VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2024 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG, CHỦ TỊCH ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2024 CỦA ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA
Ngày 12 tháng 01 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (Ủy ban ANHK) chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban ANHK.
Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; các Phó Chủ tịch Ủy ban là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các Thành viên Ủy ban và đại diện lãnh đạo: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng cục Hải quan; lãnh đạo các Tổng công ty: Cảng hàng không Việt Nam, Quản lý bay Việt Nam, Hàng không Việt Nam; lãnh đạo các Công ty cổ phần Hàng không: VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có cảng hàng không, sân bay) có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban chỉ đạo Phòng chống khủng bố, Cảng vụ hàng không, Cảng hàng không.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các tham luận và ý kiến đại diện các cơ quan, đơn vị dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban ANHK đã kết luận như sau:
I. Các nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không
1. Quán triệt nguyên tắc “phòng hơn chữa” trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. Các cơ quan liên quan phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng không theo trách nhiệm được giao, theo nhiệm vụ được phân công, kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót, xử lý ngay những nguy cơ có khả năng dẫn đến sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.
2. Công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, nội dung cần phải bám sát với thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Hoạt động diễn tập cần phải gắn liền với thực tế, mang lại ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh ngành hàng không đã và đang có nhiều biến động.
3. Áp dụng kết quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào lĩnh vực an ninh hàng không.
4. Tuyệt đối không để gián đoạn hệ thống điều hành bay, đặc biệt từ nguy cơ tấn công mạng. Các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng trong ngành hàng không, ngoài việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn phải tuyệt đối không vì lợi nhuận mà bỏ qua bất kỳ nguy cơ nào gây mất an ninh, an toàn hàng không.
5. Phải phối hợp tốt hơn nữa giữa các lực lượng chức năng trong việc kịp thời cung cấp thông tin và trong xử lý sự cố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành quy định pháp luật về an ninh, an toàn hàng không cho người tham gia dịch vụ hàng không
6. Các ngành, các địa phương tập trung đầu tư, sớm hoàn thiện các công trình bảo đảm an ninh, an toàn hàng không tại cảng hàng không, sân bay; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố địa phương.
II. Nhiệm vụ trọng tâm
Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hàng không thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới, Kế hoạch công tác năm 2023 của Ủy ban ANHK ban hành theo Quyết định số 08/QĐ-UBANHK ngày 07/02/2023.
2. Bộ Giao thông vận tải, cơ quan thường trực của Ủy ban ANHK nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý về an ninh, an toàn hàng không; chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam trong việc khắc phục theo kiến nghị của ICAO qua Chương trình USAP - CMA năm 2022; triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ và ứng dụng mới đối với hệ thống làm thủ tục hàng không tạo thuận lợi cho hành khách, vừa góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng.
3. Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Nghị định quy định thể thức bay chặn, bay kèm, bay ép tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay; hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; thu thập dữ liệu các khu vực cấm bay, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ để công bố theo quy định. Các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai phương án nhằm chủ động đối phó với hoạt động sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
4. Bộ Công an:
- Tiếp tục triển khai các Đề án: Tổ chức lực lượng An ninh trên không; Thành lập Đồn Công an tại các cảng hàng không, sân bay trọng điểm; Công tác Công an bảo đảm an ninh hàng không. Kịp thời thông báo tình hình, âm mưu, phương thức hoạt động khủng bố, phá hoại, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không của các đối tượng để các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp tăng cường an ninh hàng không, sẵn sàng ứng phó, không để bị động, bất ngờ tại tất cả các cảng hàng không, sân bay. Tiếp tục phối hợp Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh hồ sơ đưa Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội) và Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC Hồ Chí Minh) vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc thực hiện Nghị định số 93/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ về quản lý, bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu đường hàng không và Thông tư số 43/2023/TT-BCA ngày 12/9/2023 của Bộ Công an về xác định phạm vi cửa khẩu hàng không; xử lý dứt điểm những vướng mắc về việc phân định phạm vi liên quan khu vực cửa khẩu, khu vực cách ly xuất nhập cảnh, ranh giới quốc tế/quốc nội tại những cảng hàng không hỗn hợp, việc bố trí mặt bằng nhà ga, lối đi... Tăng cường công tác kiểm soát xuất nhập cảnh. Triển khai lực lượng An ninh trên không làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh các chuyến bay thương mại quốc tế và trong nước phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
