VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2013 |
Ngày 07 tháng 01 năm 2013, tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tham dự và chủ trì Hội nghị về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2006 - 2011, phương hướng phát triển giai đoạn 2012 - 2020. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ủy ban Dân tộc; Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân 14 tỉnh trong vùng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trung tâm tư vấn hỗ trợ đào tạo nhân lực Dân tộc miền núi và Lãnh đạo một số trường đại học, cao đẳng trong vùng. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của vùng giai đoạn 2006 - 2011 và phương hướng, mục tiêu và giải pháp giai đoạn 2012 - 2020; ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
Đánh giá cao Báo cáo và việc chuẩn bị Đề án về phương hướng phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ giai đoạn 2012 - 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đảng ta đã xác định: phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo là “Quốc sách hàng đầu”. Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Việc chăm lo, phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề cho vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá để phát triển bền vững, khai thác tốt tiềm năng và phát huy lợi thế của vùng, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân chí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã đạt được những kết quả quan trọng: Hệ thống trường, lớp ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được mở rộng, phát triển rộng khắp trên các địa bàn dân cư; Các điểm trường, lớp học được xây dựng đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; số lượng trường học đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu nuôi, dạy đối với học sinh dân tộc thiểu số. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được bổ sung kịp thời về số lượng và nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, giữ vững phẩm chất, tận tuỵ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, gắn bó với trường, lớp, học sinh. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng; Quy mô học sinh phổ thông dần đi vào ổn định; Cả vùng đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đang tiếp tục triển khai các chương trình nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn được nâng lên; Công tác đào tạo nguồn nhân lực có nhiều tiến bộ, bước đầu đã giải quyết được vấn đề đào tạo nhân lực tại chỗ cho các địa phương trong vùng.
Mặc dù vậy, kết quả giáo dục, đào tạo và dạy nghề của vùng vẫn còn những hạn chế, bất cập, thấp hơn so với kết quả chung của cả nước, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Tình trạng thiếu phòng học, phòng học tạm, thiếu thiết bị dạy học, nước sạch, công trình vệ sinh ở một số cơ sở giáo dục, nhất là ở những vùng khó khăn vẫn chưa được khắc phục. Cơ cấu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý vẫn còn nhiều bất hợp lý. Đời sống giáo viên vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng dạy học còn hạn chế. Tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao. Công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề còn chưa đáp ứng, chưa gắn với nhu cầu xã hội, việc làm; Mức thu nhập của người lao động còn thấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên, ngoài các nguyên nhân khách quan mang tính đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng thì còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như: Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề của các cấp ủy, chính quyền các địa phương còn chưa thật sâu sắc, đầy đủ; công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp, quy hoạch phát triển nhân lực của vùng, việc bố trí nguồn lực đầu tư còn hạn chế, bất cập; Hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của vùng cần các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện; công tác xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề còn nhiều khó khăn, hạn chế.
II. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
1. Các cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền các địa phương trong vùng, các Bộ, ngành, cơ quan cần quán triệt sâu sắc và chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 26-KL/TW ngày 02 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020.
2. Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề của mỗi địa phương và cả vùng trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện; Chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của địa phương mình. Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương.
3. Tiếp tục mở rộng quy mô hệ thống trường, lớp học một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tiễn và quy hoạch dân cư; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học tạm, xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú; Coi trọng việc xây dựng và phát triển các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú; Phấn đấu trong giai đoạn đến năm 2020 thành lập thêm 2 trường đại học trên địa bàn vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có cơ hội được học, tiếp cận với giáo dục đại học. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề theo quy hoạch; Triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, ưu tiên dạy nghề cho đối tượng là người dân tộc thiểu số.
Cùng với ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư ngày càng tăng lên, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề từ xã hội, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
4. Khắc phục cơ bản tình trạng học sinh bỏ học do điều kiện khó khăn; Tập trung củng cố các cơ sở giáo dục mầm non. Các địa phương trong vùng phấn đấu hoàn thành đúng và vượt tiến độ quy định chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, bảo đảm chất lượng. Nâng chất lượng phổ cập trung học cơ sở, tăng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp.
5. Tập trung chỉ đạo làm tốt việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; có kế hoạch bố trí, sắp xếp, luân chuyển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách hợp lý; Ưu tiên đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số; Chú trọng việc dạy tiếng dân tộc và trang bị những hiểu biết, kiến thức cần thiết về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý công tác tại vùng dân tộc thiểu số.
6. Xây dựng khung chuẩn về kiến thức, kỹ năng, các chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa của cả nước, nhưng có tính đến phong tục, tập quán và những điều kiện đặc thù của vùng, địa phương. Thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác dạy và học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Cải tiến công tác kiểm tra, đánh giá kết quả nhằm phản ánh đúng thực chất về chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề và trình độ học sinh.
7. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đối với giáo viên công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là đối với những người công tác lâu dài tại các vùng này. Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chính sách tăng học bổng đối với học sinh các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và chính sách trợ cấp cho các học sinh nghèo, trình Thủ tướng Chính phủ.
8. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan, xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, sớm trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó lưu ý quán triệt sâu sắc các nội dung nêu trong Kết luận số 51-KL/TW ngày 29 tháng 10 năm 2012 về Đề án” Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
9. Ban Chỉ đạo Tây Bắc có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung, chương trình phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ban, ngành và địa phương liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.