VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 314/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2016 |
Ngày 21 tháng 9 năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã đi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 19/CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi kiểm tra thực tế tại Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng việc tiếp nhận, xử lý đơn, hồ sơ đăng ký sở hữu công nghiệp và đánh giá sự phù hợp của doanh nghiệp, nghe báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, ý kiến phát biểu của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:
1. Về các công việc đã triển khai:
Nhằm tổ chức triển khai những nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 1348/QĐ-BKHCN ngày 27 tháng 5 năm 2016 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016; đã có báo cáo định kỳ kết quả thực hiện hàng quý gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa, đã tiến hành tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định về việc vừa phải thực hiện chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu; cắt giảm thời gian kiểm tra đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh đối với mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; Nghị định số 105/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Nghị định số 107/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, trong đó, quy định những thủ tục rút gọn, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp; đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa theo hướng tập trung khắc phục các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng và phù hợp với các hiệp định hay điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiếp tục hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật làm cơ sở cho các hoạt động sở hữu trí tuệ của cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác; tiếp nhận và cơ bản xử lý một khối lượng lớn đơn sở hữu công nghiệp; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tài sản trí tuệ; góp phần tích cực trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong đó các cam kết về sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng đối với thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;
Tuy nhiên, các hoạt động nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong các lĩnh vực trên còn một số tồn tại và hạn chế. Việc sửa đổi, thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, thành lập Viện Năng suất quốc gia còn lúng túng, chậm trễ. Công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chậm, thời gian xử lý dài chưa đáp ứng yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp; quy trình, thủ tục và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc chậm đổi mới.
a) Lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa:
- Về thể chế: Rà soát và tập trung sửa ngay những quy định bất cập, gây bức xúc, khó khăn cho doanh nghiệp trong các nghị định và thông tư. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ nếu chưa kịp sửa nghị định thì trình Chính phủ tại phiên họp để ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện sớm. Việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, thực hiện theo lộ trình và mang tính tổng thể, lâu dài bảo đảm phù hợp với cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do;
- Về danh mục hàng hóa nhập khẩu nhóm 2: cần rà soát, sửa đổi bảo đảm nguyên tắc quản lý của nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, đồng thời tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và Văn phòng Chính phủ làm việc với các Bộ về rà soát hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 do các Bộ ban hành để loại bỏ hàng hóa không thực sự rủi ro về an toàn ra khỏi danh mục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 10 năm 2016. Về tỷ lệ kiểm tra, cần giảm xuống ngang mức thế giới; đối với hàng hóa xuất khẩu, phấn đấu thấp hơn mức thế giới.
b) Lĩnh vực sở hữu trí tuệ:
Tập trung giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; phấn đấu rút ngắn thời hạn xử lý và chỉ đứng sau Singapore trong các nước Đông Nam Á. Chú trọng đào tạo nhân lực, tăng số lượng thẩm định viên. Cải tiến, đổi mới quy trình thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm định đơn; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
c) Về đổi mới sáng tạo:
Cần đẩy mạnh công khai, minh bạch tất cả các khâu trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; nhân rộng mô hình, kết quả đổi mới sáng tạo. Phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Đổi mới cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học trong các trường đại học theo hướng chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.