Ngày 4 tháng 11 năm 2013, tại Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hành nghề y, dược ngoài công lập với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Cùng dự có lãnh đạo, đại diện các Bộ: Y tế, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Công an, Thanh tra Chính phủ; đại diện cơ quan trung ương: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban tuyên giáo Trung ương, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ; đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương và Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế về công tác quản lý Nhà nước, thanh tra hành nghề y, dược ngoài công lập; các ý kiến tham luận của một số địa phương và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập, cơ sở kinh doanh dược và ý kiến của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến kết luận như sau:
Trong thời gian vừa qua, Ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, hiện đại hóa các cơ sở khám chữa bệnh, đẩy lùi dịch bệnh, cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần quan trọng tăng tuổi thọ của người dân Việt Nam, đổi mới công tác quản lý Nhà nước về y tế, cho dù điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân trên đầu người và đầu tư cho y tế còn thấp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn xảy ra một số sự việc đáng tiếc trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập cần phải được chấn chỉnh và tăng cường quản lý.
Trong thời gian tới để tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
a) Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập, trong đó có các quy định quản lý nhà nước đối với hai loại dịch vụ đặc thù có ảnh hưởng đến sức khỏe là giải phẫu thẩm mỹ và spa, mát xa, đề xuất sửa đổi bổ sung cần thiết. Gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế trình Chính phủ ban hành.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các quy định quảng cáo trong lĩnh vực y tế, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Chuẩn bị kịp thời văn bản hướng dẫn và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật quảng cáo (sau khi được Chính phủ ban hành) trong Quý I năm 2014.
c) Làm việc với Bộ Tư pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp lý lịch tư pháp đối với người hành nghề bảo đảm thời gian cấp chứng chỉ hành nghề đúng tiến độ. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho người hành nghề y, dược ngoài công lập về kiến thức pháp luật, quản lý hành nghề y, dược.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý người nước ngoài đến hành nghề y, dược ngoài công lập tại Việt Nam. Xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập có yếu tố nước ngoài; hoàn thành và ban hành trong Quý I năm 2014.
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn xếp hạng bệnh viện ngoài công lập, bảo đảm đánh giá đúng chất lượng khám chữa bệnh của cơ sở dựa trên các chỉ số về trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ thầy thuốc; công nghệ, hãng sản xuất các trang thiết bị y tế; cơ sở hạ tầng và trình độ quản lý, ban hành vào Quý I năm 2014.
e) Ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở y tế công lập quản lý cán bộ của mình có hành nghề y, dược ngoài công lập. Yêu cầu cán bộ, viên chức hành nghề y, dược ngoài công lập của đơn vị có báo cáo và cam kết về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập, ban hành vào Quý I năm 2014. Tiến hành kiểm tra các cơ sở này nếu cần thiết.
g) Tiếp tục thực hiện các giải pháp giáo dục nhằm nâng cao y đức cán bộ, viên chức và người lao động trong ngành y tế. Ngành y tế phối hợp với Tổng hội Y học, Dược học, Trung ương Hội Đông y nghiên cứu phát huy vai trò giám sát của các hội nghề nghiệp trong quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập và ban hành Thông tư về Y đức và Quy tắc ứng xử, bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và người bệnh dễ kiểm soát.
h) Chủ trì, phối hợp các địa phương hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập thực hiện 4 công khai, gồm 1) Giấy phép hoạt động bao gồm phạm vi chuyên môn được phép hoạt động, thời gian hoạt động; 2) Nhân lực hành nghề ghi rõ tên, bằng cấp người phụ trách chuyên môn và những người hành nghề; 3) Giá dịch vụ khám chữa bệnh; 4) Tên và địa chỉ cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp để người dân biết và phản ánh khi có sai phạm. Các thông tin này công khai tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập và trên trang thông tin điện tử của cơ sở này.
i) Tăng cường bộ máy và năng lực thanh tra y tế, trước mắt thực hiện thanh tra toàn diện các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ, sau đó xem xét mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Xây dựng đề án tăng cường năng lực thanh tra y tế trình Chính phủ ban hành vào Quý I năm 2014.
k) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, sửa đổi quy định về phân cấp quản lý các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, bảo đảm ngăn chặn được việc hành nghề khi không đủ các điều kiện hoạt động, hoàn thành trong Quý I, 2014.
l) Tổ chức hội nghị chuyên đề về quản lý hành nghề y, dược ngoài công lập vào Quí I năm 2014.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Phối hợp với Bộ Y tế rà soát các quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, đề xuất bổ sung các quy định phù hợp với thực tế của từng địa phương, đặc biệt tại 5 thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Trong đó chú ý kiểm tra để bảo đảm các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập chỉ được hoạt động khi được cấp đầy đủ chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động và phải hoạt động đúng giấy phép.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.