- Chủ động hướng dẫn Ban Chỉ đạo Phòng chống khủng bố các địa phương có cảng hàng không, sân bay triển khai công tác khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng; tập trung các mặt công tác: (i) Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Phương án/Kế hoạch khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng của từng địa phương đảm bảo các tiêu chí: phù hợp với tính chất, đặc điểm của cảng hàng không, sân bay, công trình hàng không; với nguy cơ, khả năng, diễn biến thực tế xảy ra các tình huống can thiệp bất hợp pháp trên địa bàn và khả năng, điều kiện tổ chức công tác đối phó của địa phương; (ii) Tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xác minh, làm rõ và có biện pháp xử lý đối với các vụ việc liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, đèn chiếu tia laze vào tàu bay trên địa bàn; (iii) Công an các đơn vị địa phương có cảng hàng không, sân bay chủ trì, tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai công tác đánh giá, quản lý rủi ro an ninh hàng không trên địa bàn tỉnh, thành phố; nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời trao đối với các đơn vị, doanh nghiệp ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay về âm mưu, hoạt động của các hệ đối tượng có biện pháp bảo đảm an ninh hàng không ngay từ cơ sở.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả và ứng dụng kết quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào lĩnh vực an ninh hàng không.
5. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan và chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt công tác xin phép bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi nước ngoài; công tác cấp phép bay cho chuyên cơ lãnh đạo cấp cao nước ngoài vào thăm Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khuôn khổ đa phương và song phương về an ninh hàng không.
6. Cục Hàng không Việt Nam - Văn phòng Ủy ban ANHK tham mưu đề xuất kiện toàn Ủy ban ANHK ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban ANHK.
Tham mưu, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024 của Ủy ban ANHK. Phối hợp cơ quan liên quan khảo sát địa điểm và lựa chọn kịch bản phục vụ tổ chức diễn tập Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp quốc gia năm 2025. Tiếp tục chỉ đạo các cảng hàng không đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình kiểm soát chim, động vật hoang dã tại các cảng hàng không. Triển khai công tác thông tin, phối hợp để hạn chế nguy cơ uy hiếp an toàn bay do chim gây ra.
7. Các đơn vị, doanh nghiệp hàng không tích cực xây dựng các giải pháp tăng cường hiệu quả kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh an toàn thông tin, hệ thống dữ liệu hàng không.
8. Ban Chỉ đạo Phòng chống khủng bố các địa phương:
- Kiện toàn Ban Chỉ đạo theo quy định tại Nghị định số 62/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo Phòng chống khủng bố các cấp.
- Chủ động công tác quản lý, đánh giá rủi ro an ANHK trên địa bàn tỉnh, thành phố theo chức năng bảo đảm ANHK của Ban Chỉ đạo; đầu tư công trình, trang bị, thiết bị phục vụ hoạt động hàng không dân dụng quy định tại Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về ANHK; định kỳ 6 tháng/1 năm hoặc đột xuất tổ chức đánh giá rủi ro ANHK để có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, không để bị động, bất ngờ, kết quả báo cáo về Hội đồng đánh giá rủi ro an ninh hàng không dân dụng quốc gia để tập hợp, xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro an ninh hàng không.
- Tăng cường kiểm tra đối với hoạt động của các Ban chỉ huy khẩn nguy cảng hàng không, sân bay; phê duyệt kế hoạch khẩn nguy đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp cảng theo đúng quy định tại Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ngày 05/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng được ban hành kèm theo Quyết định số 16/2017/QĐ-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về bảo đảm ANHK; đổi mới, đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền, gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát huy tối đa các điều kiện, phương tiện của địa phương.
9. Các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị Công an, Quân đội và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cảng hàng không, sân bay; phối hợp với các cảng hàng không trong quá trình triển khai Kế hoạch công tác năm 2024 của Ủy ban ANHK và Chương trình kiểm soát chim, động vật hoang dã tại các cảng hàng không.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.