VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 333/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẮC KẠN
Trong các ngày 15 và 16 tháng 7 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát Dự án cao tốc Chợ Mới - Thành phố Bắc Kạn và tuyến đường Thành phố Bắc Kạn - Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); khảo sát Nhà máy luyện kim phi cốc của Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim); thăm Di tích lịch sử Nà Tu và dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Bạch Thông; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Mông Thị Thi; thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn; chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cùng dự các hoạt động và buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
Bắc Kạn là tỉnh miền núi phía Bắc giàu truyền thống cách mạng, là nơi bắt nguồn 4 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng cho lực lượng Thanh niên xung phong: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”; con người Bắc Kạn cần cù, chịu khó, chân thành, thân thiện, mộc mạc, năng động, sáng tạo và hiếu khách. Tỉnh Bắc Kạn có diện tích tự nhiên rộng trên 4,8 nghìn km2, dân số hơn 320 nghìn người với mật độ dân cư khoảng 67 người/km2, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 88% dân số; có tài nguyên thiên nhiên đa dạng; mạng lưới sông ngòi phong phú, là thượng nguồn của 5 con sông lớn là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Cầu; đất đai tương đối màu mỡ với tỷ lệ đất nông nghiệp lớn, nhiều nơi có tầng đất dày, lượng mùn cao và diện tích rừng tự nhiên lớn với tỷ lệ che phủ rừng trên 73%, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp sinh thái, lâm nghiệp và bảo vệ, phát triển rừng; có tiềm năng phát triển du lịch với hồ Ba Bể là di tích quốc gia đặc biệt, một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,7%, đứng thứ 6/14 các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và xếp thứ 34/63 các tỉnh, thành phố; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với khu vực dịch vụ chiếm 51,9%; sản xuất công nghiệp tăng 10,8%; thương mại và dịch vụ phát triển khá; du lịch phục hồi nhanh với lượng khách du lịch tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số đạt nhiều kết quả, chỉ số PCI năm 2022 tăng 13 bậc, đứng thứ 35/63 các tỉnh, thành phố và chỉ số PAPI năm 2022 tăng 4 bậc, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, an sinh xã hội được quan tâm, công tác giảm nghèo bền vững được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,07%/năm; công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, năng lực lãnh đạo, thực thi công vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng cao.
Nhìn lại hơn 26 năm tái lập Tỉnh đến nay, tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn đã có những đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng được duy trì; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Bên cạnh kết quả đạt được, Tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tích cực khắc phục như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng GRDP còn thấp; thu ngân sách còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ ngân sách trung ương; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, sản phẩm chưa nhiều; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với bình quân chung của cả nước; công tác Quy hoạch triển khai chậm; sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư và xuất khẩu còn khó khăn; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường còn hạn chế, tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhất là mạng lưới giao thông, nguồn điện, lưới điện; tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn…
II. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI
Trong điều kiện tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng thấp, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thị trường bị thu hẹp và ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Kạn và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần đổi mới tư duy trong cách nghĩ, cách làm; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; trong đó lưu ý một số quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn xã hội, tinh thần tự lực, tự cường, tự tin vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình; không trông chờ, ỷ lại, không mất bình tĩnh khi gặp khó khăn, không quá lạc quan khi gặp thuận lợi; phấn đấu đến năm 2030 Bắc Kạn trở thành Tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước và đến năm 2050 trở thành Tỉnh có nền kinh tế năng động, phát triển khá so với các địa phương trên cả nước.
3. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo để hành động; chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bảo đảm phù hợp điều kiện, tình hình để triển khai có trọng tâm, trọng điểm; tạo đột phá để phát triển hài hòa, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển văn hóa đa dạng bản sắc các dân tộc, phát triển hệ sinh thái rừng và công bằng, tiến bộ xã hội.
4. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực thực thi của các cấp cơ sở; cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
5. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, bao gồm cả nguồn vốn nước ngoài và nguồn vốn xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ Nhân dân. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương và các cấp cơ sở để tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế. Chú trọng đầu tư, có giải pháp phù hợp để khắc phục các khó khăn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng mạng lưới cấp điện, cấp nước, hạ tầng thông tin từ nguồn nội lực và huy động các nguồn đóng góp tự nguyện từ xã hội.
6. Thực hiện tốt công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn, chiến lược để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; hoàn thành công tác lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 8 năm 2023.
7. Chú trọng triển khai thực hiện 03 đột phá chiến lược; tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu; triển khai hiệu quả Chương trình OCOP với 05 nhiệm vụ trọng tâm gồm phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, huy động vốn và thực hiện công tác quy hoạch; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế rừng với 03 trọng tâm gồm phát triển thị trường tín chỉ các-bon, phát triển điện sinh khối, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, dược liệu, gỗ và sản phẩm khác; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ khuyến công và đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp với quy mô phù hợp, ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế rừng; tập trung thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng theo hướng kết nối liên vùng, lưu vực sông, lấy hồ Ba Bể làm trung tâm để tạo chuỗi giá trị “Một hành trình, nhiều điểm đến” gắn liền với quảng bá, phát huy truyền thống văn hóa, bản sắc và con người Bắc Kạn.
