VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 350/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2015 |
Ngày 26 tháng 10 năm 2015, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ trì cuộc họp sơ kết công tác quý III năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Sau khi nghe Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo, ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan, đơn vị dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kết luận như sau:
Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đã thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng chức năng ở Trung ương có sự phối hợp tốt, chặt chẽ hơn; các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về tác hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao trách nhiệm trong việc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật. Kết quả bắt giữ, xử lý trong quý III năm 2015 của các lực lượng chức năng tăng cao so với cùng kỳ năm 2014, cụ thể: xử lý hơn 54.000 vụ vi phạm, tăng 15%, trong đó khởi tố 288 vụ với 301 đối tượng; thu nộp ngân sách từ tiền xử phạt, bán hàng tịch thu và truy thu thuế gần 4.400 tỷ đồng, tăng 38%; kết quả này góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, đảm bảo an ninh kinh tế, trật tự - an toàn xã hội, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số Bộ, ngành vẫn chưa chỉ đạo quyết liệt, sát sao trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách còn chậm, chưa chú trọng công tác kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các lực lượng chức năng. Đáng chú ý, tại một số địa phương việc điều tra, xử lý vi phạm ở nhiều vụ việc còn thiếu kiên quyết do nể nang, lợi ích cục bộ; công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng còn nhiều bất cập. Số vụ phát hiện, bắt giữ nhiều nhưng tỷ lệ xử lý hình sự thấp, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm... Vì vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm và trên một số lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, sản xuất trong nước, như: phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, chất cấm dùng trong chăn nuôi, bảo quản thực phẩm, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, xăng dầu, thuốc lá điếu...; các thủ đoạn gian lận gây thất thu lớn cho ngân sách, như: gian lận về giá tính thuế, xuất xứ, chủng loại hàng hóa nhập khẩu, gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Cơ bản đồng ý với nội dung, phương hướng, nhiệm vụ công tác nêu trong dự thảo Báo cáo công tác quý III năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chuyển biến mạnh mẽ và đi vào thực chất, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục.
2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, công chức và người dân về tác hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xử lý vi phạm; nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những đối tượng vi phạm pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cán bộ, công chức trong công tác này, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
3. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các qui định của pháp luật, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, không để các đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế để buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các văn bản qui định về trách nhiệm, quan hệ phối hợp, cơ chế đảm bảo kinh phí hoạt động cho các lực lượng chức năng.
4. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy nhanh quá trình xã hội hóa công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, huy động thêm nguồn lực cho công tác này, nhất là trong việc đầu tư thiết bị ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng cường năng lực kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại hàng cấm, hàng độc hại từ nước ngoài vào Việt Nam, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chống thất thu thuế.
5. Sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chuyên đề, Chỉ thị, Công điện, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc đấu tranh, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua như: cao điểm kiểm tra, xử lý buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, chống buôn lậu thuốc lá, xăng dầu..; đúc kết, nhận diện các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả, kịp thời.
6. Giao Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan dự thảo Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, xác định, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng, đảm bảo triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm; trình Trưởng Ban trước ngày 15 tháng 11 năm 2015.
7. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Văn phòng Chính phủ tích cực theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động trong việc thu thập, xử lý thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng để tham mưu, đề xuất Trưởng Ban có ý kiến chỉ đạo kịp thời, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng được dư luận chú ý.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.