VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 311/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2018 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐIỆN BIÊN
Ngày 26 tháng 7 năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc tại tỉnh Điện Biên; khảo sát thực tế mô hình xây dựng nông thôn mới và thăm, tặng quà một số gia đình chính sách nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27 tháng 7. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Tại buổi làm việc sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018 và một số kiến nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận như sau:
1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những kết quả rất tích cực mà tỉnh Điện Biên đã đạt được trong thời gian qua, trong đó, đáng chú ý là: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,28%, thu ngân sách đạt 53,1% kế hoạch; đến 30 tháng 6 năm 2018 đã giải ngân được 894 tỷ 272 triệu đồng, đạt 41,4% kế hoạch vốn giao, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành và tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng; chỉ số cải cách hành chính của tỉnh đạt 24/63 tỉnh, thành phố (năm 2016 là 42/63); đã triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nâng tổng số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới lên 16 xã; thực hiện tốt các chính sách với người có công, người nghèo.
2. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động việc làm tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư, mở rộng; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững.
Tuy nhiên, Điện Biên còn rất nhiều khó khăn tỷ lệ hộ nghèo cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém và chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; quy mô các doanh nghiệp của Tỉnh nhỏ, sức cạnh tranh thấp; các sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn còn hạn chế. Các thế lực thù địch thực hiện âm mưu "Diễn biến hòa bình", tuyên truyền đạo trái pháp luật và phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc; an ninh nông thôn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản thống nhất với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7% của năm 2018. Đồng thời rà soát kỹ khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018, tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo.
2. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp theo quy hoạch, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy phát triển một số ngành nghề sản xuất, mặt hàng thủ công, mỹ nghệ có lợi thế về nguyên liệu. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hình thức liên kết hợp tác, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn gắn với hợp tác xã và doanh nghiệp, thúc đẩy tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản mà nòng cốt là hợp tác xã và doanh nghiệp.
3. Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Tỉnh giai đoạn đến năm 2020 theo hướng thực chất, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập trung ưu tiên xây dựng nông thôn mới cho vùng khó khăn bằng đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, văn hóa, phong tục của người dân trên địa bàn. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản xuất các sản phẩm theo Chương trình OCOP.
4. Phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh như phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; tăng cường quảng bá, xúc tiến, phát triển các loại hình du lịch, hình thành các khu, tuyến, điểm du lịch và có kết nối các tuyến du lịch của địa phương khác.
5. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao chỉ số giáo dục ở tất cả các cấp học, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục có các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
6. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi theo hướng lồng ghép với việc thực hiện các Chương trình, nhất là các chính sách về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tạo cơ hội để vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ dịch vụ, phúc lợi xã hội.
7. Rà soát và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
8. Chú trọng công tác cải cách tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.
9. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chủ quyền, biên giới quốc gia. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; ngăn chặn hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về sử dụng 10% vốn dự phòng của Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Đề án 29 xã biên giới và 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất phương án sử dụng 10% vốn dự phòng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Về chính sách hỗ trợ đặc thù đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đối với các xã đặc biệt khó khăn dưới 5 tiêu chí: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2018.
3. Về bất cập mức hỗ trợ trồng rừng phòng hộ giữa Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ với Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp kiến nghị của các địa phương (trong đó có tỉnh Điện Biên) đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về bất cập trong chính sách trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan tổng hợp kiến nghị của các địa phương, đề xuất chính sách hỗ trợ gạo trồng rừng, đảm bảo đúng đối tượng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về bổ sung nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn bổ sung cho Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án: Tỉnh rà soát chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo hướng giảm tối đa diện tích đồng thời hoàn thiện hồ sơ theo quy định gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Về bố trí vốn cho Tỉnh để thực hiện các dự án về di dân thiên tai cấp bách, dự án sắp xếp ổn định dân cư, dân di cư tự do: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính để xem xét, tổng hợp bố trí vốn đầu tư thực hiện Dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3617/VPCP-KTTH ngày 19 tháng 4 năm 2018 và văn bản số 44/TB-VPCP ngày 31 tháng 01 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.
8. Về Dự án tái định cư thủy điện Sơn La:
a) Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan đề xuất phương án sử dụng một phần nguồn khấu hao tài sản cố định hình thành từ nguồn vốn ngân sách đã cấp cho công tác bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư của dự án thủy điện Sơn La để hỗ trợ Tỉnh hoàn thành và quyết toán dự án trên địa bàn.
b) Về sử dụng nguồn vốn kết dư chưa giải ngân hết của Dự án trong giai đoạn từ năm 2004 đến nay để thanh toán cho giá trị khối lượng nợ đọng của các dự án đã hoàn thành trước 31 tháng 12 năm 2016: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên rà soát kết quả sử dụng vốn đã được bố trí cho dự án sử dụng tại địa phương đến nay, đề xuất phương án xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Về hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn dự phòng năm 2020 ngân sách Trung ương để khắc phục sự cố công trình san nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, thị xã Mường Lay: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d) Về đấu giá toàn bộ quỹ đất còn lại tại khu tái định cư Khe Chít mở rộng và sử dụng nguồn kinh phí hình thành từ việc đấu giá để đầu tư xây dựng; các điểm tái định cư dọc trục đường 60m để tạo quỹ đất tái định cư bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án xây dựng tuyến đường vành đai II, thành phố Điện Biên Phủ: Tỉnh lập Đề án gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thẩm định và thực hiện theo quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
đ) Về kéo dài thời gian triển khai thực hiện 04 dự án thành phần thuộc dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La theo kế hoạch vốn được bố trí cho dự án: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để được bố trí vốn cho các dự án thành phần thuộc Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn của Tỉnh đã được Thủ tướng cho phép thực hiện tại Thông báo số 364/TB-VPCP ngày 09 tháng 11 năm 2016 và Công văn số 1297/VPCP-NN ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về kết quả thực hiện những tồn tại trong công tác di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.
9. Về Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 79):
a) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp Đề án vào phương án sử dụng dự phòng 10% kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Đối với số vốn còn dư chưa giải ngân của Đề án: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5395/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.
c) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xác định rõ nội dung tính chất nguồn vốn hỗ trợ bồi thường đất đai, cây trồng, vật nuôi (vốn đầu tư hay vốn sự nghiệp), đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
10. Về bố trí vốn để đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện Nậm Pồ: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế, đề xuất nguồn vốn phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Về Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng và thẩm định Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ.
12. Về việc bố trí vốn để thực hiện đầu tư hoàn thành QL.12 (đoạn qua tỉnh Điện Biên) và QL.279B đoạn Nà Tấu - Mường Phăng: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án bố trí vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
13. Về bố trí vốn đầu tư QL.279 đoạn Điện Biên - Tây Trang: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5395/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.
14. Về bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để địa phương thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông năm 2018: Giao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cân đối bổ sung hỗ trợ từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ Trung ương (ngoài phần phân bổ trong kế hoạch) và các nguồn vốn khác cho Tỉnh thực hiện.
15. Về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thu hồi hoàn trả ngân sách nhà nước 52 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014: Tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, xử lý.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.