8. Quyết liệt thực hiện đồng bộ công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng bao trùm, toàn diện; củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trường Dân tộc nội trú và bán trú; thực hiện tốt các chính sách cử tuyển cho đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển trường cao đẳng đa ngành, đa nghề phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tiếp tục quan tâm đầu tư cho lĩnh vực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, kế hoạch đào tạo nhân lực y tế từ xa; có chế độ chính sách phù hợp đối với y tế cơ sở, nhân lực y tế tại các thôn, bản, đặc biệt là các đối tượng đã được đào tạo để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào từ cơ sở, từ sớm, từ xa.
Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh phụ cấp cho nhân viên y tế bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8 năm 2023.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, hỗ trợ Tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình/Đề án cụ thể để phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh, coi nguồn nhân lực là trụ cột, động lực, nội lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
9. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác thông tin, truyền thông, vận động Nhân dân tuân thủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ủng hộ và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
10. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thường xuyên lắng nghe để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị lớn; tăng cường chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế số, xã hội số.
11. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan công quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đủ uy tín, chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, không đùn đẩy trách nhiệm; đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp, các ngành, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về các kiến nghị liên quan đến Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang:
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh về việc sử dụng vốn ngân sách trung ương bố trí cho Dự án để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho Tỉnh hoàn thành Dự án đúng tiến độ đề ra, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8 năm 2023.
- Giao các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn 02 Tỉnh: Bắc Kạn và Tuyên Quang thực hiện quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng đối với đoạn tuyến Ba Bể kết nối sang Na Hang của Dự án theo quy định hiện hành trong tháng 8 năm 2023; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn 02 Tỉnh: Bắc Kạn và Tuyên Quang xây dựng Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho đoạn tuyến Ba Bể kết nối sang Na Hang theo quy định hiện hành trong tháng 8 năm 2023, bảo đảm thống nhất chung trong Dự án và phần đoạn tuyến đã thực hiện xong; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
2. Về Dự án đường cao tốc Chợ Mới - Thành phố Bắc Kạn:
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định chủ trương đầu tư Dự án nêu trên theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Văn bản số 5450/VPCP-CN ngày 19 tháng 7 năm 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2023; trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án; phấn đấu khởi công Dự án trong Quý IV năm 2023 và hoàn thành trong năm 2025.
3. Về thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng:
Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và cơ quan liên quan nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật có liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giao cơ quan chủ quản triển khai Dự án theo quy định.
4. Về hỗ trợ vốn đầu tư các tuyến đường lâm nghiệp:
Việc đầu tư các tuyến đường lâm nghiệp phục vụ phát triển, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng là cần thiết. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn khẩn trương rà soát, lập Đề án/Dự án cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, hình thức đầu tư phù hợp, mức hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Quý III năm 2023 để chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể bảo đảm hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn và điều kiện về nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
5. Về hỗ trợ vốn để triển khai đầu tư các công trình cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn Tỉnh:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn rà soát, ưu tiên sử dụng số vốn đầu tư công đã được giao trong Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn lực xã hội để nghiên cứu, có giải pháp cấp điện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả cho các thôn, bản chưa có điện.
- Giao Bộ Công Thương tổng hợp kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn, khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu về nguồn vốn, cơ chế tài chính thực hiện Chương trình “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong Quý III năm 2023.
6. Về các kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý, phát triển và bảo vệ rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng:
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Tỉnh trong quá trình hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ và các văn bản liên quan, tạo điều kiện hỗ trợ Tỉnh phát triển kinh tế rừng, nâng cao sinh kế cho người dân.
7. Về đề nghị giao bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp cho Tỉnh:
- Trước mắt Tỉnh tập trung sử dụng, khai thác có hiệu quả chỉ tiêu đất khu công nghiệp được giao tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ nhu cầu thực tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Tỉnh khẩn trương rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng đất bảo đảm hiệu quả, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 8 năm 2023.
- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của Bắc Kạn trong quá trình nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
8. Về các kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý đất đai, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất đa mục đích:
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hướng dẫn Tỉnh thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đối với các nội dung chưa được quy định cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, tổng hợp trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai và hệ thống văn bản liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
9. Về giải quyết tồn tại, vướng mắc của Nhà máy luyện kim phi cốc của Matexim:
Giao Bộ Công Thương khẩn trương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đánh giá toàn diện Dự án đầu tư Nhà máy nêu trên bảo đảm khách quan, xác định rõ các vướng mắc phát sinh, trách nhiệm của các bên liên quan; trên cơ sở đó, nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý dứt điểm theo thẩm quyền; báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền, hoàn thành trong tháng 8 năm 2023.
10. Giao Văn phòng Chính phủ thường xuyên rà soát, đôn đốc việc thực hiện và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện định kỳ hằng năm.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.