VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2019 |
Ngày 18 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN) về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp năm 2018; nhiệm vụ, giải pháp năm 2019. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế. Sau khi nghe Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tổng hợp tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp năm 2018, nhiệm vụ, giải pháp năm 2019 và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NĂM 2018
1. Năm 2018 nói riêng và ba năm đầu giai đoạn 2016-2020 nói chung, trong bối cảnh vừa hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách theo hướng hiệu quả, chặt chẽ hơn, vừa xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho từng năm và cả giai đoạn 2016-2020 nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo và cố gắng, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả tích cực.
2. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo, trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp, ký ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết Chính phủ chuyên đề, văn bản chỉ đạo điều hành quan trọng để hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước hơn, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; từng bước hoàn thiện Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, đưa vào hoạt động và hoàn thành chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại, Nghị định Điều lệ và tổ chức hoạt động của các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, phê duyệt Danh mục đơn vị sự nghiệp chuyển thành công ty cổ phần của 34 bộ, ngành, địa phương thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ tích cực cho công tác phát triển doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ...
3. Trong năm 2018, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 32 doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; đã bán cổ phần lần đầu và bán cho cổ đông chiến lược 30 doanh nghiệp, thu về 24.250,04 tỷ đồng, gấp 4,67 lần số tiền thu từ bán cổ phần lần đầu và bán cho cổ đông chiến lược năm 2017, gấp 1,4 lần số tiền thu từ bán cổ phần lần đầu và bán cho cổ đông chiến lược năm 2016; thoái vốn tại các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ thu về 18.054 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần giá trị sổ sách.
Lũy kế 3 năm đầu giai đoạn 2016-2020, cả nước cổ phần hóa 156 doanh nghiệp, tăng 34% so với tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa cùng kỳ ba năm đầu giai đoạn 2011-2015, với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 204.818 tỷ đồng, bằng 108 % tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015; tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn 3 năm đầu giai đoạn 2016-2020 đạt 212.304 tỷ đồng, gấp 2,71 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015; đã chuyển 155.000/250.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước, đạt 62% kế hoạch giao theo Nghị quyết của Quốc hội cho giai đoạn 2016-2020.
4. Triển khai Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt nhiều kết quả tích cực; số doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 và 3 năm đầu giai đoạn 2016-2020 đạt mức cao nhất từ trước đến nay; đã công bố Bộ chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp của cả nước năm 2017, đang hoàn thiện để ban hành Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2018 tăng 21 bậc so với năm 2015...Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả, đổi mới cơ bản về quản trị doanh nghiệp, có nhiều tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển.
5. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế cần được rút kinh nghiệm và khắc phục trong thời gian tới. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, phải điều chỉnh kế hoạch thực hiện cho phù hợp với thực tế; việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn chưa kịp thời; tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền phê duyệt của các Bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 707/QĐ-TTg) còn chậm; việc triển khai đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được Thủ tướng phê duyệt chậm, đặc biệt là nội dung thoái vốn, cổ phần hóa.
Việc chuyển giao các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán; quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần; chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quyết liệt tại một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp gặp vướng mắc, lúng túng, chưa thống nhất trong quá trình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn theo các quy định mới; cần có nỗ lực rất lớn trong thời gian tới mới có thể đạt được mục tiêu năm 2020 cả nước có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động như đề ra của Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; vẫn còn doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
6. Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân từ sự chưa chủ động, nghiêm túc, quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài; các quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng chặt chẽ, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước hơn, quy định thời gian triển khai dài hơn, nên cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện, nhiều trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện lại toàn bộ hoặc một số nội dung, công đoạn liên quan; việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa của các địa phương và các Bộ, ngành liên quan chậm...
II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NĂM 2019
Năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến việc hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, để tạo bứt phá mạnh mẽ trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nâng cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc, quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 01/CT-TTg), trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức, quản lý, và hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo.
2. Rà soát tình hình triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt để xác định; điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở; triển khai, hoàn thành trong hai năm còn lại của kế hoạch, năm 2019 và 2020.
3. Hoàn thành việc phê duyệt để triển khai đề án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước theo thẩm quyền và quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg; trong đó, cơ cấu lại toàn diện doanh nghiệp để lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với từng doanh nghiệp.
4. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg, phấn đấu đạt kết quả cao nhất đối với các mục tiêu đề ra về công tác phát triển doanh nghiệp.
