VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 327/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2021 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỀ VẮC XIN, THUỐC ĐIỀU TRỊ COVID-19
Sáng ngày 05 tháng 12 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về vắc xin, thuốc điều trị COVID-19. Tham dự cuộc họp có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
1. Sau gần hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Thực tế cho thấy chiến lược vắc xin của Việt Nam là phù hợp tình hình, kịp thời, đạt kết quả tốt, đến nay tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 95,6%, tiêm mũi 2 đạt 74,2%. Các loại thuốc nhập khẩu, thuốc được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng điều trị COVID-19 đã được Bộ Y tế phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương, tuy nhiên, Bộ Y tế còn bị động trong chuẩn bị và phân bổ; việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 tiếp tục được Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tích cực, quyết liệt, quan tâm nghiên cứu thúc đẩy, hỗ trợ triển khai,... Bộ Y tế cũng đã khẳng định số lượng vắc xin mua, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, đã cam kết trong năm 2021 đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa phải xem xét tiếp việc xin, mua thêm. Các trường hợp tài trợ miễn phí hoặc cho, tặng vắc xin vẫn tiếp tục được khuyến khích, ghi nhận và hoan nghênh.
Trước diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cần có đánh giá kỹ lưỡng toàn diện, triển khai căn bản, khoa học, kịp thời, hiệu quả hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách đã chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, tích cực về vấn đề này, việc tổ chức thực hiện cần đồng bộ, thông suốt, tổng thể, liên thông, hiệu quả hơn nữa. Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không để địa phương nào thiếu vắc xin để hoàn thành tiêm chủng theo mục tiêu. Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến ngày 15 tháng 12 năm 2021, chậm nhất cuối tháng 12 năm 2021 cơ bản phải tiêm xong 2 mũi cho số người từ 18 tuổi trở lên, nhất là những người 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền.
2. Giao Ban cán sự Đảng Bộ Y tế:
- Khẩn trương hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo xin ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ (trước ngày 08 tháng 12 năm 2021). Trong đó, kế hoạch bảo đảm vắc xin phòng COVID-19 cần chi tiết về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vắc xin, tiêm tăng cường, bổ sung, nhắc lại, kế hoạch bảo quản, chú ý hạn sử dụng. Đồng thời tích cực tiêm mũi 3 và đề xuất lộ trình xã hội hóa việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, báo cáo, xin ý kiến Bộ chính trị.
- Xây dựng kế hoạch để sớm báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về phương án tiêm (mũi 1 và 2) cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, trong đó thể hiện rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, giải pháp trên cơ sở khoa học, diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước (trước ngày 10 tháng 12 năm 2021); đồng thời chỉ đạo quyết liệt để rà soát kỹ lưỡng đề xuất cấp có thẩm quyền kế hoạch mua vắc xin năm 2022 và đặc biệt là vắc xin cho trẻ em cần phải ký được hợp đồng trong tháng 12 năm 2021.
3. Bộ Y tế:
- Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về lộ trình, số lượng, chủng loại, lứa tuổi cần tiêm vắc xin cho năm 2022 để báo cáo Chính phủ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 (xong trước ngày 20 tháng 12 năm 2021).
- Chỉ đạo quyết liệt toàn ngành thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đến ngày 15 tháng 12 năm 2021 (chậm nhất đến 31 tháng 12 năm 2021) phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; địa phương nào không hoàn thành mục tiêu này đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tích cực triển khai có lộ trình để hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12 đến 18 tuổi.
- Bám sát tiến độ giao nhận, tiêm vắc xin để đảm bảo đủ vắc xin tiêm mũi 3 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên (phấn đấu trước tháng 6 năm 2022), đồng thời đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên những người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19; kiến nghị kịp thời việc tiêm mũi 3 cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi; Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan chủ động chi viện lực lượng hỗ trợ các địa phương thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm chủng để cả nước hoàn thiện theo mục tiêu đề ra.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát lại quy trình vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin, đánh giá chính xác, khách quan, khoa học các sự cố xảy ra để truyền thông kịp thời, đúng bản chất; kiến nghị rút kinh nghiệm và xử lý nếu có sai phạm.
- Bám sát, tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời đề xuất, tháo gỡ về thể chế, các khó khăn, vướng mắc liên quan tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, cấp phép vắc xin, thuốc điều trị COVID- 19... chủ động hơn nữa trong dự báo nhu cầu về số lượng, loại thuốc điều trị COVID-19 cho cả nước để có phương án mua, kể cả mua tập trung và phân bổ, sử dụng phù hợp với yêu cầu điều trị, bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống mọi biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; có cơ số dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu đối với các loại thuốc thiết yếu.
- Soạn thảo thư của Thủ tướng Chính phủ gửi Chương trình Tiếp cận toàn cầu vắc xin COVID-19 (COVAX), để đề xuất việc sử dụng vắc xin do COVAX tài trợ tiêm cho các đối tượng khác ngoài đối tượng đã cam kết.
4. Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều văn bản, kết luận về sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 trong nước, Bộ Y tế và các cơ quan tích cực triển khai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, kể cả hỗ trợ tài chính phù hợp, hiệu quả theo quy định cho các đơn vị, doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước trên nguyên tắc bảo đảm khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả; rút gọn nhất có thể về thủ tục hành chính nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về chuyên môn.
Bộ Y tế, các doanh nghiệp nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về quyết định chuyên môn của mình với tinh thần vô tư, trong sáng, tất cả vì sức khỏe, tính mạng người dân; bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, chống mọi biểu hiện hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh, hết sức tránh cả hai khuynh hướng là “chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển”.
5. Các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, nhất là về phân bổ, chủng loại vắc xin, tiến độ tiêm chủng, phản ứng phụ sau tiêm,... để Nhân dân yên tâm, tiếp tục tiêm, không phân biệt đối xử với các loại vắc xin đã được cấp phép.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.