VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 337/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2009 |
Ngày 12 tháng 11 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Chiến lược An sinh xã hội và dự thảo Đề án Hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với dân cư nông thôn giai đoạn 2011 – 2020. Cùng dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày dự thảo Chiến lược An sinh xã hội và dự thảo Đề án Hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với dân cư nông thôn giai đoạn 2011 – 2020, ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến kết luận như sau:
Việc xây dựng dự thảo Chiến lược An sinh xã hội và dự thảo Đề án Hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với dân cư nông thôn giai đoạn 2011 – 2020 là nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ từ nay đến năm 2010, yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ vào tháng 12 năm 2009, với các nội dung chính như sau:
I. DỰ THẢO CHIẾN LƯỢC AN SINH XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2011-2020
1. An sinh xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, luôn là một phần quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, xây dựng và thực hiện Chiến lược An sinh xã hội là yêu cầu rất hệ trọng nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài tạo sự phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Đối tượng, phạm vi của Chiến lược
a) Về đối tượng: cần nghiên cứu làm rõ thêm định nghĩa hệ thống an sinh xã hội, có thể tham khảo quyền an sinh thể hiện trong Hiến chương của Liên hiệp quốc để cụ thể hóa nội dung này. Nghiên cứu việc phân nhóm để đề xuất giải pháp xử lý phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng.
b) Cần thống nhất xác định phạm vi của Chiến lược bao gồm các chính sách hỗ trợ những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, giúp họ có việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giảm nghèo và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản…
3. Về đánh giá thực trạng; cần rà soát, đánh giá đầy đủ, tổng thể các chính sách an sinh xã hội hiện hành, trong đó cần phân tích đặc điểm kinh tế - xã hội, đặc thù về địa hình tự nhiên (vùng, địa phương), vấn đề nghèo đói, thiên tai, bão lũ thường xuyên, mức độ rủi ro,… làm ảnh hưởng đến con người và đặt trong mối quan hệ với hệ thống chính sách kinh tế - xã hội khác.
Để xác định thời gian thực hiện Chiến lược trong 10 năm, cần làm rõ điểm xuất phát của hệ thống chính sách, phân mốc thời gian thực hiện để đặt chỉ tiêu phấn đấu trong từng thời kỳ.
4. Về mục tiêu, ngoài việc xác định rõ các mục tiêu cơ bản, cần phân định các mục tiêu cụ thể, trên cơ sở đó cụ thể hóa các mức phấn đấu sẽ đạt được trong từng thời kỳ, từng nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.
5. Về nội dung, tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội, bao quát toàn bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu cơ bản và các mục tiêu cụ thể.
a) Tổng hợp các chính sách hiện hành phân tích và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Chiến lược.
b) Đề xuất ban hành các chính sách, giải pháp mới.
c) Thực hiện phân kỳ, đánh giá định lượng bằng số liệu cụ thể, xác định rõ nguồn lực, nguồn từ ngân sách nhà nước để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.
6. Tổ chức thực hiện: cần xác định các mục tiêu cụ thể theo từng năm. Phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân để bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chiến lược.
II. DỰ THẢO ĐỀ ÁN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI DÂN CƯ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011-2020
1. Đặt vấn đề xây dựng Đề án: đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thực hiện các chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa đặc biệt, vì đây là khu vực có dân số chiếm trên 70% tổng dân số cả nước, nông dân là những người chịu nhiều thiệt thòi, rủi ro, trong khi đó, lao động nông thôn là lực lượng chính của các ngành công nghiệp, đội ngũ trí thức, lực lượng vũ trang… Vì vậy, việc đặt vấn đề xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với dân cư nông thôn là rất cơ bản và cần thiết.
2. Đề án cần làm rõ đối tượng và phạm vi
a) Xuất phát từ định nghĩa hệ thống an sinh xã hội cần phân biệt rõ khái niệm về phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro. Từ đó xác định đối tượng thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn nông thôn là những người chịu mức rủi ro cao, chưa đạt được mức sống tối thiểu về những nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, đi lại, sử dụng dịch vụ văn hóa, giáo dục và chữa bệnh… và xác định số đối tượng cụ thể theo từng nhóm chính sách cần sự hỗ trợ hoặc bảo trợ của Nhà nước;
b) Về phạm vi, cần phối hợp đồng bộ các chương trình khác, xác định rõ phạm vi theo đặc điểm của các vùng, miền trong cả nước, từ đó xác định phạm vi cần tập trung thực hiện, trước hết cho vùng khó khăn, vùng khá hơn thực hiện sau hoặc tự lo…
3. Về nội dung, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các chính sách hiện hành để đề xuất giải quyết tổng thể các chính sách hiện có, cần chú ý khắc phục nhược điểm của các chính sách xã hội hiện hành còn mang nặng tính bình quân, không rõ trọng tâm, chưa phù hợp với điều kiện thực tế theo hướng:
a) Tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành, có bổ sung điều chỉnh nâng lên để bảo đảm nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, đi lại, sử dụng dịch vụ văn hóa, giáo dục và chữa bệnh…
b) Nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, giải pháp cho phù hợp với thực tế và bảo đảm yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
c) Về nguồn lực, cần chú ý khi xây dựng mạng lưới an sinh xã hội không chỉ do Nhà nước thực hiện, mà còn bao gồm sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ, các tổ chức từ thiện, tình thương … vì vậy, các giải pháp huy động nguồn lực phải đẩy mạnh xã hội hóa, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các quỹ xã hội, từ thiện…
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành biết và thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.