VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 357/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2020 |
Ngày 22 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã chủ trì Phiên họp lần thứ bảy của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899). Sau khi nghe Cơ quan thường trực của Ủy ban 1899 báo cáo, ý kiến của các thành viên Ủy ban, Phó Thủ tướng kết luận như sau:
I. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2020:
1. Biểu dương, đánh giá cao Cơ quan thường trực của Ủy ban 1899 -Tổng cục Hải quan đã tổng hợp, chuẩn bị báo cáo đánh giá đầy đủ kết quả triển khai Cơ ché một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại của những tháng đầu năm 2020 và Bộ Công thương đã có báo cáo tình hình phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
2. Trong năm 2020, nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại rất nặng nề, nhiều việc phát sinh mới so với năm 2019. Cơ quan thường trực đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tập trung triển khai các nội dung nhiệm vụ đề ra tại Phiên họp lần thứ sáu của Ủy ban 1899.
a) Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN:
Đến ngày 25 tháng 8 năm 2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 200 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 3,2 triệu hồ sơ của trên 40 ngàn doanh nghiệp. Trong những tháng đầu năm 2020 đã triển khai chính thức thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với 12 thủ tục hành chính mới (10 thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 02 thủ tục của Bộ Y tế); Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử tất cả 9 nước ASEAN tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 179.763 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 263.684 C/O; đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Việt Nam đã hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á - Âu; đang đàm phán trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; trao đổi chứng nhận điện tử với New Zealand.
b) Về công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành:
Trong những tháng đầu năm 2020, việc thực hiện công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực, các Bộ, ngành đã từng bước loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; rà soát cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành...) thông qua việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2026/QĐ-TTg , Quyết định số 1254/QĐ-TTg .
c) Tồn tại, hạn chế:
Việc triển khai các nhiệm vụ sửa đổi các văn bản pháp luật, ban hành Danh mục HS, công bố quy chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành còn chưa hoàn thành theo chỉ đạo và thời hạn do Chính phủ đề ra; nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chưa có đủ tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra; thiếu quy trình, cơ quan kiểm tra; đã áp dụng quản lý rủi ro nhưng không hiệu quả; chưa áp dụng công nhận lẫn nhau, thừa nhận lẫn nhau; chưa áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành; trình tự, thủ tục kiểm tra còn qua nhiều bước, quá mức cần thiết, không thống nhất; còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; chi phí kiểm tra chuyên ngành cao.
Nhiệm vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, các hoạt động tạo thuận lợi thương mại từ nay đến cuối năm 2020 rất nặng nề. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, yêu cầu các Bộ, ngành tập trung triển khai các nội dung sau:
1. Bộ Tài chính chủ trì:
a) Đôn đốc các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2018 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020.
b) Phối hợp với các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa
c) Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và triển khai Đề án.
d) Tổng hợp xây dựng kinh phí năm 2021 phục vụ thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại theo quy định.
2. Bộ Công an sớm triển khai kết nối Hệ thống chuyên ngành của Bộ Công an với Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường không theo Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Bộ Công Thương chủ động kiện toàn nhân lực cho bộ phận đầu mối giúp việc thuộc Bộ Công Thương để triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Bộ Giao thông vận tải phối hợp trong việc xây dựng hệ thống các chỉ tiêu thống kê logistics.
5. Các Bộ, ngành:
a) Tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát, thống nhất quy trình nghiệp vụ và chỉ tiêu thông tin; phân tích thiết kế; xây dựng hệ thống; kiểm thử, đào tạo và tập huấn; thí điểm và triển khai chính thức 61 thủ tục hành chính cần phải triển khai trong năm 2020 theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg và Quyết định số 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
b) Đẩy mạnh điện tử hóa hoàn toàn việc thực hiện các thủ tục hành chính theo dịch vụ công mức độ 4, khớp nối từ khâu nộp hồ sơ, thanh toán điện tử cho đến trả kết quả; Thiết lập cơ chế và đẩy nhanh việc chia sẻ dữ liệu điện tử nhằm tối ưu hóa việc thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia và thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Tập trung cải cách hành chính theo hướng giảm thiểu gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục, trong đó ưu tiên tăng cường minh bạch thông tin, thống nhất các biểu mẫu và cắt giảm, đơn giản hóa quy trình thực hiện thủ tục, cũng như thành phần hồ sơ.
c) Bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong quá trình triển khai, xây dựng kết nối các thủ tục và vận hành thủ tục điện tử, kịp thời hướng dẫn giải đáp các vướng mắc cho các bên liên quan.
d) Đối với các nhiệm vụ nêu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg chưa hoàn thành và các nhiệm vụ mới bổ sung tại Quyết định số 1258/QĐ-TTg ; giao các Bộ, ngành khẩn trương lập kế hoạch triển khai cho giai đoạn 2020 - 2021 và dự toán kinh phí cần bố trí năm 2020, năm 2021 gửi Bộ Tài chính để tổng hợp; Bộ Tài chính căn cứ đề nghị của các Bộ, ngành, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí để bố trí cho các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ trên trong giai đoạn 2020 - 2021.
đ) Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp tiến hành thường xuyên và thực chất các cuộc đối thoại doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cũng như thủ tục xuất nhập khẩu. Các cuộc đối thoại này nên tiến hành thường xuyên, theo từng nhóm ngành hàng, lĩnh vực thủ tục hành chính và đảm bảo có sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính và nhanh chóng công khai kết quả giải quyết vướng mắc của các doanh nghiệp.
e) Ban hành danh mục hàng hóa kèm mã HS, tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật hiện chưa được thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Ủy ban 1899, yêu cầu tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019.
g) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
h) Chuyển bản điện tử các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư, kiểm tra chuyên ngành... đến Cơ quan quản lý Cổng thông tin thương mại quốc gia Việt Nam (VTIP) tại Tổng cục Hải quan để đăng tải nội dung lên cổng.
i) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối trong việc thực thi Hiệp định, cụ thể là việc tham gia rà soát, đánh giá năng lực thực thi các cam kết B, C có liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành cũng như đề xuất kế hoạch chuyển đổi cam kết B, C.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.