5. Các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 chưa hoàn thành và theo kế hoạch năm 2019.
b) Rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản: Nghị định về Doanh nghiệp nhà nước trước ngày 15 tháng 02 năm 2019, Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg...
b) Khẩn trương xem xét, tổng hợp đề nghị của các Bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế về việc điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại các văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10 tháng 7 năm 2017 (văn bản số 991/TTg-ĐMDN) và Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 (Quyết định số 1232/QĐ-TTg), đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 20 tháng 02 năm 2019.
c) Xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2019.
7. Bộ Tài chính:
a) Rà soát các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn để khẩn trương xử lý các vướng mắc, bất cập, bảo đảm rõ ràng, thống nhất trong triển khai thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3 năm 2019.
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành, địa phương, rà soát, đánh giá 2 năm thực hiện Quyết định số 707/QĐ-TTg, đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019.
c) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg, việc phê duyệt các phương án tổng thể và triển khai công tác cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ ngành, địa phương, bảo đảm công tác này đạt hiệu quả, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; khẩn trương trình Chính phủ chủ trương xây dựng Nghị định thay thế Quyết định này trong Quý I năm 2019.
d) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, rà soát cơ chế, chính sách pháp luật về thuế và các cơ chế, chính sách khác liên quan đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2019.
đ) Nghiên cứu, trình Chính phủ Nghị quyết của Quốc hội về quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp để Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong Quý III năm 2019.
8. Thường trực Ban Chỉ đạo:
a) Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, trong tháng 01 năm 2019, hoàn thiện Báo cáo, gửi: Thường trực Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước..., làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
b) Rà soát, đề xuất kiện toàn lại cơ cấu tổ chức và nhân sự, kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, trình Phó Thủ tướng - Trưởng ban trong tháng 02 năm 2019; phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị trọng điểm; tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp giao ban năm, 6 tháng và các cuộc họp đột xuất nếu cần thiết.
9. Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo, hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, xử lý vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị; thực hiện thoái vốn theo quy định của pháp luật; rà soát, chuyển giao về SCIC các doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn theo Chỉ thị số 01/CT-TTg.
10. Bộ Công Thương rà soát, đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất việc chuyển giao các doanh nghiệp, dự án theo Quyết định này về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương trong tháng 02 năm 2019.
11. Bộ Quốc phòng tiếp tục triển khai Đề án sắp xếp, cổ phần hóa thoái vốn theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trường hợp phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế thì phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ.
12. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sử dụng đất và triển khai các bước cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
13. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 01 năm 2019.
14. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong phát ngôn, hoạt động báo chí, cung cấp thông tin liên quan đến công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
15. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
a) Khẩn trương hoàn thiện tổ chức bộ máy, tổ chức để thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được giao; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước khẩn trương làm việc với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, bảo đảm hoàn thành việc tiếp nhận các doanh nghiệp không hoàn thành thoái vốn theo kế hoạch theo đúng Chỉ thị số 01/CT-TTg; lập kế hoạch, hoàn thành thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này trong năm 2019 và 2020.
c) Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc theo quy định; tiến độ triển khai Đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Quy chế tài chính, Đề án cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
16. Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh chủ động chuẩn bị các công việc liên quan để có thể triển khai ngay và có kết quả kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh; đẩy nhanh việc cho ý kiến, phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn.
17. Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
a) Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, chế độ báo cáo theo quy định và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
b) Tiếp tục triển khai có kết quả Nghị quyết TW5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp hướng tới mục tiêu đến năm 2020 nước ta có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động.
c) Khẩn trương rà soát tình hình triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại văn bản 991/TTg-ĐMDN, Quyết định số 1232/QĐ-TTg để xác định rõ thời gian hoàn thành, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 01 năm 2019 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chậm, không thực hiện nội dung này.
Đối với các trường hợp không hoàn thành đúng kế hoạch năm 2018 đã được phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trưởng ban tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 14 tháng 02 năm 2018, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2019.
d) Chủ động tháo gỡ, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2019 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN, Quyết định số 1232/QĐ-TTg và sau khi được điều chỉnh (nếu có); cuối năm có báo cáo đánh giá, kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan nếu không hoàn thành kế hoạch được giao, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Tiếp tục rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án tổng thể cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; triển khai có kết quả các Phương án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị để cổ phần hóa.
e) Khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm phê duyệt phương án theo quy định.
g) Các địa phương nghiêm túc, khẩn trương rà soát, cho ý kiến, phê duyệt kịp thời Phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, các doanh nghiệp cổ phần hóa có đất đai trên địa bàn.
h) Chỉ đạo, thực hiện bàn giao phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, quyết toán công tác cổ phần hóa, xác định số phải nộp và nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đại diện phần vốn, các tổ chức cá nhân liên quan trong việc chậm, không thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết và thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.