VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 361/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ VĂN NINH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 10 tháng 9 năm 2013, tại thành phố Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã làm việc với lãnh đạo Thành phố. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Báo cáo tình hình đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn từ năm 2011 đến nay và một số kiến nghị của Thành phố; ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận như sau:
I. Đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Trong giai đoạn 2012 - 2013, Thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên nhiều mặt: thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số về giá tiêu dùng, lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng và thanh khoản của hệ thống ngân hàng được kiểm soát và duy trì ở mức hợp lý. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt cao hơn bình quân chung của cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Hạ tầng giao thông, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, Thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về hàng tồn kho, thị trường bất động sản, nợ xấu tăng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân cũng còn gặp nhiều khó khăn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cần phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013.
II. Nhiệm vụ trong thời gian tới: Về cơ bản, thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Thành phố đã đề ra, trong đó cần tập trung vào một số việc:
1. Đánh giá toàn diện hơn về tình hình, kết quả thực hiện, đặc biệt cần tìm ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đẩy mạnh hơn nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tăng cường công tác quản lý, giám sát của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; xác định giá trị, công nợ của doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa; đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế quản lý tài chính các đơn vị sự nghiệp công; tập trung xử lý nợ xấu, tiếp tục tạo thanh khoản tín dụng trong hệ thống ngân hàng; có kiến nghị về cơ chế, chính sách mang tính đột phá cho thời gian tới để đẩy mạnh tiến trình này.
2. Tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, thông qua nhiều kênh, nhiều giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, trong đó chú trọng hình thức hợp tác công - tư (PPP).
3. Thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung trên địa bàn thành phố nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; xem xét từng dự án để có phương án giải quyết cụ thể. Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội thời gian tới còn khó khăn, cần tăng cường công tác quản lý, thực hiện các biện pháp phù hợp, phấn đấu hoàn thành thu ngân sách nhà nước đồng thời tiết kiệm chi.
4. Chủ động làm việc với Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại để tập trung thực hiện ổn định hệ thống gắn với giải quyết nợ xấu; đồng thời khuyến khích cho vay đối với các doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh; xử lý hàng tồn kho gắn với khai thông thị trường bất động sản, tạo cơ chế tốt hơn để phát triển nhà ở xã hội.
5. Tăng cường quản lý thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa gắn với ổn định giá cả; xây dựng phương án điều chỉnh giá hợp lý đối với một số dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục,... để không gây cộng hưởng tăng giá chung.
6. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội; giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
7. Nghiên cứu, đề xuất về mô hình liên kết, phát triển vùng Thủ đô, nhằm tạo ra những lợi thế mới phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng mà Hà Nội là trung tâm.
III. Về một số đề nghị của Thành phố:
1. Về kiến nghị đối với dự án Luật Đầu tư công:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị phù hợp của Thành phố trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6 tháng 10 năm 2013.
2. Về sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư:
Trong khi chờ sửa đổi Luật Đầu tư (dự kiến trình Quốc hội năm 2014), giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Về kiến nghị rút gọn thủ tục đầu tư tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị và Nghị định 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh:
Giao Bộ Xây dựng theo dõi sát việc triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị định 11/2013/NĐ-CP; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tư pháp cùng các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát Nghị định 70/2012/NĐ-CP trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết.
4. Về kiến nghị giảm tiền thuê đất cho sản xuất kinh doanh tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010: Giao Bộ Tài chính đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
5. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công thương nghiên cứu, nếu có đặc thù thì xây dựng Đề án cụ thể báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
6. Về việc di dời trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh ra khỏi nội thành: Đồng ý với kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng lộ trình di dời các cơ sở này ra khỏi nội thành đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25 tháng 2 năm 2013 về ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô.
7. Về các kiến nghị liên quan đến hỗ trợ có mục tiêu, bổ sung kinh phí cho thành phố: Hiện nay và trong thời gian tới, ngân sách nhà nước còn khó khăn, đề nghị UBND thành phố Hà Nội chủ động cân đối ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển của Thành phố.
8. Về huy động vốn theo Khoản 3 Điều 8 Luật ngân sách Nhà nước: Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước. Trước mắt để đáp ứng nhu cầu về vốn của thành phố có thể áp dụng hình thức phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương.
9. Về thành lập cơ quan thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ; nâng cao năng lực Chi cục tài chính doanh nghiệp giúp UBND thành phố thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.
10. Về kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: UBND thành phố tiếp tục thực hiện văn bản số 2252/TTg-ĐMDN ngày 29 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ hoàn thành vào năm 2015.
11. Về đề nghị xin giữ lại số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước khi cổ phần hóa ở các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố Hà Nội để bổ sung cho Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bổ sung vốn cho các doanh nghiệp công ích của thành phố: UBND thành phố thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết, thành phố xây dựng đề án cụ thể báo cáo Bộ Tài chính có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.