VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 348/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2009 |
Ngày 26 tháng 11 năm 2009 tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Báo cáo lần III về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm và Hoàng Trung Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền; Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Nội vụ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Tư vấn báo cáo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
Yêu cầu Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Tư vấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan cập nhật đầy đủ các thông tin, tiếp thu ý kiến xác đáng của các Bộ, ngành, các hội nghề nghiệp, các chuyên gia và nhân dân đóng góp hoàn thiện Đồ án; tiếp tục nghiên cứu cụ thể, chi tiết, sâu hơn, nhất là hệ thống giao thông đô thị để bảo đảm tính khả thi của Đồ án quy hoạch.
a) Về không gian: Chính phủ đã đồng ý Tư vấn nghiên cứu phát triển phương án C, yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu sâu hơn, làm rõ ưu, nhược điểm cụ thể của từng phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phương án được đề xuất lựa chọn phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, hạn chế việc di dời dân cư và thể hiện chi tiết hơn tỷ lệ sử dụng đất của đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, khu vực đất cây xanh và khu vực nông thôn;
- Đối với khu vực đô thị trung tâm: nghiên cứu phương án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ để tôn tạo, bảo tồn, có kế hoạch phục hồi, trùng tu duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của các công trình này. Yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Đối với các khu chung cư cũ, khi cải tạo cần thực hiện chủ trương bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như: mật độ xây dựng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh,... để từng bước hoàn thiện đô thị văn minh, hiện đại;
- Đối với các đô thị vệ tinh, yêu cầu Tư vấn làm rõ hơn nữa tính chất, chức năng, vai trò của từng đô thị trong mối liên kết với đô thị trung tâm;
- Đối với khu vực nông thôn: là khu vực có tính chất đặc thù của Thủ đô, nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ cho đô thị, đồng thời chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; do vậy công tác quy hoạch phải vừa đáp ứng yêu cầu cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa hai khu vực nông thôn và đô thị, vừa phải bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho khu vực này.
b) Về kế hoạch sử dụng đất: tỷ lệ đất xây dựng đô thị khoảng 30%. Yêu cầu Tư vấn làm rõ khu vực nào cần giữ xanh hoàn toàn, khu vực nào kết hợp phát triển nông nghiệp, thể hiện đầy đủ trên Đồ án quy hoạch.
c) Về hạ tầng đô thị: tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, cụ thể hơn về phương án xây dựng kết cấu hạ tầng như: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, các vấn đề về cấp, thoát nước, công viên, cây xanh, hồ điều hòa,... đặc biệt nghiên cứu sâu về giao thông đường bộ và đường sắt, đề xuất các loại phương tiện giao thông, tỷ lệ giao thông công cộng trong đô thị,...;
Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp nghiên cứu làm rõ các trục giao thông chủ đạo (các đường vành đai, trục hướng tâm). Cần ưu tiên triển khai xây dựng các vành đai giao thông đối ngoại (vành đai 4), vành đai liên kết các đô thị vệ tinh (vành đai 5), các tuyến đường vành đai xanh để kết nối các khu đô thị (giữa vành đai 3 và 4, vành đai 4 và 5) và dự án đầu tư xây dựng hoặc cải tạo các cầu lớn qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, cầu Long Biên và các dự án về hạ tầng giao thông khác.
d) Về quản lý kiến trúc quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan lập ngay Quy chế quản lý xây dựng đô thị và kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Khuyến khích các dự án đầu tư xây dựng đồng bộ, các khu nhà cao tầng tại các khu đô thị mới giữa các vành đai 3 và vành đai 4 và các đô thị vệ tinh để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, giảm tải cho đô thị trung tâm. Quản lý nghiêm ngặt việc đầu tư xây dựng ngoài vành đai giao thông đối ngoại để bảo vệ vành đai xanh của Thủ đô.
đ) Về kinh tế đô thị: đây là vấn đề rất quan trọng cần nghiên cứu, tính toán dài hạn có phân tích, dự báo phát triển kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng,..., bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch, theo hướng chủ yếu dựa vào nội lực. Tư vấn nghiên cứu đề xuất các giải pháp trên cơ sở phối hợp hài hòa các hình thức đầu tư, phát huy tiềm năng đát đai, đặc biệt là các khu đất đô thị hóa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng.
e) Về thủy lợi: tính toán bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Thủ đô Hà Nội trong mọi tình huống. Yêu cầu của đồ án quy hoạch này là phải bảo đảm yêu cầu về tiêu, thoát nước, phân lũ, chậm lũ, trị thủy. Nghiên cứu chỉnh trị sông Hồng kết hợp với việc cải tạo, khai thác hệ thống các con sông Đáy, sông Tích, sông Lừ, sông Sét, sông Cà Lồ,... để phục vụ yêu cầu phát triển đô thị, bảo vệ môi trường.
g) Về Trung tâm hành chính: trong giai đoạn trước mắt giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu quy hoạch trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước tại khu vực Mỹ Đình, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành trung ương xây dựng nâng cấp trụ sở làm việc đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác cải cách hành chính. Tiếp tục nghiên cứu kỹ quy mô, phạm vi khu vực bố trí Trung tâm hành chính trong tương lai (tầm nhìn đến năm 2050) để đầu tư xây dựng khi có điều kiện.
a) Yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Tư vấn tập trung hoàn thiện đồ án, hồ sơ trình thẩm định trước ngày 31 tháng 01 năm 2010 và báo cáo theo lịch sau:
- Cuối tháng 2 năm 2010, báo cáo Chính phủ;
- Tháng 3 năm 2010, báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và Trung ương Đảng;
- Tháng 5 năm 2010: Báo cáo kết quả thực hiện công tác lập Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội với Quốc hội.
b) Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc xin ý kiến nhân dân, các hội nghề nghiệp liên quan để tiếp thu trong quá trình thẩm định Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội;
- Về phim 3D minh họa cho Đồ án quy hoạch: yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu, bổ sung kết hợp lời bình minh họa ý tưởng quy hoạch;
- Về mô hình: yêu cầu Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo các cơ quan, phối hợp chặt chẽ việc lập mô hình trong quá trình lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và bảo đảm khi Đồ án quy hoạch được phê duyệt thì mô hình cũng được hoàn thiện để trưng bày tại Cung triển lãm Quy hoạch quốc gia;
- Giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, rà soát, nâng cấp hệ thống các tiêu chuẩn đô thị Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đô thị bền vững để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành vào năm 2010;
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng các đô thị vệ tinh, trục cảnh quan không gian chủ đạo sông Hồng;
- Giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Cư trú để tăng cường việc kiểm soát dân số đô thị và quản lý phát triển đô thị một cách hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.