VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 352/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2018 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BÌNH PHƯỚC
Ngày 20 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước về kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2018, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tỉnh và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước với tinh thần dám nghĩ, dám làm và ý chí quyết tâm đã tập trung chỉ đạo, điều hành với những giải pháp thiết thực, hiệu quả cùng với sự đoàn kết, thống nhất và nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận cao của nhân dân đã đưa địa phương vươn lên thoát nghèo, phát triển toàn diện; nhất là việc chủ động tích cực tìm kiếm thị trường - yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng sản xuất, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 6,83% (cao hơn bình quân cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt những kết quả nổi bật: Thu ngân sách tăng cao gần 70% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,67%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,29%; số dự án vốn đầu tư trong nước tăng 22%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo đã phát huy hiệu quả và huy động được sức dân cùng tham gia. Mô hình Trung Tâm hành chính công bước đầu đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục đạt kết quả tích cực, học sinh của Tỉnh giành được 01 huy chương vàng Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 19 và 01 huy chương đồng Olympic Vật lý Quốc tế năm 2018. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng; an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm, tổ chức tốt công tác thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách xã hội và người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%. An ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quan hệ đối ngoại với các tỉnh bạn Campuchia, Lào ngày càng được tăng cường.
Tuy nhiên, Bình Phước vẫn là tỉnh nghèo, còn khó khăn: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và nội lực; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm, năng suất lao động, sức cạnh tranh còn thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng xuống cấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 đứng rất thấp trong toàn quốc (62/63 tỉnh, thành). Số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao so với cả nước nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh là rất thấp (trên 21%) so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, buôn lậu qua biên giới có chiều hướng gia tăng; khiếu kiện vượt cấp, đông người về lĩnh vực đất đai tuy có giảm đáng kể nhưng còn diễn biến phức tạp.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI:
Cơ bản đồng ý định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong báo cáo của Tỉnh. Trong thời gian tới cần chú trọng làm tốt những nội dung chủ yếu sau:
1. Triển khai, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ X, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2018, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội và có giải pháp đột phá hơn nữa, phấn đấu đưa Bình Phước vào năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đạt thu nhập bình quân đầu người gấp đôi so với năm 2015, đồng thời cân đối được ngân sách địa phương.
2. Tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế gắn với rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành; đẩy mạnh đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, liên vùng kết nối với cửa khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công. Xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư để huy động vốn triển khai các công trình trọng điểm.
3. Quy hoạch và phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển toàn diện. Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cao su, điều...và sản phẩm trái cây gắn với thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Chú trọng xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu nông nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế.
4. Phát triển các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Quy hoạch các khu kinh tế, các khu công nghiệp gắn với nhà ở xã hội cho người lao động, người dân trong khu vực dự án. Xây dựng các cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là khu vực nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp. Huy động thu hút nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng khu du lịch, cơ sở hạ tầng phụ trợ phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách du lịch đến tham quan; phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái du lịch sống động, sản phẩm đa dạng. Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các tài nguyên du lịch, địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch ... tạo sự bứt phá cho du lịch Bình Phước.
5. Tăng cường công tác trồng rừng mới, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên còn lại, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng. Quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi rừng; quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn nước. Kiểm soát chặt chẽ và có kế hoạch cụ thể để giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, nước thải của các nhà máy, xí nghiệp, các trang trại chăn nuôi lớn...yêu cầu các doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn.
6. Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chỉ đạo quyết liệt, đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ. Lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành nhất là cấp sở, cấp huyện phải tập trung cải cách hành chính tốt hơn, xây dựng cơ chế thông thoáng, cởi mở, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn để thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đầu tư, kinh doanh. Thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, phấn đấu đến năm 2020, tăng gấp 2 lần số doanh nghiệp lên khoảng 12 nghìn doanh nghiệp và 75 người dân/1 doanh nghiệp.
7. Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững, công tác dân tộc; cải thiện tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, có giải pháp để nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội để bảo đảm an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho người dân (Đất đai, dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, môi trường, buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng cấm qua biên giới, các vụ khiếu kiện, kéo dài vượt cấp...đặc biệt là vấn đề dân di cư tự do, đảm bảo bố trí nơi ăn chốn ở cho đồng bào).
8. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và tác phong Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập trung đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
9. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Gìn giữ mối quan hệ hòa bình hữu nghị với nước bạn, thúc đẩy hợp tác kinh tế với Campuchia, Lào hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người dân, nâng cao giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về chủ trương đưa thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước lên thành phố trong năm 2018: Giao Bộ Nội vụ khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Về hỗ trợ 450 tỷ đồng để thực hiện đoạn còn lại của Quốc lộ 13 từ ngã ba Lộc Tấn đến cửa khẩu Hoa Lư (dài 16 km): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất từ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để hỗ trợ Tỉnh thực hiện Dự án khi có chủ trương sử dụng nguồn vốn này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Về nâng cấp, mở rộng đường ĐT759B đoạn từ trung tâm xã Thiện Hưng đi cửa khẩu Hoàng Diệu dài 10 km; hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng 01 cây cầu trên tuyến đường ĐT.741 nối giữa thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập; hỗ trợ vốn cho dự án di dời, ổn định dân cư xã Lộc An, Lộc Thành huyện Lộc Ninh và xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các dự án theo quy định.
4. Về dự án đường tuần tra biên giới: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn, phương án xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nếu thiếu nguồn lực, Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung nguồn vốn để thực hiện dự án nhất là các khu vực đã phân giới cắm mốc.
5. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu đầu tư tuyến đường từ Bình Phước đến sân bay Long Thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về sử dụng nguồn vốn sau khi thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc tỉnh Bình Phước: Đồng ý về chủ trương, giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất của Tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ.
- Về việc tạm ứng ngân quỹ Nhà nước để giải phóng mặt bằng Dự án hạ tầng giao thông: Giao Bộ Tài chính tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách tỉnh theo quy định để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án hạ tầng giao thông khi tỉnh Bình Phước có dự án cụ thể và hướng dẫn tỉnh thực hiện. Tỉnh Bình Phước tiến hành đấu giá đất và bố trí ngân sách địa phương để hoàn trả Kho bạc Nhà nước số tiền đã được tạm ứng theo quy định.
7. Về Quy hoạch điện mặt trời
- Bộ Công Thương xem xét, hướng dẫn triển khai các thủ tục quy hoạch điện mặt trời của một số tỉnh có tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó có tỉnh Bình Phước theo quy định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với bảo vệ môi trường.
- Đối với dự án Điện Mặt trời Lộc Ninh và đường dây 220 kV Lộc Thạnh - Bình Long 2 và các trạm biến áp: Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2018.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.